Nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học cấp Nhà nước về Nghiên cứu, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đối với ngành DMVN


Ngày 8/11/2019 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp Nghiệm thu cấp cơ sở, tự đánh giá đề tài khoa học cấp Nhà nước về Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành DMVN nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030.

Cuối năm 2018, Tập đoàn DMVN được Bộ KH&CN giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước có nội dung trên. Chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Lê Tiến Trường (Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN). Sau 12 tháng nghiên cứu, nhóm thực hiện đã đưa ra kết quả với hơn 1000 trang nội dung, được rút gọn trong cuốn báo cáo Tổng kết Đề tài nghiên cứu khoa học dày hơn 230 trang.

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở

Buổi nghiệm thu có sự góp mặt của Hội đồng nghiệm thu gồm: Ông Lê Trung Hải – Phó TGĐ Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Bích Ngọc – Ủy viên phản biện 1; Ths. Thân Đức Việt – Ủy viên phản biện 2; TS. Hoàng Thu Hà – Ủy viên Hội đồng; TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Ủy viên Hội đồng… Cùng đại diện Nhóm thực hiện đề tài, đại diện Hiệp hội, Công đoàn Dệt May, Viện Dệt May, các Ban chức năng của Tập đoàn…

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tầm quan trọng trong việc thực hiện Đề tài

Phát biểu tầm quan trọng của Đề tài, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trên thế giới hiện nay chưa có một Đề tài nghiên cứu nào đánh giá về tác động của CMCN 4.0 tới ngành Dệt May. Với 2 quốc gia có ngành Dệt May rất phát triển là Ấn Độ và Bangladesh, hiện cũng mới chỉ có 1 số đề tài nghiên cứu nhỏ lẻ, chỉ đánh giá tới ngành May mà chưa có nghiên cứu, phân tích cụ thể toàn bộ bức tranh của Ngành. Do đó, khi được Bộ KH&CN giao cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước, nhóm thực hiện đề tài đã có những nghiên cứu, khảo sát rất công phu trong suốt 1 năm, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Bách Khoa và các chuyên gia nghiên cứu độc lâp.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường HTU trình bày nội dung của Đề tài

Thay mặt nhóm thực hiện đề tài, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã trình bày khái quát về nội dung của Đề tài. Theo đó, Đề tài nghiên cứu chỉ ra những điểm nổi bật, đó là các chỉ số đo lường sự sẵn sàng của các doanh nghiệp DMVN đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hiện đang ở mức 2,9 trên 5, mức được coi là trung bình; Mức độ tăng trưởng trung bình của Ngành từ 2000 đến 2019 là 16,8%/năm; Hàng DMVN đã được xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới; Dự đoán mức giảm nhân lực sẽ từ 2,5 triệu NLĐ hiện nay xuống còn 1,7 triệu NLĐ đến năm 2030; DMVN sẽ vẫn duy trì trong Top 5 các nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này, với mức tăng trưởng đạt 8%/năm từ 2020-2025 và tăng trưởng 6% từ 2025-2030, tương ứng mức KNXK của DMVN có khả năng đạt từ 75 – 80 tỷ USD vào năm 2030…

Ông Lê Trung Hải – Phó TGĐ Vinatex, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở tổng kết và đánh giá Đề tài

Đánh giá về Đề tài, Hội đồng nghiệm thu cơ sở đều thống nhất cho rằng đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ, với những đánh giá, phân tích chuyên sâu, được thực hiện tương đối kỳ công chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, với Đề tài vẫn cần có một số nội dung cần phải sửa đổi cho phù hợp với Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Tiếp thu những ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, ông Lê Tiến Trường cho biết, Nhóm thực hiện đề tài sẽ có những chỉnh sửa phù hợp để tiến tới Nghiệm thu cấp Quốc gia trong thời gian tới.

Kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, đề tài được đánh giá đạt loại Xuất sắc. Trong thời gian tới, nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung Nghiên cứu để chuẩn bị nghiệm thu ở cấp cao hơn.

Kiều Hậu – Quang Nam

 


Các tin khác