Tại sao nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu đô la cho chiếc đồng hồ Richard Mille?


Có giá cao ngất ngưởng nhưng những chiếc đồng hồ của Richard Mille luôn khiến giới sành điệu thèm muốn.

“Tài không đợi tuổi” có lẽ là câu nói  phù hợp để diễn tả thương hiệu đồng hồ Richard Mille. Hai mươi mốt năm “tuổi đời” là không nhiều với một thương hiệu cao cấp. Thế nhưng, dù lịch sử non trẻ hơn nhiều cái tên trong ngành, Richard Mille vẫn dành được chỗ đứng nhất định trong lòng người chơi đồng hồ. Người ta vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ để sở hữu tạo tác của thương hiệu từ Thuỵ Sỹ này. Điều gì khiến những chiếc đồng hồ Richard Mille mê hoặc đến như vậy?

Lịch sử Richard Mille

Hai nhà sáng lập thương hiệu, Richard Mille và Dominique Guenat.

Richard Mille được lấy từ tên của nhà sáng lập. Nhưng bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: Cha đẻ của thương hiệu cao cấp này không phải là một nhà chế tác đồng hồ.

Richard Mille vốn theo học ngành quảng cáo. Nhưng ông mê mẩn động cơ và những chiếc xe đua. Năm 1974, khi mới tốt nghiệp, ông đầu quân cho Finhor, một thương hiệu đồng hồ Pháp nhỏ. Ông liên tục thăng tiến trong sự nghiệp, cuối cùng trở thành Giám đốc điều hành mảng chế tác đồng hồ của thương hiệu kim hoàn Pháp Mauboussin. Mãi đến năm 1988, ông mới tách ra riêng khi bất hoà với nội bộ quản lý của Mauboussin.

Niềm đam mê sưu tập xe là mấu chốt định hướng sáng tạo của Richard Mille. Ông quyết định tạo nên những mẫu đồng hồ mang dáng dấp thể thao, khác xa với hơi hướng cổ điển ở nhiều thương hiệu đồng hồ cao cấp.

Richard Mille bắt tay để khởi nghiệp cùng một người bạn, Dominique Guenat, chủ sở hữu một xưởng chế tác đồng hồ ở Les Breuleux, Thụy Sỹ. Năm 1999, thương hiệu đồng hồ Richard Mille ra đời. Hậu thuẫn cho thương hiệu non trẻ này chính là Audemars Piguet Renaud et Papi (APRP). Audemars Piguet cũng đóng góp về mặt kỹ thuật cho Richard Mille. Ban đầu, những công nghệ phức tạp như tourbillion và split-second chronographs xuất hiện trong đồng hồ Richard Mille do Audemars Piguet sản xuất.

Gây tiếng vang với mẫu đồng hồ đầu tiên

Sự ra đời của chiếc đồng hồ RM 001 được cho là đã thay đổi thế giới

Hai năm sau đó, chiếc đồng hồ RM 001 vỏ titan đầu tiên xuất xưởng. Dây chuyền sản xuất được đặt ở Thuỵ Sỹ. Còn văn phòng làm việc thì trong một lâu đài ở Moulins, Pháp. Sự đặc thù trong thiết kế của thương hiệu này nhanh chóng gây tiếng vang.

Người đứng đầu thương hiệu từng tiết lộ, ngay trong những năm đầu hoạt động, Richard Mille đã sinh lời. Việc đọc bản báo cáo kinh doanh với ông cũng vui như thể đang cầm một bảng điểm đẹp vậy.

Bên cạnh việc tạo ra những chiếc đồng hồ tinh xảo, Richard Mille cũng có mặt ở nhiều giải đấu thể thao lớn. Thương hiệu này không chỉ tài trợ mà còn có hẳn một đội đua xe xịn xò.

Yếu tố định giá chiếc đồng hồ Richard Mille

Kỹ thuật chế tác

Mẫu đồng hồ RM 27-01 thiết kế cho vận động viên quần vợt Rafael Nadal

Richard Mille có sức hút mà không phải chiếc đồng hồ cùng phân khúc nào cũng có được. Đó là kiểu dáng lạ mắt, kỹ thuật chế tác thượng thừa và cái mác “100% Made in Switzerland”.

Nếu phần lớn các loại đồng hồ trên thị trường khá cổ điển, lịch lãm thì Richard Mille chọn sự khoẻ khoắn, vị lai. Tinh hoa của những tạo tác thời gian này là sự giao thoa của kiến trúc và cơ học. Bộ vỏ có dáng Tonneau với độ cong lý tưởng giúp ôm trọn cổ tay một cách uyển chuyển. Còn mặt số thì thiết kế kiểu Skeleton đầy ấn tượng.

Các công đoạn chế tác cũng rất công phu. Được biết, mỗi vỏ đồng hồ phải trải qua khoảng 200 bước xử lý và có trung bình 15 loại đinh vít khác nhau.

Ví dụ như phần vỏ bằng titan của chiếc RM 016a chẳng hạn. Quá trình ôxy-hoá bằng điện plasma giúp tăng độ bền của vỏ đồng hồ. Thế nên Richard Mille cũng chẳng ngại ngần ném chiếc đồng hồ chỉ để chứng minh độ bền của nó. Chưa hết, kỹ thuật tinh xảo này cũng tạo nên những chiếc đồng hồ siêu nhẹ. Chiếc RM 27-01 mà Rafael Nadal từng đeo chỉ nặng 18gr, bằng một lá thư viết tay!

Chất liệu high tech

Mất 13 tháng để nghiên cứu dây đeo Carbon TPT trên mẫu đồng hồ nữ RM 07 01. Thành quả là phần dây có tới 200 bộ phận nhỏ chỉ nặng 29 gram.

Richard Mille đặc biệt ưa chuộng những chất liệu cao cấp. Khâu phát triển công nghệ mới đặc biệt hao tổn tiền bạc, thời gian của thương hiệu. Chính chất liệu hightech đã làm nên sự khác biệt, “leitmotiv”, cho nhà Richard Mille.

Chất liệu thường thấy trong đồng hồ Richard Mille rất cao cấp. Đó là các chất liệu dùng trong hàng không vũ trụ, đường đua thể thức 1 (F1) hay đua thuyền như: Alusic, phynox hay sợi nanocarbon.

Chất liệu độc đáo này mang lại sự siêu bền, khả năng chống sốc, chống hư tổn tuyệt đối cho đồng hồ Richard Mille. Thương hiệu kiểm tra chất lượng sản phẩm ở điều kiện khắc nghiệt, khi bắt tay với các vận động viên của những bộ môn thể thao mạnh bạo.

Ví dụ, tay đua xe Felippe Massa của làng thể thức 1. Mẫu RM 006 Tourbillon được thiết kế cho anh năm 2004. Nó chỉ nặng tương đương chiếc thể ngân hàng. Nhưng có thể chịu được độ sốc lên đến 500g. Năm 2009, Massa gặp tai nạn nghiêm trọng khi tham gia giải Hungary Grand Prix. Đầu của vận động viên này bị chấn thương, còn chiếc đồng hồ vẫn nguyên vẹn!

Số lượng có hạn

Chiếc đồng hồ RM 56-01 phiên bản giới hạn chỉ 5 chiếc, có giá 1,8 triệu euro.

Không nhiều người có thể sở hữu chiếc đồng hồ Richard Mille. Phần vì giá cả ngất ngưởng của nó, phần vì nó được sản xuất với số lượng vô cùng hạn chế. Nếu khách hàng cần chờ trung bình 6 năm để mua được một chiếc túi Hermes Birkin. Thì con số này hơi nhỉnh hơn nếu muốn mua chiếc đồng hồ RM 39 Tourbillon: 7 năm.

Mẫu RM 35 02 Automatic Rafael Nadal nổi bật với thiết kế đậm chất thể thao

Theo chia sẻ của nhà sáng lập, mỗi năm thương hiệu này chỉ sản xuất khoảng 4000 chiếc đồng hồ. Sản lượng này tăng nhẹ đều đặn nhưng nó vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người mua. Khi cầu quá cao so với cung, giá của sản phẩm càng được đẩy lên. Không chỉ bởi nhà sản xuất, mà cả ở thị trường chợ đen.

Điển hình là mmẫu RM 35-2 Automatic Rafael Nadal. Chiếc đồng hồ này có giá bán lẻ chính thức là 135.000 đô-la Mỹ. Nhưng dĩ nhiên bạn sẽ không dễ tìm mua được nó. Giá sang tay của mẫu đồng hồ này hiện vào khoảng 160.000 đô-la Mỹ.

Chiến lược Marketing thông minh

Nữ diễn viên Margot Robbie cùng đồng hồ Richard Mille

Tạo tác của Richard Mille thường được gọi là “chiếc đồng hồ của tỷ phú”. Một cái tên kiêu kỳ đủ làm cho những ai thích sự hào nhoáng bị mê mẩn.

Nhưng đó mới chỉ là tảng băng nổi của chiến dịch marketing khôn ngoan của thương hiệu Thuỵ Sỹ.

Cộng đồng những người sưu tầm đồng hồ Richard Mille được gọi là: Hội chơi của những chiếc đồng hồ 300.000 Euro. Nhưng đồng hồ Richard Mille có mức giá dao động từ 50,000 đến cả triệu Euro. Như vậy, chỉ cần bỏ ra số tiền thấp hơn thực tế, khách hàng Richard Mille đã có thể được vinh danh vì sự chịu chơi của bản thân. Ngay lập tức, Richard Mille khiến ai cũng muốn gia nhập hội sưu tầm đồng hồ của mình khi đánh trúng tâm lý người chơi đồng hồ siêu sang.

Ngoài ra, Richard Mille làm tên tuổi khi liên tục bắt tay với những gương mặt vàng của làng thể thao.

Tay vợt Mỹ Bubba Watson cùng mẫu đồng hồ “nhẹ tựa lông hồng” của Richard Mille

Một phần để khoe rằng, những mẫu đồng hồ Richard Mille có thể chịu va đập, hư tổn, sức ép của các bộ môn thể thao mà không bị hư hại gì. Một phần khác, những màn bắt tay này mang lại ý tưởng mới lạ cho Richard Mille. Các vận động viên sẽ gợi ý những gì họ cần trong một chiếc đồng hồ khi thi đấu, để thương hiệu chế tác sản phẩm phù hợp phù hợp với nhu cầu của mình.

Tay đua thể thức 1 Felipe Massa hay tay vợt huyền thoại Rafael Nadal là một trong số đó. Richard Mille đã thiết kế cho Rafael Nadal chiếc đồng hồ chỉ nặng 20 gram để anh mang khi thi đấu. Lúc tay vợt Tây Ban Nha lần đầu tiên chiến thắng ở giải Mỹ mở rộng, trên tay anh là chiếc đồng hồ Richard Mille. Tương tự, tay golf Bubba Watson cũng đeo tạo tác của Richard Mille khi đăng quang giải Master 2012 ở Augusta National. Với danh tiếng của thương hiệu Thuỵ Sỹ, danh sách này sẽ còn kéo dài

 Hoàng Hân (tổng hợp)


Các tin khác