TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 5/2024


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân – chủ nghĩa Mác – Lênin luôn bị các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội ra sức chống phá quyết liệt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chính đảng cũng như phong trào công nhân trên thế giới, đến việc hiện thực hóa khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người của giới cần lao.

Khi chủ nghĩa cơ hội đã được hình thành và phát triển với những tư tưởng, quan điểm có tính hệ thống, thậm chí trở thành một học thuyết chính trị – xã hội thì ảnh hưởng rất tiêu cực đến phong trào công nhân, làm lung lay niềm tin, “làm hư hỏng phong trào công nhân”, “biến nhiệm vụ giành chính quyền từ quan trọng thành không quan trọng; biến hình thức đấu tranh nghị trường là thứ yếu sang hình thức đấu tranh chủ yếu; biến đấu tranh kinh tế từ thứ yếu thành chủ yếu dẫn tới quá coi trọng và đề cao đấu tranh kinh tế, hạ thấp vai trò đấu tranh chính trị”. Họ dễ dàng thỏa hiệp với giai cấp tư sản, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ nhận cách mạng vô sản và cố gắng đưa phong trào công nhân nằm trong “giới hạn có thể chấp nhận được” đối với giai cấp tư sản, khiến cho phong trào công nhân chỉ như “giậm chân tại chỗ”. Điều này đã tạo nên tâm lý hoài nghi về thắng lợi của phong trào công nhân cũng như “làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các Đảng Cộng sản, kéo lùi phong trào công nhân ở các nước”.

Mặc dù ở Việt Nam chưa có thời kỳ nào xuất hiện chủ nghĩa cơ hội với tư cách là một lực lượng hay một phong trào có khả năng ảnh hưởng đến cách mạng, nhưng vẫn còn tồn tại những tư tưởng hay những biểu hiện hữu khuynh và tả khuynh dưới những mức độ khác nhau. Ngoài ra, việc các thế lực thù địch phản động câu kết gia tăng sự chống phá đã khiến chúng ta phải thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các loại cơ hội, các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, từ sau khi CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhiều luận điệu xảo trá đã được tung hô với những thủ đoạn, hình thức khác nhau nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trước tình thế đó, việc đấu tranh trực diện, không khoan nhượng, thật sự kiên quyết được đặt ra cấp bách nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và những thành quả của công cuộc đổi mới.

Một dấu mốc quan trọng trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đưa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ hơn với nhiều kết quả khả quan. Từ đó, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; làm thất bại các hoạt động lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng.

Để tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Lênin trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân cần (1) tiếp tục nhận diện và đấu tranh trực diện, kiên quyết, không khoan nhượng với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch; (2) coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; phân biệt rõ quan điểm khác, quan điểm lệch lạc với quan điểm sai trái, thù địch…(3) phòng chống suy thoái về chính trị tư tưởng, nghiêm khắc xử lý với những sai phạm trong nội bộ; (4) tiếp tục đẩy mạnh việc “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hàng ngày” như cách nói của Lênin, “đưa chính trị vào giữa dân gian” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh; (5) thường xuyên củng cố, xây dựng đội ngũ chuyên gia sâu sắc về lý luận, am tường thực tiễn; không ngừng nâng cao nhận thức của quần chúng.

Từ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có thể xác định những phần tử cơ hội thuộc các “nhóm” sau: (1) là những kẻ ra mặt chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, dễ nhận biết và phát hiện; (2) là những kẻ không ra mặt chống đối nhưng lại có ý đồ rất xa, rất dài, mưu đồ “chui sâu, leo cao” để thực hiện tham vọng; (3) là những cán bộ, đảng viên thiếu hiểu biết về lý luận chính trị, phai nhạt lý tưởng, dễ ngả nghiêng, dao động, thiếu niềm tin. Theo đó, cần nhận diện đúng các “cấp độ” của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên để có biện pháp thuyết phục, đấu tranh phù hợp, hiệu quả, tránh “vơ đũa cả nắm”; chú trọng kết hợp “xây” và “chống”.

Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội và những trào lưu phản cách mạng, sai trái là một hoạt động cần thiết và vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự tồn tại của chế độ XHCN. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, V.I.Lênin đã không chỉ tiếp nối sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen mà còn liên tục đấu tranh với những phần tử, trào lưu cơ hội, dân túy, thù địch để bảo vệ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng và những quan điểm đó vẫn luôn chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Cảnh giác với chiêu trò mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng

Những ngày gần đây, mạng xã hội dậy sóng nhiều tin đồn xuyên tạc sự thật, với tần suất lan truyền chóng mặt, gây tác hại đến công chúng tiếp nhận thông tin. Thực chất thì những thông tin xấu độc dạng tin đồn lan truyền trên không gian mạng xã hội không có gì mới, vẫn chỉ là “bình cũ, rượu mới”.

Chỉ có điều, tin đồn gần đây được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhào nặn gắn với những vụ án tham nhũng, đang được dư luận quan tâm, kết hợp với những phương thức truyền thông mới hiện đại, nhất là ứng dụng công nghệ AI, đưa giọng nói “thổi” vào các hình ảnh, video cắt ghép. Chiêu trò mới này tạo cảm giác cho người đọc, người xem dễ phân tâm, lung lạc giữa đúng – sai, thật – giả. Vì thế, với các chiêu trò mới của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, làm cho các dạng tin đồn được lan truyền, nhân bản rất nhanh, tạo tâm lý đám đông, a dua vào những sự kiện vốn không có thật trên mạng.

Phương thức thông tin của tin đồn có nhiều dạng thức mới, nhưng về bản chất vẫn chủ yếu xung quanh ở các dạng thức. Thứ nhất, tin đồn kiểu thật – giả lẫn lộn. Sử dụng thông tin có thật về các vụ án tham nhũng đã, đang, sẽ được xem xét, xử lý từ các nguồn thông tin chính thống của các báo, tạp chí trong nước, rồi thêm “gia vị’, nhào nặn để bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân lãnh đạo, từ đó quy chụp, nói xấu chế độ. Thứ hai, tin đồn kiểu giả mạo 100%. Đây là những tin giả, không có thật, do một số phần tử phản động, cơ hội chính trị tưởng tượng ra kịch bản như thật để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin, nhằm kích động, hoặc tôn thờ, ca tụng một cá nhân, nhưng lại nói xấu một hay vài cá nhân lãnh đạo khác. Mục tiêu của chúng là kích động, gây mất đoạn kết nội bộ lãnh đạo nhằm chia giẽ nội bộ, dựng lên cái gọi là phe, nhóm.

Nguy hiểm hơn là lợi dụng tâm lý tò mò của không ít người sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước, chúng sẻ chia thông tin giả trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhất là tiktok, facebok, youtube… len lỏi đưa lên nhiều nhóm facebook có số lượng thành viên rất đông để nhân rộng, lan tỏa nhanh thông tin.

Để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả các thông tin xấu độc, nhất là các dạng tin đồn thất thiệt, góp phần giữ vững an ninh tư tưởng trên không gian mạng, rất cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cộng đồng mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Hai là, tổ chức đấu tranh thường xuyên, kịp thời với các thông tin xấu độc, các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội. Khơi dậy ý thức cảnh giác cao độ của mỗi công dân, nhóm sử dụng và cộng đồng mạng, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… khi tham gia các mạng xã hội.

Ba là, tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đấu tranh kịp thời với các hành vi, vi phạm của các mạng xã hội facebok, google, tiktok… Yêu cầu các mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật, bóc gỡ các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đạo đức xã hội và vi phạm luật pháp của Việt Nam…

Nguồn: Báo điện tử – Đảng cộng sản Việt Nam

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2024

Ngày 19/4, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối quý 1, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2024.

Báo cáo nêu rõ, các đảng ủy trực thuộc Khối đã nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và Đảng ủy Khối; đẩy mạnh các giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; nghiêm túc triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình đảng bộ cơ sở 4 tốt, chi bộ 4 tốt, các nội dung trong Kế hoạch triển khai sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; tích cực bồi dưỡng, rèn luyện quần chúng ưu tú đủ tiêu chuẩn để thực hiện kết nạp Đảng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; tham gia kiến nghị, đề nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế số 01-QCTC/TW, ngày 07/11/1997 của Ban Tổ chức Trung ương về quản lý hồ sơ cán bộ; lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong Khối…

Quý 2 và 6 tháng cuối năm 2024, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ Khối tiếp tục có nhiều nhiệm vụ phát sinh, khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Trung ương trong công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp; đa phần các đảng ủy trực thuộc đều tăng về tổ chức đảng và đảng viên sau khi hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận từ các địa phương… đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và cán bộ tham mưu công tác tổ chức xây dựng đảng cần nâng cao vai trò, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy những chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị liên quan đến tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng có đủ năng lực, phẩm chất là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung, trong thời gian tới, Đảng ủy Khối DNTW đề nghị các đảng ủy trực thuộc quan tâm, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục bám sát chủ đề công tác, kế hoạch công tác năm 2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; bám sát, tham gia các đề án, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương, các Tiểu ban phục vụ Đại hội XIV của Đảng để triển khai nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng các cấp trong Đảng bộ Khối đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nghiên cứu, tập trung cụ thể hóa, tham mưu xây dựng các kế hoạch triển khai các quy định, hướng dẫn của Trung ương; đề xuất nhân sự tham gia các hội nghị, các đoàn khảo sát của trung ương; đồng thời tích cực tham gia góp ý để hoàn thiện các báo cáo, nhiệm vụ của Trung ương; tham mưu quán triệt triển khai Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nguồn: Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối DNTW

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Vinatex triển khai kế hoạch quý 2 năm 2024

Ngày 9/4, Cơ quan Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả SXKD quý 1 và triển khai kế hoạch quý 2 năm 2024. Báo cáo đánh giá hoạt động SXKD quý 1 nêu rõ những khó khăn, thách thức của thị trường đã và đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp trong hệ thống, nhất là với ngành sợi. Tuy nhiên, với sự quyết liệt, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực, linh hoạt của các doanh nghiệp, toàn hệ thống có kết quả doanh thu và lợi nhuận ước tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Để hoàn thành nhiệm vụ SXKD trong quý 2 trong điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, biến động khó lường, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm mà toàn hệ thống cần chú trọng triển khai: (1) Tập trung giải pháp để đảm bảo đơn hàng, tận dụng nhanh mọi cơ hội; (2) Liên tục dự báo, cập nhật tình hình SXKD để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; (3) Quyết liệt tái cấu trúc tại các đơn vị đang khó khăn trong thời gian dài; (4) Nâng cao năng suất, hạ giá thành, áp dụng các giải pháp quản trị tiên tiến. Lãnh đạo Tập đoàn cũng nhấn mạnh sự cần thiết triển khai các dự án tăng năng lực sản xuất, như dự án sản xuất vải chống cháy, dự án Sợi Nam Định…

Trao đổi tại Hội nghị, các thành viên trong CQĐH đã thông tin tình hình thị trường với ngành may, ngành sợi trong các đơn vị trực thuộc Tập đoàn; công tác đầu tư cho các dự án mới; việc tái cơ cấu các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả kéo dài; xây dựng chiến lược tài chính lâu dài… Nhận định chung, thị trường có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp may đã đầy tải đơn hàng, các doanh nghiệp sợi còn nhiều khó khăn, đang phấn đấu để cắt lỗ, từng bước có lãi trong các quý tới. Doanh nghiệp cần chú trọng đến xử lý các vấn đề về tài chính, nhân lực, nguồn lao động năng lực quản trị để có thể đón bắt được yêu cầu SXKD khi thị trường ấm lên…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh, Tập đoàn nhận diện được những khó khăn, thách thức vẫn đang tiếp diễn trong năm 2024, tuy nhiên thị trường đã có những chuyển tích cực. Thị trường dệt may vẫn có dư địa phát triển cho các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, năng suất, chất lượng vượt trội, liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, kinh tế xanh với bước đi phù hợp. Quý 1, kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều cải thiện so với cùng kỳ, đặc biệt là với ngành may, tập trung tại các DN lớn đã có sự cải thiện trên 20% hiệu quả. Ngành sợi đã giảm dần lỗ thua lỗ so với cùng kỳ. Hiệu quả tuy chưa chắc chắn nhưng phù hợp với diễn biến của thị trường. Trong quý 2, CQĐH Tập đoàn cần bám sát thông tin thị trường và hoạt động SXKD của các DN trực thuộc. Cần có chiến lược tài chính khả thi cho các đơn vị gặp khó khăn kéo dài, cơ cấu lại mô hình hoạt động của các DN này…

“Bước vào mùa đại hội đồng cổ đông 2024- mùa đại hội có nhiều thách thức đặt ra với các nhà đầu tư trong các quyết định về kế hoạch kinh doanh và bước đi cho từng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và quay lại nhịp phát triển tốt như giai đoạn 2015-2020. Để đạt được các mục tiêu này, tại đại hội đồng cổ đông 2024, hội đồng quản trị, cơ quan điều hành các doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận vị thế của doanh nghiệp hiện nay, minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển. Kêu gọi sự ủng hộ của nhà đầu tư trong nguồn vốn bổ sung, nhất là trong các kế hoạch mang tính đột phá, tìm khu vực thị trường mới, sản phẩm mới để sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn”- Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024

Mùa đại hội đồng cổ đông 2024 là mùa đại hội có nhiều thách thức đặt ra với các nhà đầu tư trong các quyết định về kế hoạch kinh doanh và bước đi cho từng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và quay lại nhịp phát triển tốt như giai đoạn 2015-2020. Để đạt được các mục tiêu này tại đại hội đồng cổ đông 2024, hội đồng quản trị, cơ quan điều hành các doanh nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận vị thế của doanh nghiệp hiện nay, minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển. Trên cơ sở dữ liệu khách quan, so sánh đối chiếu với các đối thủ cạnh tranh để xác định các hạn chế trong điều hành và kế hoạch khắc phục.

+ Ngày 20/4, Tổng Công ty May 10-CTCP (May 10) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2023, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024 cho biết, tổng doanh thu May 10 thực hiện năm 2023 là 4.257 tỷ đồng, tăng 1,36% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 123,43 tỷ đồng, tăng 12,21% so với kế hoạch. Toàn hệ thống Tổng Công ty vẫn duy trì được lực lượng lao động với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/người/năm, đạt kế hoạch được giao tại ĐHĐCĐ năm 2023. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên May 10 xây dựng báo cáo phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu xanh hóa sản xuất và giảm phát thải nhà kính.

Nhận định tình hình năm 2024, CQĐH May 10 dự báo vẫn còn nhiều thách thức do nhiều nguyên nhân như: bất ổn địa chính trị  và căng thẳng liên tục leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, sức mua tại các thị trường lớn chưa phụ hồi hoàn toàn, chi phí đầu vào tiếp tục tăng (điện, dầu, vận tải), chi phí nhân công gia tăng từ 1/7/2024, áp lực cạnh tranh, thu hút lao động do xu hướng đi làm việc tại nước ngoài và nhu cầu của các doanh nghiệp FDI… Trên cơ sở đó, May 10 xây dựng kế hoạch SXKD năm 2024 với các chỉ tiêu doanh thu 4.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 15%, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong năm 2024, May 10 sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về thị trường, khai thác khách hàng, tập trung sản xuất nhanh đáp ứng yêu cầu đơn hàng, cải thiện liên tục chất lượng sản phẩm, tiết kiệm toàn diện trong mọi hoạt động, kiểm soát chi phí và rủi ro, tăng cường chuyển đổi số, đầu tư các dự án trọng điểm theo kế hoạch, bổ sung nhân sự có chuyên môn cao chuyên trách từng lĩnh vực.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao những nỗ lực của HĐQT, CQĐH và tập thể CBNV-NĐLĐ Tổng Công ty trong năm hết sức khó khăn vừa qua. Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của May 10 đã có nhiều đột phá về hiệu quả, với 3 năm liên tục 2021 – 2023 đạt lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, May 10 đã từng bước đạt được sự ổn định của hệ thống tài chính với các chỉ tiêu tài chính cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, trong điều kiện thị trường ngày càng bất định, Chủ tịch Lê Tiến Trường đề nghị, Ban lãnh đạo May 10 tiếp tục nỗ lực trong hoạt động quản trị, chú trọng vào công tác khách hàng, thị trường và quản trị rủi ro, đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển để hiện đại hóa sản xuất.

Trên tinh thần chia sẻ những khó khăn về thị trường và với trách nhiệm là cổ đông pháp nhân lớn nhất hiện tại của May 10, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cam kết sẽ luôn luôn đồng hành, chịu trách nhiệm cùng May 10; tham gia phân tích, đánh giá thị trường với Người đại diện của Vinatex tại May 10, HĐQT và CQĐH May 10 để hoạt động SXKD của Tổng công ty giảm thiểu rủi ro, phát triển một cách bền vững và tạo dựng được hình ảnh của May 10 là một doanh nghiệp vững vàng về tài chính, định vị được thương hiệu và thị trường, tiếp tục duy trì nền văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, Chủ tịch Vinatex cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ May 10 trong công tác cán bộ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2025 – 2030 và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Tổng Công ty.

Tại Đại hội, 100% cổ đông có mặt đã biểu quyết thông qua các nội dung trình ĐHĐCĐ 2024: Báo cáo kế quả hoạt động SXKD năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo của BKS về thẩm tra kết quả SXKD, BCTC năm 2023 đã kiểm toán; Báo cáo hoạt động của HĐQT về công tác quản trị năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; BCTC năm 2023 đã được kiểm toán; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Kinh phí hoạt động và thù lao của HĐQT, BKS năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Danh sách tổ chức kiểm toán BCTC năm 2024.

+ Ngày 27/4 Tổng Công ty CP May Việt Tiến (May Việt Tiến) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Năm 2023, May Việt Tiến tương tự các công ty trong ngành, phải ứng phó với nguồn hàng khan hiếm, đơn hàng nhỏ lẻ, kỹ thuật khó, đơn giá giảm, chi phí đầu vào và giá nhân công tăng, biến động lao động… Tuy nhiên, Tổng Công ty vẫn kết thúc năm với tổng doanh thu và lãi trước thuế tăng trưởng lần lượt 7% và 6% so với năm 2022, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm. Về phương án phân phối lợi nhuận, May Việt Tiến dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 25% (2.500 đồng/cp), cao hơn so với tỷ lệ 20% đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Năm 2024, May Việt Tiến lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu 8.360 tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 5% so với thực hiện 2023, thu nhập bình quân người lao động tăng 4%, lên 12 triệu đồng/người/tháng, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận định về định hướng sắp tới của Việt Tiến: Mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, giá nguyên liệu rẻ, năng suất cao đã đi đến tận cùng và không còn phù hợp. Các đầu chuỗi, chủ nhãn hàng đang định vị loại hàng hóa này ở thị trường gia công là Bangladesh chứ không còn ở Việt Nam, do đó kéo giảm hiệu quả của May Việt Tiến. Hướng đi phải là nhanh chóng xoay chuyển mô hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt trong từng giai đoạn. Quá trình dịch chuyển sẽ là từ sản xuất trực tiếp thành nhà quản trị chuỗi cung ứng….

+ Ngày 29/4, Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (May Hưng Yên) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 nhằm thông báo kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2023, phương hướng SXKD và đầu tư năm 2024 để Đại hội thông qua.

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng May Hưng Yên đã đạt doanh thu 690,5 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch năm, bằng 83% so với năm 2022; Lợi nhuận trước thuế 84,6 tỷ đồng, đạt 120,9% so với kế hoạch năm, bằng 72% so với năm 2022; Thu nhập bình quân của gần 2000 lao động đạt 11 triệu đồng/người/tháng; Chi trả cổ tức 20%. Trong năm, Tổng Công ty đã kịp thời đầu tư, bổ sung thiết bị mới nhằm đáp ứng tối đa sự đa dạng của sản phẩm, yêu cầu của khách hàng để giữ được đơn hàng. Qua đó đã đảm bảo việc làm cho người lao động, ổn định thị trường và khách hàng, phát triển thêm một số khách hàng mới.

Năm 2024, May Hưng Yên đặt kế hoạch tổng doanh thu bán hàng 550 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 55 tỷ đồng; thu nhập bình quân của NLĐ đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng. Để ứng phó với những khó khăn, thách thức vẫn đang diễn biến phức tạp và đạt được kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, Tổng Công ty tập trung ổn định thị trường cũ, phát triển thị trường mới tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đổi mới công tác quản lý và công nghệ để thích ứng với xu hướng mới của thị trường. Đầu tư thiết bị, cải tạo cơ sở sản xuất theo hướng giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Đào tạo và nâng cao kỹ năng, trình độ của đội ngũ CBNV-NLĐ. Nâng cao thu nhập và tăng cường chăm lo đời sống mọi mặt cho người lao động… Tổng Công ty dự kiến đầu tư 30 tỷ đồng cho đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ; sửa chữa nhà xưởng, khảo sát và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao nỗ lực của tập thể CBNV-NLĐ May Hưng Yên trong hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023 trước điều kiện thị trường nhiều khó khăn, bất định. Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, xét về doanh thu, lợi nhuận, May Hưng Yên vẫn là một trong những đơn vị cao nhất của Tập đoàn, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên đầu người cao. Có được kết quả này là bởi May Hưng Yên phát huy được năng suất lao động kỹ thuật cao, quan hệ với khách hàng tốt, thực hiện triệt để, hiệu quả tiết kiệm chi phí sản xuất, lao động ít biến động… May Hưng Yên cũng là doanh nghiệp có doanh thu tài chính trừ đi chi phí tài chính lớn nhất Tập đoàn, có nguồn tài chính chủ động trong điều kiện thị trường khó khăn. Tuy nhiên, đơn vị cũng cần nhận diện những thách thức trong điều kiện thị trường bất định, lên xuống bất thường để có thể có được năng lực, nguồn vốn đảm bảo khi muốn đổi mới mô hình SXKD, chuyển từ sản xuất CM sang FOB và giữ được vị trí vững vàng với nhiều khách hàng lớn, dự phòng rủi ro xảy ra khi khách hàng gặp khó khăn hoặc rơi vào phá sản. Đồng thời, với điều kiện phát triển ngày càng mạnh mẽ của tỉnh Hưng Yên, May Hưng Yên cũng cần suy tính đến việc đảm bảo nguồn lực lao động, nhất là lao động chất lượng cao qua nâng cao thu nhập, điều kiện sống cho người lao động, phối hợp với Tập đoàn triển khai chương trình nghiên cứu phát triển thị trường, phát triển sản phẩm mới cho giai đoạn tới…

+ Ngày 12/4 tại Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Hòa Thọ) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2023, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024 nêu rõ, Hòa Thọ đạt tổng doanh thu hợp nhất 4.797 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 262 triệu USD, đạt 116% so với kế hoạch năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, ngành Dệt May Việt Nam được dự báo còn tiếp tục khó khăn, Hòa Thọ xây dựng kế hoạch SXKD năm 2024 với các chỉ tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 247 triệu USD; lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; thu nhập bình quân NLĐ tăng 6-10% so với năm 2023; chia cổ tức từ 20-40% vốn điều lệ. Để thực hiện được kết quả trên Hòa Thọ sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về thị trường, đầu tư, quản trị nguồn nhân lực, quản lý tài chính, quản trị rủi ro, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận, Hòa Thọ đã hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được đại hội đồng cổ đông đặt ra với mức chia cổ tức 35% là hết sức ấn tượng. Để đảm bảo Hòa Thọ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trở thành một mắt xích quan trọng trong sự phát triển dài hạn của Tập đoàn, ông Cao Hữu Hiếu đề nghị Tổng Công ty cần tập trung vào chiến lược phát triển đến năm 2030, đề ra các giải pháp phát triển sản phẩm mới, qui hoạch, phát triển tổng thể tại các nơi sản xuất bên ngoài khu vực Ông Ích Đường, tiến hành di dời từng phần và đưa Quế Sơn vào trong qui hoạch. Xây dựng nền tảng vận hành để đảm bảo đến năm 2025 hoàn thiện các giải pháp kinh doanh sau khi dời đi khỏi khu vực Ông Ích Đường.

Nhóm người đại diện vốn của Tập đoàn tại Hòa Thọ cần phát huy tốt hơn vai trò của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tạo sự đoàn kết, thống nhất trong HĐQT, ban điều hành để thực hiện thành công chiến lược phát triển trung và dài hạn cũng như giải quyết các vấn đề lớn của đơn vị. Tập trung thực hiện tốt công tác đại diện vốn, đảm bảo các qui định của pháp luật, qui định, qui chế của Tập đoàn bảo tồn phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

+ Ngày 24/4, tại Chi nhánh Hà Nam, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tổng Công ty, bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Hanosimex đạt doanh thu hợp nhất hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94,45% Nghị quyết của ĐHĐCĐ 2023; thu nhập bình quân người lao động đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng, bằng 93,72% Nghị quyết của ĐHĐCĐ 2023.

Năm 2024, khách hàng đặt đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh tiếp tục là xu thế chính của thị trường thế giới, nhu cầu hàng dệt may chưa được cải thiện rõ nét,… Hanosimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân NLĐ đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐTV VNC nhấn mạnh, năm 2023 Hanosimex gặp rất nhiều khó khăn và có kết quả SXKD không thuận lợi. Ngành Sợi, May và công tác tài chính đều hoạt động chưa có hiệu quả. Đứng trước năm 2024 còn rất nhiều thách thức, Hanosimex cần phải có những giải pháp quyết liệt toàn diện, thay đổi mô hình quản trị. Trong quý 2/2024, cần tái cấu trúc các đơn vị thành viên, công ty con nhỏ lẻ, hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cấp cao, đẩy mạnh công tác thị trường, tìm mọi biện pháp để ổn định chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động nhằm giữ chân người lao động có tay nghề cao.

+ Ngày 25/4, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Báo cáo tại Đại hội nêu rõ, mặc dù kết quả không đạt như kế hoạch đặt ra nhưng Tổng Công ty đã nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đời sống, việc làm và giữ chân người lao động, tạo cơ sở cho việc vực dậy hoạt động SXKD khi khó khăn qua đi, thị trường khởi sắc trở lại.

Năm 2024, Tổng Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.210 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2,15 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 8,6 triệu đồng/người/tháng. Để hoàn thành kế hoạch, HĐQT và CQĐH Natexco sẽ tập trung ưu tiên các nguồn lực để triển khai tốt hoạt động sản xuất vải chống cháy; đẩy mạnh khai thác thị trường, đa dạng khách hàng; thực hiện quản trị sản xuất tiên tiến; củng cố năng lực sản xuất các lĩnh vực sợi, dệt, dệt khăn, nhuộm; quy hoạch nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chế độ phúc lợi cho người lao động…

Phát biểu tại Đại hội, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex ghi nhận những điểm sáng của Natexco trong năm 2023, đồng thời đề nghị Tổng Công ty cần chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để đón nhận những cơ hội khi thị trường hồi phục; năm 2024 cần tận dụng tối đa lợi thế về chuỗi sản xuất khép kín, cho phép tăng tối đa tỷ suất lợi nhuận cũng như giúp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của yếu tố thị trường.

Với Dự án Vải chống cháy hiện đang triển khai tại Dệt May Nam Định là dự án quan trọng nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù của Tập đoàn, đồng thời cũng là một trong những hoạt động bước đầu củng cố năng lực sản xuất chuỗi của đơn vị, vì vậy Tổng Công ty cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn, quyết tâm làm chủ công nghệ và thực hiện thành công nhiệm vụ này. Hơn bao giờ hết, cổ đông lớn Tập đoàn Dệt May Việt Nam mong muốn Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định vượt qua giai đoạn khó khăn này để phát triển bền vững trong tương lai. Vinatex sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa cho đơn vị, cả về giải pháp, con người cũng như các năng lực sản xuất mới, dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và các cổ đông.

+ Ngày 20/4 tại Thừa Thiên Huế, Công ty CP Dệt May Huế (Huegatex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2023 cho biết, năm 2023 Huegatex đạt tổng doanh thu: 1.884 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch ĐHCĐ giao; Lợi nhuận hợp nhất đạt 121,2 tỷ đồng, bằng 101,2% kế hoạch ĐHCĐ giao; Tỷ lệ chia cổ tức: 30% vốn điều lệ, đạt 100% kế hoạch; Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng. Để có được kết quả này, Công ty đã linh hoạt trong chuyển đổi sản xuất, khách hàng và thị trường, đồng thời tập trung vào công tác quản trị sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng năng suất lao động và quản lý chất lượng chặt chẽ.

Năm 2024, thị trường còn nhiều bất định, Huegatex đặt mục tiêu doanh thu 1.920 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023; Lợi nhuận: 110 tỷ đồng, giảm 9,2% so với năm 2023; Tỷ lệ chia cổ tức: 30% vốn điều lệ; Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2024

Ngày 10/4, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt & may thiết bị, nguyên phụ liệu & vải năm 2024 (SaigonTex & SaigonFabric 2024). Triển lãm là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ hợp tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Triển lãm Saigontex – SaigonFabric 2024 là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu, nguyên phụ liệu mới, phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu. Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi từ các hiệp định thương mại, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần phát triển ngành Dệt May Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực và quốc tế.

SaigonTex & SaigonFabric 2024, quy tụ hơn 1.000 đơn vị triển lãm đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với không gian trưng bày gần 30.000 m2. Tại triển lãm, nhiều quốc gia có nền công nghiệp dệt may tiên tiến nhất thế giới cũng quy tụ, đem tới những màn trình diễn công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới như: Ý, Trung Quốc, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hà Lan, Ấn Độ…

Trong khuôn khổ triển lãm, diễn ra các buổi hội thảo chuyên đề về: Chính sách; Kinh tế tuần hoàn và Chuyển đổi xanh; Chuyển đổi số ứng dụng trong ngành công nghiệp dệt may…

Phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ

Ngày 27/4, tại Công ty cổ phần Dệt May Huế, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.

Với mục đích phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ đoàn viên, NLĐ trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, doanh nghiệp…, Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân – Triển khai nghị quyết”; “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Thông qua các hoạt động trong Tháng Công nhân, công đoàn các cấp cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNLĐ; thúc đẩy sự quan tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội đối với CNLĐ. Nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ, người sử dụng lao động; đẩy mạnh việc kiểm soát các nguy cơ rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ.

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam mong muốn Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo; tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, chuẩn bị tốt cho Hội nghị Người lao động tại các đơn vị. Phối hợp với chuyên môn triển khai các nội dung của Tháng Công nhân cũng như các hoạt động thường xuyên khác với phương châm “Hướng về cơ sở – Hoạt động thực chất – Lợi ích hài hòa – Rủi ro chia sẻ”. Đối với đội ngũ CBNV-NLĐ, Đảng ủy, Cơ quan điều hành Tập đoàn mong muốn cùng tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trước những biến động của thị trường. Hãy trân trọng, tự hào về công việc của mình, quyết tâm gắn bó, chia sẻ cùng với doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Với sự đoàn kết của toàn hệ thống, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình CBNV-NLĐ, tin rằng các mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu của Tháng Công nhân sẽ đạt được. Hiệu ứng Tháng Công nhân sẽ tiếp tục được nhân rộng, không chỉ tháng 5 mà 12 tháng trong năm đều là Tháng Công nhân.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK, ngày 03/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối DNTW “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”

Kế hoạch số 1551-KH/ĐUTĐ, ngày 14/3/2024 của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kế hoạch số 1620-KH/UBKTĐUTĐ, ngày 02/5/2024 tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra Đảng năm 2024

Công văn số 1612-CV/ĐUTĐ, ngày 19/4/2024 của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam về việc triển khai Tháng Công nhân năm 2024

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác