TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 4/2024
I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ – chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn: thời gian tác chiến dài hơn, thay đổi về cách đánh nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực của chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn, nay lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao để tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:
Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.
Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.
Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 06/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Phát huy truyền thống yêu nước và Cách mạng vẻ vang của dân tộc
Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chúng ta tự hào, tin tưởng tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Ở trong nước, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn: Để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do Đại hội XIII của Đảng đề ra thì tốc độ tăng trưởng bình quân 6 năm 2024 – 2030 phải đạt khoảng 8%.
Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khoá XIII và đến năm 2030, chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được.
Đó là, (1) Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(2) Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
(3) Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.
(4) Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với Nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội… Thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hoá, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.
(5) Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng theo đúng tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xác định những bài học kinh nghiệm là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề hơn khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX
Vinatex sản xuất vải chống cháy, tìm cơ hội tại thị trường ngách
Ngày 15/3 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats (Vương Quốc Anh) đã thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Đây là bước đi thử nghiệm để nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách, một hướng đi thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Theo chương trình hợp tác, Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và chi nhánh của Coats trên toàn cầu. Tập đoàn Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế & phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị, phân phối và cung cấp các mẫu vải chống cháy (FR) và quần áo FR. Ngoài ra, Coats cam kết sẽ liên tục phát triển vải FR, đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex, từ Xơ – Sợi – Dệt- Nhuộm – Hoàn tất – May đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề.
Sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng sản phẩm: Từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ. Thông thường vải được sản xuất từ xơ chịu nhiệt, được các nhà cho thuê giặt ủi cung cấp đến người sử dụng. Sản phẩm phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực: gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy…
Tập đoàn Coats là nhà sản xuất chỉ và nguyên phụ liệu hàng đầu thế giới cho ngành may mặc và giày dép, đồng thời là nhà tiên phong sáng tạo các loại vật liệu chuyên dụng với doanh thu trong năm 2022 đạt 1,6 tỷ đô la. Hiện nay, Coats hoạt động tại khoảng 50 quốc gia với hơn 17.000 nhân viên. Tại Việt Nam, Coats là Tập đoàn nước ngoài đầu tiên đầu tư vào ngành dệt may với việc liên doanh cùng Tổng Công ty CP Phong Phú để thành lập Công ty TNHH Coats Phong Phú vào tháng 7/1989. 35 năm phát triển liên tục, hiện liên doanh Coats – Phong Phú chiếm khoảng 40% thị phần mặt hàng chỉ may, chỉ may giày phục vụ ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu. Với liên doanh này, Coats – Phong Phú là một điển hình kiểu mẫu mang lại lợi ích minh bạch cho cả 2 bên đối tác trong liên doanh là Tập đoàn Coats và Tổng Công ty CP Phong Phú – đơn vị thành viên của Vinatex.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, nghiên cứu sản xuất sản phẩm vải chống cháy là một trong những bước đi tìm đường thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường, hiện đã quá khốc liệt cạnh tranh về giá cả. Theo đó, đây không phải là sản phẩm tiêu dùng thông thường mà là sản phẩm kỹ thuật đặc biệt. Công nghệ sản xuất là công nghệ bản quyền, sản phẩm không kinh doanh trên hệ thống thương mại thông thường mà dựa trên yêu cầu pháp lý của các thị trường. Sản phẩm này sẽ đi vào thị trường ngách, không phải hàng thời trang mà là hàng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho con người. Hy vọng trong tương lai, ngành này sẽ phát triển khi thế giới ngày càng đề cao nhu cầu an toàn của con người, người tiêu dùng. Có thể nói, cùng với sự phát triển của đất nước, con đường sản xuất thông thường ngày càng hẹp lại và thách thức. Chiến lược hợp tác giữa Vinatex và Coats là bước đột phá mang tính thử nghiệm để tấn công vào thị trường trên cơ sở sáng chế bản quyền về vải chống cháy của Tập đoàn Coats chuyển giao và sản xuất tại Việt Nam. Trước mắt, Vinatex và Coats sẽ sản xuất trang phục chống cháy cho thị trường các nước phát triển như: Mỹ, G7…
Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 3
Ngày 25/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 3 nhằm cập nhật thông tin thị trường, một số quy định liên quan tới đạo luật chống lao động cưỡng bức (UFLPA), các quy định về phát triển bền vững của EU và Mỹ… tới các đơn vị trong toàn hệ thống.
Sau khi thông tin cập nhật về thị trường; tình hình kinh tế vĩ mô quốc tế và các nền kinh tế; xuất khẩu dệt may Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh; tình hình kinh doanh của một số thương hiệu lớn trên thế giới; các yếu tố tác động và dự báo thị trường dệt may, hội thảo nhận định, dự báo tổng cầu dệt may năm 2024 có mức tăng 8,5%, hệ số R square của mô hình hồi quy tuyến tính dự báo tổng cầu chỉ ở mức 0,68 (R=0,68%); Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 6,16 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường xuất khẩu đi Mỹ đạt 2,72 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Thị trường EU đạt 571 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản đạt 667 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc đạt 534 triệu USD, tăng 32,6% so với 2 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh đều có sự tăng trưởng về KNXK trong 2 tháng đầu năm 2024. Với Trung Quốc, KNXK đạt 45 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ; Bangladesh đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Năm 2024 xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro, tác động tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đó là cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 so xung đột tại biển Đỏ. Đồng thời, các yếu tố địa chính trị vẫn tiếp diễn dai dẳng, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại, điều này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo VP HĐQT đã trình bày làm rõ một số quy định liên quan tới đạo luật chống lao động cưỡng bức (UFLPA) tại Mỹ; Một số quy định về phát triển bền vững (PTBV) tại EU và Mỹ…
Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết, các thông tin về thị trường dệt may được cập nhật nhằm phục vụ cho mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Đây cũng sẽ là một trong những thông tin mang tính chất tham khảo để người đại diện vốn của Tập đoàn có thể nhận định và đưa ra các mục tiêu về SXKD năm 2024 có tính thực tiễn, sát với diễn biến thị trường. Về cơ bản, ngành May năm 2024 có thể dồi dào đơn hàng tuy nhiên giá gia công vẫn còn tương đối thấp. Doanh nghiệp khối May sẽ có sự phân hóa rõ rệt, trong đó các DN mạnh có thể nhận được đủ đơn hàng, nhưng với các DN còn yếu, năng suất thấp có thể vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Với ngành Sợi, khi Trung Quốc nâng quy mô ngành dệt, thị trường có dấu hiệu phục hồi, các đơn vị sản xuất sợi có thể tận dụng thời cơ để tìm kiếm đơn hàng từ thị trường này. Đồng thời, khi thị trường bông còn nhiều biến động, các DN cần chủ động tính toán kỹ lưỡng các phương án mua bông, xơ cho sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường đề nghị, với tinh thần “Đoàn kết – Tương trợ”, Tập đoàn mong muốn các đơn vị mạnh khi có thêm khách hàng, đơn hàng dồi dào, có thể tương trợ với các DN còn khó khăn. Đây cũng là cách giúp các DN trong hệ thống có thể hoàn thành kế hoạch năm 2024 sau khi vừa phải trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, trong khi năm 2024 sẽ vẫn còn không ít thách thức với những tín hiệu phục hồi chưa chắc chắn của thị trường.
Triển khai đánh giá 360 độ Cơ quan Vinatex
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai đánh giá 360 độ đối với cán bộ quản lý lãnh đạo từ cấp Phó trưởng ban trở lên từ năm 2023. Với hình thức đánh giá qua phiếu ẩn danh có tính khách quan, bước đầu chương trình đã có những kết quả trong việc đánh giá về chuyên môn, kỹ năng xử lý vấn đề… của cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao của Tập đoàn, từ đó mỗi cá nhân có thể nhìn nhận, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm đối với công việc.
Năm 2024, chương trình đánh giá được cải thiện hơn với việc mở rộng đánh giá tới toàn bộ chuyên viên tại 2 Văn phòng Tập đoàn, chủ thể (người được đánh giá) lần này bao gồm 31 cán bộ quản lý, 56 chuyên viên; đối tượng (người tham gia đánh giá) là 87 CBNV Cơ quan Tập đoàn.
Việc đánh giá theo mẫu biểu dựa trên 3 tiêu chí: kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và trách nhiệm đối với công việc. Sau đó, hệ thống sẽ tự động lập bảng kết quả gồm: điểm đánh giá của cá nhân, điểm của cá nhân so với phổ điểm từng tiêu chí đánh giá, điểm cá nhân so với phổ điểm chung và gửi kết quả đến từng cá nhân. Thang kết quả vẫn được giữ nguyên so với năm 2023 gồm: Xuất sắc – Tốt – Đủ năng lực – Còn thấp hơn yêu cầu.
Kết quả, 31 cán bộ quản lý đều có số điểm trên 2,5/4 đủ năng lực để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, những cán bộ quản lý có số điểm dưới 2,75 cần phải tiếp tục cố gắng, phấn đấu nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ để có được sự tin tưởng của lãnh đạo Tập đoàn và các chuyên viên. Đối với kết quả đánh giá 56 chuyên viên, có 3 người dưới 2,5 điểm, còn lại đều đạt đủ năng lực làm việc.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai đánh giá của Ban Quản lý Nguồn nhân lực Tập đoàn, đảm bảo kết quả đánh giá chất lượng cao hơn, độ tập trung tốt hơn so với năm 2023. Tất cả các phiếu đánh giá đã được gửi về đúng thời hạn và hợp lệ. Đặc biệt, các Ban Tài chính Kế toán, Truyền thông, Văn phòng và Quản lý Nguồn nhân lực đánh giá có tính phân loại cao. 75% cán bộ quản lý và 30% chuyên viên có điểm tự đánh giá thấp hơn điểm được đánh giá thể hiện tính nghiêm túc và cầu thị của người được đánh giá. Sai lệch giữa tự đánh giá, đồng cấp, cấp dưới và cấp trên đánh giá đạt trong ngưỡng khoảng 10% đã thể hiện sự thống nhất, công bằng, độ tin cậy khá cao của đợt đánh giá.
Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh, thông qua kết quả đánh giá, mỗi cá nhân cần tiếp cận tích cực theo hướng những điểm cần cải thiện. Kết quả đánh giá nhiều chiều một cách nghiêm túc, công bằng, minh bạch, khách quan phản ánh rõ nét văn hóa chung của Vinatex. Cơ quan Điều hành, lãnh đạo các ban chức năng cần tham khảo, sử dụng hợp lý kết quả đánh giá để tiến hành bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nhân sự.
Công đoàn Dệt May Việt Nam chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ
Đầu tháng 3, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nữ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 –8/3/2024) theo hình thức trực tuyến tại 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Năm 2023 – năm đặc biệt khó khăn đối với ngành Dệt May Việt Nam, song các cấp trong ngành vẫn luôn dành sự quan tâm rất lớn cho nữ CNLĐ. Nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em; các phong trào thi đua như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen; công tác Vì sự tiến bộ nữ, gia đình và trẻ em… ngày càng được thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ và đồng đều, mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững. Những thành quả đáng tự hào này đã trở thành nguồn động viên, khích lệ, thành động lực để phụ nữ dệt may phấn đấu hơn nữa, không ngừng nâng cao trình độ, hiểu biết, vừa có sự nghiệp riêng, làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, vừa biết giữ lửa hôn nhân, nhận thức được giá trị của chính mình, biết chăm sóc, làm đẹp và yêu bản thân.
Bên cạnh chăm lo cho nữ CNLĐ, công tác chăm lo cho con em nữ lao động dệt may cũng được các cấp Công đoàn DMVN triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào công tác gia đình và trẻ em bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
Năm 2024, hệ thống Công đoàn tiếp tục bám sát và triển khai các chương trình, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp về công tác nữ với những trọng tâm cụ thể: (1) Chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ; (2) Thúc đẩy lao động nữ phát huy năng lực bản thân thông qua các chương trình đào tạo, phong trào thi đua, giải thưởng dành riêng cho nữ; (3) Đồng hành với lao động nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; (4) Nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng đề xuất, tham mưu của ban nữ công các cấp; (5) Đẩy mạnh công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam bày tỏ mong muốn Tập đoàn – Công đoàn – Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục phát huy những lợi thế của các bên để chăm lo, bảo toàn lực lượng lao động, vì đây là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp dệt may. Trong bối cảnh gần 70% lao động dệt may là nữ, công tác chăm lo cho lao động nữ cần được đẩy mạnh, tuy nhiên lãnh đạo là lao động nữ còn khiêm tốn so với những giá trị của người lao động nữ mang lại. Do đó, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần cùng với doanh nghiệp phát hiện, đào tạo để nữ CNLĐ có thể phát huy tối đa năng lực, cống hiến cho sự phát triển của DN và của ngành dệt may. Đồng thời, công tác nữ công cũng cần có sự đổi mới, sáng tạo trong việc truyền thông tới người lao động thông qua việc đổi mới các hoạt động, các giải thưởng và chương trình thi đua…
Đoàn Thanh niên Vinatex kỷ niệm ngày thành lập Đoàn và trao giải cuộc thi ảnh “Sắc xanh Vinatex”
Ngày 29/3, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) và trao giải cuộc thi ảnh “Sắc xanh Vinatex” theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tháng Thanh niên 2024, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phát động phong trào thi đua đăng ký đảm nhận, thực hiện công trình, phần việc thanh niên, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất. Tổ chức cuộc thi ảnh trên fanpage Đoàn Thanh niên Vinatex với chủ đề “Sắc xanh Vinatex”, nhận được sự hưởng ứng của tất cả các đoàn cơ sở. Tập huấn công tác Đoàn và phong trào sinh viên tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và 5 điểm cầu phía Nam cho hơn 300 cán bộ đoàn và sinh viên trong Đoàn Tập đoàn. Chương trình tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác Đoàn cho cán bộ đoàn Tập đoàn nhằm trang bị kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, trau dồi thêm kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn. Lớp tập huấn diễn ra trong không khí sôi nổi, các đoàn viên hăng hái tham gia hoạt động, trao đổi đưa ra những ý kiến, câu hỏi nhằm nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động công tác Đoàn.
Ngoài ra, Đoàn Tập đoàn còn tổ chức nhiều cuộc thi văn nghệ, đốt lửa trại, thi nấu ăn, cắm hoa chào mừng ngày 26/3. Tổ chức hội thao thi đấu các môn cầu lông, bóng đá, bóng chuyền nam, nữ, kéo co, nhảy bao bố… thu hút hơn 3.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Tổ chức Hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024. Trồng gần 200 cây xanh quanh khuôn viên nhà máy, chăm sóc vườn rau thanh niên và tặng 150 áo cờ đỏ sao vàng cho người dân tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Tổ chức hành trình về nguồn tại Đền Hùng- Phú Thọ, Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh cho cán bộ đoàn và đoàn viên xuất sắc.
Đoàn Thanh niên Vinatex gồm 2 khối trường học và doanh nghiệp với số lượng đoàn viên đông đảo. Công tác đoàn được triển khai đồng bộ tại các khối, hoạt động trong tháng thanh niên trải rộng trên tất cả các mặt công tác. Để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024, Ban chấp hành Đoàn Tập đoàn xác định tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi kế hoạch hành động cho phù hợp với bối cảnh sản xuất kinh doanh hiện nay. Tập trung tổ chức các sự kiện theo đặc thù của Đoàn Tập đoàn để khối doanh nghiệp và khối nhà trường có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Cũng tại buổi lễ, Đoàn Thanh niên Vinatex đã tổng kết cuộc thi ảnh “Sắc xanh Vinatex”. Với 125 tác phẩm dự thi, có 45 tác phẩm lọt vào chung khảo, 11 tác phẩm đạt giải chuyên môn của Ban giám khảo và 11 tác phẩm đạt giải tương tác cao, 5 Đoàn cơ sở có số lượng bài dự thi đông nhất cũng được trao các giải thưởng Tập thể.
III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH
– Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới
– Công văn số 378-CV/BTGĐUK, ngày 17/1/2024 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và Đề cương tuyên truyền
– Tiếp tục lan tỏa Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024, các đảng ủy, chi ủy trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động hưởng ứng, tham gia Cuộc thi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kính gửi các đồng chí link toàn văn Kế hoạch, Thể lệ và Phụ lục định hướng chủ đề tác phẩm tham gia Cuộc thi.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM