Nâng cao năng lực Vinatex trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, hướng đến kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn
Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 30 năm vững bước khẳng định uy tín và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đang chuẩn bị những hành trang cốt lõi để nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Những nấc thang tăng trưởng
Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sau 30 năm hình thành và phát triển, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò là hạt nhân của ngành Dệt May Việt Nam. Các chiến lược đầu tư và phát triển của Tập đoàn qua các giai đoạn đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, minh chứng tính đúng đắn của các quyết sách này, phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1995- 2005: Thành lập Tổng Công ty Dệt May Việt Nam, hoạt động theo cơ chế thị trường. Giai đoạn này tập trung xây dựng nền tảng sản xuất và kinh doanh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giai đoạn 2005- 2015: Chuyển đổi thành mô hình công ty mẹ – con, Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức vận hành như một tập đoàn kinh tế đa ngành. Nhiều dự án đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, may mặc và đào tạo nhân lực được triển khai hiệu quả, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện.
Giai đoạn 2015 – nay: Tập đoàn được Chính phủ cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 53,49% phần vốn tại Công mẹ Tập đoàn. Đặc biệt, ngày 3/1/2017, Tập đoàn chính thức niêm yết 500 triệu cổ phiếu trên sàn UPCOM, trở thành tập đoàn nhà nước đầu tiên niêm yết tại đây. Điều này đánh dấu bước ngoặt trong việc áp dụng các quy chuẩn quản trị minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động và giá trị thương hiệu.
Chính những chiến lược mục tiêu này đã giúp Vinatex có những bước tiến vượt bậc. Năm 2024, Vinatex đạt tổng sản lượng sản xuất công nghiệp gần 40 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu hợp cộng hơn 43 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, bảo đảm việc làm, đời sống cho hơn 62 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. So với năm 1995, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 13 lần, tổng doanh thu tăng hơn 9 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 5 lần; thu nhập bình quân của người lao động tăng 12,5 lần.
Còn đó nhiều thách thức
Mặc dù đã thể hiện vị thế vững chắc trong chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu nhưng việc nâng cao vị thế của Vinatex trong chuỗi giá trị vẫn còn nhiều hạn chế, với những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Các hoạt động sản xuất chính của Vinatex thiếu sự kết nối với nhau và với chuỗi giá trị, cụ thể:
Ngành sợi
Sản phẩm sợi của Tập đoàn chưa đa dạng về chủng loại, chất lượng các sản phẩm sợi chưa cao và chỉ mới tập trung ở phân khúc sản phẩm cấp thấp, trung bình nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp dệt may hàng cao cấp đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu sợi khác nhau với các loại nguyên liệu đầu vào đặc biệt, thiết bị sản xuất hiện đại. Do hoàn toàn phụ thuộc nguồn bông nhập khẩu nên biến động phức tạp của giá bông trên thị trường thế giới ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sợi.
Ngành dệt
Ngành dệt có vị trí rất quan trọng đối với ngành may nói riêng và tổng thể ngành dệt may nói chung nhưng hiện nay ngành này chưa thể hiện được vai trò đó, và mối liên kết dệt may còn nhiều hạn chế. Sự kém phát triển của ngành dệt, đã tạo thành “nút thắt cổ chai” kìm hãm sự phát triển của ngành may, khiến giá trị gia tăng và sự chủ động của ngành may thấp.
Xuất phát từ quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, và các quy định chặt về môi trường làm cho chi phí sản xuất khâu dệt, nhuộm lên cao, và khó cạnh tranh so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.
Ngành may
Đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chuỗi sản xuất của Vinatex với lợi thế nhiều năm kinh nghiệm và đội ngũ NLĐ có tay nghề cao. Tuy nhiên, cũng giống với hiện trạng toàn ngành, đa số các doanh nghiệp may trong Tập đoàn thực hiện theo phương thức gia công xuất khẩu, là phương thức có giá trị gia tăng tương đối thấp, nằm ở vị trí đáy của chuỗi giá trị dệt may. Nguyên nhân một phần là do sự kém phát triển của ngành dệt, khiến đa số doanh nghiệp may không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu vải theo chỉ định và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu. Các sản phẩm may mặc có chi phí vải chiếm đến 70-80% giá thành, phần giá trị gia tăng còn lại rất nhỏ
Hoạt động marketing và phân phối
Đa phần các doanh nghiệp trong Vinatex vẫn phải nhận đơn hàng thông qua các nhà cung cấp khu vực hoặc thông qua các văn phòng đại diện ở Việt Nam của các big buyer, rất ít doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với các nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm của mình. Nói cách khác, phần lớn các doanh nghiệp vẫn thiếu liên kết với những người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng mà chỉ thực hiện các hợp đồng gia công lại cho các nhà sản xuất khu vực.
Kiên định chiến lược “Một điểm đến cung cấp trọn gói sản phẩm thời trang Xanh”
Sau 30 năm phát triển, Vinatex đã hoàn thành sứ mệnh của mình với những dấu ấn riêng. Ban đầu là đảm bảo an sinh xã hội và việc làm với thu nhập đủ sống cho đội ngũ lao động đông đảo. Sau đó là gây dựng vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, cải thiện đời sống cho người lao động với mức thu nhập cạnh tranh, điều kiện làm việc hiện đại, môi trường xanh- sạch- đẹp. Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tiếp theo, Vinatex cần đặt trọng tâm là nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và kiên định chiến lược “Một điểm đến cung cấp trọn gói sản phẩm thời trang Xanh”.
Mỗi doanh nghiệp trong đường đua chạm đích tăng trưởng và nâng cao năng lực đều có những lối đi riêng. Tuy nhiên, để chiến lược Một điểm đến nối dài đến mỗi doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị dệt may bền vững trong kỷ nguyên mới thì cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau:
- Tăng cường năng lực cạnh tranh Tập đoàn: Trước tiên, từng đơn vị cần hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, tăng khả năng cung ứng, sự ổn định về nguồn vốn, phát triển bền vững, tuân thủ các cam kết về môi trường, lao động, từng bước xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Vinatex hướng đến xây dựng sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đối diện với thách thức của thị trường, cũng là điều kiện số một để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò và vị thế ngày càng cao.
- Phát triển sản phẩm đột phá: Không chỉ dừng lại ở sản xuất truyền thống, doanh nghiệp cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khai phá các thị trường ngách để tạo dựng dấu ấn riêng trong ngành, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn. Cần thiết hình thành các Trung tâm phát triển sản phẩm theo ngành và vùng địa lý để bám sát thực trạng sản xuất, đảm bảo phát triển sản phẩm thành công với năng lực tại chỗ.
- Tăng cường năng lực ngành dệt nhuộm: Cần cải thiện năng lực sản xuất vải, đảm bảo giải quyết “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành may – chính là lĩnh vực có vai trò đầu kéo của cả hệ thống sản xuất. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng giúp hoàn thiện chuỗi sản xuất cân bằng cho Tập đoàn, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Một điểm đến.
- Chuyển dịch ngành may sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn: Hiện nay, nếu với phương thức gia công, ngành may chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh duy nhất là lao động. Tuy nhiên, lợi thế này đang mất dần khi chi phí nhân công tại Việt Nam hiện nay cao hơn các nước lân cận trong khi năng suất lại không cao hơn. Vì vậy, cần nghiên cứu rất kỹ thực trạng của ngành may trong Tập đoàn, từ đó đề ra các chiến lược đầu tư bài bản cả về thiết bị công nghệ lẫn nguồn lực con người, nhằm từng bước chuyển dịch phương thức sản xuất kinh doanh từ hình thức gia công sang FOB, ODM… nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu dệt may.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại: Đẩy mạnh tự động hóa và áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng suất lao động và giá trị người lao động.
- Đổi mới quản trị thông qua chuyển đổi số: Đây là yếu tố sống còn trong việc nâng cao hiệu quả vận hành. Vinatex đang tích cực áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến nhất vào toàn hệ thống doanh nghiệp để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, minh bạch.
- Quản lý và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đẩy mạnh thu hút, đãi ngộ và khai thác hiệu quả nhân tài, tạo môi trường làm việc hấp dẫn và mang tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, đặc biệt các kiến thức kỹ năng về marketing, thiết kế sản phẩm, hình thành và liên kết chuỗi phân phối…
- Nâng tầm giá trị văn hóa doanh nghiệp: Vinatex luôn đề cao sự đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong toàn hệ thống. Các đơn vị cần phát triển văn hoá doanh nghiệp dựa trên các giá trị cốt lõi, đó là công bằng, minh bạch, nhân văn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tôn vinh nhân tài và sẵn sàng đối diện những thách thức mới. Chính những giá trị văn hoá này sẽ đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp với người lao động, đồng thời khơi gợi lòng tự hào, gắn bó của NLĐ với doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo sự ổn định, kích thích sự sáng tạo và cống hiến của người lao động.
Có thể thấy, sau khoảng 30 năm kể từ thời điểm Việt Nam mở cửa nền kinh tế, ngành dệt may đã có những bước tiến vượt bậc. Những năm 1990, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may của VN chỉ khoảng hơn 1 tỷ USD thì đến 2024 KNXK ước đạt 44 tỷ USD , tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Các thị trường nhập khẩu truyền thống đều tăng, trong đó, tăng cao nhất là Hoa Kỳ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%…
Như vậy, chỉ sau 30 năm, từ một nước gần như không có vị trí trên bản đồ dệt may thế giới, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới, đóng vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, để tạo được cho mình những chuỗi giá trị bền vững thì ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng cần có những bước đi chiến lược rõ mục tiêu, trọn giải pháp, tinh nguồn lực. Chuỗi giá trị được định vị trong kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn không thể nằm ngoài xu thế đổi mới, sáng tạo và hội nhập toàn cầu. Ở đó, mỗi doanh nghiệp thành viên là một mắt xích quan trọng để bồi đắp vào mạch nguồn tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Hào khí 30 năm tiếp tục được vươn lên mạnh mẽ trong năm 2025, tầm nhìn 2030-2045 để Vinatex vững vàng sứ mệnh “May tinh hoa gấm vóc- Dệt kỷ nguyên thịnh vượng”, hội tụ nguyên khí từ đội ngũ những người dệt may đoàn kết, kiên cường, trọng tình và ngày một tinh tú để thích ứng và quyết định tầm nhìn mới, vận hội mới.
Bài: Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex