Ngành May mặc Bangladesh: hơn 50.000 công nhân mất việc trong bối cảnh khủng hoảng


Ngành công nghiệp may mặc – trụ cột của nền kinh tế Bangladesh – đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng dẫn đến tác động tiêu cực đáng kể tới nền kinh tế. Trong năm qua, ít nhất 76 nhà máy may đã phải đóng cửa, khiến hơn 50.000 công nhân, chủ yếu là nữ giới mất việc làm. Các chuyên gia cảnh báo tình hình có thể còn xấu hơn với nguy cơ nhiều nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động.

Ông Fazlul Haque, nguyên chủ tịch Hiệp hội Nhà Sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh (BGMEA), nhận định: “Ngành may mặc đang trong tình trạng khó khăn. Ngoài số ít nhà máy còn duy trì hoạt động, phần lớn đang chật vật để đạt được lợi nhuận. Chi phí vận hành càng kéo dài, gánh nặng tài chính càng lớn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, nhiều nhà máy sẽ buộc phải đóng cửa”.

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sụt giảm giá hàng may mặc trên thị trường quốc tế, gây áp lực tài chính lên các chủ nhà máy. Các nhà nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu đã giảm giá hàng may mặc Bangladesh khoảng 5%, trong khi các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cắt giảm tới 8%. Thêm vào đó, tổng số đơn hàng xuất khẩu giảm 3% so với năm trước, khiến tình hình của các nhà sản xuất trở nên khó khăn hơn.

Ông Haque cũng liệt kê các yếu tố khác làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, bao gồm: lãi suất ngân hàng tăng cao, đồng tiền taka mất giá so với đô-la Mỹ, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng, tình trạng thiếu khí đốt, thuế xuất nhập khẩu gia tăng và nguồn cung điện không ổn định. Ông lưu ý rằng ngành may mặc còn chịu tác động lớn từ sự bất ổn chính trị vào tháng 7 và tháng 8, khi các dịch vụ internet bị gián đoạn nghiêm trọng.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành may mặc Bangladesh đạt kim ngạch xuất khẩu 38,48 tỷ đô la trong năm 2024. Trong đó, sản phẩm dệt kim đóng góp 20,52 tỷ đô la và sản phẩm dệt may 17,95 tỷ đô la. BGMEA hiện quản lý 2.564 nhà máy, bao gồm hơn 600 nhà máy nằm trong các khu chế xuất. Tuy nhiên, việc 76 nhà máy phải đóng cửa trong năm qua là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Ông Haque nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định chính trị đối với sự phát triển công nghiệp: “Một chính phủ ổn định là điều thiết yếu để phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Chúng tôi cần một đội ngũ lãnh đạo mới để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.”

Nguồn: https://apparelresources.com/business-news/sustainability/50000-garment-workers-left-jobless-bangladeshs-apparel-sector-faces-crisis/


Các tin khác