Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 12/2022
I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
1. CÀNG ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, ĐẢNG CÀNG MẠNH LÊN
Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta càng mạnh lên, Đảng ta càng được củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch.
Tổng Bí thư cho biết, từ những kết quả nổi bật trong công tác PCTNTC có thể khẳng định:
(1) Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ: Quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống; giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở,…
(2) Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Uỷ viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật.
(3) Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Uỷ viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh.
(4) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.
(5) Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác.
2. TIẾP TỤC HOÀN THIỆN TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
* Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nước ta bắt đầu ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và đây là vấn đề rường cột trong nội dung đổi mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 đã xác định: hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết đề ra là: (1) đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (2) xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (3) xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, nâng cao năng lực ngành xây dựng; (4) đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khóa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; (5) Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (6) Phát triển kết cầu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (7) phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (8) đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; (9) quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; (10) phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm tốt an sinh xã hội.
* Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục yêu cầu toàn thể đảng viên nghiêm túc nghiên cứu, học tập Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng và các tiểu vùng. Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá của vùng. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước. Mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào, các nước tiểu vùng sông Mê Công. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng.
Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hoá – xã hội vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng…
Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những giải pháp trọng tâm, đột phá:
Thứ nhất, đặt phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng trong Chiến lược phát triển chung của cả nước. Phát triển vùng phải phù hợp với các Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực lớn của cả nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia. Nghị quyết đòi hỏi các ngành, các cấp cần nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối đủ mạnh với quyết tâm chính trị cao để bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, nhất là quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành.
Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) với các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn… Phát triển nhanh, bền vững vùng với cơ cấu kinh tế hiện đại để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước dựa vào 3 động lực chính là: Tập trung đầu tư để vùng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; Phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai và nguồn nhân lực; hình thành một số khu vực đóng vai trò các cực tăng trưởng. Khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Thứ tư, phát triển văn hóa làm nền tảng và là sức mạnh nội sinh quan trọng, hướng tới chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển phồn vinh. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và không gian, kiến trúc văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX
1. HanoiTex 2022 quy tụ hơn 160 đơn vị triển lãm đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ
Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu (HanoiTex 2022) có sự tham gia của hơn 160 đơn vị triển lãm uy tín đến từ 8 quốc gia & vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Dệt May là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong định hướng phát triển ngành Công thương, Bộ Công Thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà ngành còn đóng vai trò trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động. Tuy nhiên, trong những năm qua, tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may của Việt Nam còn ở mức thấp, ngành dệt may chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Việc tổ chức Triển lãm HanoiTex 2022 tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. HanoiTex là sự kiện quốc tế lớn nhất và có ưu thế nhất về ngành dệt may được tổ chức tại Việt Nam những năm qua, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó đa phần là các quốc gia có nền công nghiệp dệt may phát triển. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó các doanh nghiệp có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới, đồng thời tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, trong các định hướng phát triển ngành dệt may của Chính phủ luôn đề cập đến việc thúc đẩy chủ động nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh việc nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu. Là đơn vị đầu tàu của ngành dệt may, Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhận thức vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Chính vì vậy, nhiều năm nay, Vinatex đã phối hợp cùng VCCI và Công ty Tổ chức Triển lãm CP tổ chức thành công các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, trong đó có HanoiTex 2022. Triển lãm được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, VCCI, Vitas, Vinatex và Agtex. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ hiện đại phù hợp với định hướng phát triển của ngành Dệt May Việt Nam, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu…
Trong 2 ngày hoạt động chính của HanoiTex 2022 (từ 23 – 24/11/2022), diễn ra các buổi hội thảo với những chia sẻ của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tập trung thông tin vào các chủ đề được đông đảo doanh nghiệp dệt may quan tâm như: chuyển đổi số, các biện pháp phòng vệ thương mại, thời trang Việt…
2. Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 11
Sáng 29/11 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Hội thảo, TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã trao đổi những thông tin dự báo kinh tế- tiền tệ, tình hình lạm phát trên toàn cầu, chính sách tài khóa của các nền kinh tế lớn trong năm 2023. Theo đó, ông Phước dự báo, tăng trưởng của thế giới sẽ chậm lại trong năm 2023 do dư âm từ năm 2022, lạm phát đạt đỉnh trong năm 2022 và có xu hướng “hạ nhiệt” trong năm 2023 nhưng vẫn chưa thể quay trở lại thời điểm chưa xảy ra lạm phát. Đồng thời, với sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay của các quốc gia trong G20 năm 2023 sẽ có sự giảm dần từ quý 2 khi lạm phát bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, từ 8 – 9% xuống còn 5 – 6%.
Đưa ra 4 kịch bản của nền kinh tế thế giới trong năm 2023, TS. Trương Văn Phước nhận định:
Kịch bản thứ nhất “An toàn và lành mạnh”: Thế giới hết xung đột giữa Nga – Ucraina, lạm phát giảm, chấm dứt các chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia trên toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ điều chỉnh tăng tới lãi suất tối đa 4,5% trong quý 4/2022 và không tăng trong năm 2023. Trung Quốc bãi bỏ chính sách zero covid, thị trường chứng khoán – ngoại hối quay trở lại bình thường. Điều này sẽ giúp thị trường phục hồi, tỷ giá đồng Euro/USD sẽ quay trở lại khoảng 1,18 USD = 1 Euro vào quý 3/2023.
Kịch bản thứ hai “lạc quan”: Các rủi ro chính yếu như xung đột Nga – Ucraina, lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng năng lượng… được giảm bớt. Dự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên 4,5% trong tháng 12/2022 và lên 5% trong tháng 1/2023 và kết thúc các chính sách tăng lãi suất. Các chính sách nới lỏng về tài khóa và chính sách zero covid của Trung Quốc sẽ được thực hiện, điều này sẽ một phần giúp cho nền kinh tế có khả năng phục hồi, tỷ giá đồng Euro/USD sẽ quay trở lại mức 1,1 USD = 1 Euro vào cuối năm 2023.
Kịch bản thứ ba: Fed sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lên tối đa 5% và điều chỉnh xuống 0,5% từ nửa cuối năm 2023 trong khi các yếu tố như đã nêu trên sẽ giảm nhanh hơn lãi suất của Fed, điều này khiến cho tỷ giá giữa đồng Euro/USD chỉ còn khoảng 0,95 – 1 USD = 1 Euro.
Kích bản thứ tư, kịch bản xấu nhất: Tất cả các yếu tố đều không có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng USD “mạnh” nhất trong nhiều năm qua ở mức 0,8 USD = 1 Euro. Đồng Nhân dân tệ sẽ không tiếp tục mất giá do tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cải thiện trong năm 2023.
Bên cạnh cập nhật thông tin về những dự báo nền kinh tế và tình hình lạm phát trên toàn cầu, TS. Trương Văn Phước cũng đưa ra một số nhận định đối với nền kinh tế trong nước năm 2023. Theo TS Phước, với lãi suất đang ở mức “rất cao” so với lạm phát, cũng như so với các nước trên thế giới sẽ khiến cho việc nới room tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trở nên khó khăn hơn so với năm 2022. Nếu như các quốc gia khác lãi suất ngân hàng chỉ ở mức khoảng 5% thì Việt Nam lãi suất cho vay đang ở ngưỡng khoảng 14 – 15%, các ngân hàng đều siết chặt room tín dụng, điều này cần đến sự điều tiết từ chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD của DN trong năm 2023.
Tại Hội thảo, ông Vương Đức Anh – Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị đã thông tin về thị trường dệt may trong nước và thế giới; thông tin về doanh thu và lợi nhuận trong mùa lễ hội và Black Friday tại thị trường Mỹ… Bà Đặng Thanh Huyền – Phó Chánh Văn phòng HĐQT cũng đã trình bày báo cáo phát triển bền vững CSRD – Quy định mới của EU nhằm mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững trên toàn Châu Âu vừa được công bố, sẽ được áp dụng từ 01/01/2024 cho các hoạt động trong năm tài chính 2023.
Kết luận Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, với những dự báo được đưa ra trong Hội thảo chuyên đề tháng 10, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến xấu, nhất là tình hình lãi suất tăng cao trong nước đã khiến cho các đơn vị trong hệ thống Vinatex phải có phương án dự phòng vốn trong những tháng cuối năm. Cùng với đó là phương án dự phòng về hàng tồn kho, nhất là ngành Sợi khi các đơn vị đang phải sản xuất với giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao. Với tình hình tỷ giá trong nước diễn biến xấu, nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng thắt chặt room tín dụng đã ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền trong hoạt động SXKD. Năm 2023, trong 4 kịch bản được dự báo, thì khả năng kịch bản 1 và 2 nhiều khả năng “khó” xảy ra. Nếu tình xuống xấu nhất xảy ra, khả năng “đình lạm” có thể diễn ra trong năm 2023.
Ngoài ra, năm 2023 được dự báo sẽ có 2 quốc gia đồng tiền bị mất giá nhiều nhất là đồng Taka của Bangladesh và đồng Rupee Pakistan. Đây là 2 “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp của ngành Dệt May Việt Nam, với Pakistan là ngành Sợi và Vải, còn Bangladesh là hàng may mặc cơ bản. Nếu như VND mất giá khoảng 3% trong năm 2023, thì các giá các đơn hàng của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh so với Bangladesh do giá cao hơn quốc gia này. Đối với mặt hàng sợi cơ bản mà Parkistan sản xuất cũng sẽ có nhiều dự báo xấu khi đồng Rupee Parkistan tiếp tục mất giá, điều này cần có những dự báo cho kế hoạch SXKD trong năm 2023 của các DN sản xuất sợi cũng như các các DN hàng may mặc có thế mạnh về các mặt hàng dệt kim.
Với các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp điều tiết vĩ mô “mạnh tay” hơn nhằm giảm lãi suất, cải thiện và xây dựng lại “lòng tin” vào thị trường tài chính – tiền tệ.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, cùng với các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, Vinatex sẽ có những thông tin thị trường cập nhật nhanh tới các đơn vị để đưa ra kế hoạch SXKD trong dài hạn, giảm thiểu thiệt hại, ổn định thanh khoản trong hệ thống, đồng thời đảm bảo các trách nhiệm với ngân hàng và người lao động. Đây là 2 mục tiêu cần đặt ở thứ tự “ưu tiên” khi chỉ còn gần 2 tháng là Tết Nguyên đán, Chủ tịch HĐQT Vinatex yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống cần tập trung cân đối và duy trì dòng tiền để chăm lo Tết cho người lao động, đồng thời có các phương án dự báo để duy trì hoạt động SXKD năm 2023. Với những dự báo kinh tế- thị trường còn nhiều phức tạp, lãnh đạo các đơn vị tại 61 điểm cầu cần có những biện pháp linh hoạt trong điều hành, tận dụng cơ hội khi nhiều khả năng thị trường có thể phục hồi từ quý 2/2023.
3. Vinatex bế giảng khóa bồi dưỡng kiến thức cán bộ quản lý cấp cao trong doanh nghiệp
Từ ngày 7-10/11, 53 học viên của khóa bồi dưỡng kiến thức cán bộ quản lý doanh nghiệp cấp cao tham gia đợt học tập, trao đổi thực tế tại các doanh nghiệp là mô hình SXKD hiệu quả của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại khu vực miền Trung.
Hơn 25 năm thành lập Vinatex, đây là lần đầu tiên Tập đoàn tổ chức một khóa học đặc biệt, khóa học đồng kiến tạo, vừa học tập, vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa kết nối đội ngũ lãnh đạo có trình độ cao, có kinh nghiệm và vị trí công tác. Có thể nói, dù đã kết thúc chương trình bồi dưỡng cả về lý thuyết và tham quan thực tế mô hình DN hoạt động hiệu quả nhưng khóa học lãnh đạo cấp cao này mới thực hiện được 2/3 chặng đường. Đó là cập nhật kiến thức và kết nối con người, còn 1/3 chặng đường là hướng tới tương lai, là sự ứng dụng những kiến thức được chia sẻ ở khóa học theo cách sáng tạo nhất của mỗi học viên nhằm đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Báo cáo viên của khóa học đồng kiến tạo chính là lãnh đạo của Tập đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và một số học viên trong lớp đã mang đến những bài thuyết trình không chỉ thể hiện bằng những việc làm hằng ngày mà còn thể hiện qua những nội dung chia sẻ, sự tổng kết, năng lực chuyển tải, thuyết phục người nghe. Hệ thống các bài thuyết trình trong đợt giảng lý thuyết đã là một thành công. Hệ thống 4 ngày làm việc tại doanh nghiệp cho thấy một nhiệt huyết rất lớn của mỗi giảng viên, học viên.
Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ: Mỗi doanh nghiệp có một điều kiện khác nhau, một cơ sở vật chất, một đội ngũ con người, một tiềm lực tài chính hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, Chủ tịch HĐQT Vinatex mong rằng mỗi học viên của khóa học sẽ tiếp tục đổi mới, ứng dụng những kiến thức, những kinh nghiệm, sáng tạo và linh hoạt để tiếp tục chèo lái doanh nghiệp trong điều kiện thị trường rất biến động như hiện nay. Chính những người lãnh đạo linh hoạt nhất, bản lĩnh nhất, vượt qua những điều kiện dù có khó khăn nhất của thị trường cạnh tranh sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, góp phần xây dựng Vinatex sớm trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang Xanh cho khách hàng doanh nghiệp trên thế giới.
III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH
– Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
– Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
– Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
– Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
– Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
– Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023.
– Nghị quyết số-27/ĐUTD, ngày 23/11/2022 của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam về kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động và chương trình “Tết Sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
BAN TUYÊN GIÁO – TRUYỀN THÔNG VINATEX