Một “đại dịch” khác gọi tên chất thải nhựa PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân)


COVID-19 dẫn đến việc gia tăng sử dụng PPE như thê nào!

Từ các loại khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, đến áo choàng, rèm và ga gối bệnh viện, thiết bị bảo hộ cá nhân dùng một lần (PPE) đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của COVID-19. Vậy còn một núi PPE chỉ dùng một lần rồi vứt đi đó, thứ đang tạo ra “đại dịch rác thải nhựa” thì sao? Khẩu trang và găng tay đã qua sử dụng bị vứt ngay tại bãi đỗ xe, trên đường phố và các lối đi bộ, rồi cả trên biển cũng như sông nước. Áo choàng bảo hộ, rèm và ga gối bệnh viện- kể cả loại chưa hỏng- đang được đốt hoặc đổ vào bãi rác.

Hình ảnh PPE được vớt lên từ biển- Ảnh: Mạng truyền hình toàn cầu Trung quốc.

Practice Greenhealth –  một hiệp hội y tế chuyên cung cấp các giải pháp bền vững, đã chỉ ra rằng mỗi một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện trung bình thải ra 30 pounds rác thải một ngày; “lượng rác thải này ngày càng tăng lên ở hầu hết các bệnh viện trong đại dịch COVID 19 mà nguyên nhân chủ yếu do lượng dùng đồ bảo hộ PPE sử dụng một lần ngày càng nhiều”. Trước tình hình đại dịch còn tiếp diễn, các bệnh viện và các bên liên quan khác đang tìm cách sử dụng các loại PPE thân thiện với môi trường hơn, có khả năng giặt lại, tái sử dụng hoặc tái chế.

Phương án dùng loại PPE có khả năng tái sử dụng

Lý do chính để hầu hết các bệnh viện ở Hoa Kỳ chọn sử dụng các loại vải không dệt dùng một lần là sự an toàn, chi phí thấp và tiện lợi. Nhưng trong quá trình sử dụng, có thể nguồn nguyên liệu tạo ra PPE từ polypropylene có chi phí rẻ do có nguồn cung chi phí thấp từ Trung Quốc – quốc gia hiện nắm giữ khoảng 80% sản lượng PPE, nhưng những yếu tố khác như chi phí vận chuyển, mức đánh thuế nhập khẩu của Mỹ, công đoạn xử lí hoặc đốt rác thải tốn kém dẫn đến bài toán kinh tế đưa ra trở nên sai lầm.

Hãng Burlington Medical Barrier Fabrics chỉ ra nhiều ưu điểm của việc bỏ các loại bảo hộ dùng một lần Hình ảnh: Creator Echo, Credit Getty Images Cultura RF.

Theo Hiệp hội tái chế dệt may Hoa kỳ, thay vì vứt đi sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, loại áo choàng tái sử dụng có thể được giặt lại, tiệt trùng và tiếp tục dùng lại được từ 75 đến 100 lần. Các quy trình giặt là đang được nâng cấp, chuyển từ việc thực hiện trong các bệnh viện cho các đơn vị giặt là quanh vùng được trang bị thiết bị tiết kiệm nhiên liệu hơn, tại đó họ sẽ thực hiện việc loại bỏ chất bẩn bằng việc khử trùng bằng hơi, loại bỏ cả những chất bẩn dạng hạt.

Theo bộ phận dự án của hiệp hội Greenhealth, ngoài yếu tố tác động đến môi trường, áo choàng và rèm ga gối dùng một lần thường nhận được phản hồi tiêu cực từ các bác sĩ phẫu thuật và kỹ thuật viên phẫu thuật về vấn đề như thiếu thoải mái do nóng, dễ bị rách và kích cỡ không phù hợp.Ông Nelson Bebo, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng của hãng Burlington Medical –chi nhánh của Dệt may Elevate Textiles cho biết thêm, ưu điểm chính của loại vải có thể tái sử dụng là luôn có sẵn khi cần dùng ngay.

Có trụ sở chính tại Greensboro, hãng NC Burlington sản xuất nhiều loại vải như Maxima® and XALT™   sử dụng sợi polyester đặc thù cho ngành y tế, xây dựng và hoàn thiện sản phẩm theo chứng nhận của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của dụng cụ y tế (AAMI) và Tiêu chuẩn Châu Âu EN13795.

Độ bền các loại vải y tế của hãng Burlington cho phép kéo dài tuổi thọ quần áo sau thời gian dài sử dụng. Vi dụ: một loại vải được chứng nhận đạt cấp độ bảo vệ 2, qua 75 lần giặt, sau đó được kiểm tra lại vẫn đạt cấp độ 1, chứng tỏ tuổi thọ của vải được kéo dài.

Hãng Burlington tiến hành việc giặt ủi đồ y tế, hoàn thiện với quy trình khử trùng bằng hơi nước. Các loại vải được đánh giá kỹ lưỡng về hiệu suất và độ bền như thật trước khi hoàn thiện khâu sản xuất.

Ông Bebo cho biết, “Burlington của chúng tôi luôn được biết đến là doanh nghiệp gắn liền với sự đổi mới và chất lượng, chúng tôi tự hào là nhà cung cấp đáng tin cậy cho các nhà sản xuất đồ bảo hộ PPE hàng đầu trên toàn cầu. Chúng tôi đảm bảo và chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm một cách nghiêm túc, chưa bao giờ điều đó quan trọng hơn lúc này. Sự khan hiếm trang thiết bị do đại dịch COVID-19 đã củng cố tầm quan trọng của việc sản xuất ra loại PPE có khả năng tái sử dụng, chúng tôi rất vui được cung cấp kiến thức chuyên môn của mình để hỗ trợ ngành công nghiệp và tăng cường sản xuất các loại vải đã được kiểm chứng của chúng tôi để đáp ứng nhu cầu quan trọng hiện nay”.

Hãng chúng tôi đã nhận định được việc sản xuất các loại vải có khả năng tái sử dụng phục vụ y tế sẽ tăng 500% trong tình hình đại dịch virus corona hiện nay.

Các đồ bảo hộ bị vứt bỏ trên đường quả thực là điều đáng ngại với môi trường. Ảnh: Reddit.

Tại sao hầu hết các khẩu trang kháng khuẩn không thể tái sử dụng

Theo Viện nghiên cứu vải không dệt (NWI) thuộc Đại học tổng hợp Bắc Carolina, công nghệ được sử dụng trong hầu hết các loại khẩu trang có tính lọc ngăn ngừa vi khuẩn là dệt vải tích điện, tăng hiệu quả lọc khuẩn từ 30 – 35% lên đến hơn 95%.

Hầu hết các loại vải dệt tích điện được làm từ polypropylene và không thực sự bền. Người ta không thể dùng đi dùng lại, giặt ủi hoặc khử trùng lại chúng mà lại không làm giảm khả năng tích điện và khả năng bảo vệ người dùng của lớp màng lọc. Việc thiếu loại khẩu trang và trang thiết bị dùng một lần vẫn tiếp tục diễn ra.

Viện NWI đang hợp tác với NatureWorks, nhà sản xuất axit polylactic Ingeo (PLA) và chất tạo màng sinh học có nguồn gốc bền vững, để phát triển lớp màng lọc thay thế sử dụng sợi biocomponent của Ingeo và polypropylenen.

Ông Behnam Pourdeyhimi, giám đốc điều hành của viện NWI – đồng thời là phó trưởng khoa nghiên cứu và phát triển ngành, trường đại học Dệt may Wilson tại thành phố New York City cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng công nghệ spunbond và tạo ra thế hệ màng lọc độc đáo mới có khả năng lọc tốt mà không cần nạp thêm hạt tích điện, có nghĩa là chúng có thể được tái sử dụng sau khi làm sạch bằng peroxide hoặc dung dịch cồn”.

Tại Đài loan, Tập đoàn Far Eastern New Century (FEN) công bố đã phát triển được loại sợi tổng hợp biocomponent có kích thước dưới nanomet với thành phần gồm polyethelene hoặc nylon để thay thế lớp PP nung chảy tích điện hiện đang được sử dụng. Theo FENC, loại vải này có thể được giặt đi giặt lại nhiều lần và có khả năng lọc ngăn ngừa vi khuẩn “tốt hơn nhiều so với loại khẩu trang y tế thông thường hiện nay”.

Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Hàn quốc (KAIST) cũng đang thử nghiệm một loại khẩu trang sợi nano có thể tái sử dụng, phát triển bởi Giáo sư II Do Kim. Quy trình nạp tích điện được sử dụng để tạo ra các sợi nano bằng cách giữ các khối liên kết sợi. Việc này giúp giảm thiểu áp suất tới màng lọc khí và tối đa hóa hiệu quả lọc.

Ngoài ra, bộ lọc sợi nano của giáo sư Kim đã “được chứng minh có khả năng chống nước với hiệu suất lọc đạt hơn 94 % trong 20 lần thử nghiệm diệt khuẩn liên tục bằng etanol. Khẩu trang sợi nano cũng không cho thấy sự biến dạng trong cấu trúc màng nano của nó dù trải qua 20 lần giặt bằng tay”.

Đồ bảo hộ PPE sử dụng trong cuộc chiến chống COVID-19, thật không may đã tự tìm đường đến với đại dương. Ảnh: Operation Clean Sea.

Những thứ không thể dùng lại, hãy tái chế

Với những đồ bảo hộ PPE làm bằng sợi polymer đơn, như polypropylene, tái chế là giải pháp để tiếp tục sử dụng chúng thay vì biến chúng thành rác thải. Một công ty tại xứ Wales có tên là Thermal Compaction Group (TCG) đã đưa ra một sáng kiến với tên gọi Sterimelt. Hiện đang được một số bệnh viện thuộc khối dịch vụ y tế quốc gia ở Vương quốc Anh sử dụng, công nghệ Sterimelt sử dụng các tấm gia nhiệt để tái tạo ra lượng lớn vật liệu không dệt polypropylene sạch khuẩn thành các kiện  polypropylene, loại này sẽ được ngành công nghiệp nhưạ mua lại.

Ông Tim Hourahine, Giám đốc kỹ thuật tại TCG giải thích: “Chỉ riêng ở Vương quốc Anh, trong đợt đại dịch COVID-19, mỗi ngày một y tá thải ra thêm 2.5 kg chất thải PPE sau khi họ thực hiện điều trị cho bệnh nhân hoặc thăm khám tại nhà”

Ông Hourahine cho biết Sterimelt sẽ giúp giảm đi trung bình 90% lượng rèm ga gối bệnh viện và những thứ tương tự. “Các kiện polypropylene có thể được bán lại cho chuỗi cung ứng đồ nhựa và mang lại giá trị kinh tế. Việc nén nhiệt để làm gọn lượng chất thải giúp số lần vận chuyển giảm bớt, từ đó làm giảm lượng khí thải carbon, làm cho quá trình tái tạo đồ bảo hộ được lâu dài, giúp đảm bảo tính kính tế”.

Theo ông Hourahine, khẩu trang và áo choàng bệnh viện đã dính bẩn sẽ được đưa vào dây chuyền tái chế, lượng nhiệt được sử dụng để làm nóng chảy polypropylene cao hơn nhiều so với nhiệt độ nồi hấp thông thường, vật liệu thu lại sau đó sẽ được khử trùng trước khi kết thúc quy trình. Tuy nhiên, các phần không làm từ polypropylene như cổ áo, dây thắt lưng, cà vạt và miếng bảo vệ mũi có thể làm bẩn hệ thống; vì vậy, hiện tại, khẩu trang và áo choàng phải được để riêng.

Xây dựng giải pháp tái chế STERIMELT đối với vật liệu nhựa dùng một lần, TCG dự kiến sẽ thử nghiệm công nghệ CURTAINMELT đối với loại giường, tủ và rèm cửa bằng polypropylene dùng một lần, loại này hiện đang được dùng thay thế loại rèm cửa bằng vải lanh cũ phổ biến trên toàn cầu.

Ông Hourahine nhấn mạnh: “Nhựa không phải là vấn đề; cách loài người thải chúng ra mới là vấn để. “Gom lại đồ nhựa dùng một lần lại cũng khiến chúng thành rác thải, nhưng TCG với công nghệ biến polypropylene thành nguồn nguyên liệu rồi xử lí nó, sẽ giúp giảm lượng rác thải, đưa chúng trở lại chuỗi cung ứng mới là việc cần thiết nhất và mang lại giá trị nhất”

Người dịch: Lê Nguyên Hương

https://advancedtextilessource.com/2020/07/27/a-pandemic-of-plastic-ppe/


Các tin khác