Lãnh đạo Vinatex tiếp đoàn lãnh đạo Công ty TNHH Máy Lakshmi


Sáng 12/7 tại Hà Nội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tiếp đoàn lãnh đạo Công ty TNHH Máy Lakshmi (Lakshmi) do ông Ramanadance C – Giám đốc điều hành; ông Sathish Xavier, Quản lý kinh doanh khu vực Hà Nội dẫn đoàn. Cùng dự có ông Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, đại diện Ban Đầu tư- Phát triển Vinatex.

Lakshmi là nhà sản xuất và cung cấp máy dệt hàng đầu ở Ấn Độ, với công nghệ đúc khuôn, sản xuất máy móc cho các ngành công nghiệp. Công ty này là một trong ba công ty duy nhất trên thế giới sản xuất toàn bộ dòng máy kéo sợi.

Tại buổi gặp mặt, hai bên đã có những trao đổi liên quan đến tình hình thị trường ngành dệt, ảnh hưởng của lãi suất cao, tiền lương, sức mua, những khó khăn của ngành dệt trong năm 2023 và triển vọng của ngành dệt trong năm 2024.

Ông Lê Tiến Trường cho biết: “Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang trả mức tiền lương cao hơn các quốc gia cạnh tranh khác, đứng thứ 2 về tiền lương trong các nước xuất khẩu dệt may chỉ sau Trung Quốc. Bangladesh hiện nay chỉ trả khoảng 100 USD/ người/ tháng cho công nhân, trong khi đó ở Việt Nam là 400-500 USD/người/tháng. Bên cạnh đó, các hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ các nước này cho ngành dệt may thông qua ưu đãi thuế, phí hay chính sách tại các thị trường nhập khẩu lớn dành cho các nước kém phát triển cũng là những thách thức đổi với xuất khẩu dệt may Việt Nam. Hiện nay, để gia tăng năng lực cạnh tranh, dệt may Việt Nam đang chú trọng vào chất lượng sản phẩm, dần chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn hướng tới dệt may bền vững hơn đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu”.

Ông Trường cho biết thêm: Để có thể cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dệt may, nguồn nhân lực luôn là yếu tố chính để Vinatex có thể vượt qua những con sóng bất ổn của thị trường. Việc phát triển nhân lực nguồn lực trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược quan trọng và bền vững của Vinatex. Vinatex cũng sẽ đầu tư thêm máy móc công nghệ mới hiện đại để phục vụ việc mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao công nghệ tự động hóa, cải thiện hiệu suất cũng như giảm thiểu khấu hao của máy dệt.

Ông Ramanadance C – Giám đốc điều hành Lakshmi đồng tình và chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Lakshmi cũng đề xuất phối hợp với Vinatex trong việc hỗ trợ trang thiết bị máy móc, tài liệu, chuyên gia hướng dẫn vận hành thực tế để bồi dưỡng giảng viên, đào tạo sinh viên, học viên, phát triển nguồn nhân lực trong Tập đoàn đặc biệt là trong lĩnh vực vận hành máy móc ngành dệt. Ngoài ra, Vinatex có thể cử các chuyên gia kỹ thuật đến nhà máy của Lakshmi ở Ấn Độ để học hỏi, trau dồi kiến thức giúp doanh nghiệp vận hành máy móc hiệu quả.

Đáp lời Giám đốc điều hành Lakshmi, Chủ tịch Lê Tiến Trường mong muốn hai bên tiếp tục chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hướng tới sự đổi mới, phát triển về công nghệ, nhân lực trong chuỗi cung ứng dệt may của Vinatex.

T.N


Các tin khác