Linh hoạt trong hoạch định và thực thi chính sách kinh tế
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2023 vừa qua chỉ đạt được 3,32%, có thể xem là thấp nhất trong chu kỳ 12 năm (2011-2023) của nền kinh tế, ngoại trừ quý I/2020 khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 là 3,21%. Thực trạng này buộc chúng ta phải nhìn lại sự chuyển động của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế – tiền tệ thế giới đã có nhiều thay đổi để từ đó có sự linh hoạt, nhạy bén hơn trong hoạch định và thực thi chính sách kinh tế vĩ mô.
THẾ GIỚI: GIẢM BỚT THẮT CHẶT TIỀN TỆ, ĐỐI PHÓ SUY THOÁI
Sự cố ngân hàng Silicon Valley của Hoa Kỳ tiến hành các thủ tục phá sản vào giữa tháng 3/2023 đã đưa ra các vấn đề gây tranh cãi về hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua lãi suất cao của FED. Đồng thời cần đánh giá lại chất lượng giám sát ngân hàng của hệ thống giám sát tài chính Hoa Kỳ. Quyết định của FED chỉ tăng lãi suất 0,25% vào ngày 22/3/2023 cho thấy bên cạnh yếu tố tích cực chống lạm phát của thắt chặt tiền tệ thì hậu quả không chỉ làm tổn thương hệ thống ngân hàng, mà còn tạo ra những rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Nhìn chung, chính sách tiền tệ của các nước hiện nay là quan sát thận trọng các biến số vĩ mô công bố hàng tháng để kịp thời điều chỉnh chính sách. Nhưng có một nhận định chung đó là: lạm phát gần đạt đỉnh và lãi suất sẽ không tăng nhiều, cần chuẩn bị cho giai đoạn mới về cắt giảm lãi suất. Lập luận cho lạm phát đạt đỉnh là giá năng lượng giảm do mùa đông ở Châu Âu bớt lạnh giá, giá thực phẩm toàn thế giới giảm và hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ năm vừa qua.
KINH TẾ VIỆT NAM: NHỮNG ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG
Cơ cấu kinh tế của nước ta trong quý I/2023 bao gồm bốn khu vực (i) nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,7%; (ii) công nghiệp và xây dựng chiếm 35,4%; (iii) dịch vụ chiếm 43,7%; (iv) thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,2%. Điều này cho thấy vai trò của dịch vụ cùng với công nghiệp và xây dựng có ý nghĩa quyết định cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tổng thể 3,32% tăng trưởng của quý I/2023 thì dịch vụ đóng góp đến 95,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,9%; ngược lại, do suy giảm nên khu vực công nghiệp và xây dựng làm giảm 4,8% trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Như vậy, có thể thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng cả năm 6,5% theo mục tiêu đầu năm thì cần phải vực dậy khu vực công nghiệp và xây dựng mà trong quý I/2023 vừa qua đã gặp phải nhiều khó khăn, không phát triển được. Đồng thời, cần phải khai thác triệt để các lợi thế tiềm năng còn khá lớn trong lĩnh vực dịch vụ, cũng như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nhìn sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh các tác động lan truyền từ khi bùng phát dịch Covid-19 trên thế giới cho đến khi nền kinh tế nước ta mở cửa trở lại, thì bộc lộ nhiều vấn đề, từ thể chế kinh tế đến việc ban hành chính sách. Một chủ trương đúng đắn là tăng tốc đầu tư công nhằm tạo cú hích cho tăng trưởng nhưng gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện. Đến quý I/2023, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 9,69% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân được cho là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chỉ tiêu kế hoạch cho các dự án nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 19,3%. Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,9%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại vẫn thặng dư 4,07 tỷ USD. Tổng thu ngân sách bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ trong khi tổng chi ngân sách bằng 17,5% dự toán năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tính đến 28/3/2023 đạt 2,06% và 0,86%.
DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT
Sau đại dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã có những chủ trương và chính sách kịp thời giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển. Đáng tiếc là vào quý IV/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vi phạm của một số doanh nghiệp phát hành bị nhà nước xử lý đã gây ra một số biến động, nhà đầu tư suy giảm lòng tin. Hoạt động của các tổ chức tín dụng bị tác động dây chuyền, ảnh hưởng tới tình hình thanh khoản. Trên thị trường quốc tế, lãi suất đồng USD liên tục tăng cao, tỷ giá đồng USD so với hầu hết các ngoại tệ đều ở mức rất cao. Đó là những lý do chính để Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành của VND. Với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, phần lớn các doanh nghiệp không chi trả được và kỳ vọng của thị trường về xu hướng lãi suất VND tiếp tục tăng đã đẩy lãi suất huy động và cho vay tăng quá cao so với tỷ lệ lạm phát. Thị trường chứng khoán trong bối cảnh đó cũng liên tục suy giảm, chỉ số VN-Index đến cuối năm 2022 giảm trên 32% so với cuối năm 2021. Qua quý I/2023, thị trường chứng khoán tuy có sự phục hồi nhưng không đáng kể và thanh khoản duy trì ở mức thấp.
Đó là thực trạng của thị trường vốn và thị trường tiền tệ Việt Nam trong sáu tháng vừa qua, đưa doanh nghiệp nước ta đối mặt với những thách thức, khó khăn:
– Lãi suất VND ở mức rất cao, chi phí vốn tăng lên làm cầu tín dụng xuống thấp, thể hiện ở tín dụng chỉ tăng trưởng 2,06% trong 3 tháng đầu năm.
– Thế giới đang có sự dịch chuyển từ chống lạm phát qua phòng ngừa suy thoái, do tổng cầu thế giới suy giảm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các đơn hàng, nhất là xuất khẩu, bị giảm sút.
– Việc sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa còn hạn chế. Đây là khác biệt cơ bản của Việt Nam và các nước trên thế giới. Trong đại dịch và sau đại dịch, Chính phủ các nước sử dụng nguồn lực rất lớn từ ngân sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Về mặt chủ trương và chính sách, Việt Nam đã xác định đúng hướng đi trong nỗ lực giúp phục hồi và phát triển kinh tế nhưng trong khâu thực thi chính sách thì còn nhiều trở ngại và một số chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra.
– Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, dám nghĩ nhưng không dám làm… xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, công chức nên không dám làm việc, cản trở việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị và ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
– Những vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy thị trường vốn của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải khẩn trương xử lý để cùng thị trường tiền tệ tạo lập một thị trường tài chính an toàn, hiệu quả.
LINH HOẠT TRONG HOẠCH ĐỊNH VÀ THỰC THI CHÍNH SÁCH
Tăng trưởng kinh tế rất thấp trong quý I/2023 bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những tác động tiêu cực bên ngoài vào nền kinh tế là điều không thể chối cãi nhưng việc hóa giải những khó khăn đó và những tồn tại, khiếm khuyết bên trong cần được nhận diện và phải kiên quyết khắc phục.
Cần kiên trì hoàn thiện thể chế: trong nền kinh tế thị trường thì các thể chế tài chính, tiền tệ là rất quan trọng. Cần sử dụng mạnh mẽ hơn nữa chính sách tài khóa, đặc biệt trong bối cảnh trần nợ công cho phép. Các chính sách về thuế cần được thiết kế linh hoạt hơn đáp ứng yêu cầu của giai đoạn tập trung nguồn lực cho phục hồi kinh tế. Cần nhanh chóng tái lập lòng tin trong thị trường vốn vì đây là kênh quan trọng để tạo ra một thị trường tài chính hài hòa, cân đối. Chính sách tiền tệ cũng cần vận dụng linh hoạt các công cụ mang tính thị trường hơn là mệnh lệnh hành chính. Và kiên quyết thực hiện cho bằng được mặt bằng lãi suất thị trường không quá cao so với lạm phát vì chi phí tài chính của doanh nghiệp Việt Nam phần lớn nằm ở lãi vay ngân hàng. Nghiên cứu cơ chế giám sát thị trường tài chính như nhiều nước đang làm.
Cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ và thực chất: bộ máy công quyền, thực thi các chính sách của nhà nước cần lựa chọn những cán bộ đầy đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn và tinh thần phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Cần lấy tiêu chí hành động và kết quả công việc làm thước đo cán bộ, công chức và có biện pháp sàng lọc bộ máy để đảm bảo cán bộ, công chức phải là những người tâm huyết và dám hành động. Đồng thời, hình thành cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nhìn ra bên ngoài, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức khi dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023 của Ngân hàng thế giới chỉ ở mức 2,9%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 3,4% của năm 2022. Trong khi đó, lạm phát thế giới tuy giảm những vẫn duy trì ở mức cao, 6,6% trong năm 2023, so với mức 8,8% của năm 2022, cao hơn nhiều so với mức bình quân của giai đoạn 2017-2019 là 3,5%. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát của các đầu tàu kinh tế không có nhiều lạc quan trong năm 2023, tăng trưởng và lạm phát của Hoa Kỳ tương ứng là 1,5% và 3,7%; Trung Quốc tăng trưởng 5,3% và lạm phát 2,2%; Châu Âu tăng trưởng 0,8% và lạm phát 6,2%; Nhật Bản tăng trưởng 1,4% và lạm phát 2,5%. Ngoài ra, các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, tái định vị lại chuỗi cung ứng, chính sách tiền tệ thắt chặt và biến động trên thị trường tài chính quốc tế vẫn là những nhân tố sẽ tạo ra sự bất định cho tình hình kinh tế xã hội toàn cầu trong thời gian tới. Riêng đối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến trên 6% và tỷ lệ lạm phát khoảng 4%.
Thời gian còn lại của năm 2023 chỉ còn 3 quý. Cần có quyết tâm mạnh mẽ và đo lường đánh giá trách nhiệm các bộ, ngành, các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ của năm 2023. Cần có chế tài thưởng, phạt công minh để tạo sự chuyển biến mạnh trong thực thi nhiệm vụ.
Bài: TS. Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Tài chính Quốc gia