May Hưng Yên: Cần quyết liệt đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực để thích ứng với xu hướng mới


Sáng 22/12, Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (May Hưng Yên) tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025. Dự Hội nghị có ông Lê Tiến Trường –  Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cùng lãnh đạo một số Ban chức năng Vinatex, các đơn vị thành viên và Ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Tổng Công ty.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc TCT May Hưng Yên – CTCP đã trình bày báo cáo kết quả SXKD của Tổng Công ty năm 2024; phương hướng, các chỉ tiêu và giải pháp trong năm 2025. Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước biến động của thị trường, chi phí phục vụ hoạt động SXKD tăng cao, lực lượng lao động trực tiếp giảm… nhưng lãnh đạo Tổng Công ty đã thực hiện quyết liệt, triệt để hàng loạt giải pháp nhằm ổn định và đẩy mạnh hoạt động SXKD; cải thiện điều kiện làm việc, đời sống cho NLĐ. Dự kiến, May Hưng Yên đạt doanh thu 675 tỷ đồng, bằng 98% so với năm 2023; Lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 11,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 105% so với năm 2023; Chi trả cổ tức dự kiến 20%…

Trong năm, Tổng Công ty đã nỗ lực đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, ổn định thị trường và khách hàng, phát triển thêm một số khách hàng mới. Xây dựng phần mềm vận hành SXKD (dự kiến hoàn thành trong 2025); Đổi mới quyết liệt các mô hình, dây chuyển sản xuất…

Bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc May Hưng Yên báo cáo kết quả SXKD của Tổng Công ty năm 2024

Năm 2025 dự báo có nhiều khởi sắc hơn trong hoạt động SXKD của May Hưng Yên, đơn hàng đã ký đến tháng 6/2025, giá cơ bản giữ như năm 2024. May Hưng Yên đặt kế hoạch tổng doanh thu 616 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức 15-20%; phấn đấu tăng từ 2-3 lần tỷ lệ làm hàng FOB so với năm 2024. Để ứng phó với những khó khăn, thách thức vẫn đang diễn biến phức tạp và đạt được kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, Tổng Công ty tập trung ổn định thị trường cũ, phát triển thị trường mới tiềm năng; Đầu tư thiết bị, cải tạo cơ sở sản xuất theo hướng giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; Đào tạo và nâng cao kỹ năng, trình độ của đội ngũ CBNV-NLĐ, đề nghị HĐQT xem xét đề bạt cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao. Nâng cao thu nhập và tăng cường chăm lo đời sống mọi mặt cho người lao động…

Hội nghị cũng nghe ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty trao đổi về tình hình hoạt động SXKD của May Hưng Yên. Ông Dương cho biết, Hưng Yên làm sản xuất hàng CM là chính, doanh thu làm CM vượt hơn 5% so với cùng kỳ. Năng suất bình quân tăng 12%, thu nhập NLĐ tăng, trong đó có đơn vị đạt trên 20 triệu đồng/người/tháng chưa tính thưởng tết. Trước tình hình lao động giảm 8%, May Hưng Yên vẫn giữ được năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá. Tổng Công ty nỗ lực đảm bảo thu nhập NLĐ tăng 7-8% để giữ chân được NLĐ trong điều kiện áp lực cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng…

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thông tin tại Hội nghị

“Để thích ứng với xu thế mới, May Hưng Yên xác định phải tự đổi mới mình, tập trung vào đổi mới nguồn lực con người và công nghệ, hướng đến quản trị, quản lý bằng công nghệ số để đảm bảo hiệu suất cao nhất, giảm ách tắc tốt nhất. Toàn hệ thống quyết liệt triển khai công nghệ số, phù hợp với thực tiễn và xu hướng toàn cầu, không ngồi chờ giải pháp tối ưu mới làm mà cũng quán triệt vừa chạy vừa xếp hàng, đồng thời với việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ về quản lý, CNTT tham gia điều hành, vận hành hệ thống”- Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao nỗ lực của tập thể CBNV-NLĐ May Hưng Yên trong hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2024 trước điều kiện thị trường nhiều khó khăn, bất định. Lãnh đạo Tập đoàn nhận định, Hưng Yên là đơn vị hoạt động với mức tăng trưởng tốt, đảm bảo việc làm, đời sống cho 14 nghìn lao động, tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 70%… Tuy nhiên, để giữ được mức tăng trưởng hàng năm trong điều kiện thị trường thay đổi quá nhanh và khó lường, Hưng Yên cần trả lời được câu hỏi: Mỗi năm, Tổng Công ty có bao nhiêu nhân sự mới, bao nhiêu nhân sự chất lượng cao cho công tác quản trị và các lĩnh vực trọng yếu? Bởi thực tế cho thấy, trong xu thế mới, không có dự báo nào là khả thi mà DN chỉ có thể tăng trưởng tốt, tồn tại bền vững khi chuẩn bị nhiều nhân sự giỏi để khi tình huống xảy ra nhân sự giỏi sẽ đối phó được với tình hình. Hưng Yên có nhiều thuận lợi về địa lý, giao thông, chế độ lương thưởng, văn hóa cầu thị hướng đến phát triển, cần phát huy ưu thế này để hội tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex trao đổi các nội dung quản trị, thông tin thị trường trọng tâm

Tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng trình bày, chia sẻ với Ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của May Hưng Yên những thông tin trọng tâm về dự báo tổng quan thị trường năm 2025; Đánh giá so sánh tương quan chung của các DN trong ngành. Năm 2024, nét mới là Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng tài liệu dự báo thị trường với những phân tích đầy đủ, toàn diện về kinh tế và dệt may thế giới, trong nước. Dự kiến, năm 2025, Tập đoàn sẽ sản xuất tài liệu dài hơi hơn, bao gồm dự báo thị trường cho cả giai đoạn 2025-2030.

Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex đề nghị Hưng Yên quan tâm đẩy mạnh công tác số hóa và nhân lực

Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống May Hưng Yên trong hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Ông Cao Hữu Hiếu đề nghị, năm 2025 và những năm tiếp theo, Hưng Yên cần nghiên cứu chuyển dần sang phương thức sản xuất FOB, bởi nếu tiếp tục duy trì sản xuất hàng CM sẽ khó cạnh tranh trước điều kiện thị trường ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, Hưng Yên cần quan tâm làm nhanh, quyết liệt công tác số hóa, công nghệ hóa nhằm minh bạch số liệu, ra quyết định nhanh, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ cấp trung và cấp cao trong chiến lược phát triển của toàn hệ thống…

N.G


Các tin khác