Năng lượng tích cực của người thợ Điện máy


Đam mê và tận tâm với công việc, Dương Tấn Việt công tác tại Ban Điện, Công ty CP Dệt Gia dụng Phong Phú (Dệt Gia dụng Phong Phú) thuộc Tổng công ty CP Phong Phú luôn đòi hỏi bản thân phải không ngừng nỗ lực và truyền năng lượng tích cực ấy vào các sáng kiến, lan tỏa đến đồng nghiệp…

Say công việc, mê sáng tạo

Đề tài “Cải tiến viết chương trình điều khiển biến tần cho 3 máy canh (máy mắc sợi) Benninger – Hacoba – Kawamoto” tham gia Ngày hội Lao động Sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam lần thứ III năm 2022 của Dương Tấn Việt đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao và trao giải Nhì trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm.

Đề tài  phân tích về máy trước cải tiến có công nghệ cũ, động cơ – ly hợp từ kết hợp với bộ điều khiển ly hợp từ, công nghệ này động cơ được cấp điện trực tiếp hoạt động liên tục không ngừng với tốc độ cố định theo nguồn điện, cộng với cuộn dây của bộ ly hợp làm tiêu hao nhiều điện năng, ngoài ra bộ điều khiển đã sử dụng quá lâu hay hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và năng suất. Máy cũ motor cấp điện trực tiếp hoạt động liên tục 1 cấp tốc độ, kể cả khi đứt sợi, ngừng máy, tốn nhiều năng lượng điện. Bộ điều khiển ly hợp từ sử dụng quá lâu hay hư hỏng và chỉ tăng/giảm được tốc độ máy thông qua ly hợp từ nhưng không giảm được tốc độ motor. Đây là mấu chốt của việc tiêu hao nhiều điện.

Để khắc phục những hạn chế của máy cũ, sau nhiều ngày nghiên cứu, tính toán, anh Việt xác định, giải pháp hiệu quả là loại bỏ ly hợp từ thay thế bằng biến tần, loại bỏ bộ điều khiển cũ, thay thế bằng hệ thống PLC s7-1200. Chương trình PLC xuất tín hiệu analog cho biến tần điều khiển tốc độ motor thay đổi theo đường kính trục sợi trong suốt quá trình sản xuất, sao cho vận tốc máy không thay đổi theo giá trị cài đặt ban đầu. Tức là, sử dụng 1 CPU s7-1200, 1 modul out anolog. Hệ thống lấy tín hiệu từ bộ phát tốc làm tín hiệu hồi tiếp (giá trị Feedback) để lấy mẫu kết hợp với vận tốc cài đặt (giá trị setpoint), thiết lập hàm truyền PID trong PLC tự động điểu khiển biến tần để điều chỉnh tốc độ motor sao cho máy ổn định 1 tốc độ mong muốn cho dù đường kính trục sợi thay đổi trong suốt quá trình sản xuất.

Hiệu quả của máy sau cải tiến chính là hoạt động ổn định, giảm thời gian đóng máy sửa chữa, kiểm soát tự chủ được công nghệ và thiết bị, làm lợi hơn 120 triệu đồng/năm. Sáng kiến này đã được đơn vị áp dụng cho máy canh Benninger, Hacoba, Kawamoto.

Phân tích trên nguyên lý hoạt động, phạm vi áp dụng của đề tài còn cho những máy canh thế hệ cũ hao điện, hoặc thế hệ mới khi bộ điều khiển bị hư hỏng phải nhập với giá thành rất cao. Đồng thời công nghệ PID còn áp dụng để điều khiển các máy chạy đồng bộ tốc độ, ổn định sức căng như máy hồ sợi, máy bơm nước, máy nén khí điều khiển bằng inverter tiết kiệm điện năng, …

Sáng kiến này của Dương Đức Việt đã đưa vào ứng dụng và thực hiện được 03 năm nay. Cũng như nhiều sáng kiến khác, điểm chung đầu tiên khi anh Việt nghiên cứu nhằm tiết kiệm năng lượng điện và tận dụng những máy móc thế hệ cũ vẫn đáp ứng được nhu cầu công nghệ sản xuất mà công nghệ thiết bị điện đã lỗi thời, tiêu hao nhiều điện năng.

Thành công nhờ đồng thuận

Anh Việt bộc bạch: “Niềm vui và hạnh phúc của tôi từ khi về Dệt Gia dụng Phong Phú là luôn được Ban lãnh đạo Công ty ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện để bản thân thỏa lòng đam mê sáng tạo với các máy móc, thiết bị điện. 16 năm gắn bó, Dệt Gia dụng Phong Phú đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Mỗi ý tưởng, mỗi sản phẩm được triển khai và hiệu quả như những đứa con tinh thần. Bất kỳ một ý tưởng nào, dù triển khai đơn giản hay phức tạp, tôi cũng phân tích và chuẩn bị thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng, dự phòng bất trắc các phương án trong quá trình vận hành và cách khắc phục rồi mới trình bày với ban lãnh đạo. Hầu hết các ý tưởng của tôi đều được Lãnh đạo Công ty đồng ý đầu tư, triển khai thực hiện.”

Ban Điện của Dệt Gia dụng Phong Phú gồm 18 người, nhà máy ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận. Dù địa bàn cách xa nhưng với trách nhiệm là Trưởng Ban Điện, anh Việt luôn kiểm tra, giám sát an toàn hệ thống điện thường xuyên. Đồng thời yêu cầu đồng nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ an toàn lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ai cũng hiểu làm việc với điện rất nguy hiểm, nếu sai có thể nguy hiểm đến tính mạng, sẽ không có cơ hội làm lại.

Hạnh phúc là chia sẻ, khuyến khích và động viên anh em trong Ban trách nhiệm, tìm tòi và đề xuất các ý tưởng cải tạo, làm mới các thiết bị, máy móc. Văn hóa chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc đã trở thành nét đẹp trong Ban Điện. Đặc thù Ban Đ iện toàn nam giới, cách quan tâm và chia sẻ, hỗ trợ nhau cũng rất thẳng thắn.

Chia sẻ với Dệt May & Thời trang Việt Nam, anh Việt cho biết vào thời điểm đại dịch Covid-19, do yêu cầu gấp, đột xuất của khách hàng Mỹ, toàn bộ thùng hàng phải bọc thêm màng co. Vấn đề lúc đó là khó mà mua được máy và nếu mua được máy mới thì giá rất cao và cũng không thể về kịp để quấn thùng hàng xuất trả khách. Thấu hiểu tình hình và cái khó của Công ty. Anh Việt chủ động tìm hiểu nhiều mẫu, loại máy của các hãng lớn trên internet, cuối năm 2021 đã chế tạo máy quấn màng co tự động. Có được máy quấn màng co “made in Tấn Việt”, người lao động ở bộ phận đóng thùng của Công ty CP Dệt Gia dụng Phong phú cũng đỡ vất vả hơn, Công ty thì đáp ứng đúng yêu cầu của khách và không phải bổ sung thêm công nhân ở khâu này.

Năm 2022, anh Việt cải tạo máy vắt chạy nhiều tốc độ. Một trong những khâu trong xưởng nhuộm là vắt vải hoặc khăn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, mỗi loại khăn lại có tốc độ vắt khác nhau. Với sáng kiến này, máy vắt đã thực hiện tối đa công suất, đáp ứng hiệu quả những yêu cầu khắt khe trong sản xuất mỗi mặt hàng. Hiện nay, anh Việt cùng các anh em trong Ban điện cũng đang nghiên cứu chế tạo máy nấu tẩy liên tục.

Nói đến văn hóa doanh nghiệp, anh Việt hào hứng: Dệt Gia dụng Phong Phú không chỉ đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động, quan tâm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của công nhân, nơi đây còn tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người, mỗi vị trí làm việc được phát huy khả năng, năng lực và sức sáng tạo của mình. Đam mê trong công việc sẽ nảy ra những sáng kiến và tất nhiên sự sáng tạo không bao giờ kết thúc. Tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm và yêu việc mình làm như anh Dương Tấn Việt đã và sẽ luôn là nguồn năng lượng tích cực góp phần vào sự phát triển bền vững của đơn vị.

Bài: Thanh Thúy


Các tin khác