Kinh tế Việt Nam là điểm sáng của khu vực


Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 công bố ngày 21-9, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã có những điều chỉnh về dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, ADB hạ dự báo triển vọng tăng trưởng chung của cả khu vực cũng như nhiều nền kinh tế, song đáng chú ý là giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ADB, nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, mức dự báo mới nhất này thấp hơn khá nhiều so với dự báo của định chế tài chính lớn nhất khu vực đưa ra vào tháng 4 năm nay là 5,2%. Dự báo tăng trưởng cho năm tới cũng được ADB hạ từ 5,3% xuống 4,9%, trong khi dự báo lạm phát của khu vực lại được nâng lên.

Trong khi hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các nước khu vực trong năm 2022, ADB lại nâng dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á đang phát triển trong năm nay, từ dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 3,7% lên 4,5%. Dự báo mức lạm phát cho năm 2023 được nâng từ 3,1% lên 4,0%. Trong khi lạm phát trong khu vực vẫn thấp hơn các khu vực khác thì sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao. Nền kinh tế Việt Nam được xem như là điểm sáng của khu vực khi là quốc gia duy nhất được ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế. Theo đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 ở Hà Nội, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường nêu rõ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng mạnh ở khu vực. Điểm khác với những nền kinh tế khác là ngoài những động lực truyền thống như về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Vị chuyên gia cũng đánh giá cao sự phục hồi ổn định của nước ta khi cho rằng, so với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam. “Đây chính là lý do xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên” – ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.

Tin tổng hợp


Các tin khác