Những hiểu biết quan trọng cho ngành công nghiệp thời trang về các hạn chế PFAS sắp tới
Theo nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Harrad chuyên ngành hóa học môi trường tại Đại học Birmingham, PFAS có thể xâm nhập từ môi trường như bụi trong nhà qua da theo chất lỏng (như mồ hôi và dầu) và đi vào máu. Với các sáng kiến lập pháp sắp tới, Liên minh Châu Âu hướng tới hạn chế các rủi ro liên quan đến hóa chất nguy hại này bằng cách cấm sản xuất, phân phối và sử dụng chúng.
PFAS là gì và những vấn đề mà chúng gây ra cho công dân EU
PFAS là các chất per-hoặc poly-fluoroalkyl trong hóa chất công nghiệp, nổi bật với các liên kết cacbon-fluor mạnh, khiến chúng không phân hủy trong môi trường và có thể tích tụ trong cơ thể con người theo thời gian. Chúng được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, bao gồm cả quần áo. Trong lĩnh vực thời trang, PFAS được sử dụng trong các mặt hàng như áo mưa, quần đi bộ đường dài, áo sơ mi, quần tập yoga và áo ngực thể thao.
Các tác động tiêu cực của PFAS đã được xác định từ những năm 1990 và được công nhận rộng rãi là một vấn đề toàn cầu bởi Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển (OECD) vào năm 2013. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ giữa tiếp xúc với PFAS và ung thư và bệnh tuyến giáp, đứt gãy hệ thống hormone, suy giảm miễn dịch ở trẻ em ….
Lộ trình cấm PFAS sắp tới của EU
EU đề xuất lệnh cấm PFAS vào ngày 07/02/2023 nhằm giới hạn sản xuất, đưa vào thị trường và sử dụng các chất gây hại cho sức khỏe và môi trường. Hiện Ủy ban Đánh giá rủi ro và Ủy ban Phân tích kinh tế – xã hội đang đánh giá tác động tiềm tàng của lệnh cấm. Dự kiến hoàn tất thủ tục pháp lý vào năm 2026 – 2027, tuy nhiên, các công ty rất có thể sẽ được cấp thời gian chuyển tiếp để tìm giải pháp thay thế cho hơn 10.000 ứng dụng của PFAS bị ảnh hưởng.
Cơ hội và thách thức của ngành thời trang trong cuộc chiến chống lại hóa chất độc hại
Ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt với những thách thức và cơ hội rõ rệt khi phải loại bỏ PFAS khỏi hàng may mặc.
Thách thức chính đến từ áp lực từ yêu cầu loại bỏ hóa chất này, cùng với rủi ro pháp lý cao do các vụ kiện tập thể nhắm vào các công ty quảng cáo sản phẩm là “an toàn và hiệu quả” trong khi thực tế lại sử dụng PFAS. Chi phí đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế an toàn và bền vững cũng là một thách thức đáng kể. Đồng thời, việc loại bỏ PFAS có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, bối cảnh này cũng có thể mạng lại nhiều cơ hội. Phát triển các sản phẩm thời trang an toàn và bền vững không chỉ có thể tăng cường sự tin tưởng từ người tiêu dùng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty. Đổi mới trong công nghệ sản xuất dệt may giúp đưa ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả hơn, đồng thời mở ra cơ hội cho các công ty tiên phong khai thác thị trường mới với các sản phẩm an toàn cho môi trường và sức khỏe.
Những thương hiệu tiên phong trong giải pháp thay thế PFAS
Các thương hiệu thời trang như Levi’s, H&M và Marks & Spencer đang chuyển sang các giải pháp thay thế PFAS an toàn hơn nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe và môi trường. Patagonia và Rain là các ví dụ điển hình trong việc điều chỉnh sản phẩm và chuỗi cung ứng để loại bỏ PFAS và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững. Các công ty lớn khác như Adidas, Nike, Lululemon và Canada Goose cũng đang nghiên cứu và áp dụng các phương pháp sản xuất không sử dụng PFAS, phản ánh xu hướng chung của ngành thời trang hiện nay.
K.P