Rà soát, đánh giá phương án “3 tại chỗ” tại Dệt May Thành Công


Tổ công tác của Bộ Y tế giúp TP.Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 cùng một số cơ quan quận Tân Phú vừa đi khảo sát phương án 3 tại chỗ tại một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Dệt May đầu tư thương Mại Thành Công, qua đó tiếp tục có thêm nhiều tư vấn sát thực giúp bảo vệ người lao động, tránh đứt gãy sản xuất.

Bảo đảm 3 tại chỗ

 Theo lãnh đạo quận Tân Phú, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu nên việc kiểm soát, phòng, chống Covid-19 được làm khẩn trương. Quận đã được Bộ Y tế cử đoàn công tác đến hỗ trợ rất tích cực, nhiều giải pháp được triển khai có hiệu cả.

Từ nhiều ngày nay, các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động theo công văn 2337/UBND-TH của UBND TP.HCM. Theo đó, vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”. Đó là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”…

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Dệt May – Đầu tư thương mại Thành Công.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong thời điểm này được thẩm định yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 một cách chặt chẽ. Toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp được đo thân nhiệt mỗi ngày. Cùng với đó xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có xảy ra các trường hợp F0 trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời.

 Khảo sát tại các công ty lớn ở Tân Phú như: Công ty VIFON; Công ty CP Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công… đều đã thực hiện các hướng dẫn của ngành y tế về phòng dịch. Việc sát khuẩn, khai báo y tế áp dụng từ cổng doanh nghiệp. Các khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, khu vực ngủ, nghỉ đều có các hướng dẫn phòng, chống Covid-19.

Sức khỏe người lao động là trên hết

Tại các doanh nghiệp, Tổ công tác của Bộ Y tế ngoài hướng dẫn các biện phòng dịch từ nhà ăn, nhà vệ sinh, chỗ nghỉ, khu vực sản xuất. Đặc biệt lưu ý với các doanh nghiệp phải xem việc bảo vệ sức khỏe người lao động là trên hết.

Thông tin với Tổ công tác Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Công ty Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công cho biết, phương án 3 tại chỗ được công ty huy động 1.800 lao động trong tổng số 4.400 lao động của công ty… Doanh nghiệp đã bố trí việc nghỉ lại cho công nhân ở các tòa nhà văn phòng. Ngoài ra còn lấy xưởng may không sản xuất để bố trí cho công nhân ngủ, nghỉ.

Dệt May Thành Công vừa đảm bảo sản xuất, vừa chống dịch.

Công ty cũng sẽ đổi hoạt động thành 2 ca, ca này làm thì ca kia nghỉ. Thực hiện giãn cách, trang bị sát khuẩn đầy đủ. Đảm bảo cứ 12 người có 1 nhà vệ sinh, nhà tắm. Công ty có phòng khám đa khoa với khoảng 60 y bác sĩ nên thực hiện công tác phòng dịch rất tốt. Những ngày dịch này phòng khám sẽ test nhanh Covid-19. Người lao động trước khi vào xưởng đều được test nhanh Covid-19, nếu kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì mới vào làm việc. Ngay cả các cán bộ ở bên ngoài, muốn vào công ty cũng phải có xét nghiệm có kết quả âm tính mới được vào. Công ty cũng đã thành lập Tổ Covid-19 của doanh nghiệp để ứng phó kịp thời với các tình huống.

 TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dẫn đầu đoàn công tác đánh giá: “Các biện pháp phòng, chống dịch tại Công ty Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công khá đảm bảo. Tuy nhiên, Tổ công tác Bộ Y tế cũng lưu ý thêm một số vấn đề: Tại các chỗ ngồi ăn của người lao động nên găn mã số cố định, ai ngồi chỗ đó. Khi có trường hợp xuất hiện ca bệnh, truy vết sẽ thuận tiện hơn. Về suất ăn của người lao động, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả người vận chuyển thực phẩm vào. Lưu mẫu cẩn thận, chú ý cao đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động”.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)


Các tin khác