Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 9/2022


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Để chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế – xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong phát hiện, xử lý, phải quán triệt nguyên tắc: có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Theo thông báo kết quả tại họp Phiên thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) ngày 17/8/2022, trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước).

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Ngành Thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nổi cộm, dư luận bức xúc, đã kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỷ đồng và 134 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm trước).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách trong Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 (triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV) và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tổ chức vào ngày 22/8.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngày 14/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Kết luận nhằm định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng nhằm cụ thể hoá và thể chế hoá tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động và bao quát hơn trong xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng, thiếu toàn diện trong công tác lập pháp.

Kết luận số 19 của Bộ Chính trị đã được triển khai hết sức nghiêm túc, khẩn trương, bài bản, công phu và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Chỉ sau 9 tháng của năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 19 và Kế hoạch số 81, các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ theo đúng tiến độ yêu cầu trước 30.6.2022, đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, trong đó, có 8/68 nhiệm vụ thực hiện vượt tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81…

Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: sau hơn 2 năm chống dịch, cả nước kiểm soát được dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ được đà tăng trưởng kinh tế; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, chung sức với đất nước, nhân dân trong lúc khó khăn; chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển, thu được những kết quả hết sức đáng mừng về kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả hết sức tích cực, tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng khó khăn càng đoàn kết, nhất trí; thực hiện tốt kế hoạch, chiến lược đã đề ra; khôn khéo, hiệu quả vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay. Đồng thời kêu gọi và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp đồng cam cộng khổ cùng đất nước, nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay và trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, công khai, minh bạch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, phục hồi nhanh, phát triển bền vững; các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Thủ tướng, yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của nó vào thực tiễn, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam: có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, không chỉ nhìn lợi ích trong ngắn hạn mà phải có chiến lược, tư duy dài hạn trong kinh doanh; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đoàn kết đã giúp Việt Nam “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Phát triển sản phẩm, dịch vụ Việt Nam ngày càng lớn mạnh

 Ngày 11/8, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”.

Tại Hội nghị, đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tham luận về kinh nghiệm và giải pháp thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới. Theo đó, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo của Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng các nhóm sản phẩm và kênh phân phối chính:

Thứ nhất, kênh sản phẩm may mặc bán ra thị trường thông qua các siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn và doanh nghiệp. Với hai trung tâm thời trang của Tập đoàn có quy mô hơn 5.000m2 sàn và trên 2.000 cửa hàng/đại lý của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, cung cấp đầy đủ các chủng loại mặt hàng từ thời trang công sở, đồng phục học sinh, khăn, chăn gối, thời trang nam nữ. Các doanh nghiệp điển hình trong cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa là TCT Cổ phần may Việt Tiến, TCT May 10-CTCP, TCT Cổ phần May Nhà Bè, TCT Đức Giang – CTCP, TCT Cổ phần Dệt May Hòa Thọ… với doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Thứ hai, nhóm cung cấp sản phẩm đồng phục công sở cao cấp theo yêu cầu của doanh nghiệp, đã đạt thỏa thuận trong toàn hệ thống và cung ứng trong 7 năm cho Vietnam Airlines và 03 năm cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với doanh thu tổng cộng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều đồng phục cho các doanh nghiệp thành viên ngành điện, dầu khí,… Riêng TCT Đức Giang đã cung ứng khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Thứ ba, sản xuất nguyên liệu, sợi, vải bán cho doanh nghiệp trong nước dệt vải và may mặc với doanh thu bình quân đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng, doanh nghiệp các sản phẩm nội địa, hiện nay, trong toàn Vinatex, các đơn vị cũng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở. Sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất và chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại. Rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ… nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng nội địa và đặc biệt là dịch vụ, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối.

Tại Hội nghị, Vinatex đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post). Đặc biệt, với Vietnam Airlines, đây là chu kỳ hợp tác thứ 2 sau giai đoạn hợp tác toàn diện từ năm 2015 – 2021, với nhiều chương trình, nội dung đã được thực hiện, mang lại hiệu quả khả quan về xây dựng thương hiệu, hình ảnh của hai bên.

Theo thỏa thuận đã ký với Vietnam Airlines, Vinatex và Vietnam Airlines sẽ khuyến khích cán bộ nhân viên, khách hàng của mỗi bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác, cũng như áp dụng các chương trình ưu đãi hợp tác giữa hai bên. Cùng với đó, Vietnam Airlines và Vinatex sẽ phối hợp tuyên truyền quảng bá hình ảnh, thương hiệu của nhau trên các phương tiện truyền thông do hai bên quản lý. Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và dệt may được kỳ vọng sẽ mang đến những lợi ích mới mẻ, đột phá cho khách hàng và cán bộ nhân viên của cả hai bên, cũng như góp phần xúc tiến chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển sản phẩm, dịch vụ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn tầm thế giới.

Theo thỏa thuận ký kết với Vietnam Post, Vinatex cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng gồm hàng hóa thuộc phạm vi kinh doanh, dịch vụ thiết kế và may đồng phục cho CBNV của Vietnam Post với mức giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng, thương hiệu. Ưu tiên ký kết các thỏa thuận phục vụ khách hàng lớn nhằm mang đến cho CB NV trong toàn hệ thống của Vietnam Post những ưu đãi khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm của Vinatex. Vietnam Post sẽ cung cấp dịch vụ logistics toàn diện cho Vinatex với các dịch vụ vận chuyển quốc tế, kho hàng, phân phối hàng hóa tới các hệ thống cửa hàng, Showroom, siêu thị, các dịch vụ quản lý kho chuyên nghiệp và hệ thống vận tải hàng phân phối tới điểm bán, kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát cho kênh bán hàng online và offline. Đồng thời triển khai chuỗi cửa hàng đồng thương hiệu Vietnam Post – Vinatex hướng tới tất cả các khách hàng…

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm dệt may lớn của cả nước

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch đầu tư, phát triển các doanh nghiệp của Tập đoàn trên địa bàn, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã trình bày về chiến lược đầu tư phát triển của Vinatex từ nay đến 2025 tầm nhìn 2030, tập trung xây dựng Vinatex trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế là khu vực có các DN Vinatex chi phối lớn tại khu vực miền Trung bao gồm: Công ty CP Sợi Phú Bài với 2 nhà máy có quy mô 8 vạn cọc sợi; Công ty CP Vinatex Phú Hưng với 2 nhà máy có quy mô 4,4 vạn cọc sợi; Công ty CP Dệt May Huế với 7 nhà máy, gồm 1 Nhà máy Sợi 5 vạn cọc, 1 Nhà máy Dệt Nhuộm quy mô 100 tấn vải/tháng và 5 Nhà máy May. Với hơn 6000 lao động, hiện 3 công ty đóng góp 230 triệu USD/năm ~ 17,7% KNXK của tỉnh (khoảng 1,3 tỷ USD/năm), chiếm 30% KNXK Dệt May của tỉnh (khoảng 780 triệu USD năm 2021). Đây đều là những đơn vị mạnh của Vinatex, có sự phát triển ổn định, có thương hiệu trong nước và quốc tế. Với xu thế phát triển doanh nghiệp bền vững, xanh hóa 3 DN luôn đảm bảo công tác môi trường trong quá trình hoạt động. Trước bối cảnh đòi hỏi các DN cần phải phát triển và mở rộng quy mô để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhưng thực tế hiện các đơn vị đều không còn quỹ đất để mở rộng đầu tư.

Tổng Giám đốc Vinatex đề xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện để Vinatex hình thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh của Vinatex và 3 đơn vị thành viên, vì các đơn vị thành viên có quỹ đất ổn định gần 30ha tại khu vực Phú Bài để hình thành trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ toàn diện cho việc sản xuất, kinh doanh Sợi. Ngoài ra, giao Vinatex và Công ty CP Dệt May Huế là chủ đầu tư tại 19 ha đất khu vực Hương Trà để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hướng tới phát triển trung tâm Dệt Nhuộm, hình thành chuỗi cung ứng trọn gói tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lãnh đạo Vinatex cam kết, các dự án của Vinatex và các đơn vị thành viên đều là các dự án sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về sản xuất dệt may xanh, tuần hoàn, quy hoạch trở thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh, tái chế đầu tiên của Việt Nam và Vinatex. Với chiến lược này Vinatex mong muốn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện về cơ chế pháp lý, ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi với các DN tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xanh, năng lượng tái tạo.

Trước thực tế SXKD của các đơn vị thuộc Vinatex trên địa bàn cũng như mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn, Ban Thường vụ cùng lãnh đạo các Sở ngành của Thừa Thiên Huế đều thống nhất ủng chiến lược đầu tư phát triển của Vinatex tại tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị, Tập đoàn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, tổ chức đoàn thể tại các đơn vị trực thuộc của Tập đoàn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thêm mô hình nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực dệt may; thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, với tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển của mình. Tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn đầu tư các dự án trên địa bàn Thừa Thiên Huế….

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhận định mục tiêu, định hướng phát triển và những kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn là hợp lý và đúng định hướng phát triển ngành dệt may của Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước. Mặt khác, điều trăn trở nhất của tỉnh là vấn đề môi trường, xử lý nước thải, vì vậy khi đầu tư các dự án trên địa bàn, chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Tập đoàn cần nghiên cứu để có phương án xử lý nước thải một cách hợp lý từ thực tế và đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường rất trân trọng sự ủng hộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tạo điều kiện để Vinatex xây dựng trung tâm dệt nhuộm. Bởi nếu không phát triển ngành Dệt Nhuộm thì sẽ không thể có đủ năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành Dệt May trước những yêu cầu về dệt may xanh, dệt may tuần hoàn của thế giới.

Vinatex cam kết, nếu được tỉnh chấp thuận chủ trương phát triển, ngành Dệt may sẽ nghiên cứu sẽ đầu tư 4.000 tỷ đồng trong vòng 7 – 8 năm tới với 3 giai đoạn, từng bước xây dựng và hình thành khu công viên sợi xanh có quy mô 20 vạn cọc sợi có tự động hóa cao, sản xuất các mặt hàng sợi tuần hoàn, sợi tái chế đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà máy xanh. Với ngành Dệt Nhuộm, hiện công nghệ nhuộm đã tiết kiệm nước tới 50%, nước thải đã được sử dụng công nghệ sinh học để xử lý, do đó các yêu tố về môi trường sẽ được đảm bảo nếu như được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vinatex tổ chức hội thảo chuyên đề tháng 8

 Chiều 26/8, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và Giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 40 điểm cầu.

Trình bày về Triển vọng và dự báo về kinh tế thế giới, đồng chí Lê Tiến Trường – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới. Việc tiếp tục đóng cửa do chính sách Zero Covid của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3,3% trong năm nay – mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Hội thảo đã nghe Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex Vương Đức Anh trình bày cập nhật thị trường dệt may. Theo đó, tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 26,9 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành Dệt May Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.

Thị trường may có thể khó khăn từ quý 4/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, không chỉ có gam tối để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp.

Tại hội thảo, bà Sakia Anders đại diện GIZ đã trình bày nội dung về Giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức. Luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2023 với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường. Chống phân biệt đối xử, trả lương đủ sống và thời gian làm việc đúng mức cũng là trọng tâm của Luật. Luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh quan trọng. Các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, quý 4/2022 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp dệt may. Trong đó, ngành Sợi đã có nhu cầu mua nhưng với mức giá không hiệu quả. Vì vậy, cần phải tiếp tục coi thanh khoản ở tất cả các đơn vị là ưu tiên lớn nhất. Với ngành May, các đơn vị may dệt kim sẽ gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp may mạnh khác. Ngoài ra, những doanh nghiệp may dệt kim có nhiều đơn hàng cần quan tâm hơn nữa đến các đơn vị làm vải để có thể tiếp cận được một số đơn hàng FOB có trên thị trường. Các đơn vị phải chuẩn bị từ xa để tránh tình trạng đứt thanh khoản. Nhiệm vụ bảo toàn kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm đang hết sức khó khăn đòi hỏi các đơn vị phải linh hoạt, chủ động tìm giải pháp ứng phó phù hợp. Trong tháng 9, Vinatex sẽ cố gắng cập nhật thị trường sớm hơn để các đơn vị có thể làm kế hoạch cho năm 2023.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực

Ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW.

Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/ĐUK thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022.

Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Công văn tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu nội dung Đề cương tuyên truyền.

BAN TUYÊN GIÁO – TRUYỀN THÔNG VINATEX


Các tin khác