Người lao động dệt may vững tâm- thế bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp 4.0


Với những hoạt động thực chất, không chỉ đem lại quyền lợi thiết thực cho người lao động mà Công đoàn Dệt May Việt Nam còn triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dệt may trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, ấn phẩm đặc biệt Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam về vai trò của Công đoàn trong phát huy sứ mệnh công nhân lao động dệt may trước xu thế toàn cầu hóa và biến động ngày càng phức tạp của thị trường.  

Pv: Năm 2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Xin bà điểm lại những dấu ấn nổi bật của Đại hội lần này?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với các đại biểu tham dự. Đầu tiên là công tác khánh tiết của Đại hội được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, tạo nên một bộ nhận diện đặc trưng về đại hội mang đậm nét dệt may. Từ hệ thống bảng ảnh, triển lãm ảnh có tuyển chọn phản ánh hoạt động công đoàn, phong trào công nhân của ngành đến mỗi khẩu hiệu, thông điệp từ Đại hội được bố trí trên các ấn phẩm mà công đoàn ngành gửi gắm đến công đoàn cơ sở và người lao động.

Văn nghệ chào mừng Đại hội cũng rất đặc sắc. Cùng với những bài hát truyền thống về tổ chức công đoàn, ngành nghề, còn có những sáng tác mới của cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào dệt may Việt Nam”, tạo nên một chương trình toàn diện, có kết nối truyền thống với hiện đại, lan tỏa niềm tự hào về ngành dệt may, tạo nhiều cảm xúc tốt đẹp.

Một trong những điểm ấn tượng của Đại hội lần này là hạn chế tối đa sử dụng tài liệu giấy, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nội dung, văn kiện Đại hội và công tác điều hành. Đồng thời chất lượng ảnh, phóng sự, các clip hướng dẫn bầu cử, các slide trình chiếu,… cũng được đánh giá cao.

Nội dung văn kiện đại hội sâu sắc, tổng kết đánh giá đúng kết quả hoạt động công đoàn, phong trào công nhân nhiệm kỳ qua với nhiều dấu ấn; đề ra được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bám sát vào sự vận động của tổ chức, các yêu cầu phát triển của ngành nghề trong giai đoạn mới. Công tác điều hành đại hội khoa học, chỉn chu. Công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, tập trung đảm bảo chất lượng, vừa có tính kế thừa, vừa có sự trẻ hóa. Thảo luận tại đại hội được tiến hành cởi mở, bàn về những vấn đề tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động quan tâm; chia sẻ được những giải pháp hay, cách làm tốt ở nhiều đơn vị.

Đặc biệt, quyết sách tại Đại hội khi xác định những vấn đề quan trọng cho nhiệm kỳ mới (3 khâu đột phá, 5 chương trình công tác lớn, cùng nhiều chỉ tiêu, giải pháp quan trọng khác) được đại biểu tham dự tâm đắc.

*Đại hội đề ra 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó có nhấn mạnh đến nâng cao năng lực thích ứng của người lao động và chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn. Điều này sẽ có tác động thế nào đến khẳng định vai trò công đoàn và sứ mệnh công nhân lao động dệt may trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng Công nghiệp 4.0, thưa bà?

– Ba khâu đột phá mà Đại hội đặt ra trong chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023-2028 là (1) cải thiện chất lượng cán bộ, đoàn viên, người lao động, nâng cao năng lực thích ứng; (2) tăng cường đối thoại, thương lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động; (3) chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

Theo đó, khâu đột phá nâng cao năng lực thích ứng của người lao động tiếp tục khẳng định vai trò của công đoàn trong việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm.

Với khâu đột phá về chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, đòi hỏi công đoàn các cấp trong hệ thống phải có ý thức bước ra khỏi cách làm, phương tiện, công cụ mang tính truyền thống, cũ kỹ, lạc hậu. Cần phải cập nhật, ứng dụng công nghệ mới, cách làm mới nhằm vận hành hoạt động hiệu quả hơn, nhanh chóng, thuận tiện, tương tác tốt hơn với công đoàn các cấp và cán bộ, đoàn viên, người lao động. Cần xây dựng được cơ sở thông tin, dữ liệu dùng chung để cập nhật thông tin trong toàn hệ thống một cách kịp thời, thiết thực và dễ dàng.

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ, tạo nên những thay đổi trong sứ mệnh công nhân lao động dệt may. Đó là người lao động không chỉ cần có việc làm mà phải giỏi một việc, thạo nhiều việc; phải vượt qua giới hạn của bản thân để không còn là người lao động chân tay phổ thông thuần túy, mà là người lao động có tính sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp tốt, làm chủ khoa học công nghệ, giúp cho bản thân thích ứng được các công việc, các mức độ phức tạp khác nhau, đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện doanh nghiệp tham gia ngày một sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may thế giới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Từ đó, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện, thu nhập của người lao động theo đó cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với ngành sử dụng đông lao động như dệt may. Vai trò của Công đoàn trước những thuận lợi cũng như nguy cơ với nguồn nhân lực thế nào, thưa bà?

– Dệt may là ngành đông lao động, nhìn chung lao động dệt may khéo léo, chăm chỉ, có sáng tạo, về cơ bản phù hợp với yêu cầu của điều kiện làm việc hiện tại.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới mạnh mẽ công nghệ, trang thiết bị, thì người lao động không thể thụ động trước những đổi mới này, chưa kể xu thế số hóa, tự động hóa với công nghệ 4.0 còn mang lại thách thức về thay thế sức người, dẫn đến nhiều vị trí việc làm không cần đến lao động. Những nguy cơ, thách thức này cần được nhận diện để người lao động có thể thay đổi nhận thức và chủ động nắm bắt, thích ứng khi doanh nghiệp bước vào đổi mới.

Bên cạnh thách thức thì hội nhập quốc tế và công nghệ 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất chất lượng sản phẩm cao hơn và thu nhập của người lao động có trình độ, có kỹ năng nghề nghiệp cũng được cải thiện hơn.

Như vậy, người lao động phải đối mặt với những nguy cơ về đào thải, mất việc làm, nhưng cũng được đón nhận những thuận lợi về cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, những cải thiện về việc làm và thu nhập nếu đáp ứng được các yêu cầu của vị trí, việc làm trong điều kiện mới. Trong bối cảnh này, vai trò của công đoàn phải được phát huy rõ nét để không trở thành người ngoài cuộc đối với những thay đổi của doanh nghiệp và tính thích ứng của người lao động.

Công đoàn cần nhận thức được xu thế này, làm tốt việc tuyên truyền để người lao động hiểu và có sự chuẩn bị sớm cho việc nâng cao năng lực bản thân. Tham gia với chuyên môn trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo nội bộ về ứng dụng công nghệ, kỹ năng nghề, thậm chí là đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động. Đồng hành cùng người lao động trên con đường học tập bằng các khóa đào tạo do Tập đoàn, Công đoàn chủ động tổ chức hay hỗ trợ kinh phí, tạo cơ chế để người lao động được thụ hưởng các chính sách về đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thích ứng,…

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khu vực diễn ra mạnh mẽ vừa thúc đẩy phát triển vừa tăng sức ép cạnh tranh. Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ hội tụ sức mạnh của đội ngũ cán bộ đoàn viên, người lao động theo những cách thức nào để nâng cao năng lực thích ứng của người lao động, thưa bà?

– Công đoàn cần thể hiện và thực hiện tốt chức năng chăm lo, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua vai trò tham gia quản lý, phối hợp với cấp ủy, chuyên môn đảm bảo việc làm, đời sống, giúp người lao động an tâm gắn bó, phát triển nghề nghiệp. Công đoàn cũng tiếp tục tập hợp và phát triển đoàn viên không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng đội ngũ.

Trong đó, việc cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực thích ứng của đội ngũ sẽ tập trung hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào lao động giỏi – lao động sáng tạo, các hoạt động nghiên cứu, thực hành, thực nghiệp; chia sẻ, lan tỏa các phương pháp hay, cách làm tốt, thao tác tiên tiến trong hệ thống; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, tác phong công nghiệp, văn minh công sở để tạo sự gắn bó bền vững; khen thưởng kịp thời, tạo cơ hội phát triển bản thân cho người lao động.

Thưa bà, dự báo nền kinh tế toàn cầu và thị trường xuất khẩu năm 2024 còn nhiều bất định. Với phương châm: Lợi ích hài hòa- Rủi ro chia sẻ, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ đồng hành với Tập đoàn Dệt May Việt Nam và doanh nghiệp trong ngành thế nào để phát huy được truyền thống tốt đẹp Đoàn kết- Sáng tạo- Tự cường vượt khó cũng như văn hóa doanh nghiệp dệt may?

– Nhiệm kỳ mới là giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi. Công đoàn Dệt May Việt Nam xác định có nhiều thách thức và cũng có những thời cơ, cơ hội mới, đòi hỏi công đoàn nâng cao hơn nữa năng lực, uy tín trong tập hợp, thu hút, chăm lo, đại diện, để giữ vững được vai trò, vị trí của mình đối với doanh nghiệp và người lao động.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, Công đoàn Dệt May Việt Nam xác định tập trung vào 5 đồng hành: (1) Đồng hành trong tuyên truyền vận động người lao động thấu hiểu tình hình, nỗ lực vươn lên, vững niềm tin vào tổ chức, doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động trong chọn lọc, tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, tránh bị lôi kéo, lừa gạt bởi những thông tin kích động, không chính xác; (2) Đồng hành trong tham gia quản lý, quản trị rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo toàn diện cho người lao động; (3) Đồng hành trong tổ chức các phong trào thi đua; (4) Đồng hành trong bồi đắp, lan tỏa văn hóa, giá trị cốt lõi của Vinatex và của các doanh nghiệp; (5) Đồng hành trong nâng cao năng lực thích ứng cho người lao động từ trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu mới.

Những thành tựu đạt được của Công đoàn Dệt May Việt Nam trong thời gian qua luôn có sự ủng hộ, tạo điều kiện và hỗ trợ về mọi mặt của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tôi xin thay mặt toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam chúc các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, đội ngũ CBCV Tập đoàn một năm mới đón nhận nhiều thành công mới, vận hội mới và phát triển, thịnh vượng. Chúc đội ngũ công nhân lao động dệt may luôn vững vàng tâm thế để bắt nhịp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng Công nghiệp 4.0.

Xin trân trọng cảm ơn bà. Chúc hoạt động công đoàn và phong trào CNLĐ ngành Dệt May Việt Nam luôn thiết thực, hiệu quả, vững mạnh xuất sắc!

Bài: Giang Nguyễn – Thanh Thúy (thực hiện)


Các tin khác