Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 7/2023
I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ và công tác cán bộ “là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”, “quyết định mọi việc”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ luôn là kim chỉ nam cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác cán bộ mang tính hệ trọng, cần được tiến hành cẩn thận, có hiệu quả, minh bạch, dân chủ, đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, có 8 điểm chủ yếu sau:
Một là, yêu cầu đối với những người làm công tác cán bộ, đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu rất khó và đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Đánh giá cần dựa vào phẩm chất, năng lực thực sự của cán bộ, chứ không thể dựa vào cảm tính, định kiến của bản thân người làm công tác cán bộ mà đánh giá; đồng thời đánh giá cán bộ phải sát với hoàn cảnh, sát với điều kiện của từng tổ chức, từng con người, từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng giai đoạn, thời kỳ.
Hai là, rèn luyện, huấn luyện, thử thách cán bộ. Phải đưa cán bộ vào thực tế công tác, thậm chí đưa vào những vị trí rất khó khăn để thử thách, rèn luyện; nội dung này liên quan tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kể cả việc bồi dưỡng cán bộ qua trường lớp và qua thực tế.
Ba là, lựa chọn và đề bạt đúng cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải chọn: Những người tỏ ra trung thành và hăng hái trong công việc; Những người có quan hệ mật thiết với nhân dân; Những người có trách nhiệm cao, giải quyết tốt những công việc trong khó khăn, có sáng kiến, thắng không kiêu, bại không nản, khi thi hành nghị quyết thì kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Bốn là, phải “khéo dùng cán bộ”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi những người mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”.
Năm là, kết hợp cán bộ các lứa tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sở trường và sở đoản của hai loại cán bộ này, đó là: “cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau” và chú ý tới việc phải sử dụng thật tốt cả hai loại cán bộ này, bổ sung cho nhau những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của từng loại cán bộ.
Sáu là, phòng và chống căn bệnh cục bộ địa phương. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng là một cơ thể sống, do vậy, có thể điều động cán bộ nắm giữ những chức trách trong tổ chức của hệ thống chính trị, bất kể cán bộ ấy nguyên quán ở đâu, miễn là người đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể ở địa bàn đó, ngành đó, cấp đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất là phải kết hợp được cán bộ trên điều về và cán bộ tại chỗ; hai loại cán bộ này hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Bảy là, phải chăm lo cho cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc”.
Tám là, “phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát cán bộ thì mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng các giai đoạn, thời kỳ; phải kiểm soát quyền lực, để cho cán bộ không bị tha hóa sau khi được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí công tác nào đó.
Trong bối cảnh hiện nay, những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ càng mang ý nghĩa thời sự sâu sắc trong việc bố trí, lựa chọn đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đưa sự nghiệp cách mạng bước vào giai đoạn mới hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả thi hành Điều lệ Đảng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Ngày 21/6, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả thi hành Điều lệ Đảng.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến quán triệt Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng các nhiệm kỳ 2010 – 2015, nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc. Đảng ủy Khối đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, gắn với việc quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, các quy định, quy chế của Đảng và trang bị cuốn Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng đến 100% các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối vận dụng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực để tổ chức quán triệt, học tập và làm rõ những điểm mới của các quy định, hướng dẫn của Trung ương đến cán bộ, đảng viên trong đảng bộ.
Thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, Đảng ủy Khối đã nghiên cứu, cụ thể hóa, đưa vào nội dung Nghị quyết Đại hội các nhiệm kỳ, xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối (có bổ sung sửa đổi); ban hành chương trình công tác toàn khóa, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra; xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng; ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc thực hiện công tác chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác cơ sở đảng, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; công tác lãnh đạo đoàn thanh niên; công tác thi đua, khen thưởng… Lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện.
Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, tạo thuận lợi cho việc thi hành Điều lệ Đảng nói chung, công tác đảng viên nói riêng tại các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối đi vào nền nếp. Các cấp ủy đã lãnh đạo, triển khai thực hiện các nội dung về công tác đảng viên và quản lý đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; rà soát, sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách; về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo; về xác định tuổi của đảng viên; về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng…
Các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; doanh nghiệp nhà nước tiếp tục khẳng định là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, các doanh nghiệp đã triển khai tích cực, khẩn trương đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt; năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến từng bước được nâng cao. Về tổng thể, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, người lao động được nâng lên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đánh giá về những kết quả đã đạt được; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối; từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối lưu ý, với khối lượng công việc nhiều và từ thực tiễn kết quả thi hành điều lệ Đảng trong Đảng bộ Khối, đề nghị các đồng chí trong Tổ Biên tập nghiên cứu tiếp thu tối đa các nội dung góp ý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX
Đảng ủy Vinatex tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025
Ngày 30/6, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19, dệt may là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đóng cửa các quốc gia khiến nhu cầu dệt may sụt giảm,…
Trước diễn biến tình hình trong nước và thế giới, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành 34 Nghị quyết, 20 Chương trình, 46 Kế hoạch, 27 Hướng dẫn, 30 Quyết định và hơn 300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong Đảng bộ Tập đoàn, chỉ đạo tổ chức 15 hội nghị chuyên đề cập nhật tình hình và dự báo về thị trường dệt may thế giới và Việt Nam, phương án sản xuất kinh doanh khi thực hiện giãn cách xã hội, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh,…
Công tác xây dựng Đảng được cấp uỷ Tập đoàn và cấp ủy trực thuộc Đảng bộ đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hàng tháng Đảng ủy phát hành tài liệu sinh hoạt chi bộ, đăng tải cập nhật trên website của Tập đoàn; sắp xếp với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành lập 04 cơ quan tham mưu công tác Đảng theo Quy định 87-QĐ/TW. Đảng ủy Tập đoàn cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp uỷ, lãnh đạo quản lý các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy cử 55 học viên học sơ cấp chính trị, 59 học viên học trung cấp chính trị, 8 học viên học cử nhân chính trị, 2 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị. Đảng ủy Tập đoàn đã Kết nạp 237 đảng viên mới, đạt 60% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Việc đánh giá xếp loại hàng năm của Đảng bộ Tập đoàn đều hoàn thành và vượt so với chỉ tiêu với kết quả trên 90% đảng bộ, chi bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng yếu kém, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 15% tổng số hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 15%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 8-10%. Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên Tập đoàn đạt mốc lợi nhuận 1.419 tỷ đồng. Năm 2022, trong tình hình thị trường dệt may sụt giảm mạnh, lợi nhuận trước thuế đạt 1.212 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2020.
Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện theo đúng Đề án tái cơ cấu, đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động. Tính đến tháng 6/2023, số lao động của Tập đoàn là 61.513 người, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 13% so với năm 2020 do thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị theo Đề án tái cơ cấu nhưng vẫn đảm bảo bằng 90% lao động đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân/người/tháng năm 2022 là 9,68 triệu đồng, tăng 15% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,26 triệu đồng.
Thực hiện công tác an sinh xã hội và nghị quyết 30A của Chính phủ, Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam quan tâm chăm lo cho NLĐ, tổ chức “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng; ủng hộ hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống từ Quỹ “Xã hội từ thiện”; chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống thực hiện ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung với tổng số tiền lên tới 20 tỷ đồng; chỉ đạo tổ chức các chương trình khác như: khám bệnh và phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xây cầu dân sinh với tổng số tiền 700 triệu đồng, hỗ trợ các huyện nghèo trong việc thực hiện nghị quyết 30A của Chính phủ 250 triệu đồng.
Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo, triển khai, thực hiện “Chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh”, xây dựng văn hóa văn minh doanh nghiệp, nâng cao tác phong làm việc chuyên nghiệp – hiện đại cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình 5S tại Cơ quan Tập đoàn (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng); Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn “Đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam”.
Giai đoạn 2023-2025, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại đáng kể vào năm 2023 và bắt đầu phục hồi vào năm 2024, 2025, mục tiêu dài hạn của Vinatex là “trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực”. Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo phát triển ổn định, giữ vững vai trò nòng cốt trong ngành Dệt May Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng bình quân về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt từ 8-12%, trong đó doanh thu đạt 21.800 tỷ đồng, lợi nhuận gấp đôi đầu kỳ; trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm; từng bước nâng cao sản lượng sợi dùng trong nội bộ với mục tiêu 50% sợi nội bộ và 50% vải dệt kim được sử dụng cho ngành may với sản lượng 60 – 70 triệu sản phẩm may mặc/năm, duy trì sản xuất quy mô lớn dựa trên lợi thế của thiết bị công nghiệp và là mắt xích sản xuất trong chuỗi cung ứng với tốc độ tăng trưởng kinh doanh cao hơn mức tăng của nhu cầu dệt may thế giới từ 3 – 5%/năm.
Nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Vinatex tập trung thực hiện 3 mục tiêu chính: nâng cao năng lực lãnh đạo; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo phát triển ổn định, giữ vững vai trò nòng cốt trong ngành Dệt May Việt Nam. Toàn Đảng bộ phấn đấu có 85% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; Tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa. 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa. Kết nạp mới ít nhất 123 đảng viên từ nay đến hết nhiệm kỳ…
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy Tập đoàn chú trọng thực hiện tốt các chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đổi mới phương pháp công tác, nâng cao chất lượng tham mưu; chỉ đạo các Đảng uỷ cơ sở trực thuộc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu XIV của Đảng. Cùng với đó, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, có biện pháp phù hợp thực hiện khi sản xuất kinh doanh như phối hợp xây dựng giải pháp để đơn vị hoàn thành kế hoạch, nâng cao vai trò các ban kinh doanh để có định hướng về thị trường và sản xuất, củng cố hệ thống quản trị rủi ro và giám sát đặc biệt. Đảng ủy tiếp tục thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động: đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác, đẩy mạnh công tác đổi mới công nghệ đối với công tác đầu tư mới và công tác đầu tư chiều sâu, phối hợp với nhà cung cấp thiết bị có giải pháp kết nối, đảm bảo tốc độ xử lý thông tin, nâng cao hoặc đầu tư mới các nền tảng quản trị tài chính kế toán, nhân sự đảm bảo các yêu cầu quản trị phức tạp. Sớm hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, xây dựng cơ chế, đảm bảo tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban SXKD, xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm Dệt kim của Tập đoàn. Để thực hiện tốt các mục tiêu, Đảng ủy chú trọng phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp chiến lược phát triển của Tập đoàn, đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nội bộ và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo, bước đầu xây dựng nền tảng vận hành hoạt động đào tạo trong toàn Tập đoàn.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Phong – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW đánh giá cao kết quả triển khai các mặt công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn Tập đoàn vẫn đảm bảo được hiệu suất sản xuất kinh doanh về doanh thu, lợi nhuận và đời sống việc làm của người lao động. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW đề nghị, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, chủ động đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động.
Để ghi nhận thành tích đóng góp của đảng viên trong những năm qua đối với công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Đức Phong – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW đã trao tặng Bằng khen danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2018-2022) của Đảng ủy Khối DNTW cho đồng chí Lê Tiến Trường –Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinatex.
Tại Hội nghị, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam long trọng trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đặng Vũ Chư – Nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và đồng chí Bùi Xuân Khu – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam; trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho đồng chí Mai Hoàng Ân –Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam; trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Trung Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và đồng chí Phan Việt Hảo – Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất xuất nhập khẩu Dệt May.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ III. Việc vượt qua ngưỡng trong nửa đầu nhiệm kỳ là bài học lớn cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp ủy cũng như lãnh đạo doanh nghiệp trong việc ra quyết định ở những thời điểm khó khăn, thành công dựa trên cơ sở dám chấp nhận các rủi ro một cách có cân nhắc… Nửa cuối của nhiệm kỳ hết sức thách thức, các dự báo về kinh tế, về thị trường cả trong nước và quốc tế đều cho thấy giai đoạn này còn khó khăn hơn nửa đầu nhiệm kỳ. Chính vì vậy, tuy không còn dịch bệch Covid-19, thị trường đã trở lại hoạt động nhưng những thách thức về giai đoạn mới sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với năm 2020. Do vậy, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam quyết tâm tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm của giai đoạn trước, áp dụng một cách chặt chẽ, liên tục vào giai đoạn tiếp theo dựa trên 4 trụ cột cơ bản: (1) Kiến tạo niềm tin (2) Tiến cùng thời đại (3) Sinh lực đổi mới (4) Trọng dụng nhân tài.
Với tinh thần đoàn kết, truyền thống lịch sử của 125 năm Liên hợp Dệt Nam Định đi vào hoạt động, 28 năm thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Vinatex chắc chắn sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, con người dệt may càng khó khăn sẽ càng gắn bó, sáng tạo, đoàn kết.
Vinatex khai giảng khóa đào tạo kiến thức chương trình Young Talent 2023
Ngày 29/6, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức khai giảng khóa đào tạo kiến thức chương trình đào tạo tài năng trẻ Vinatex Young Talent 2023 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 3 điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Khóa đào tạo kiến thức được Vinatex tổ chức nhằm mục tiêu đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ tại Tập đoàn và các đơn vị vừa có năng lực tư duy và kỹ năng làm việc hiệu quả vừa có kiến thức chuyên ngành dệt may cũng như các kiến thức quản trị hiện đại. Tham gia khóa đào tạo với 13 mô đul, các học viên sẽ học tập, tiếp cận những nội dung về kiến tạo văn hóa, quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất trong ngành dệt may với hầu hết các giảng viên là lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp giảng dạy.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, học viên sẽ học chuyên sâu về kiến thức chuyên ngành dệt may nhằm trang bị sự hiểu biết để vận dụng vào thực tế công việc được giao cũng như đóng góp vào chiến lược phát triển của từng đơn vị. Để xứng đáng với sự kỳ vọng của Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị về một đội ngũ tài năng trẻ của ngành dệt may, các học viên cần học tập nghiêm túc, chất lượng để phát huy năng lực tuổi trẻ, sự cống hiến, gắn bó và đồng hành với từng giai đoạn phát triển của ngành, đòi hỏi ngày càng cao của xu thế hội nhập. Kiến thức được tiếp nhận sẽ là giá trị ở lại lâu dài với mỗi học viên và đem lại thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Vinatex và các doanh nghiệp trong hệ thống đang hướng tới xây dựng mô hình hệ thống quản trị minh bạch – bình đẳng – công khai, đãi ngộ dựa trên cơ sở tài năng, đóng góp của mỗi thành viên; tạo cơ hội và môi trường làm việc ngày một cải thiện cho đội ngũ nhân lực. Để nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ được đào tạo qua các khóa học, lãnh đạo đơn vị và các ban chức năng cần nghiêm khắc theo dõi sát sao quá trình học của học viên và đánh giá hiệu quả vận dụng vào thực tiễn hoạt động, sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
Doanh nghiệp “thiệt đơn, thiệt kép” vì thiếu điện
Trong những ngày đầu tháng 6/2023, nhiệt độ ngày hè của miền Bắc tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điện năng cho sinh hoạt và sản xuất tăng lên đã dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên, kéo dài. Trong bối cảnh đang phải đối diện vô vàn khó khăn do biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam lại buộc phải dừng sản xuất, chậm đơn hàng do mất điện. Việc cung ứng điện liên tục bị gián đoạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động bên trong các nhà xưởng và sức khỏe, thu nhập của người lao động.
Doanh nghiệp phải đàm phán lại với khách hàng về tiến độ giao hàng và có nguy cơ bị phạt hợp đồng vì chậm tiến độ giao hàng. Đối với đơn vị sản xuất 3 ca như ngành Sợi thì việc bố trí sản xuất khi có điện cũng sẽ gặp khó khăn; bộ phận nhuộm cũng thiệt hại nặng do vải đang nhuộm mà mất điện thì toàn bộ số vải phải bỏ, không thể dùng được, ảnh hưởng liên hoàn tới cả bộ phận may. Việc mất điện thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thu nhập của NLĐ do việc làm không ổn định; doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân NLĐ.
Nhà máy đã bổ sung thực phẩm, đồ uống chống nóng; bố trí làm giãn ca, kéo dài ca sản xuất để tận dụng thời gian có điện. Cân đối chi phí để huy động lượng xe đưa đón NLĐ đi làm giãn ca. Lên kế hoạch sử dụng, khai thác tối đa công suất điện năng lượng mặt trời, chạy tối đa năng lực ở đầu dây chuyền như bông chải – ghép thô. Bám sát thị trường, có phương án thay đổi kế hoạch sản xuất, thay đổi mặt hàng để vừa có thể bù đắp sản lượng hao hụt vừa giảm thiểu lỗ chi phí sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn doanh thu để chi trả tiền lương giữ chân NLĐ.
Các doanh nghiệp tiết giảm điện bằng cách tắt các thiết bị điện không cần thiết, để điều hòa từ 27 độ trở lên. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để tránh quá tải cục bộ hệ thống điện. Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo qui định của Bộ Công Thương. Chú ý vệ sinh, bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót tránh phát sinh cháy, nổ.
Gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 20/6, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức gặp mặt các phóng viên, cộng tác viên nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex chúc mừng các phóng viên, nhà báo nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tổng Giám đốc Vinatex cảm ơn những đóng góp tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí, sự đồng hành của đội ngũ nhà báo, phóng viên với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong suốt thời gian qua, nhất là trong một số giai đoạn khó khăn của thị trường. Ông Hiếu chia sẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn luôn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên, khách quan của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; góp phần lan tỏa thông tin đa chiều đến với công chúng và người lao động. Đồng thời, các phong trào công nhân, hoạt động chăm lo đời sống của người lao động của các cấp công đoàn cũng được phản ánh sâu rộng, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với công việc, đồng hành cùng doanh nghiệp trước những biến động của thị trường…
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Cao Hữu thông tin một số nội dung nổi bật về hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm của Tập đoàn, cũng như sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, CBNV-NLĐ trong toàn hệ thống nhằm duy trì hoạt động trước thị trường nhiều khó khăn, bất định… Những tháng cuối năm 2023, dự báo ngành Dệt May Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài… Trước những thách thức này, Vinatex tiếp tục linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, thường xuyên dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn nguồn nhân lực để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa dệt may… Trong mỗi bước đi, Tập đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các cơ quan báo chí truyền thông và đội ngũ nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi ngành.
III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH
– Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
– Chỉ thị 05-CT/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương.
– Kế hoạch số 1233-KH/ĐUTĐ, ngày 16/6/2023 thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023 và đề cương kèm theo.
– Kế hoạch số 1173-KH/ĐUTĐ, ngày 12/5/2023 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ Khối DNTW khóa III về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối DNTW
– Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Công văn số 1218-CV/ĐUTĐ, ngày 9/6/2023 yêu cầu các đảng ủy, chi ủy trực thuộc phổ biến Tài liệu phục vụ tuyên truyền_ về Hội nghị và Bài phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi sinh hoạt chi bộ.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM