Peter Do – Hành trình từ NTK trẻ đến chủ nhân giải LVMH 2020
Chân dung của Peter Do có thể là sự bí ẩn, nhưng hãy để NTK tài năng này chia sẻ về chính mình, về thương hiệu và gia đình thời trang của anh qua cuộc trò chuyện độc quyền với ELLE Vietnam.
NHÀ THIẾT KẾ PETER DO LÀ AI?
Ở tuổi 29, Peter Do đã đạt được những thành công đáng kể trong thời trang mà nhiều người mơ ước. Thương hiệu do anh xây dựng cùng những người bạn nhanh chóng gây được sự chú ý và được công nhận bởi những cái tên lớn trong ngành công nghiệp thời trang. Sau 2 năm thành lập, Peter Do đã có mặt tại những kênh bán lẻ uy tín như Dover Street Market, Antonioli, Bergdorf Goodman, Joyce và các kênh thương mại điện tử lớn gồm Net- A-Porter, Ssense, Mytheresa. Thành công của Peter Do càng có ý nghĩa hơn với thế hệ trẻ, những người nhập cư châu Á cũng như Việt Nam khi anh là một NTK gốc Việt sống tại New York, Mỹ.
Sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa, Peter chuyển đến Philadelphia năm 14 tuổi. Cũng giống như tôi và hầu như tất cả những ai yêu thời trang, John Galliano, Alexander McQueen là những cái tên đã đưa Peter đến với thời trang. Niềm đam mê thời trang đã đưa anh đến trường Cao đẳng thời trang FIT tại New York, nơi mang lại cho anh cái nhìn toàn vẹn hơn về thời trang.
Hình chân dung Peter Do do LVMH Prize cung cấp
Sau vòng bán kết với 20 thương hiệu, danh sách 8 NTK xuất sắc nhất tiến vào vòng chung kết cho Giải LVMH 2020 đã được công bố.
Là một NTK trẻ may mắn có cơ hội làm việc tại những thương hiệu lớn như Celine, Derek Lam, Peter hẳn đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm trong cách vận hành của ngành thời trang mà đâu đó vẫn còn những bất cập. Điều đó thôi thúc anh cùng bốn người bạn Vincent Ho, An Nguyen, Lydia Sukato và Jessica Wu thành lập thương hiệu Peter Do. Càng thú vị hơn, đây không phải là một thương hiệu được thành lập bởi một hoặc hai NTK, mà bởi năm người trẻ với năm thế mạnh khác nhau, gặp nhau trên mạng xã hội và cùng tạo nên những điều chân thực (bao gồm cả tình bạn và sự nghiệp). Phải chăng đây là một câu chuyện điển hình về thương hiệu của thời đại mới, thời đại của mạng xã hội?
Thật vậy. Peter Do là thương hiệu của những quan điểm thời trang riêng biệt, như chính cách Peter tự tạo nên luật chơi của chính mình.
Khác với những câu trả lời mà tôi dự đoán sẽ được nghe như những NTK khác mô tả về hình tượng người phụ nữ của thương hiệu, Peter không “đóng hộp” người phụ nữ của mình. Với Peter, câu trả lời cho câu hỏi này thiên về cảm xúc, tinh thần hơn là những đặc điểm có thể nhận biết. Có chăng nếu dùng một từ để nói về người phụ nữ, đó là “sức mạnh”.
Những buổi fitting được thực hiện mỗi tuần với sự tham gia của tất cả mọi người trong team Peter Do.
Tối giản – mininalism thường vẫn được gán cho những thứ trông đơn giản và sắc sảo, nhưng đối với Peter, những gì đơn giản không hẳn là tối giản, và khái niệm đó đang bị lạm dụng nhiều đến mức làm anh ngán ngẩm. Giống như món súp gà trông đơn giản là thế nhưng chúng ta hoàn toàn không biết người nấu đã sử dụng những nguyên liệu gì, nấu ra sao. Phía sau một BST hoàn chỉnh, điển hình là BST Xuân – Hè 2020, Peter đã phải trải qua quá trình cân nhắc để loại bỏ những chi tiết không cần thiết nhất nhưng vẫn phải đảm bảo thể hiện đầy đủ những yếu tố quan trọng và thông điệp cần truyền tải.
Nếu như trước kia, Paris là ước mơ, là đích đến tận cùng của nhiều người làm thời trang thì Peter Do chọn New York là nơi để gắn bó. Paris có thể thuận lợi để tiếp cận với các buyer, nhưng sự náo nhiệt, bận rộn của New York mới là nguồn cảm hứng và là nhà của anh. Ở thành phố bận rộn này, Peter có được những thứ tốt nhất để xây dựng thương hiệu và đội ngũ của mình. New York cũng là nơi tất cả các BST của Peter Do được sản xuất, với sự giám sát chặt chẽ của cả đội ngũ.
Tính bền vững cũng là một yếu tố quan trọng đối với Peter Do. Để tránh lãng phí, trang phục của Peter Do chỉ được sản xuất theo đơn đặt hàng, một số thiết kế được sản xuất giới hạn và vải thừa tiếp tục được sử dụng cho mùa sau. Một BST mới luôn bắt đầu từ BST trước đó. Tất cả được đánh giá và tìm kiếm mọi phương thức có thể để tiếp tục phát triển trọn vẹn một ý tưởng. Đó có thể là thay thế chất liệu, hay điều chỉnh một vài chi tiết khác. Chọn cách làm mọi thứ tại New York cũng là một cách để thực hiện tính bền vững bởi thay vì tìm mẫu vải hay xưởng may ở những nơi khác, họ làm điều đó ngay trong thành phố mình đang sống.
SỰ TRƯỞNG THÀNH VÀ NỖ LỰC THAY ĐỔI
Nếu như sự kịch tính và choáng ngợp của John Galliano hay Alexander McQueen làm cho Peter nghĩ rằng đó chính là thời trang thì giờ đây anh lại có những tượng đài khác để ngưỡng mộ với những lý do chính đáng cho riêng mình. Đó là Martin Margiela với khả năng biến hóa cấu trúc thiên tài, đặc biệt là trong những năm tại Hermès; là Helmut Lang đầy tự tin về những định hướng và thông điệp được đưa ra trong mỗi BST và một Rei Kawakubo tự tạo luật chơi cho riêng mình.
Điều đó cũng phản ánh sự trưởng thành của một Peter Do khi nhận giải thưởng LVMH Graduate Prize vào năm 2014 và một Peter Do trong top 8 của LVMH Prize 2020. Sự mộng mơ trong sáng tạo đã trở nên thực tế hơn như anh chia sẻ: “Giờ đây chúng tôi là những người hành động chứ không mơ mộng nữa”. Đó là những bộ trang phục được may kỹ càng mà anh cho là cốt lõi của thời trang. Cái tên Peter Do không chỉ là một con người mà giờ đây còn là một team 12 người. Thành quả của Peter Do không chỉ là những trang phục đẹp mà còn là thông điệp về văn hóa kết nối đằng sau một thương hiệu thời trang.
Peter Do là thương hiệu nổi lên nhờ mạng xã hội và vì thế E-commerce có vai trò then chốt từ những ngày đầu và luôn được chú trọng phát triển. Điều này đã phát huy tác dụng và mang lại kết quả trong giai đoạn đại dịch như hiện nay. Có lẽ, Covid-19 cũng là lý do để Peter Do tạo ra những thay đổi cho riêng mình, chẳng hạn như tổ chức showroom trực tuyến, thay đổi lịch trình ra mắt BST sao cho phù hợp với chính mình thay vì gấp rút chạy theo lịch trình thông thường.
Nhưng điều làm tôi trân trọng cũng như hào hứng nhất là cách Peter xem những người đồng nghiệp của mình như gia đình (đó cũng là từ được Peter dùng nhiều lần nhất trong bài phỏng vấn). Peter Do được xây dựng như một gia đình và nếu phải lựa chọn, yếu tố con người sẽ luôn được ưu tiên trên cả quần áo. Mỗi BST được hình thành từ những cuộc thảo luận, đóng góp của mỗi thành viên. Đôi lúc họ cùng giải quyết xung đột trên bàn ăn khi những đóng góp mang đậm cá tính và trải nghiệm của từng người. Peter tin rằng những thay đổi lớn của ngành thời trang có thể bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng: cách chúng ta đối xử với nhau. Đó không phải là cách để những người trợ lý khóc trong phòng vệ sinh hay thực tập sinh bị bóc lột. Đó là cách trao đổi và đối xử với họ như người thân.
KHI PETER DO KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NTK
Nếu theo dõi Instagram của Peter Do, không khó để nhìn thấy những chia sẻ thường xuyên về ẩm thực của anh. Và khi được hỏi về sở thích nấu nướng, Peter đã trả lời thật hào hứng. Món yêu thích anh thường nấu là phở, cũng là món anh học được từ cha của mình. Không chỉ trong thời trang, Peter còn thể hiện sự sáng tạo trong nấu nướng bằng cách thử nhiều công thức cho món phở. Và bạn có biết anh ấy thường xuyên nấu ăn cho cả team của mình không? Đó chẳng phải là một việc làm thật ngọt ngào chúng ta có thể làm cho gia đình mình sao? Với Peter, nấu ăn không chỉ đơn thuần là một sở thích mà còn là một cách giải quyết vấn đề, hoặc thậm chí là một studio thiết kế thứ hai khi những ý tưởng mới được ra đời trong lúc nấu nướng.
Những thiết kế mới nhất trong BST Thu – Đông 2020 của Peter Do.
VIỆT NAM TRONG MẮT PETER DO
Rời Biên Hòa khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Việt Nam thay đổi thật nhiều trong mắt của Peter. Tốc độ hội nhập quá nhanh chóng của Việt Nam với những thương hiệu quốc tế, những bạn trẻ ăn mặc theo phong cách thần tượng Nhật Bản hay Hàn Quốc làm anh bất ngờ. Điều đó phần nào thôi thúc anh quay lại lần nữa để tìm hiểu thêm về văn hóa của giới trẻ Hà Nội, Sài Gòn, về thời trang và cả về ẩm thực.
Hình chân dung Peter Do do LVMH Prize cung cấp
Hoàng Hân (tổng hợp)