Mô hình học nghề kết hợp văn hóa tại trường Cao đẳng nghề Long Biên


Sáng 26/05/2019 tại Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Long Biên (LBC) phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX Gia Lâm đã tổ chức Hội nghị: “Định hướng tương lai song bằng và hệ 9+ cho học sinh THCS” dành cho các trường THCS, phụ huynh và học sinh đang theo học lớp 9 trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

       

Tại Hội nghị về phía Trường Cao đẳng nghề Long Biên có ông Nguyễn Việt Hà – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; bà Trần Quý Dân – Chủ tịch Công đoàn TCT May 10, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; bà Nguyễn Thị Phương Lan – Phó hiệu trưởng Nhà trường;

Về đại biểu đến dự có bà Nguyễn Thị Kim Nhung – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Gia Lâm; cùng các ông/bà là Hiệu trưởng các trường THCS, cùng đông đảo phụ huynh, học sinh tại 2 quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Với lợi thế trường trong doanh nghiệp, LBC được biết đến là trường nghề có uy tín trong việc cung ứng nguồn lao động có chất lượng cao cho các lĩnh vực May, Thiết kế thời trang, Quản trị khách sạn, không chỉ chú trọng đến đào tạo gắn với thực tiễn từ doanh nghiệp, Ban giám hiệu Nhà trường luôn tạo điều kiện và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt nhất cho sinh viên.

Với việc tổ chức mô hình học tập mới, kết hợp với Trung tâm GDNN – GDTX Gia Lâm, LBC tiếp tục đi đầu trong việc tạo ra cơ hội cho học sinh THCS, vừa có thể học kiến thức văn hóa, vừa có thể học nghề, tạo cơ hội cho học sinh khi tốt nghiệp vừa có bằng THPT Quốc gia vừa vững vàng tay nghề, đi làm ngay, tạo ra thu nhập cho bản thân.

Ông Nguyễn Việt Hà – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, việc tổ chức Hội nghị lần này giúp cho phụ huynh, học sinh có thêm cơ hội lựa chọn mô hình học tập cho con em khi lên cấp THPT. Với với mô hình 9+, các em học sinh chỉ cần học 4 môn văn hóa, còn lại sẽ học nghề hệ Cao đẳng, còn mô hình song bằng, các em sẽ học 7 môn văn hóa và học nghề hệ trung cấp. Việc này giúp các em khi có tấm bằng tốt nghiệp THPT, cũng sẽ có song song thêm tấm bằng nghề, rút ngắn thời gian học. Năm học 2019- 2020 LBC tổ chức, sẽ tổ chức học 3 ngành nghề là thế mạnh của LBC, cũng như có điều kiện cho các em thực tập tốt nhất, đó là nghề: May, Thiết kế thời trang và Quản trị khách sạn.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Gia Lâm nhấn mạnh với những thay đổi của Bộ Giáo dục hiện nay các em học sinh học tại các Trung tâm GDNN – GDTX  thi tốt nghiệp thi chung kỳ thi THPT Quốc gia, do đó tấm bằng các em sở hữu sau khi tốt nghiệp giống như tất cả những học sinh khối THPT trên cả nước. Với mô hình này, chúng tôi đã có phương pháp quản lý do đó phụ huynh có thể yên tâm, với kinh nghiệm, kỷ cương, các em học sinh khi học hệ song bằng đều có bằng tốt nghiệp THPT cũng như sở hữu thêm tấm bằng tốt nghiệp hệ trung cấp hoặc cao đẳng.

Với khoảng 2,5 triệu lao động, ngành Dệt May Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 15% lao động có tay nghề, do đó nhu cầu về nhân lực có qua đào tạo trong ngành là rất lớn. Với lợi thế là trường trực thuộc Tổng Công ty May 10 – CTCP, với bề dày truyền thống, LBC là trường có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt trên địa bàn quận Long Biên nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Do đó, sinh viên tốt nghiệp LBC, có thể đi làm ngay tại các đơn vị, Xí nghiệp trực thuộc TCT hoặc các doanh nghiệp trong ngành Dệt may. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu về nhân lực có tay nghề đối với ngành Dệt May sẽ tăng trưởng ở 2 con số, giảm bớt nhân lực phổ thông trước sự ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0.

Thầy Dương Văn Tuynh – Hiệu trưởng THCS Cự Khối (Long Biên, Hà Nội) cho biết:  “Hiện nay có rất nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, nhưng không nắm rõ được tâm lý, học lực của con cũng như hoàn cảnh gia đình mình. Một số phụ huynh khác thì không nắm rõ chương trình đào tạo nghề của các trường, các thông tin mới của chính phủ về phân luồng học sinh THCS nên không biết tư vấn con em mình thế nào đành tiếp tục theo lối mòn cũ cho con học tiếp lên cấp 3.

Tổ chức định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là giải pháp căn bản để giúp mỗi gia đình, mỗi học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng “nghề” và hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Các trường Cao đẳng, trung cấp tổ chức tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông sẽ giảm bớt áp lực thi cử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình và học sinh. Hiện nay chính phủ, Thành phố Hà Nội khuyến khích các con em nên lựa chọn chương trình song bằng hoặc hệ 9+ nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất, phát huy hết khả năng của người học, mục tiêu cuối cùng mà việc phân luồng học sinh muốn nhắm đến là học sinh sau khi học tập sẽ có việc làm ngay, có mức lương ổn định phục vụ nhu cầu bản thân và mang lại lợi ích cho xã hội.”

Tại Hội nghị, đại diện Trường LBC, và Trung tâm GDNN – GDTT Gia Lâm đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh học sinh về mô hình học tập, cũng như được thưởng thức các màn trình diễn thời trang, pha chế đến từ sinh viên trường Cao đẳng nghề Long Biên.

Quang Nam


Các tin khác