Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng để cán đích năm 2024 còn nhiều biến động
Nhận định thị trường trong năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, diễn biến khó lường, Vinatex và các doanh nghiệp thành viên đã có những giải pháp và hướng đi riêng của từng đơn vị để cán đích kế hoạch năm. Kinh doanh vải và sản xuất trang phục chống cháy là một trong những giải pháp đi vào thị trường ngách, tìm hướng gia tăng giá trị sản phẩm. Để hiểu hơn về những cơ hội cũng như thách thức của ngành dệt may trong tình hình mới cũng như chiến lược sản xuất sản phẩm vải chống cháy của Vinatex, Dệt May & Thời trang Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex về nội dung này.
“Thuyền to thì sóng lớn”
PV:Thưa ông, ngành Dệt May Việt Nam hiện đang đứng thứ ba trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng đây là áp lực của ngành trước những diễn biến khó khăn của thị trường trong những năm gần đây. Xin ông cho biết áp lực lớn nhất của ngành hiện nay là gì và tình hình sản xuất dệt may trong những tháng đầu năm 2024?
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường: “Thuyền to thì sóng lớn”, với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hằng tháng phải đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD, rõ ràng những ảnh hưởng của thị trường, kinh tế thế giới đến ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam rất lớn. Và thách thức lớn nhất của ngành đông lao động luôn là bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.
Những tháng đầu năm 2024, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc hơn. Trước hết về cơ hội, chúng ta nhìn thấy sự dàn xếp nền kinh tế thế giới theo xu thế hạ cánh mềm càng ngày càng tốt hơn. Tuy là chính sách tài chính các nước hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo quá trình hạ cánh mềm cũng làm tổng cầu dệt may không tăng như bình thường.
Năm 2023, tổng cầu dệt may đã giảm mạnh, ngay cả năm 2024, trong điều kiện có tăng trưởng tương đối tốt thì dệt may cũng chỉ tăng dưới 3% về cầu, thực tế sau 6 tháng đầu năm tổng cầu vẫn đang giảm khoảng 5% so với năm 2023, tức là vẫn thấp hơn xấp xỉ 7% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19. Như vậy có nghĩa là quy mô tổng cầu thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục so với thời điểm trước đại dịch.
* Đơn giá vẫn không tăng, doanh thu và lợi nhuận chưa như kỳ vọng, ông đánh giá như thế nào với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay?
7 tháng đầu năm 2024, dệt may Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 23,8 đến 24 tỷ USD, trong đó tháng 7 này là tháng đầu tiên có kim ngạch xuất khẩu được 4,2 đến 4,3 tỷ USD và là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 8/2022, tức là sau 24 tháng chúng ta mới có con số xuất khẩu cao trở lại.
Như vậy, sau 7 tháng, chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6%, trong đó riêng quần áo xuất được 20,3 tỷ USD, tăng 6,3%; ngành sợi xuất được 2,5 tỷ USD, tăng 3,5%; các loại vải kỹ thuật, vải mành xuất được khoảng 460 triệu USD, tăng 18%; nguyên phụ liệu ngành dệt may xuất được trên 800 triệu USD, tăng 11%.
Sau 6 tháng đầu năm 2024, 5 thị trường chính của xuất khẩu dệt may Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ: thị trường Mỹ đạt 7,4 tỷ USD (tăng 3,1%), châu Âu đạt 2 tỷ USD (tăng 0,8%), Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD (tăng 4,9%), Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD (tăng 2,6%), Trung Quốc đạt 1,68 tỷ USD (tăng 4,6%). Bên cạnh đó, còn có một thị trường mới có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” sau 6 tháng đó là ASEAN khoảng 1,5 tỷ USD. Cuối năm nay, có khả năng thị trường Canada cũng đạt 1 tỷ USD, bởi 6 tháng đã đạt 580 triệu USD. Như vậy, đến cuối năm thì nhiều khả năng Việt Nam có 7 thị trường xuất khẩu có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ vẫn phấn đấu đạt 15-16 tỷ USD trong năm nay.
Mục tiêu đạt 44 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024 tức là chúng ta phải tăng trưởng 10% so với năm 2023. Nhìn lại, 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu tương đối tốt, thậm chí đến tháng 8 còn dự định lập lại đỉnh cũ, xuất khẩu 4 tỷ USD, tuy nhiên 4 tháng cuối năm 2023 rơi vào tình trạng khủng hoảng, mùa cao điểm xuất khẩu mà chỉ đạt khoảng 3,1 đến 3,2 tỷ USD/tháng. Nguyên mùa cao điểm của ngành dệt may từ tháng 9-12/2023, Việt Nam xuất khẩu chỉ đạt 13 tỷ USD, (mùa cao điểm này năm 2019 xuất khẩu đạt 16 tỷ USD). Như vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD thì phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu thị trường trong quý 4/2024. Nếu quý 4 quay trở lại như những tháng vừa qua, xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD/tháng thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, từ năm 2022 đến nay, những dự báo dài hạn 6 tháng đến 1 năm độ chính xác rất thấp, cho nên có thể nói thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là chưa biết dự báo tình hình như thế nào. Chúng ta có thể có những tháng rất tốt, nhưng ngay sau đó có 1-2 tháng lại trở nên rất xấu. Diễn biến thị trường từ năm 2022 đến nay đã cho những nhà quản lý ngành dệt may bài học là luôn luôn phải có những dự báo ngắn hơn, cập nhật hơn, quyết định quản lý nhanh hơn, linh hoạt hơn nếu muốn đón được các sóng của những đợt tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn của thị trường thế giới.
* Xin ông cho biết tình hình các đơn hàng hiện nay như thế nào?
Đến tháng 7/2024, tín hiệu đơn hàng của các đơn vị khá tích cực, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3% đứng đầu ở thị phần Mỹ và bằng với Trung Quốc. Cùng đó, Bangladesh giảm gần 1%, chỉ còn 9,8% thị phần; Ấn Độ đi ngang với 7% thị phần. Châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần vào châu Âu khoảng 4,4%. Việt Nam là quốc gia duy nhất giữ được mức tăng trưởng đồng đều.
Đến nay, đơn hàng tháng 8 cũng khả quan, dự kiến sẽ tốt hơn tháng 7, tháng 9 là tháng giao mùa, có thể giảm hơn một chút, đến tháng 10,11,12 thì đơn hàng dự báo sẽ tương đối dồi dào, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào biến động kinh tế vĩ mô của các nước.
Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô và tồn kho của các hãng thời trang đang cho những tín hiệu tích cực về đơn hàng 5 tháng cuối năm. Mỹ lạm phát thấp, đã có tín hiệu 1 đợt giảm lãi suất vào tháng 9 của FED, có thể cuối năm sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa. Lãi suất của Anh vừa giảm lần thứ 2 kể từ tháng 3 năm 2020 vào ngày 1/8 với mức giảm 0,25%. Như vậy, với lãi suất giảm, hy vọng sức cầu sẽ tăng lên, đồng thời các hãng thời trang lớn có mức giảm tồn kho rất tích cực trong quý 2/2024, đặc biệt Nike giảm tới 11% tồn kho, Levi’s giảm 7%, kết quả kinh doanh của các hãng thời trang, lợi nhuận của các hãng thời trang được cải thiện ở mức khá bền vững. Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với khoảng 49% tăng trưởng lợi nhuận, Uniqlo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 36%. Lợi nhuận của các hãng thời trang tăng lên cũng hy vọng việc cải thiện giá đặt hàng của các nhà sản xuất như chúng ta. Thực tế, 7 tháng qua giá các đơn hàng vẫn thấp, tuy đơn hàng dồi dào, tổ chức sản xuất tốt hơn, nhưng giá của từng đơn hàng chưa có cải thiện, thậm chí có những mã hàng còn thấp hơn cả năm 2023. Trên nền tảng đủ hàng, phần lớn doanh nghiệp dệt may có hiệu quả tích cực hơn so với năm 2023.
Ở góc độ quản lý, có đơn hàng được coi như đảm bảo được một điều kiện cần để doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ khách hàng, thị phần, thị trường cùng với lao động, đón cơ hội phát triển trở lại. Nhưng ở góc độ tài chính, cũng cần nhìn nhận hiệu quả chưa được cải thiện bởi đơn giá vẫn thấp hơn 2023. Để quay trở lại như năm 2021- năm đầu tiên mở cửa sau dịch bệnh, với trào lưu quá mua, với kết quả sản xuất kinh doanh nhảy vọt thì năm 2024 sẽ khó đạt được ngưỡng này.
Nâng cao hơn nữa năng suất/đầu người
* Vậy giải pháp để Vinatex giải quyết những khó khăn hiện nay là gì, thưa ông?
Quá trình phát triển của ngành dệt may diễn ra khi đất nước còn chậm phát triển, thu nhập thấp, lao động nhiều. Chính vì thế, xuất phát của ngành ban đầu khá đơn giản, doanh nghiệp tận dụng được sức lao động, sản xuất với giá rẻ thì có thị trường. Chúng ta đi từ nước thu nhập thấp tiến lên nước có mức thu nhập trung bình, hướng tới trung bình cao. Những lợi thế cạnh tranh ở thời điểm trước đây dựa vào lao động và giá lao động không còn phát huy hiệu quả, không chỉ Vinatex mà tất cả những người làm dệt may trong nước cũng đã nhận ra điểm yếu này và cần sớm có sự thay đổi để thích ứng với điều kiện mới.
Theo tôi, thay đổi đầu tiên là phải làm sao nâng cao hơn nữa năng suất/đầu người. Năng suất/đầu người sẽ quyết định thu nhập của người lao động. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần phải đầu tư và sử dụng thiết bị tự động hóa cao, giảm số lượng lao động trên một sản phẩm, đồng thời tìm kiếm sản phẩm ngách có giá trị cao hơn, qua đó nâng cao giá trị làm việc trên giờ của người lao động. Tất cả các giải pháp của doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đều hướng tới nội dung này. Bên cạnh việc thực hiện tự động hóa, còn có những ngành sản xuất nguyên liệu đã giảm tới 60% chi phí lao động/một sản phẩm, như thế mới đảm bảo tăng lương cho người lao động.
Đối với ngành may, tất cả những khâu đòi hỏi tay nghề cao, những đơn hàng có số lượng lớn đã triển khai tự động hóa. Ví dụ, trước đây để tăng trưởng 1 tỷ USD thì phải tuyển dụng thêm 100.000 lao động, ngày nay để tăng trưởng 1 tỷ USD chỉ cần khoảng 20.000 – 30.000 lao động. Bên cạnh lời giải chung, yêu cầu tổng quát phải đầu tư kỹ thuật, tăng năng suất, tự động hóa, gia tăng giá trị cao hơn thì mỗi doanh nghiệp sẽ có lời giải riêng, hướng đi riêng, không đơn vị nào giống đơn vị nào. Gần 40 đơn vị thành viên của Vinatex cũng có những cách đi và tìm kiếm thị trường ngách khác nhau, chứ không phải cùng đi chung vào một mặt hàng. Có doanh nghiệp sẽ tìm đến những mặt hàng rất đặc thù, đến thị trường ngách, nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn, như vải kỹ thuật chuyên biệt, vải chất lượng cao… là những sản phẩm khác biệt, không phải vải thời trang thông thường, phổ biến…
* Thưa ông, nói đến những mặt hàng giá trị cao, đi sâu vào thị trường ngách, Vinatex đã có mặt hàng mới nào?
Hiện nay, Vinatex bước đầu đã nghiên cứu, sản xuất có kết quả sản phẩm vải công nghiệp đáp ứng yêu cầu đặc biệt. Vinatex đã liên doanh với Tập đoàn Coats, đối tác đã có 35 năm hợp tác với đơn vị thành viên của Vinatex (TCT Phong Phú) sản xuất các mặt hàng chỉ may, chỉ thêu và chỉ may giày. Mới đây, Vinatex và Coats hợp tác đầu tư sản xuất vải chống cháy. Vải này khác với công nghệ tráng phủ như hiện nay mà sản xuất vải chống cháy đi từ sợi, sợi chậm cháy, kém cháy, không cháy. Đây là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường. Có thể nói, mặt hàng vải chống cháy này cũng như thuốc điều trị bệnh trong ngành Y tế, cũng có những quy định riêng về sản xuất, có bản quyền và bằng sáng chế…
Hiện nay, Vinatex đang khẩn trương sản xuất, dự kiến trong quý 3 và đầu quý 4 này sẽ xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.
Đây là mặt hàng mà các quốc gia trên thế giới thẩm định, đưa ra tiêu chuẩn và quyết định đưa vào sử dụng. Quần áo chống cháy này được dùng cho nhiều ngành nghề kỹ thuật khác nhau như ngành dầu khí, điện, … hay ở những chung cư có yêu cầu làm rèm và các sản phẩm từ vải chống cháy để phòng ngừa cháy nổ. Sản phẩm làm từ vải chống cháy không phải là mặt hàng thương mại bán trên hệ thống siêu thị trên toàn cầu, mà sản phẩm phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy định đánh giá ở quốc gia nhập khẩu. Chúng tôi đã nhận được đánh giá, chấp thuận của thị trường Mỹ. Đây là sản phẩm có thể có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của mỗi quốc gia, sản phẩm đặc thù không hoàn toàn như sản phẩm mà chúng ta đã làm trong những năm qua.
Đối với hợp tác này, năm 2024, chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh thu 2-2,5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi, mục tiêu trước hết là đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ – thị trường rất quan trọng của dệt may thế giới, từ bước tiến ở thị trường Mỹ sẽ thuận lợi ở các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các thị trường khác trên thế giới. Bây giờ mà nói về hiệu quả trong tương lai đối với mặt hàng lần đầu tiên Vinatex bắt tay nghiên cứu và sản xuất là quá sớm, tuy vậy, nếu so với các mặt hàng thông thường khác thì dư địa phát triển của vải chống cháy rõ ràng hơn, ít cạnh tranh hơn trên thị trường và nó phụ thuộc vào đối tượng sử dụng công nghệ, đối tác của Vinatex hiện nay là Tập đoàn Coats.
Thế còn các sản phẩm vẫn đang là thế mạnh của Vinatex thì được nâng giá trị thế nào, thưa ông?
Bên cạnh sản phẩm vải chống cháy, Vinatex cũng tập trung nâng giá trị một số mặt hàng sợi. Nếu như trước đây chủ yếu sản xuất vải từ bông thì hiện nay, khoảng 70% vải được sản xuất từ nguyên liệu xơ, sợi tổng hợp, sợi có nguồn gốc thiên nhiên khác. Vinatex đã bắt tay sản xuất những mặt hàng sợi có tính chất đa dạng, nhiều thành phần trong một thân sợi với công nghệ, kỹ thuật khá phức tạp, để phục vụ sản xuất những loại vải đặc biệt.
Có thể nói, với ngành dệt may thời trang thì khu vực làm nguyên liệu, công nghệ vật liệu là khu vực sáng tạo cao nhất. Vinatex có những sáng tạo trong khu vực may mặc với những thiết kế mang đậm màu sắc, kích cỡ Việt Nam cho thị trường nội địa. Đồng thời cũng phát triển ngành may, từ công đoạn may đến công nghệ thiết kế thời trang, chuyển hóa ý tưởng nghệ thuật trở thành ý tưởng thiết kế, xác định giá thành, công nghệ, nguyên liệu và tổ chức sản xuất để chào bán trọn bộ thiết kế của mình cho các đối tác. Đây cũng là cách doanh nghiệp dệt may thay đổi chất của đội ngũ nhân lực, không chỉ dừng lại ở lao động giản đơn mà là lao động chất lượng cao cho khu vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, bù đắp cho việc sản xuất thông thường, kéo giá trị lao động sản xuất trên đầu người tăng lên.
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Hoàng Anh- Thanh Thúy (Thực hiện)