Lãnh đạo Vinatex chúc Tết, mở máy khai xuân Ất Tỵ


Ngày 3,4/02, đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) do ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT và ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc dẫn đoàn đã tới chúc Tết, mở máy khai xuân tại các doanh nghiệp, đơn vị trong hệ thống ở khu vực phía Bắc.

Lãnh đạo Tập đoàn thăm, chúc Tết tại Dệt kim Đông Xuân

Thăm chúc Tết tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Đông Xuân), Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết, năm 2024, Đông Xuân đã vượt qua khó khăn để cùng với Tổng Công ty Việt Thắng-CTCP trở thành 2 đơn vị có ngành nhuộm đạt hiệu quả cao của Tập đoàn. “Trong thời gian tới Đông Xuân cần phấn đấu đưa sản lượng ngành nhuộm lên khoảng 200 tấn/tháng. Sẵn sàng tham gia cùng Tập đoàn trong dự án làm vải dệt kim chống cháy. Có giải pháp để hệ thống may của Đông Xuân ổn định, có hiệu quả” – Ông Lê Tiến Trường giao nhiệm vụ.

Lãnh đạo Tập đoàn tặng quà chúc Tết tới Ban Lãnh đạo Dệt kim Đông Xuân

Ông Nguyễn Đăng Lợi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Đông Xuân) cho biết, năm 2024, Đông Xuân đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu được Tập đoàn giao. “Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, toàn thể CBNV, NLĐ của Đông Xuân đều đã quay lại làm việc sau thời gian nghỉ tết. Năm 2025, Đông Xuân sẽ quyết tâm hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã được Tập đoàn giao” – Ông Nguyễn Đăng Lợi nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn thăm, chúc Tết tại Hanosimex

Tại Hanosimex, ông Hồ Lê Hùng – Tổng Giám đốc cho biết, năm nay các hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ của Hanosimex đã có nhiều đổi mới với các hoạt động sôi nổi đã tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong toàn Tổng Công ty. Trong ngày mở máy đầu năm, tất cả NLĐ trong hệ thống Hanosimex đều đã quay trở lại làm việc.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới CBNV và NLĐ của Hanosimex. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn hy vọng năm 2025, Hanosimex sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như trong quý 3, quý 4 năm 2024.

Lãnh đạo Tập đoàn chúc Tết tại Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội

Thăm và chúc Tết tại Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội, ông Lê Tiến Trường chúc mừng Công ty là một trong những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trong hơn 10 năm qua và có nhà máy mới tại Hưng Yên chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2025. Với cơ sở mới và những nhân sự mới, chắc chắn Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội sẽ có được nhiều thành công hơn nữa để mang lại lợi nhuận cao hơn cho cổ đông và NLĐ. Trong thời gia tới, Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội cần xây dựng đội ngũ kế cận để tiếp tục giữ vững những thành quả đã có.

Lãnh đạo Tập đoàn thăm, chúc Tết tại Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối

Tại Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối (Vinatex-ID), ông Phan Tiến Dũng – Tổng Giám đốc cho biết, hiện trong khu công nghiệp có hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất. Trong thời gian nghỉ Tết Công ty đã đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy cho toàn bộ khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty còn tiến hành tu sửa một số thiết bị của Nhà máy xử lý nước thải số 1. Năm 2024, Vinatex-ID đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do đại hội cổ đông giao với doanh thu đạt 212 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch. Đưa vào hoạt động Nhà máy nước thải số 2 với công suất 8.000 m3, nâng tổng công suất của 2 nhà máy nước thải trong khu công nghiệp lên 20.000 m3. Tuy nhiên, nguồn nước sạch của Công ty lại không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp do quy hoạch của tỉnh về việc không được khai thác nước ngầm.

“Năm 2025, Vinatex-ID đặt kế hoạch doanh thu đạt 215 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỷ đồng. Sửa chữa, nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải số 1 và Nhà máy nước sạch, thu gom xử lý nước thải theo đúng yêu cầu. Tiếp tục phấn đấu để đưa Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối trở thành khu công nghiệp xanh” – ông Phan Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch Lê Tiến Trường đã chúc Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối tiếp tục có một năm 2025 hoạt động thuận lợi, an toàn và hiệu quả cao. Ông Trường cho biết thêm, để Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối tiệm cận với khu công nghiệp xanh có thể sẽ mất nhiều kinh phí, công sức, tuy nhiên đây chính là tiền đề để gia tăng các phí dịch vụ khác. Thành công lớn nhất trong năm 2024 của Vinatex-ID chính là đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải số 2 để trở thành khu công nghiệp có công suất xử lý nước thải lớn nhất. Trong thời gian tới, Vinatex-ID cần làm việc với các doanh nghiệp dệt, nhuộm trong khu công nghiệp để khuyến khích việc đổi mới về công nghệ dệt, nhuộm. Tham gia đầu tư cùng với các doanh nghiệp dệt, nhuộm để tuần hoàn khoảng 50% để tăng năng suất, doanh thu. Nếu không có dịch vụ, doanh thu, phương thức xử lý mới để các nhà đầu tư trong khu công nghiệp cùng tham gia thì sẽ không có tăng trưởng trong thời gian tới.

“Bên cạnh việc đưa vào khai thác Nhà máy xử lý nước thải số 2 thì cần phải cải tạo Nhà máy xử lý nước thải số 1 để chi phí vận hành phải tiệm cận với tiên tiến. Nghiên cứu triển khai dự án nhà ở xã hội của khu công nghiệp để hoàn chỉnh một hệ sinh thái bao gồm cả nhà đầu tư, SXKD, xử lý môi trường và chỗ ở cho NLĐ. Cùng với đó, Vinatex-ID cần làm tốt công tác truyền thông hình ảnh của khu công nghiệp với tiêu chuẩn xanh và có đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh Hưng Yên”- Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Tại Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cho biết, năm 2024 thu nhập của NLĐ Tổng Công ty đạt khoảng 12 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, May Hưng Yên phấn đấu tăng thu nhập của NLĐ khoảng 8% để đến năm 2030 thu nhập của NLĐ đạt khoảng 20 triệu đồng/người/tháng. Năm 2025, đất nước đang hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó, May Hưng Yên cũng xác định mục tiêu phải vươn lên một tầm cao mới. Chính vì vậy, ngay trong ngày đầu đi làm lại sau thời gian nghỉ Tết toàn bộ NLĐ của May Hưng Yên đã quay trở lại với sự quyết tâm thi đua lao động, SXKD để đạt thành tích cao.

Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên tặng hoa chúc mừng Lãnh đạo Tập đoàn

Thay mặt đoàn công tác, ông Lê Tiến Trường đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể CBNV, NLĐ đang công tác tại Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP. Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, bước vào giai đoạn mới đất nước có nhiều đổi thay, áp lực rất lớn về tăng trưởng và thay đổi chất lượng tăng trưởng tại tất cả các khu vực kinh tế lớn trên đất nước. Trong đó, Hưng Yên là trọng tâm và có cơ hội phát triển tốt. Điều này đặt ra cho ngành may ở khu vực Hưng Yên rất nhiều yêu cầu mới nếu muốn bắt kịp các ngành hàng khác.

“5 năm tới là giai đoạn định hình lên một Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP giữ được truyền thống và bản sắc của một đơn vị đoàn kết, gắn bó, vì NLĐ nhưng sẽ phát triển lên một tầm cao mới về kỹ thuật công nghệ và thị trường. Vinatex luôn chia sẻ với Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP ở góc độ một nguồn đầu tư có giá trị tại khu vực. Trách nhiệm của Tập đoàn là cùng tham gia với May Hưng Yên để phát huy, nâng cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng” – Chủ tịch Lê Tiến Trường chia sẻ.

Lãnh đạo Tập đoàn tặng quà Tết Tổng Giám đốc May Hưng Yên

Bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP cho biết, May Hưng Yên đã có 60 năm trưởng thành và phát triển. Trong những giai đoạn khó khăn vừa qua Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP đã vững vàng vượt qua được chính là nhờ sự đoàn kết, chia sẻ của toàn thể CBNV, NLĐ. Trong thời gian tới, Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chỉ đạo của Vinatex, Công đoàn Dệt May Việt Nam để đưa Tổng Công ty ngày càng phát triển hơn nữa.

Báo cáo với đoàn công tác của Vinatex đến thăm Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang Vinatex (Vinatex PD&B), ông Vương Đức Anh- Giám đốc Trung tâm cho biết, mới đây Trung tâm đã ký được đơn hàng với 2 khách hàng mới và 1 khách hàng FOB. Trong năm 2025, Trung tâm sẽ phát triển mặt hàng FOB nội địa với nguồn vải do các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn sản xuất. Cùng với đó, Trung tâm đã hoàn thành trang bán hàng online và đã chạy thử từ trước Tết. Trong thời gian tới, Vinatex PD&B sẽ từng bước đưa hàng FOB nội địa vào bán tại Trung tâm Thời trang Vinatex.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex PD&B là mô hình mới mà Vinatex mới bắt đầu làm. Khó khăn của Vinatex PD&B là không gắn với khu vực sản xuất nên phải chọn con đường đi là kinh doanh nội địa trên nền tảng Trung tâm Thời trang Vinatex và thiết kế được mẫu mã có giá trị cao để gia công ở nhiều địa điểm khác nhau. Với quy mô hiện tại, Vinatex PD&B cần thiên về xu hướng đơn hàng khó, nhỏ nên cần phải hình thành được mạng lưới cơ sở sản xuất liên kết. Vinatex PD&B cần chấp nhận chưa có hiệu quả trong thời gian tới để định hình được vị trí là một nhà thiết kế tin cậy trong chuỗi cung ứng.

Tại buổi gặp mặt, chúc Tết cán bộ, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU), Chủ tịch Lê Tiến Trường đã có những chia sẻ chân thành, ghi nhận những nỗ lực của tập thể nhà trường trong xây dựng và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trong học kỳ đầu năm học 2024-2025.

Giao nhiệm vụ cho nhà trường trong năm 2025 – năm bản lề quan trọng của giai đoạn nhiệm kỳ 2025 – 2030, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh những thách thức, cơ hội trong giai đoạn tới khi nhà trường thực hiện chuyển đổi và tinh gọn theo mô hình mới. Để tự chủ thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may và xã hội, Chủ tịch đề nghị nhà trường chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, linh hoạt thích ứng, đổi mới, sáng tạo hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, học viên các loại hình và khẳng định uy tín trong hệ thống giáo dục đại học, chuẩn bị vững vàng tâm thế cho nhiệm kỳ mới của Đảng bộ nhà trường và Hội đồng trường.

Lãnh đạo Tập đoàn tặng quà Tết Ban Giám hiệu HTU

Thay mặt cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường, đồng chí Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Tiến Trường, đồng thời khẳng định nhà trường sẽ chủ động phát triển các giải pháp, mô hình đào tạo phù hợp để đáp ứng với những yêu cầu đổi mới, nỗ lực đạt được nhiều kết quả tốt trong giai đoạn mới.

Tại Tổng Công ty Đức Giang – CTCP (Đức Giang), Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn bộ Ban Lãnh đạo, CBNV và NLĐ Tổng Công ty. Năm 2024, Đức Giang đã hoàn thành tốt kế hoạch SXKD, nhất là chỉ tiêu về lợi nhuận. Cùng với đó là thực hiện tốt về công tác thị trường, đảm bảo hài hòa, cân bằng cả xuất khẩu và thị trường nội địa, đặc biệt là mảng kinh doanh đồng phục, không bị quá phụ thuộc vào một thị trường. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Đức Giang hiện nay là công tác tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tinh gọn bộ máy… Công ty cần có phương án tái cấu trúc sớm để khắc phục những hạn chế trên. Với đội ngũ lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, hy vọng Đức Giang sẽ sớm khắc phục hạn chế để đột phá, thành công, hoàn thành thắng lợi kế hoạch SXKD năm 2025- năm bản lề cho giai đoạn 2025-2030.

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu chúc Tết Ban Lãnh đạo, CBNV và NLĐ Tổng Công ty Đức Giang

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cũng phân tích, hiện vấn đề về biến động lao động là vấn đề nhiều DN gặp phải, tạo ra thách thức lớn trong công tác tổ chức sản xuất. Do đó, Đức Giang cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về giảm giờ làm để giữ chân NLĐ bên cạnh các vấn đề về phúc lợi, tiền lương.

Ông Phạm Tiến Lâm – Tổng Giám đốc Đức Giang chia sẻ, năm 2024, mặc dù đơn vị đã có nhiều sự nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhưng vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Thực tế với truyền thống của Đức Giang trong nhiều năm qua, bên cạnh các điểm tích cực thì vô hình chung cũng tạo ra những “rào cản tâm lý” mà đội ngũ CBNV khó vượt qua để thay đổi. Do đó, xác định năm 2025 là năm bản lề cho giai đoạn tới, Đức Giang đã xây dựng khẩu hiệu “tìm hiểu – thích ứng – thay đổi” để triển khai tái cơ cấu, sáp nhập một số đơn vị phòng, ban, hiện đã giảm 8 đầu mối xuống còn 4 đầu mối tại Tổng Công ty, đồng thời sẽ tiếp tục tinh gọn ở các công ty thành viên trong tháng 2-3/2025. Cùng với đó, Ban Lãnh đạo đơn vị cũng khẩn trương nghiên cứu, đưa ra giải pháp, công nghệ mới vào quản trị sản xuất để cải thiện những vấn đề còn tồn tại trong những năm qua…

Tại Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10), ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, hàng năm May 10 đều tổ chức Phát động thi đua và ký giao ước thi đua đầu năm. Đây cũng là cam kết của các Phòng/Ban, Xí nghiệp trong toàn hệ thống Tổng Công ty nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch SXKD trong năm.

Lãnh đạo Tập đoàn chúc Tết tại Tổng Công ty May 10 – CTCP

Kết thúc năm tài chính 2024, May 10 đạt 4.766 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận hơn 144 tỷ đồng. Tuy còn khó khăn về thị trường do khách hàng lớn của May 10 tuyên bố phá sản, ảnh hưởng trực tiếp vào kết quả SXKD năm 2024. Nhưng với tinh thần đoàn kết, năm 2024 có thể nói là năm khởi sắc trong SXKD, đặc biệt là khối sản xuất đóng góp được khoảng 60 tỷ đồng vào doanh thu sau khi tiết giảm được nhiều loại chi phí. Điều này cũng là minh chứng cho thấy khối sản xuất của May 10 đang được khai thác và đi đúng hướng, với chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, đơn hàng khó, sản xuất hiệu quả khoảng 7.000 mã hàng khi lực lượng ngành May hiện chỉ có 3.600 lao động. Với kinh nghiệm và nội lực sẵn có, hy vọng năm 2024 sẽ là tiền đề để 2025 May 10 tiếp tục cất cánh vươn xa hơn nữa sau khi đã có bộ máy tinh gọn, tinh hoa.

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu bày tỏ, May 10 là một trong những đơn vị có hiệu quả SXKD tốt nhất của Tập đoàn trong những năm gần đây, nếu như không xảy ra câu chuyện khách hàng phá sản, thì lợi nhuận của May 10 đã tiệm cận những đơn vị tốt nhất của Tập đoàn như Hòa Thọ, Việt Tiến… May 10 đã triển khai được nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác tuyên truyền, tập hợp sức mạnh đoàn kết của NLĐ, giữ chân NLĐ, tới các giải pháp về thị trường, bố trí sản xuất, tăng thu nhập cho NLĐ… Cùng với đó, khi có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường từ nửa cuối năm 2024, mặc dù không phải là dòng hàng chủ lực của May 10 đang sản xuất, nhưng May 10 vẫn đón nhận được những đơn hàng mang lại giá trị cao, điều mà nhiều DN ngành may đã không nắm bắt được cơ hội.

Năm 2025, mặc dù có những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhưng thách thức không ít. May 10 cần tiếp tục duy trì, phát huy thế mạnh đã tạo dựng được trong giai đoạn 2023 – 2024. Đồng thời, đổi mới sáng tạo, học hỏi các đơn vị trong hệ thống và đơn vị bên ngoài để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ làm quản lý, thị trường “gọn- mạnh” với mặt hàng chủ lực là sơ mi và veston, song hành “đi đều trên 2 chân” cùng thị trường xuất khẩu là thị trường nội địa.

Tại Trung tâm Y tế – Bệnh viện Dệt May, ông Dương Trình Xuyên – Giám đốc Bệnh viện Dệt May cho biết, năm 2024, Bệnh viện đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y-bác sĩ. Nhiều bác sĩ được cử đi học Thạc sĩ tại Đại học Y Hà Nội, các hoạt động về ngoại tuyến, đối ngoại được đảm bảo. Các bác sĩ sau khi đi học nâng cao nghiệp vụ đã mở ra cho bệnh viện thêm một số hạng mục về chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện. Cùng với đó, công tác tài chính doanh thu năm 2024 của bệnh viện có sự tăng trưởng 10% so với năm 2023, đạt trên 70 tỷ đồng. Đời sống y bác sĩ, CBNV nâng cao, đạt trung bình 18 triệu đồng/người/tháng, thưởng Tết khoảng 2 tháng lương. Đồng thời, bệnh viện cũng đã trích lập dự phòng một phần tài chính cho các hoạt động đầu tư chuyên sâu về chuyên môn, cũng như ổn định hoạt động trong những năm tiếp theo.

Mong muốn của Bệnh viện có thể tiếp tục được ổn định, duy trì được đội ngũ y bác sĩ giàu nhiệt huyết, giữ vững được truyền thống về bệnh viện chuyên sâu cho ngành dệt may.

Lãnh đạo Tập đoàn chúc Tết và chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Dệt May

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhận định, kết quả năm 2024 là thành quả cho sự nỗ lực, đoàn kết của đội ngũ y bác sĩ, CBNV Bệnh viện Dệt May. Sau 3 năm nhận nhiệm vụ người đứng đầu của bệnh viện, bác sĩ Dương Trình Xuyên đã phát huy được năng lực, nhiệt huyết trong công việc. Với đặc thù là bệnh viện của ngành, Bệnh viện Dệt May có nhiều cơ hội trong công tác chăm lo, thăm khám sức khỏe cho người lao động trong ngành và cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức đòi hỏi Bệnh viện phải chuyển mình theo sự chuyển mình của dân tộc, khi đất nước bước vào giai đoạn mới. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và người dân trong giai đoạn vừa qua cần đổi mới, sáng tạo đòi hỏi những thay đổi căn bản về nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, duy trì được đội ngũ đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu tại bệnh viện, mở rộng đối tượng mới, đầu tư trang thiết bị, phát triển các chuyên môn có kỹ thuật cao… phát huy thương hiệu Bệnh viện Dệt May trong những năm qua.

Tại Tổng Công ty May Đáp Cầu (Dagarco), ông Lương Văn Thư – Tổng Giám đốc Đáp Cầu chia sẻ, trong không khí mở máy khai xuân đầu năm 2025 các đơn vị trong hệ thống của May Đáp Cầu đều khẩn trương quay trở lại làm việc, không có biến động, suy giảm về lao động sau Tết. Để giữ chân được NLĐ, Dagarco đã tập trung triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ trước và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tháng 1/2025, kết quả SXKD của Dagarco tương đương các năm thị trường tốt, tình hình đơn hàng đã có tới hết tháng 4/2025, tháng 5 & 6 đang tiếp tục được đàm phán, nhiều khách hàng đều có sự cam kết về đơn hàng cho quý 2/2025.

Tuy nhiên, mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2026, do đó các vấn đề về tuân thủ môi trường được địa phương làm tương đối gắt gao, bắt buộc các DN chuyển đổi sang sản xuất xanh, 100% DN trong thành phố không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch. Do đó, Dagarco cũng phải chuyển đổi hệ thống lò hơi, xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đủ tiêu chuẩn để thải ra hệ thống đường dẫn của thành phố. Cùng với đó, các quy định về PCCC cũng được kiểm tra thường xuyên, tuy nhiên Dagarco đã có sự chuẩn bị trước khi xây dựng nhà máy, tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo các yêu cầu về PCCC và thường xuyên được lựa chọn trong các buổi diễn tập của thành phố Bắc Ninh.

Lãnh đạo Tập đoàn chúc Tết Ban Lãnh đạo Dagarco

Lắng nghe một số thông tin đầu năm của Dagarco, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu bày tỏ niềm vui khi tất cả các đơn vị lớn trong hệ thống của Vinatex như Đức Giang, Hòa Thọ, Dệt May Huế, May Đáp Cầu, Hanosimex, May Hưng Yên, Đông Xuân… đều đảm bảo gần 100% quân số trong ngày mở máy khai xuân. Nhiều đơn vị trong ngày đầu mở máy, đã tập trung ngay vào sản xuất để kịp các đơn hàng trong quý 1.

Với Dargaco, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu phân tích, năm 2025 Dagarco là một trong những đơn vị tổ chức Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2025 – 2030, do đó cần tập trung trong công tác nhân sự kế nhiệm. Với thị trường, Dagarco cũng là một trong những đơn vị đón nhận được cơ hội chuyển dịch đơn hàng nửa cuối năm 2024, nhưng với 2025 thì cơ hội thị trường sẽ không còn, do đó Dagarco cần tính toán các phương án để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, thích ứng với biến động của thị trường. Cùng với đó, Dagarco nằm trong khu vực có sự cạnh tranh lao động gay gắt, nhất là ngành điện tử có thu nhập cao, với Dagarco, dư địa cho việc tăng lương của NLĐ không còn nhiều khi đây cũng là đơn vị thu nhập bình quân nằm top đầu của Tập đoàn với trên 11 triệu đồng/người/tháng. Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh lao động bằng thu nhập chắc chắn sẽ “bào mòn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, Dagarco cần tính toán các phương án về nhà máy thông minh sử dụng ít lao động, có độ tự động hóa cao, triển khai làm các đơn hàng có tính kỹ thuật cao nhưng có lợi nhuận tốt.

Cũng trong dịp này, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường và Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã tới thăm, chúc Tết, động viên CNVCLĐ ngành Dệt May tại trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam

Nhóm PV


Các tin khác