Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 9/2023
I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Tuyên ngôn độc lập – Kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời, thể hiện rõ thiện chí hoà bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được sau hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân. Tuyên ngôn độc lập không chỉ là bản tổng kết những giá trị tiến bộ chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì độc lập và quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc, mà còn là nơi kết tinh và toả sáng những nét đẹp văn hoá rất tiêu biểu của dân tộc như: tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan dung và yêu chuộng hoà bình.
Hòa bình là khát vọng mà cả nhân loại tiến bộ phấn đấu và hướng tới. Những dân tộc càng trải qua nhiều chiến tranh, chịu đựng nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra lại càng nhận thức được giá trị của hòa bình.
Tuyên ngôn độc lập đã nêu bật bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân với chính sách cai trị tàn độc của Pháp ở Việt Nam cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, nhất là hành động năm 1940, khi phát xít Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp chẳng những không “bảo hộ” được Việt Nam mà còn quỳ gối đầu hàng bán Việt Nam hai lần cho Nhật, khiến cho nhân dân ta càng thêm cực khổ, khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”… Đó là những tội ác vi phạm quyền con người, quyền dân tộc, đi ngược lại khát vọng hoà bình của toàn nhân loại.
Trong điều kiện khắc nghiệt đó, dân tộc Việt Nam buộc phải kiên quyết đứng lên đấu tranh để tự giải phóng và để giành lại nền độc lập đã mất. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình của Việt Nam là những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việc Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới không những là tuyên ngôn về độc lập, tự do của dân tộc mà cònlà tuyên ngôn về tinh thần yêu chuộng hoà bình của Việt Nam:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
…
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần làm cho nền văn hiến Việt Nam trở nên toả sáng và có giá trị lâu bền. Tuyên ngôn độc lập gắn với Ngày Quốc khánh – Tết Độc lập khơi dậy niềm tự hào về thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn cả là về một dân tộc vĩ đại, giàu lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan dung và yêu chuộng hoà bình trong mỗi chúng ta.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước sự chống phá của các thế lực thù địch
Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 93 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn đó cũng khẳng định một cách chắn chắn: Ở Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi đến những thắng lợi to lớn trong thời gian vừa qua.
Thời gian qua, với dã tâm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, trong đó tập trung xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nền tảng tư tưởng; chủ trương, đường lối và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước…; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài… Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Công tác cán bộ của Đảng phải được làm tốt ngay từ khâu lựa chọn. Đó là một mắt xích quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, đặc biệt là những người cán bộ đảm nhận những vị trí quan trong trong cơ quan Đảng, Nhà nước cần đảm bảo tính toàn diện về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng, tác phong làm việc…
Trên cơ sở đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn, việc lựa chọn cán bộ cần phải kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào cơ quan lãnh đạo của Đảng những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; …
Mặt khác, việc lựa chọn cán bộ phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.
Đánh giá cán bộ là khâu rất quan trọng để phát huy tính tích cực của cán bộ, đảng viên. Đánh giá đúng sẽ bố trí, sử dụng đúng, phát huy được khả năng, sở trường của cán bộ, sẽ tạo cho cán bộ, đảng viên phấn khởi, tin tưởng và tích cực trong công tác. Ngược lại, cán bộ, đảng viên không được đánh giá đúng, không được tôn trọng, không được bảo vệ sẽ xa lánh tổ chức, tiêu cực trong hoạt động chính trị, nghĩ khác, làm khác, thậm chí dẫn đến những vấn đề về tư tưởng như: chán nản, tự ti, bi quan, tiêu cực… là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết, tổn hại cho tổ chức hoặc dễ bị các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng lôi kéo, mua chuộc.
Bên cạnh cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân, chúng ta cần xây dựng chính sách đãi ngộ và chính sách tiền lương công bằng, hợp lý, bảo đảm cho cán bộ đủ sống và sống tốt bằng đồng lương chân chính. Đời sống được đảm bảo, quyền lợi vật chất chính đáng được bảo vệ; quyền dân chủ được phát huy, đời sống tinh thần được thỏa mãn… là điều kiện để mỗi người cán bộ, đảng viên gắn bó với công việc, tập thể và xã hội, yên tâm, vững vàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng
Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng mang lại nhiều lợi ích to lớn trên các lĩnh vực đời sống. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh của các quốc gia như chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng và đảm bảo an ninh tư tưởng trên mạng.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam. Chúng luôn lợi dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật và không gian mạng vào các hoạt động chống phá với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng đặt ra trong tình hình hiện nay là hết sức cấp thiết. Chính vì vậy, Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị, về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia” xác định, cần phải tăng cường bảo vệ an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng; khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin.
Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Do đó, để triển khai công tác này, phải phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đồng thời, xác định đây là cuộc đấu tranh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt, lực lượng an ninh mạng và cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao có trách nhiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt của Đảng, quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Các nguyên tắc cần quán triệt trong bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng làm nòng cốt. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên không gian mạng; bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia trên không gian mạng; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2023
Để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ ngày 21/8 – 29/8, Đảng ủy Khối DNTW tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2023 tại tỉnh Thanh Hoá. Tham dự Hội nghị tập huấn là cán bộ các ngân hàng, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, trong đó Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cử 15 cán bộ.
Trong thời gian 7 ngày, đội ngũ cán bộ làm công tác đảng tiếp thu 19 chuyên đề, nhóm chuyên đề về công tác tuyên giáo; công tác dân vận; công tác kiểm tra, giám sát; công tác văn phòng cấp ủy và công tác tổ chức xây dựng Đảng. Hội nghị được 17 đồng chí báo cáo viên các ban, bộ, ngành Trung ương và của Đảng ủy Khối, là những đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, chuyên viên cao cấp với kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, phong phú, truyền đạt nội dung các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, của Đảng ủy Khối và trao đổi, giải đáp những vấn đề thực tiễn phát sinh ở cơ sở để thống nhất trong triển khai thực hiện.
II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp làm việc với Vinatex
Ngày 16/8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ có buổi làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) về tình hình hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa của Tập đoàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex đã nêu rõ tình hình hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn kể từ sau khi cổ phần hóa (CPH) vào năm 2015. Theo đó, so với thời điểm trước CPH, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn tăng 13%; vốn chủ tăng 44%; Hiệu quả trên vốn chủ gia tăng theo từng năm; các năm đại dịch (2020) và khủng hoảng 2022 đều có lãi với mức tương đương và cao hơn thời điểm trước CPH; Năng suất lao động tăng 80%; Thu nhập bình quân của người lao động tăng 62%; Nộp ngân sách nhà nước tăng 10 – 15% qua các năm…
Tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp và khoản đầu tư để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi; Đổi mới công tác quản trị, hội tụ sức mạnh tập trung của các doanh nghiệp thành viên; Nghiên cứu sản phẩm mới, đa dạng hóa thị trường, thay đổi phương thức kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng; Đẩy mạnh công tác đào tạo để đảm bảo chất lượng vận hành, thích nghi trong bối cảnh mới; Tập trung đầu tư chiều sâu với công nghệ hiện đại nhằm cải thiện năng suất lao động…
Trong dài hạn, Vinatex định hướng trở thành một điểm đến (one-stop) có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực. Mục tiêu chiến lược cho giai đoạn 2021-2025 là trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm dệt kim phổ thông với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải dệt kim/năm…
Tại buổi làm việc, Vinatex có một số đề xuất, kiến nghị tập trung vào việc: Thay đổi phương thức quản trị người đại diện, cần ủy quyền để tạo sự chủ động đối với những đại diện chuyên trách chuyên sâu về nghề dệt may; thay đổi chính sách đãi ngộ đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, giữ chân người lao động có năng lực và thu hút được nhân tài…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Long – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đánh giá cao kết quả Vinatex đã đạt được sau 8 năm thực hiện cổ phần hóa, nổi bật ở hiệu quả sản xuất kinh doanh và phương thức quản trị doanh nghiệp có nhiều bước tiến rõ rệt. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn bổ sung, tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để sớm trình Chính phủ xem xét tình hình hoạt động thực tiễn và những kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn.
Vinatex cập nhật thông tin thị trường tháng 8/2023
Ngày 18/8, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề định kỳ hàng tháng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cập nhật và dự báo thông tin về thị trường dệt may những tháng cuối năm 2023 và chỉ dấu cho năm 2024; một số quy định mới của EU có tác động tới ngành hàng dệt may.
Đưa ra nhận định dự báo về thị trường, ông Vương Đức Anh– Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, đối với thị trường ngành May, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm. Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm dự kiến tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa cả năm 2023 KNNK hàng may mặc của thị trường này đạt 80 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2022). Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.
Với thị trường bông – xơ – sợi, giá bông 6 tháng cuối 2023 sẽ tăng nhẹ, dao động trong khoảng trung bình 82 – 88 cent/lb, tương đương 2,1 – 2,3 USD/kg. Với xơ polyester có thể biến động nhẹ theo giá dầu, dao động từ 1 – 1.05 USD/kg với dự báo giá dầu chỉ dao động quanh mức 80-90 USD/thùng. Với thị trường sợi quý 3 vẫn ở mức thấp tương đương quý 2, quý 4 cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các DN sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động.
Phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của VNĐ so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VNĐ mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%, đồng Tân Đài tệ (Đài Loan, Trung Quốc) là 5,59%… Do đó, áp lực giảm giá VNĐ là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng USD tăng giá và lãi suất cao hơn VNĐ sẽ xuất hiện rủi ro lớn hút dòng vốn ra khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng. Với những dự báo trên, khả năng từ nay tới cuối năm VNĐ sẽ mất giá thêm 2% vào cuối năm 2023. Do đó, các DN cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh làm biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm – Chuyên viên VP HĐQT cũng đã trình bày một số cập nhật quy định mới của EU có tác động đến mặt hàng dệt may, gồm: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định, thị trường những tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Nguy cơ thời gian gần là giảm số lượng hàng hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn của chúng ta. Hiện nay, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành May sẽ tương đương 6 tháng đầu năm. Ngành Sợi cho thấy đáy SXKD vừa vượt qua, tuy nhiên vẫn mang tính rủi ro cao do cầu chưa lên hẳn, chỉ đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt sẽ hạn chế được thiệt hại.
Lãnh đạo Tập đoàn lưu ý doanh nghiệp quan tâm các vấn đề: lãi suất vay giảm, biến động tỷ giá VND/USD, giá bông ở thời điểm hiện, ngưỡng tài chính… để chuẩn bị nguyên liệu, hệ thống kinh doanh, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong những tháng cuối năm 2023.
Vinatex chú trọng công tác đào tạo nội bộ
* Chương trình đào tạo tài năng trẻ – Vinatex Young Talent diễn ra trong 2 năm với 152 học viên đến từ 15 đơn vị. Trong đó, năm 2022 các học viên đã được học khóa đào tạo kỹ năng và năm 2023 là khóa đào tạo kiến thức. Tại khóa đào tạo kỹ năng, các học viên đã được học các kỹ năng quản trị, điều hành mới, phát triển tư duy sáng tạo, thống nhất phương pháp làm việc hiện đại và thiết lập mối quan hệ. Bài giảng E-Learning được thiết kế sinh động, dễ tiếp thu; bài kiểm tra giúp tổng hợp kiến thức, kích thích động lực học tập của học viên. Phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo, tài liệu được sử dụng đa dạng, thời gian, địa điểm học tập linh hoạt, không bị giới hạn. Nhiều hoạt động nhóm được tổ chức làm tăng sự tương tác giữa các học viên, giúp học viên tiếp thu bài giảng tốt hơn và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Chương trình hành động của các nhóm học viên xây dựng được đánh giá phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, giải quyết đúng những vấn đề đang tồn tại với các giải pháp khả thi. Một số chương trình đã được áp dụng vào thực tế và cho hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, hầu hết học viên đều được lãnh đạo trực tiếp đánh giá cao, có sự cải thiện rõ rệt về các kỹ năng được đào tạo, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu công việc.
Đối với khóa đào tạo kiến thức, chương trình đã giúp các học viên hiểu biết các kiến thức cơ bản trong chuỗi sản xuất dệt may, hình thành, tích lũy được các kiến thức về quản lý, điều hành hiện đại. Từng bước hình thành và lan tỏa văn hóa Vinatex, tạo dựng mạng lưới mối quan hệ gắn kết giữa các đơn vị và học viên…
Phát biểu tại buổi bế giảng Chương trình đào tạo tài năng trẻ – Vinatex Young Talent vào ngày 17/8, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, với số lượng khóa học, học viên, đội ngũ thiết kế, giảng dạy đã hình thành nên văn hóa học tập của toàn Tập đoàn. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo đi trước đã tổng kết lại những kinh nghiệm lãnh đạo của mình cùng với trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và các chuyên gia tư vấn bên ngoài hình thành nên hệ thống bài giảng có tính lý luận và thực tiễn cao. Ông Lê Tiến Trường đề nghị các học viên cần áp dụng kiến thức đã được học vào chính công việc của mình để phát triển bản thân và tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
* Vinatex tổ chức khai giảng khóa đào tạo nội bộ cho 40 cán bộ 5 đơn vị thành viên khu vực phía Bắc và Văn phòng Tập đoàn vào ngày 11/8; khai giảng lớp đào tạo nội bộ với sự tham gia của 90 học viên đến từ Tổng Công ty CP Phong Phú và Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP vào ngày 15/8.
Khóa đào tạo là bước đi tiếp theo trong chương trình đào tạo của Tập đoàn sau chương trình đào tạo Tài năng trẻ – Vinatex Young Talent và đào tạo cán bộ cấp cao. Điểm lợi thế của khóa đào tạo này là học viên được học trực tiếp tất cả các học phần về kỹ năng và kiến thức quản trị ngành dệt may. Khóa đào tạo không giới hạn tiêu chuẩn đầu vào mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, rộng mở thêm cơ hội cho cán bộ nhân viên đến từ các đơn vị lĩnh hội kiến thức cần thiết cho thực tiễn hoạt động tại đơn vị. Giảng viên của khóa đào tạo chủ yếu là lãnh đạo Tập đoàn, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và cán bộ nòng cốt của Tập đoàn đã được tập huấn.
Khóa đào tạo sẽ kết thúc bằng việc giao đề tài cá nhân để mỗi học viên vận dụng kỹ năng, kiến thức được học vào xử lý công việc, đề xuất sáng kiến cải tiến lĩnh vực đang công tác. Qua công tác đào tạo nội bộ, lãnh đạo Tập đoàn mong muốn đội ngũ của mình sẽ suy nghĩ cùng một hướng, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng tương đối đồng đều để có năng lực cạnh tranh và nét riêng của Vinatex trên thị trường.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, bắt đầu từ năm 2021 các chương trình đào tạo của Tập đoàn được triển khai hiệu quả, bài bản với 3 chương trình lớn bao gồm: Chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp trung (năm 2021); Chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp cao (năm 2022); Chương trình đào tạo Tài năng trẻ – Vinatex Young Talent (năm 2022 và 2023)… với quy mô cấp Tập đoàn, tuy nhiên các chương trình đào tạo này phạm vi còn hẹp, bao gồm các đơn vị Vinatex có phần vốn chi phối. Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, các đơn vị thành viên của Vinatex hầu hết đều có quy mô lớn, hàng nghìn lao động, do đó với các chương trình đào tạo Vinatex đã triển khai, các đơn vị chỉ cử được số lượng hạn chế học viên tham dự.
Đánh giá về công tác đào tạo sau 3 chương trình đã thực hiện, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho rằng, các chương trình đào tạo đã xây dựng được cơ bản nội dung, giáo án dành riêng cho Vinatex trên cơ sở nghiên cứu từ phía Vinatex, trường Đại học Công nghiệp Dệt May HN và một số học viện đào tạo quốc tế, phù hợp với môi trường và định hướng đào tạo của Vinatex hướng đến. Đồng thời, các chương trình này cũng xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa các đơn vị trong Tập đoàn trên cơ sở một nền tảng văn hóa chung, mang đậm dấu ấn của Vinatex.
Hội thi thợ giỏi ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI
Ngày 20/8, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp cùng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI – năm 2023, lĩnh vực May Dệt kim, tại Nhà máy May 4, Công ty CP Dệt May Huế (KCN Phú Đa, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Hội thi có sự tham dự của 14 đội thi thuộc 14 đơn vị, mỗi đội thi tham gia gồm 5 thành viên, là những người đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi thợ giỏi cấp đơn vị hoặc được lựa chọn từ các lao động có tay nghề, năng suất cao trong sản xuất. Nội dung thi là may hoàn chỉnh sản phẩm áo thun nam – cổ sơ mi, tà dây, túi ngực ở thân trước bên trái người mặc, nguyên liệu vải dệt kim. Mỗi nhóm sẽ thực hiện may hoàn thiện 05 sản phẩm trong khoảng thời gian 23 phút.
Hội thi Thợ giỏi ngành DMVN lần thứ VI diễn cho thấy sự tâm huyết trong xây dựng và thúc đẩy phong trào thi đua của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn trong hệ thống, sự dày công rèn luyện của CNLĐ; thể hiện tinh thần thi đua học hỏi, sáng tạo của các thí sinh. Tựu trung lại, đây là nét văn hóa dệt may hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, học tập cải tiến liên tục, tự hào với thành quả tập thể…, đã trở thành điểm nhấn thấm đẫm trong tinh thần thi đua lao động, sản xuất của mỗi NLĐ dệt may.
Phát biểu tại Hội thi, đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao không khí thi đua của Hội thi, coi đây là nguồn năng lượng tích cực đối với Lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ quản lý tại các đơn vị trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Sự hứng khởi này sẽ giúp những người quản lý có thêm niềm tin vượt qua những khó khăn do bối cảnh của thị trường mang lại. Ngày nay với sự biến đổi mạnh mẽ của thị trường, các đơn hàng bị thu hẹp về quy mô, mã hàng, kiểu dáng, thậm chí có những đơn hàng tương đối nhỏ… đòi hỏi người thợ giỏi cần linh hoạt, chuyển đổi nhanh nhất, đáp ứng nhanh nhất những yêu cầu về kỹ thuật của đơn hàng. Mục tiêu của chúng ta là trở thành những người thợ không chỉ giỏi nghề mà còn tinh thông, biến hóa linh hoạt, giỏi trong mọi tình huống. Chúng ta có thể không xuất sắc nhất ở một mặt hàng nhưng chúng ta có thể sản xuất nhiều loại mặt hàng khác nhau, đáp ứng được nhu cầu thị trường, khách hàng trong và ngoài nước.
BGK Hội thi đã căn cứ vào chất lượng sản phẩm, yêu cầu kĩ thuật và thời gian thực hiện để chọn ra các Đội bàn tay Vàng, Bạc, Đồng, Thợ giỏi cấp ngành, và 02 Giải chuyên đề: Đội thi Sáng tạo và Đội thi có sản phẩm đầu tiên thoát chuyền nhanh nhất.
Dự kiến, trong tháng 9/2023, Hội thi thợ giỏi ngành Dệt May Việt Nam lĩnh vực may Dệt thoi sẽ được tổ chức tại khu vực Hà Nội.
III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH
– Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ
– Kết luận 459-KL/ĐUK, ngày 23/8/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW về việc thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ
– Công văn số 1330-CV/ĐUTĐ, ngày 28/8/2023 về việc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM