TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 6/2024


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân là hai cặp phạm trù đối lập nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đạo đức cách mạng cần phải xây dựng và củng cố, chủ nghĩa cá nhân cần phải đấu tranh để loại bỏ. Đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân là để bảo vệ và củng cố đạo đức cách mạng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tạo nên phẩm chất, nhân cách của người cộng sản. Đạo đức cách mạng được xây dựng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Đạo đức cách mạng là “đạo đức mới”, mang bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức mới là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người; phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng nhân loại, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Những chỉ dẫn của Người để lại những bài học lớn cho chúng ta trong xây dựng Đảng về đạo đức giai đoạn hiện nay. Thứ nhất, xây dựng Đảng về đạo đức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và bền bỉ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Mặt khác, Người phân tích, “tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Hơn nữa, đạo đức thuộc về hình thái ý thức xã hội, khi tồn tại xã hội thay đổi, ý thức xã hội thay đổi theo. Điều đó có nghĩa, vào mỗi giai đoạn, đặc biệt là khi trải qua những bước ngoặt quan trọng, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải kế thừa và bổ sung, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức mới để thích ứng với tình hình mới. Những điều đó cho thấy rằng, xây dựng Đảng về đạo đức không phải là công việc có giới hạn về thời gian mà là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và bền bỉ.

Thứ hai, nêu gương là một giải pháp đặc biệt quan trọng và hiệu quả. Nêu gương là một giải pháp quan trọng trong xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân vì nêu gương có ưu thế vượt trội so với các phương pháp khác ở sự sinh động, thực tế, bằng người thật, việc thật, bằng những tấm gương sống, do đó có sức thuyết phục cao, hiệu quả, tạo nên sức mạnh to lớn để lôi cuốn quần chúng nhận thức và hành động theo. Người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu gương trong thực hành đạo đức và chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, không chỉ tác động đến tư tưởng, nhận thức mà còn tác động đến tình cảm, niềm tin của cấp dưới và của nhân dân, qua đó tạo được uy tín của của họ trong tổ chức và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Thứ ba, mỗi cá nhân phải có ý thức không ngừng tu dưỡng đạo đức và có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cá nhân phải tu dưỡng những phẩm chất đạo đức sau: Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ. Để thực hiện được những chữ “phải” đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự nghiêm khắc khép mình vào sự tự tu dưỡng, rèn luyện không ngừng về đạo đức và có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân. Để xây dựng đạo đức của Đảng, xây dựng “sức đề kháng” tốt nhất chống chủ nghĩa cá nhân, điều kiện tiên quyết là ý thức tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đây không chỉ được coi là một nguyên tắc mà còn là một trình độ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đạt tới. Tu dưỡng về mặt đạo đức phải trở thành một hành động tự giác, có hệ thống mà mỗi cá nhân thực hiện đối với bản thân mình nhằm khắc phục những hành vi trái đạo đức và bồi dưỡng, củng cố những hành vi đạo đức của mình, thúc đẩy sự phát triển nhân cách.

Thứ tư, nhân dân phải thực sự là một chủ thể xây dựng Đảng về đạo đức. Nhân dân là một bộ phận quan trọng trong việc xây dựng, bổ sung và phát triển những chuẩn mực đạo đức để Đảng thích ứng với những thay đổi của thực tiễn trong quá trình lãnh đạo. Đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng đạo đức Mác – Lênin. Người đã kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất, nguồn gốc, nội dung của đạo đức cộng sản, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng đạo đức tiến bộ của nhân loại để xây dựng những quan điểm về một nền đạo đức mới trong Đảng, trong nhân dân. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong Đảng chính là những giá trị đạo đức truyền thống đã được nhân dân Việt Nam hun đúc và xây dựng lên qua nhiều thế hệ.

Để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, pháp luật, quản lý cho nhân dân, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cung cấp thông tin đầy đủ, tạo mọi điều kiện để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nguồn Tuyengiao.vn

Đức là gốc!

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, luôn coi đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là gốc, là nguyên nhân của mọi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Ngày 09/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Quy định số 144-QĐ/TW là một minh chứng Đảng ta chưa bao giờ ngừng quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Theo đó, Quy định số 144-QĐ/TW “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” nhấn mạnh 5 Điều: Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Quy định chỉ rõ, đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hóa, tham ô, không đặc quyền, đặc lợi… Nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đặt lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh…

Thực hiện các chuẩn mực đạo cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW cũng chính là giữ gìn phẩm giá, danh dự, lòng tự trọng, uy tín của bản thân cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng mới lãnh đạo được cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đòi hỏi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng trong sáng, phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, phải làm gương cho quần chúng noi theo.

 Nguồn dangcongsan.vn

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)

Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Hội nghị đã thảo luận dân chủ, cho ý kiến chỉ đạo đối với việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đây là công việc hệ trọng, cần sớm được triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên.

Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp uỷ cấp mình.

Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần quán triệt định hướng chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội XIV; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn xa hơn.

Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân.

Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024-2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo TTXVN

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Vinatex kiên định mục tiêu giữ vững nguồn lực trước diễn biến của thị trường

Ngày 13/5 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Báo cáo hoạt động của Cơ quan điều hành, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi kim ngạch xuất khẩu dệt may lần đầu tiên giảm trên 10%, hiệu quả kinh doanh trên doanh thu thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đơn giá các mặt hàng giảm trên 20% trong khi chi phí đầu vào đều tăng cao. Đứng trước những thách thức đó, thực hiện chiến lược của HĐQT, CQĐH Tập đoàn đã quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Vinatex đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Cụ thể: Doanh thu hợp nhất đạt 17.612 tỷ đồng, bằng 106,7% kế hoạch, trong đó Công ty Mẹ đạt 2.008 tỷ đồng, bằng 105,7% kế hoạch; Lợi nhuận hợp nhất đạt 538 tỷ đồng, bằng 145,5% kế hoạch, trong đó Công ty Mẹ đạt 133 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.

Thị trường năm 2024 còn nhiều bất định và khó lường, những tín hiệu phục hồi từ thị trường chưa có sự bền vững và còn nhiều rủi ro. Do đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 là 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% cùng kỳ, trong đó doanh thu Công ty Mẹ đạt 2.070 tỷ đồng, bằng 103,06% cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% cùng kỳ, lợi nhuận Công ty Mẹ đạt 150 tỷ đồng, bằng 112,17% cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá và nhận định thị trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, trong ngắn hạn và trung hạn, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các lợi thế về cạnh tranh của Việt Nam đang yếu hơn so với các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới. Hoạt động của HĐQT tập trung vào một số điểm nhấn:  (1) Chú trọng công tác R&D, sản xuất sản phẩm đặc chủng, kỹ thuật cao, ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và kinh doanh vải chống cháy với Tập đoàn Coats (Anh Quốc) và sẽ có lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Mỹ vào tháng 7/2024; Thử nghiệm sản xuất sợi lõi filament. (2) Đẩy mạnh công tác thị trường, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng cao và chuyển dịch đáp ứng nhu cầu mới, bù đắp suy giảm của sản phẩm truyền thống: Đưa sản phẩm khăn Phong Phú vào thị trường Mỹ, chuẩn bị xây dựng chuỗi sản xuất khăn tại miền Bắc (Dệt Hà Đông và Dệt Nam Định); Chuyển dịch sang sản xuất sợi pha có thành phần tái chế cao đáp ứng nhu cầu thị trường: bình quân trên 25% trong hệ thống Vinatex (trên 50% tại Sợi Phú Bài). (3) Kéo dài chuỗi cung ứng hướng tới khép kín chuỗi cung ứng: Sợi sang ngành Dệt – Việt Thắng đạt 70% sợi qua dệt, Dệt Nam Định 35%; triển khai kết nối ngành sợi với các nhà sản xuất trong nước (nhất là FDI); Củng cố ngành dệt nhuộm để nâng cao tỷ lệ sử dụng vải mộc. (4) Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị: Hoàn thiện cơ bản CĐS tại Văn phòng Tập đoàn và ngành sợi; Quản trị chi phí thông qua dữ liệu CĐS. (5) Lấy nguồn nhân lực làm nền tảng cho phát triển: Đào tạo giai đoạn 2 chương trình Young Talent; Đào tạo theo yêu cầu cho cán bộ quản lý tại các đơn vị trọng yếu: Việt Thắng, Phong Phú, Phú Bài, Dệt May Nam Định.

Đặt ra nhiệm vụ xuyên suốt năm 2024, Chủ tịch Lê Tiến Trường nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành; Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện 5 kiên định gồm: Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG); Tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới; Liên tục dự báo thị trường và đưa ra giải pháp thích ứng; Xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược “Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang”; Đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.

Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 5

Ngày 29/5, Hội thảo chuyên đề đã cập nhật các thông tin về thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may, một số thông tin về đạo luật chống lao động cưỡng bức (ULFPA) của Mỹ và các vấn đề liên quan đến nguyên liệu bền vững. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa ra một số nhận định về cơ hội SXKD, xu hướng của thị trường cũng như tình hình thực tế đơn hàng tại doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đã đưa ra một số nhận định, dự báo thị trường trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, về yếu tố thuận lợi: Kinh tế vĩ mô Mỹ, EU không xấu đi so với dự báo, xu thế kiểm soát được tình hình khá rõ, nhất là ở EU và UK; Tiêu dùng và thu nhập ở Mỹ, EU đều có xu thế tăng; Tồn kho giảm khá mạnh so với 2023, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch Covid-19; Trung Quốc có xu thế chấm dứt các hỗ trợ cho DN phục hồi, đưa mặt bằng cạnh tranh trở về mức thị trường; Việc kiểm soát xuất xứ từ Trung Quốc nghiêm ngặt hơn; VNĐ là một trong các đồng nội tệ giảm giá nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm…

DN cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với các yếu tố bất lợi – nguy cơ: Thị trường Nhật Bản đang tốt hơn so với thực trạng vĩ mô, có thể dẫn đến đảo chiều bất ngờ; Thị trường Mỹ chưa có đợt giảm lãi suất, dẫn tới cầu chưa tăng đột biến; Một số khách hàng truyền thống gặp khó khăn, có thể phá sản; Lãi suất trong nước có xu thế tăng lên; VNĐ trong 6 tháng cuối năm ít có khả năng phá giá, thậm chí là có khả năng tăng giá; Lương tối thiểu, các vấn đề mới của BHXH có thể tạo ra một số diễn biến không có lợi trong lao động; Ngành sợi vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khủng hoảng.

Về xu hướng của thị trường: Hàng rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối. Vẫn duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về mức trước dịch; Các hãng thời trang cơ bản đã vượt qua khó khăn, lợi nhuận tăng trưởng rất tốt so với các nhà sản xuất; Sản phẩm cotton có xu thế quay lại tại Mỹ, tăng trưởng so với hàng từ MMF; Mặt hàng cơ bản với loạt khá lớn, đơn giá thấp nhưng khách hàng không đặt sớm; Lưu ý xu thế may gia công của khách hàng Trung Quốc để tận dụng xuất xứ.

Khuyến cáo một số chương trình hành động cho các DN triển khai kế hoạch SXKD từ nay đến hết năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị các DN tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU; cân đối để chuyển đổi đồng USD sang VNĐ có thể lên giá nhẹ cuối năm; tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam… Đặc biệt, DN cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường.

Chủ tịch HĐQT Vinatex tiếp đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Tập đoàn

Tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex đã thông tin nhanh về quy mô và năng lực sản xuất của Vinatex cho đoàn doanh nghiệp Nhật Bản. Ông cũng nhấn mạnh, thị trường Nhật Bản là thị trường đầu tiên mà Vinatex xuất khẩu trên thế giới. Sau khi cổ phần hóa, Vinatex đã có Tập đoàn Itochu – doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất đầu tư 14% vốn tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Ông bày tỏ sự trân trọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản bởi đây là mối quan hệ lâu dài và hai bên cùng có lợi.

Ông Yamauchi Kazuhilo-Tổng Giám đốc Công ty Yamauchi chia sẻ, Công ty Yamauchi đã kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực dệt may hơn 100 năm và 50 năm trước đã chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khăn. Phía công ty đã hợp tác độc quyền với Hanosimex về mảng khăn nghiệp vụ. Ông đánh giá chất lượng khăn của bên Hanosimex là Top 1 tại thị trường Nhật Bản. Khi có cơ hội làm việc với Vinatex, ông hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.

Ông Lê Tiến Trường bày tỏ sự trân trọng đối với đại diện Yamauchi. Ông chia sẻ, đối với ngành khăn, hiện nay Vinatex có thể sản xuất trên 10.000 tấn/tháng. Nguyên tắc kinh doanh của Vinatex khi hợp tác với khách hàng là đề cao sự minh bạch, thực hiện nghiêm túc các cam kết và hoạt động đôi bên cùng có lợi trong mọi điều kiện. Bên cạnh các mặt hàng hiện có, Vinatex bày tỏ mong muốn kinh doanh các mặt hàng ngành khăn mới, có thể tái chế so với mặt hàng thông thường mà Tập đoàn đã đưa vào thị trường Nhật Bản trong 30-40 năm nay.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi mong muốn tìm kiếm nhân sự đến từ Việt Nam. Nhật Bản đánh giá cao năng lực của lao động Việt Nam và hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển kinh tế trong tương lai.

Ông Lê Tiến Trường thông tin, bên cạnh những lĩnh vực sản xuất dệt may, Vinatex cũng có khả năng cung ứng lao động được đào tạo đa ngành tại Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu về nhân lực cho các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nước ngoài.

Hơn 1.000 vị trí việc làm cho sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

 Nhằm tạo cơ hội giúp sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tìm kiếm, tiếp cận việc làm phù hợp, ngày 24/5, Trường Cao đẳng Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức “Ngày hội việc làm năm 2024” với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh sinh viên (HSSV), hơn 50 doanh nghiệp, tổ chức lớn tham gia tuyển dụng trực tiếp.

“Ngày hội việc làm” là sự kiện được tổ chức thường niên của nhà trường, nhằm tạo cơ hội cho HSSV tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực và nguyện vọng. Đây cũng là dịp giúp cho nhà trường nắm bắt được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, qua đó xây dựng nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong thời gian tới, nhà trường hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho quá trình đào tạo của nhà trường để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế giới nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều khởi sắc. Thị trường lao động đang biến đổi theo hướng tích cực, thất nghiệp giảm. Hiện nay, cơ hội việc làm rất lớn, tuy nhiên sinh viên cần lựa chọn cho mình công việc phù hợp. Tất cả việc làm đều theo xu hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số…, đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn, công nghệ, ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng mềm. Những sinh viên có tác phong nghiêm túc, chuyên nghiệp và kỹ năng thực tế vững vàng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với những nhân sự khác.

Sôi nổi Ngày hội thanh niên công nhân, sinh viên Khối Doanh nghiệp Trung ương

 Ngày 16/5, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Ngày hội thanh niên công nhân, sinh viên Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024. Ngày hội do Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đăng cai tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Ngày hội thanh niên công nhân, sinh viên được tổ chức với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh, mang đến cho thanh niên công nhân, sinh viên trong Khối cơ hội tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thiết thực, rèn luyện sức khỏe thể chất và nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên thanh niên, tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên; tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị góp phần nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của các Tập đoàn, Tổng Công ty, đơn vị trong Khối.

Trong khuôn khổ Ngày hội diễn ra các hoạt động triển lãm gian hàng từ hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài Khối, triển khai các gian hàng trợ giá, trao tặng quà cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, triển khai hỗ trợ học bổng cho sinh viên vươn lên trong học tập, tổ chức Ngày hội việc làm Sinh viên năm 2024.

Cũng tại Ngày hội, thanh niên công nhân, sinh viên trong Khối đã tranh tài các môn thi đấu thể thao đồng đội như kéo co, nhảy bao bố… nhằm tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết giữa các đơn vị trong Khối, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Vinatex tham gia “Hành trình đỏ 2024”

Tại khu vực phía Bắc, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Trung tâm Truyền máu- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện “Hành trình đỏ 2024” vào ngày 15/5 tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội,.

Hiến máu tình nguyện là một việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi người chỉ cần hiến một phần máu của mình là có thể cứu được tính mạng của một ai đó. Nhiều năm qua, chương trình Hiến máu tình nguyện “Hành trình đỏ” luôn được Công đoàn Dệt May Việt Nam đặc biệt quan tâm, kêu gọi, phát động trong toàn hệ thống và tổ chức thường xuyên ở khắp 3 miền Bắc- Trung – Nam. Tính từ năm 2018 đến nay, chương trình đã thu hút 6.876 lượt người tham gia, tiếp nhận được 5.986 đơn vị máu. Ngoài ra, các CĐCS còn chủ động tham gia hiến máu tình nguyện tại các địa phương với hàng ngàn đơn vị máu. Có những cán bộ đoàn viên, NLĐ của ngành đã hiến máu tình nguyện hàng chục lần cũng như nhiều tấm gương cao đẹp khác trong hành trình nhân ái hiến máu cứu người đầy ý nghĩa. “Hành trình đỏ 2024” tại khu vực phía Bắc thu hút hơn 450 tình nguyện viên tham gia hiến máu, tiếp nhận 409 đơn vị máu.

Ngày 30/5, Chương trình hiến máu tình nguyện “Hành trình đỏ 2024” khu vực phía Nam đợt 1 diễn ra tại Trường Cao đẳng Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đã tiếp nhận được 300 đơn vị máu. Chương trình này sẽ được tổ chức đợt 2 vào ngày 3/6 tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dự kiến gần 600 tình nguyện viên tham dự. Tại miền Trung, chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 14/7.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

– Ngày 09/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

– Ngày 10/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 145-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

– Kế hoạch số 1640-KH/ĐU TĐ, ngày 15/5/2024 thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác