Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Mạch nguồn cho tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và giao lưu quốc tế ngày càng phổ biến thì phát triển bằng trí tuệ, bằng sự khác biệt từ “tài sản vô hình” là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp.
Yêu cầu cấp bách
Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số này đã tăng dần qua các năm từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020, điều này cho thấy sự chú trọng vào phát triển con người, đặc biệt là nguồn lực lao động tại Việt Nam.
Chất lượng nguồn nhân lực là chỉ số phản ánh cam kết của doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững. Do đó, không khó hiểu khi ngày càng có nhiều quốc gia, đặc biệt là các cường quốc kinh tế khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… tích cực chú trọng đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không nằm ngoài xu thế chung, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bắt đầu tiến hành đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn. Nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã thu được kết quả xứng đáng và thể hiện rõ sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp vào việc phát triển, kiến tạo giá trị con người.
Tạo sức mạnh từ đào tạo nội bộ
Trước đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường lớn trên thế giới, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc củng cố nền móng nhân lực và nhanh chóng áp dụng các chiến lược phát triển con người dài hạn.
Quan điểm “dù thiết bị có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố then chốt” của Toyota thể hiện ở chỗ công ty này luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện trên toàn hệ thống, đến các đại lý và nhà cung cấp. Bên cạnh đó, coi trọng con người còn thể hiện ở việc phát triển các cá nhân và tập thể xuất sắc có thể tuân thủ triết lí của công ty, khuyến khích và truyền cảm hứng cho nhân viên vươn tới sự hoàn hảo.
Đây cũng là nguyên lý số 10 trong 14 nguyên lý hoạt động của Toyota toàn cầu. Tại Việt Nam, Toyota đặc biệt coi trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện trên toàn hệ thống từ nhà máy, đến các đại lý, nhà cung cấp và cả xã hội như trách nhiệm của một “người anh lớn” trong ngành công nghiệp ô tô.
Đối với đào tạo nội bộ trong sản xuất, Trung tâm Đào tạo Sản xuất của Toyota Việt Nam theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu hoạt động từ năm 2008, đưa Toyota trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô có trung tâm đào tạo sản xuất bài bản, chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Tất cả giảng viên đều là những chuyên gia đã được đào tạo, đánh giá, kiểm tra khắt khe và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Toyota khu vực. Đồng thời cơ sở vật chất, thiết bị cũng phải trải qua đánh giá nghiêm ngặt của Công ty mới được đưa vào vận hành phục vụ công tác đào tạo.
Tại đây, trung tâm không những đào tạo những kỹ năng cơ bản cho người lao động trước khi bắt tay vào công việc thực tế mà còn liên tục đào tạo nâng cao kỹ năng mềm, chất lượng tay nghề người lao động và cấp quản lý để bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Samsung Việt Nam đã quyết quyết định triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), với vốn đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội.
Theo kế hoạch, khi khi vào hoạt động vào cuối năm 2022, Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người. Thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D mới, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới, như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… Điều này, sẽ tạo tiền đề để Việt Nam có thể “đi trước đón đầu” với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Điều đó có nghĩa, cùng với việc đầu tư một cách bài bản và toàn diện tại Việt Nam, chiến lược của Samsung là tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực kế thừa sẵn sàng cho những tiến bộ công nghệ mới. Đây là bước chuẩn bị “đường dài” cho sự phát triển của Samsung tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là để thực hiện cam kết đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.
Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam đã nhanh chóng cập nhật với xu thế của thời đại mới. Ngay từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, công ty đã tiến hành xây dựng nguồn quỹ riêng phục vụ cho công tác đào tạo nội bộ.
Mỗi năm doanh nghiệp dành ra ngân sách khoảng 1 tỷ đồng, thực hiện các khóa đào tạo phù hợp với đặc thù công việc của ngành giấy. Riêng giai đoạn đầu năm 2021, đơn vị đã đầu tư gần 400 triệu đồng để tổ chức các khóa đào tạo lý thuyết lẫn thực hành, cung cấp chứng chỉ chuyên môn thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật như: vận hành xe nâng, điều khiển thiết bị nâng, lái xe tải dấu C, vận hành xe xúc…
Lãnh đạo Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, Công ty xác định đầu tư cho đào tạo nội bộ là khoản đầu tư chiến lược, giúp nhân viên liên tục được cập nhật những kiến thức, kỹ năng và công nghệ mới. Đối với nhân viên mới, việc đào tạo sẽ giúp họ tránh được những khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc để thích nghi với môi trường làm việc nhanh hơn, đạt hiệu quả năng suất tốt hơn. Và tất nhiên Công ty sẽ thừa hưởng những thành quả này.
Có vốn nhân lực sẽ là điểm bùng nổ cho các nguồn lực tài chính, thị trường, công nghệ cùng phát triển và sẽ là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế- an sinh- môi trường để Vinatex “vững ngàn thu”- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường.
Anh Trà