Lịch sử Haute couture: những con số khiến bạn sững sờ
Bạn biết gì về Haute Couture? Hãy cùng khám phá những điều kỳ lạ nhất về nghệ thuật thời trang cao cấp
Những thiết kế haute couture của Alexis Mabille mùa Thu Đông 2018. Ảnh: WWD
Lần đầu tiên trong lịch sử 152 năm, tuần lễ thời trang haute couture được truyền hình trực tuyến. Tất cả các bộ sưu tập được giới thiệu qua video trình chiếu rộng rãi cho giới mộ điệu.
Haute couture là gì?
Từ khoá này đến từ cuối thế kỷ 19. Trong tiếng Pháp, haute couture có nghĩa là thời trang cao cấp. Đây là hình thù của thời trang sang trọng nhất, đẳng cấp nhất. Các mẫu trang phục có một không hai, được may đo riêng cho người mặc.
Và, khác với nhiều người suy nghĩ, haute couture không chỉ hàm ý lối may đo xưa cũ. Các nhà mốt còn phải liên tục sáng tạo, tìm tòi ra các công nghệ mới để giúp làm nên những trang phục ngày càng độc đáo. Chẳng vì vậy mà một thành viên của Hiệp hội Haute couture Pháp (Fédération de la Haute Couture et de la Mode), bà Iris Van Herpen, nổi tiếng với những sản phẩm thời trang không dùng đến vải!
Một thiết kế của Iris Van Herpen mùa Thu Đông 2019
Lịch sử Haute couture qua những con số
1858
Nắm 1858, nhà thiết kế Charles Frederick Worth mở cửa hàng đầu tiên tại số 7, Rue de la Paix ở Paris. Ông được các nhà sử học thời trang xem là cha đẻ của ngành thời trang haute couture. Cũng được mệnh danh là nhà couturier đầu tiên.
Salon thời trang của Charles Frederick Worth, ảnh chụp năm 1910. Một trong những tấm ảnh fitting đầu tiên trong lịch sử haute couture.
1868
Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp (the Fédération de la Haute Couture et de la Mode) ra đời. Mục đích của hiệp hội là nâng đỡ và quảng bá ngành thời trang Pháp. Công cụ tối ưu của hiệp hội là các tuần lễ thời trang nam và nữ tại Paris. Ngoài ra, hiệp hội sẽ xem xét chất lượng của các nhà thiết kế và thương hiệu tham dự. Nếu đủ tầm, họ sẽ được đề bạt để show các thiết kế tại Tuần lễ thời trang Haute Couture.
2
Một năm sẽ có hai mùa thời trang haute couture: Xuân Hè và Thu Đông. Hai mùa thời trang diễn ra vào tháng Một và tháng Bảy hàng năm, theo lịch diễn định kỳ.
Người mẫu như những bức tượng surrealism của Salvador Dalí trên sàn diễn Schiaparelli Haute Couture Xuân 2020. Ảnh: WWD
150
Đây là tiếng đồng hồ trung bình để hoàn thiện một bộ trang phục đơn giản đạt chuẩn haute couture. Đây mới chỉ gồm công thiết kế và may vá, chưa kèm công đoạn đính kết hay thêu tay.
Hai người thợ đang kết chi tiết trang trí nút thắt trên một thiết kế của Valentino.
1000
Những bộ cánh có chi tiết thêu, bện, đính kết cầu kỳ cần trung bình 1000 tiếng đồng hồ để hoàn thiện. Ví dụ như mẫu đầm 38 trong BST Chanel Haute Couture Thu Đông 2018 dưới thời Karl Lagerfeld.
Mẫu đính kết tốn 1000 tiếng đồng hồ để hoàn thiện của Chanel, mùa Haute Couture Thu Đông 2018. Ảnh: Luc_Braque
1600
Số tiếng đồng hồ atelier Dior cần để hoàn thiện chiếc đầm cưới haute couture của nữ doanh nhân và KOL Chiara Ferragni. Đây là mẫu thiết kế custom mà giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã dành tặng cho ngôi sao người Ý.
Các nghệ nhân nhà Dior phải mất hơn 400 mét vải và 1.600 giờ để hoàn thành những chiếc váy cưới xa hoa này cho Chiarra Ferragni
4
Là số buổi thử đồ (fitting) để một chiếc đầm couture được đính kết cầu kỳ được may đo cho vừa vặn với một khách hàng. Một thiết kế đơn giản hơn, ví dụ mẫu làm từ lụa hay tulle trơn, có thể chỉ cần hai lần thử đồ. Để giảm thiểu số lần khách hàng phải bay qua atelier để thử đồ, một số thương hiệu đã thiết kế nên chiếc mannequin có số đo riêng của khách. Tất nhiên, sự phục vụ này chỉ dành riêng cho các khách cực VIP và thường xuyên đặt may sản phẩm haute couture cùng thương hiệu.
Angelababy là một ngôi sao thường xuyên diện các trang phục haute couture của Dior. Ảnh: Weibo Angelababy
2200
Là số nghệ nhân được chứng nhận có đủ tài năng để hoàn thiện một bộ sưu tập haute couture, trên toàn thế giới. Họ được gọi là “petite mains”, tức những bàn tay nhỏ trong tiếng Pháp.
Les petit mains đang làm việc trong video trình làng BST Haute Couture Thu Đông 2020 của Dior
16
Là số thương hiệu thành viên chính thức của Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp. Để được trở thành một thành viên có rất nhiều quy luật. Các nhà mốt phải có tối thiểu một buổi fitting với khách hàng VIP, cho ra mắt 50 mẫu thiết kế haute couture/năm, và có nhân viên cùng xưởng may atelier đặt tại Paris.
Các thành viên chính thức hiện tại bao gồm: Adeline André; Alexandre Vauthier; Alexis Mabille; Bouchra Jarrar; Chanel; Christian Dior; Franck Sorbier; Giambattista Valli; Givenchy; Jean Paul Gaultier; Julien Fournié; Maison Margiela; Maison Rabih Kayrouz; Maurizio Galante; Schiaparelli và Stéphane Rolland. Tuy nhiên, Jean Paul Gaultier đã nghỉ hưu từ mùa Haute Couture Xuân 2020.
Nhà thiết kế Julien Fournié từng nhiều lần đến Việt Nam trình diễn thời trang là một thành viên chính thức của hiệp hồi thời trang cao cấp.
5
Là số các thành viên quốc tế của Hiệp hội Haute couture. Các thương hiệu thời trang này được công nhận là đạt tiêu chuẩn haute couture, nhưng không có trụ sở chính đặt tại Paris.
Các thành viên quốc tế bao gồm: Iris Van Herpen; Elie Saab; Viktor & Rolf; Valentino; Giorgio Armani Privé.
Ngoài ra, Hiệp hội Haute couture còn có một số các thành viên khách mời. Ví dụ như Azzarro Couture, Ralph & Russo, Georges Hobeika, Ulyana Sergeenko, Guo Pei…
Siêu mẫu Nga Irina Shayk mặc Atelier Versace tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2019
4000
Ước tính là con số các khách hàng haute couture của các thương hiệu vòng quanh thế giới. Danh tính của các khách hàng thượng lưu này thường được giấu kín. Tuy vậy, có một số người khá nổi tiếng – như hoàng hậu Rania Al-Abdullah của Jordan hay nữ doanh nhân Christine Chiu. Hoàng hậu Rania từng cho nhiều viện bảo tàng mượn bộ sưu tập haute couture của mình để triển lãm.
Chân dung hoàng hậu Rania của Jordan. Ảnh: Harper’s Bazaar Ả Rập
9000 đến 1,000,000
Là số tiền bằng Euro cho một bộ cánh haute couture. Trang phục càng đính kết cầu kỳ thì giá trị cũng càng cao. Tuy nhiên, khác với dòng thời trang ứng dụng (ready-to-wear), thời trang may đo không có một giá trị sẵn. Mức giá phụ thuộc vào công phu được bỏ ra để hoàn thiện bộ cánh, cũng như…lượng vải vóc cần thiết để hoàn thiện trang phục. Hãy nhớ, có những chiếc đầm mất đến hàng trăm mét vải để hoàn tất.
Diễn viên gốc Việt Lana Condor mặc áo choàng chất liệu satin organza, Ralph & Russo Couture.
Hoàng Hân (tổng hợp)