Nguy cơ đứt mạch sản xuất vì COVID-19


TP – Dịch COVID-19 đã xâm nhập nhà máy, khu công nghiệp (KCN), Bắc Giang phải tạm dừng hoạt động 4 KCN để phòng dịch. Trước thực tế này, để tự chủ động cứu mình, doanh nghiệp (DN) cấp bách ra các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan, bảo vệ sản xuất, bảo vệ công nhân, không để đứt mạch chuỗi cung ứng.

DN muốn được hỗ trợ tiêm cho công nhân

Tính đến trưa 18/5, tại 3 KCN ở Bắc Giang đã có 474 ca mắc COVID-19, tỉnh này phải tạm đóng cửa 4 KCN trên địa bàn, nơi có hơn 136.000 người lao động (NLĐ) đang làm việc. Theo Bộ LĐ-TB&XH, trên cả nước, KCN An Đồn (Đà Nẵng) có 32 NLĐ nhiễm bệnh; KCN Thăng Long (Hà Nội) có 2 ca…

Trao đổi với PV Tin Phong, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty May 10 đánh giá, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập DN luôn hiện hữu. Do đó, ngoài áp dụng các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, công ty ông đang tăng cường thêm giải pháp ứng phó. Theo đó, ngoài khử khuẩn với tất cả NLĐ khi vào ca, DN còn truy vết yêu cầu cách ly tại nhà với cả F2, F3. Thậm chí, nếu chung cư nơi NLĐ ở có F1, họ phải ở nhà cách ly 14 ngày, công ty trả lương cơ bản. “Các giải pháp này dù giảm nhân lực và năng suất của DN nhưng nhà máy vẫn còn hoạt động, do đó, NLĐ cũng chia sẻ”, ông Long nói. Theo vị lãnh đạo này, tới nay đã có 200/7.000 NLĐ của DN cách ly tại nhà. Khi hết thời gian cách ly, DN sẽ bỏ chi phí để xét nghiệm SAR-CoV-2 cho tất cả NLĐ này trước khi đi làm lại.

Ngoài biện pháp trên, hiện nay, Công ty May 10 còn lắp thêm vách ngăn tại nhà ăn để hạn chế công nhân tiếp xúc trực tiếp. Công nhân thay vì ăn theo 2 ca thì nay lên 3 ca/ngày, mục tiêu là giảm số lượng NLĐ tập trung quá đông. DN cũng có văn bản kiến nghị địa phương xem xét tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho NLĐ.

Với khối DN vận tải, lực lượng lao động trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với hành khách, nên khả năng nhiễm dịch bệnh, hoặc tiếp xúc gần phải cách ly rất cao, nên nguy cơ gián đoạn vận tải cũng tăng theo. Do đó, các DN đã áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho NLĐ. Ngoài giải pháp 5K của Bộ Y tế, hiện tại, khối DN hàng không đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho NLĐ tại sân bay, phi công, tiếp viên. DN vận tải đường sắt cũng có văn bản kiến nghị địa phương hỗ trợ tiêm vắc – xin cho NLĐ trực tiếp, và quan trọng, như NLĐ tại Trung tâm điều độ chạy tàu, lái tàu, tiếp viên, nhân viên bán vé…

Mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ DN dệt may mua, tiêm vắc-xin COVID-19. VITAS cho rằng, chỉ cần một DN bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất cả năm tan vỡ. Theo đó, hậu quả vô cùng lớn, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, NLĐ mất việc không còn thu nhập. Hiện tại, nhiều DN dệt may đã ký đơn hàng đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn, sẽ bị phạt, hủy; thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, COVID-19 bùng phát lần này có nguy cơ lây lan cao tới các KCN, DN sử dụng nhiều lao động. Theo đó, DN đã thực hiện các bộ tiêu chí phòng chống dịch COVID-19 nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhìn về dài hạn, bà Xuân kiến nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ DN sử dụng nhiều lao động, công nhân KCN sớm được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đây là giải pháp để DN đảm bảo sản xuất kinh doanh bền vững.

Lập bản đồ dịch bệnh

Ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cho biết, sau 2 ca nhiễm COVID-19 tại KCN Thăng Long đợt cuối tháng 4/2021, rất may tới nay không phát sinh thêm ca nhiễm mới tại các KCN trên địa bàn. Việc một số KCN ở Bắc Giang phải tạm đóng cửa là lời cảnh báo cho các KCN khác trên cả nước.

Đại diện Lefaso cho rằng, nếu công nhân được tiêm vắc-xin thì đối tác, khách hàng sẽ yên tâm hơn để chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam.

Để phòng dịch, đơn vị này đã có hơn 70 văn bản nhắc nhở, hướng dẫn các DN áp dụng theo khuyến cáo của ngành Y tế và lập 9 tổ giúp việc. Các tổ giúp việc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát DN thực hiện phòng chống dịch. Bên cạnh đó, DN phải rà soát, đánh giá và lập bản đồ dịch bệnh theo các tiêu chí đã có, từ đó xác định nguy cơ nhằm đưa ra biện pháp ứng phó trong từng tình huống.

“Chúng tôi yêu cầu các DN báo cáo về số lượng NLĐ, kịch bản ứng phó các tình huống, như khi có NLĐ nhiễm bệnh thì dừng một dây chuyền, một phân xưởng, hay cả nhà máy nếu phải cách ly toàn bộ NLĐ trong nhà máy…”, ông Tuấn nói. Trước mắt, các DN chia lại ca làm việc, từ 2 ca/ngày thành 3 ca/ngày để hạn chế tập trung đông người, giảm tối đa NLĐ liên quan nếu có ca bệnh…

Trao đổi với PV Tin Phong, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vào nhà máy, KCN rất cao, đe dọa tới hoạt động sản xuất và việc làm của NLĐ. Do đó, bộ này đã yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp, KCN trên cả nước lập bản đồ phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc xác định mức độ lây nhiễm theo tiêu chí cụ thể, giải pháp ứng phó trong từng tình huống. “Diễn biến dịch bệnh trong các KCN tại Bắc Giang và Bắc Ninh rất phức tạp, không chỉ một vài DN, mà tất cả trong KCN đều bị ảnh hưởng. Chưa kể, các KCN dừng sản xuất còn nguy cơ tác động lên chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa cho cả nước”, ông Thanh nói.


Các tin khác