Ngành Dệt May Việt Nam nỗ lực vượt khó


Bài: TS. Trần Văn, ĐBQH khóa XII, XIII

Từ đầu năm 2020 cả thế giới đã chứng kiến ​​sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 – một đại dịch toàn cầu thuộc loại lớn nhất, chết chóc nhất trong một thế giới hiện đại với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ đã ở mức khá cao. Đại dịch đã làm rung chuyển thế giới, đe dọa tính mạng của người dân, làm xáo trộn kinh tế toàn cầu.

Kinh tế toàn cầu đã giảm mạnh trong năm 2020, và 2021 cũng không mấy khả quan hơn. Các quốc gia đang phải vật lộn để chống chọi với dịch bệnh, liên tục đưa ra các giải pháp và các gói hỗ trợ để ổn định nền kinh tế của mình.

Theo Tổ chức lao động quốc tế ILO, tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nhà sản xuất dệt may của châu Á là chưa từng có. Hàng loạt doanh nghiệp dệt may châu Á đang lao đao vì dịch bệnh. Vừa phải hứng chịu những hạn chế của giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới ở chính quốc gia của họ, vừa phải chịu tác động của tổng cầu quốc tế giảm sút đối với sản phẩm dệt may. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia nơi ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế hay trong các mặt hàng xuất khẩu.

Ngành Dệt May của nước ta cũng không là ngoại lệ. Theo Tổng cục Thống kê, Dệt May là một trong số các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, vật tư, nguyên phụ liệu tăng giá, các thị trường nhập khẩu đóng cửa do phong tỏa hay giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm là những khó khăn mà ngành phải đối mặt trong năm nay. Hiện tượng đứt gãy trong logistics, thiếu trầm trọng các container rỗng, lịch tàu không ổn định,… đã làm chi phí vận tải tăng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”. Các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam đã tìm cách nắm bắt cơ hội trong thách thức, chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng sang các mặt hàng có khả năng thích ứng với tình hình mới. Tôi còn nhớ trong đợt cao điểm chống dịch đầu quý II năm ngoái, khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 30 lần của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sử dụng toàn bộ nguyên liệu trong nước, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu của Bộ Y Tế, được phân phối còn hơn cả thời tem phiếu bao cấp. Dòng người xếp hàng dài tại các Trung tâm Thời trang Vinatex để chờ đến lượt mua vài chiếc khẩu trang vải theo tiêu chuẩn cho thấy đây là một giải pháp được cộng đồng tin cậy với giá cả hợp lý.

Dịch bệnh hiện vẫn đang hoành hành và chưa biết khi nào mới chấm dứt, khi vaccine vẫn còn rất khan hiếm và nhiều chủng mới, biến thể mới của Covid-19 lây lan nhanh hơn và khó chữa hơn xuất hiện. Các dự báo về triển vọng kinh tế thế giới 2021 vẫn phải thường xuyên cập nhật theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Theo Global Economic Prospects tháng 1/2021 của Ngân hàng Thế giới thì kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tăng trưởng dương 4% nếu việc sản xuất và tiêm chủng vaccine được diễn ra trên diện rộng. Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh là cho dù có tăng trưởng trở lại thì dịch bệnh vẫn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm động lực hoạt động kinh tế, suy giảm phúc lợi của người dân.

Để phục hồi kinh tế, các quốc gia cần duy trì chu trình tái đầu tư vào sản xuất và mở rộng các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đầu tư vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách nhà nước vốn đã hạn hẹp do nguồn thu ngân sách suy giảm mạnh. Dự báo tháng 1 năm nay của Ngân hàng Thế giới đối với tăng trưởng của kinh tế Mỹ và EU đều thấp hơn dự báo của tháng 6/2020 tương ứng là 0,5-0,9 điểm phần trăm cho thấy tình hình chung vẫn còn rất khó khăn. Các đợt bùng phát dịch bệnh ở Ấn Độ và các nước láng giềng và ngay ở Việt Nam tháng 4-5 này cho thấy mức độ nguy hiểm của việc kéo dài dịch bệnh và lặp đi lặp lại các đợt lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng mới.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May nước ta có giảm nhưng mức giảm vẫn thấp hơn nhiều các quốc gia khác. Trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% do ảnh hưởng của đại dịch thì có thể coi đây là một nỗ lực rất lớn của ngành. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Dệt May cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn, thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong và sau dịch bệnh, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phù hợp để tận dụng những cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại.

Các doanh nghiệp Dệt May của Việt Nam luôn đi tiên phong trong toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã quen với môi trường cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, nên hoàn toàn có khả năng sớm nhìn thấy trước các vấn đề của mình để sáng tạo, thích ứng với những thay đổi của thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, ổn định công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu lao động cũng như giữ được uy tín quốc gia của ngành Dệt May Việt Nam.


Các tin khác