Vinatex sẽ cung ứng tới 6 triệu khẩu trang kháng khuẩn trong tháng 2


Trong lịch sử ngành Dệt May Việt Nam, chưa bao giờ tình trạng sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn và may khẩu trang kháng khuẩn lại “sốt cao” như đầu năm 2020 này. Mặc dù Tập đoàn DMVN đã vào cuộc sản xuất nhanh và hiệu quả nhất trong năng lực cho phép, tình trạng khan hiếm khẩu trang kháng khuẩn vẫn đang diễn ra trên thị trường trong đợt cả nước phòng chống Covid-19.

Chúng ta cùng trò chuyện với ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Vinatex, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Tập đoàn về tình hình cung ứng khẩu trang của Vinatex ra thị trường.

Thưa ông, được biết Vinatex đã khẩn trương vào cuộc sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn và khẩu trang vải không dệt kháng khuẩn ngay từ sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhưng tại sao lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường vẫn khan hiếm, và tình trạng xếp hàng dài chờ đợi để được mua khẩu trang phân phối hạn chế vẫn diễn ra?

Trước hết chúng ta cần hiểu rằng các doanh nghiệp thành viên của Vinatex không phải chuyên sản xuất khẩu trang. Trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã vào cuộc sản xuất khẩu trang ngay, bằng loại vải dệt kim kháng khuẩn mà Công ty TNHH MTV Đông Xuân ( Công ty Đông Xuân) đã sản xuất cho khách hàng Nhật Bản trong 30 năm nay. Bên cạnh đó, Tổng Công ty CP May Đồng Nai cũng tổ chức sản xuất vải không dệt kháng khuẩn cho các đơn vị may khẩu trang. Tập đoàn đã triển khai sản xuất trong các đơn vị trực thuộc ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, tại các doanh nghiệp: Miền Bắc: Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân, TCT CP Dệt May Hà Nội, TCT May 10 – CTCP, TCT Đức Giang – CTCP, TCT May Hưng Yên – CTCP, Công ty CP May Nam Định, TCT CP Dệt May Nam Định; Miền Trung: TCT CP Dệt May Hòa Thọ, TCT CP Dệt May Huế; Công ty CP Dệt Nha Trang; Miền Nam: Tổng Công ty CP May Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Phương, TCT CP May Việt Tiến, TCT CP May Nhà Bè. Trong tháng 2/2020, dự kiến Vinatex cung ứng ra thị trường 5,5 – 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để các đơn vị may khẩu trang y tế.

Vinatex có tới 80.000 công nhân may, nếu mỗi ngày một công nhân may được từ 300-400 khẩu trang thì phải có được sản lượng tới 20 triệu chiếc/ngày. Vậy ông cho biết tại sao trong tháng 2 mà số lượng Vinatex cung ứng chỉ được chừng 6 triệu chiếc khẩu trang?

Với nhu cầu tăng vọt lên hàng trăm lần như hiện nay, thì không doanh nghiệp nào đáp ứng nổi. Hơn nữa, các đơn vị thành viên Vinatex trong quý I/2020 đã kín đơn hàng xuất khẩu đã ký kết, hầu hết đều làm cho các khách hàng truyền thống nên không thể dừng sản xuất hàng xuất khẩu để tập trung toàn lực lượng sản xuất khẩu trang. Chúng tôi phải trực tiếp đàm phán xin giãn thời gian giao hàng xuất khẩu để dành một phần năng lực sản xuất cho việc làm khẩu trang phục vụ chống dịch do Covid-19. Ví dụ với 80.000 công nhân thì cũng chỉ có thể cắt riêng ra 2000 công nhân chỉ may khẩu trang ( mỗi đơn vị chỉ có từ 50, 100, tối đa là 200 công nhân may khẩu trang). Bên cạnh đó, muốn sản xuất một mặt hàng mới như khẩu trang, các đơn vị thành viên Vinatex cũng cần chuẩn bị sản xuất, chuẩn bị máy móc thiết bị chuyên dùng. Phải có nguồn nguyên liệu là vải dệt kim kháng khuẩn, vải không dệt kháng khuẩn. Loại vải đó hiện chỉ có hai đơn vị trong Tập đoàn sản xuất: Công ty Đông Xuân sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn (công suất 10 tấn/ngày); May Đồng Nai sản xuất vải không dệt kháng khuẩn (công suất 10 tấn/ngày). Tập đoàn cũng đã chỉ đạo Công ty Đông Xuân chuyển giao công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản cho Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Phương với công suất 10 tấn/ngày để cung ứng vải cho các đơn vị may phía Nam tuần từ 10-16/2/2020. Tuy nhiên, sau sản xuất vải, công đoạn xử lý chất kháng khuẩn sẽ tốn thời gian và khó có thể làm nhanh, nên không thể đẩy nhanh thêm việc sản xuất khẩu trang đưa ra thị trường được hơn nữa. Và đây là mặt hàng mới, chúng tôi phải thiết kế quy trình từ đầu, huấn luyện công nhân may, những ngày sản xuất đầu tiên năng suất chỉ bằng 1/6 so với năng suất tối đa. Những ngày đầu sản xuất (tuần từ 3-10/2/2020), chúng tôi chỉ may được 20.000 khẩu trang vải/ngày. Đến tuần từ 10-16/2/2020 mới tăng năng suất lên được 200.000 khẩu trang/ngày. Tuần từ 17-24/2/2020, có thêm sự vào cuộc của các đơn vị như Nhà Bè, Dệt May Huế, May Hồ Gươm, Dệt Nha Trang…, thì năng suất mới tăng lên từ 450.000-500.000 chiếc/ngày. Người lao động chúng tôi đã làm thêm cả ngày nghỉ cuối tuần, và doanh nghiệp phải chi phí cao hơn để trả cho NLĐ làm việc ngoài giờ. Nguồn vải dệt kim kháng khuẩn đã được chuyển tới các đơn vị may khác ngoài Đông Xuân để may khẩu trang, nhưng không phải đơn vị nào cũng có máy chuyên dụng may hàng dệt kim như Công ty Đông Xuân nên năng suất bị hạn chế.

Nhưng với sản lượng tới 200.000 khẩu trang vải/ngày tuần vừa qua, thì tại sao người tiêu dùng vẫn khó mua được khẩu trang do Vinatex sản xuất?

Thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y Tế qua các phương tiện thông tin đại chúng, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn các tỉnh thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ. Tại 05 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 – 6.000 khẩu trang, chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc, để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 – 1.200 khách có thể mua được hàng. Trong những ngày tới ( từ 17/2020) khi sản lượng tăng lên chúng tôi sẽ cung ứng tới 10.000 khẩu trang/ngày nên khách hàng có thể bình tĩnh đợi đến lượt mình mua hàng, không nên tích trữ, để dành cơ hội mua hàng cho những người khác.

Tập đoàn có kiến nghị gì để việc tập trung sản xuất khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch được tốt, cũng như để đảm bảo mục tiêu SXKD năm 2020?

Trước trách nhiệm xã hội, Tập đoàn DMVN cùng các đơn vị được Tập đoàn phân công may khẩu trang đã phải làm việc thêm giờ vào ngày nghỉ cuối tuần, do đó ngoài việc tăng chi phí ngoài dự kiến, thì số lượng làm thêm giờ của NLĐ trong đợt sản xuất khẩu trang phục vụ công tác chống dịch Covid-19 cũng đã chiếm gần 50% số lượng giờ làm thêm cho phép trong cả năm 2020. Do đó, Tập đoàn kiến nghị với các cơ quan chức năng, xin không ghi nhận số giờ tăng ca, làm thêm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 này vào số giờ tăng ca, làm thêm được phép trong Luật lao động, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2020. Đề nghị các ngân hàng cũng nới hạn mức tín dụng, gia hạn vòng quay vốn lưu động cho các doanh nghiệp đang sản xuất phục vụ đợt phòng chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất ổn định, đạt hiệu quả. Với Bộ Y tế, chúng tôi đề nghị Bộ nên sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn phù hợp cho những loại khẩu trang không phải là khẩu trang y tế để việc sản xuất và công bố chất lượng khẩu trang hợp quy của doanh nghiệp thuận lợi hơn. Đề nghị các đơn vị phải có nhu cầu thật hãy đặt hàng và phân phối công khai, minh bạch. Rất nhiều tỉnh/ thành phố đăng ký số lượng rất lớn (cả triệu chiếc) nhưng không cho địa chỉ làm đầu mối để đăng ký mua khẩu trang, có đơn vị khi chúng tôi liên hệ trực tiếp thì đăng ký rất ít so với công văn đăng ký. Và đặc biệt người tiêu dùng không nên tích trữ khẩu trang, mà chỉ mua đủ dùng, tạo cơ hội cho nhiều người khác có thể mua được khẩu trang.

Xin cảm ơn ông!

PVH thực hiện

 

 

 

 

 

 


Các tin khác