Khi sức lao động sáng tạo được nhân đôi


Nơi làm việc vẫn luôn được ví là “ngôi nhà thứ hai” của mỗi người lao động. Ở những nhà máy, xí nghiệp dệt may có đông lao động, thì đây không chỉ được ví là ngôi nhà thứ hai mà còn là nơi ươm mầm của các đôi lứa, nơi các gia đình được xây dựng và vun đắp.

Nảy nở tình yêu từ công việc

Vợ chồng chị Vũ Thị Hiển – anh Phạm Văn An đều là công nhân tổ 3 xưởng May 1 thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định (Dệt May Nam Định). Anh chị đã gắn bó với nhà máy từ ngày mới rời ghế nhà trường, năm 1998. Chị Hiển tâm sự, suốt những năm tháng tuổi trẻ họ cống hiến đầy nhiệt huyết sôi nổi qua các hoạt động đoàn thanh niên và không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề. Nghề may đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và cũng cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt, cùng làm việc ở cùng chuyền may nêanh chị có nhiều điều để cùng chia sẻ, hỗ trợ các kỹ năng, thao tác nghề. Chị Hiển hạnh phúc bày tỏ, thắm thoắt đã hơn 26 năm anh chị cùng đồng hành và chia sẻ cả việc công ty và việc gia đình.

Với tấm gương nỗ lực bền bỉ vươn lên trong lao động, tạo dựng cuộc sống bằng đôi bàn tay của người thợ, anh chị luôn có thu nhập ổn định (trung bình hơn 20 triệu đồng/tháng). Chị Hiển chia sẻ, vợ chồng chị tích lũy, tiết kiệm, xây dựng và sang sửa dần được ngôi nhà khang trang. Niềm hạnh phúc nhất của anh chị là hai cô con gái ngoan ngoãn, học tập tốt, được Công đoàn Dệt May Việt Nam khen thưởng từ năm 2020 đến năm 2022, hiện con gái lớn của anh chị đang học trường Đại học Thương mại năm thứ hai; cô con gái thứ hai đạt học sinh giỏi 4 năm liền cấp Trung học cơ sở, hiện đang học ở trường THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định.

Chị Lê Thị Thu Thủy- Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định cho biết, cũng như nhiều lao động ở Dệt May Nam Định, với bản tính thật thà chất phát, cần cù chịu khó của người lao động dệt may, vợ chồng chị Hiển luôn nỗ lực, trách nhiệm đóng góp sức lao động sáng tạo vào tập thể một cách dung dị, không ồn ào. Anh chị cùng nhau phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Nhiều năm, anh chị đều là lao động giỏi, có kỹ năng tay nghề, thao tác chuẩn chỉ chắc chắn, đảm nhiệm vai trò xương sống của dây chuyền sản xuất. Chị Hiển làm ở vị trí đầu công đoạn may túi trong và túi ngoài, anh An làm máy chuyên dùng với đa dạng thiết bị và công đoạn. Ngoài ra, anh An còn đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng, chăm sóc tạo dựng cảnh quan khuôn viên công ty xanh – sạch – đẹp.

Trong các hoạt động tập thể, không chỉ tích cực hưởng ứng, anh chị còn luôn nhiệt tình truyền cảm hứng nghề nghiệp, hướng dẫn, chỉ bảo kỹ năng may, giúp đỡ công nhân lao động mới hòa nhập với môi trường làm việc,… từ đó góp phần thúc đẩy năng suất của tổ và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao.

Chủ tịch Công đoàn Dệt May Nam Định chia sẻ, hiện Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định có trên 2.500 lao động, trong đó có 170 cặp đôi hai vợ chồng đang làm việc. Với 135 năm hình thành và phát triển, trong Tổng Công ty hiện có 163 gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ cùng làm việc.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định có các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giầy với rất nhiều hình thức từ cổ phần, liên doanh, FDI đến các hình thức sản xuất tư nhân… Chính vì vậy, đối với một đơn vị với đủ các lĩnh vực từ sợi, dệt, nhuộm, may và các khối phụ trợ đi kèm thì Tổng Công ty phải chịu sức ép cạnh tranh về lao động rất lớn. Xác định được yếu tố then chốt quan trọng, tài sản của mỗi doanh nghiệp chính là người lao động, Công đoàn Tổng Công ty luôn chú trọng việc lập kế hoạch hoạt động, vừa lấy ý kiến người lao động, vừa gắn với tình hình sản xuất thực tế tại đơn vị, có như vậy phong trào công đoàn mới thực chất, hiệu quả và thu hút đông đảo người lao động tham gia.

Với chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Công đoàn luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt diễn biến tâm tư tình cảm cũng như hoàn cảnh đời sống, thu nhập, việc làm của mỗi công nhân, qua đó kịp thời chia sẻ động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần.

Chị Thủy cho biết, Công đoàn Dệt May Nam Định đã và đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm tạo niềm tin của người lao động với Công đoàn, với doanh nghiệp, thực sự là ngôi nhà thứ hai của họ, là nơi họ chia sẻ tâm tư tình cảm, là nơi họ tin tưởng gửi gắm cuộc sống của bản thân và gia đinh; đồng thời môi trường làm việc phải thân thiện, chân thành cởi mở, giúp người lao động có cơ hội học hỏi, thể hiện bản thân và cơ hội phát triển.

Đồng hành cùng sẻ chia

Tại Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến hiện có gần 450 gia đình cả vợ và chồng và gia đình có từ 2 thế hệ trở lên làm trong Tổng Công ty. Vợ chồng anh Phạm Ngọc Tuấn Trung, Tổ trưởng sản xuất xí nghiệp may Sig Vtec và chị Phạm Thị Ngọc Cầm, nhân viên trung tâm Dương Long R&D, chuyên may mẫu là một ví dụ. Chị Cầm vào làm việc tại Việt Tiến từ năm 2003, đến nay đã được 21 năm. Chị Cầm chia sẻ, cả hai vợ chồng cùng công ty nên rất thấu hiểu công việc và cũng thuận tiện trong việc đi làm. Từ những việc nhỏ đến những tâm tư, vướng mắc, kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống luôn được chia sẻ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Là nhân viên may mẫu, chị Cầm tiếp xúc với mẫu ban đầu trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt nên chị phải nghiên cứu kỹ sản phẩm, luôn tìm tòi, cải tiến đảm bảo cách may sao cho người lao động thực hiện mỗi công đoạn nhanh nhất, đẹp nhất, chất lượng đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời đáp ứng tiêu chí tiết giảm được nhiều lao động, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt trong những năm gần đây khi khách hàng đòi hỏi đơn hàng phải giao gấp, trong thời gian ngắn thì vị trí may mẫu của chị Cầm yêu cầu càng cao hơn nữa. Để có được kinh nghiệm như ngày hôm nay, chị Cầm tâm sự, ngoài việc bản thân tự nghiên cứu, tự đòi hỏi cao ở bản thân thì chồng cũng là người trao đổi, góp ý nhiều. Bởi khi mẫu được dải chuyền, người lao động may ở mỗi công đoạn còn có những sáng tạo, sáng kiến riêng để tăng cao hơn về năng suất, anh Trung lại chia sẻ với vợ. Hoặc khi công đoạn ở chuyền có vướng mắc, vợ cũng hướng dẫn, chia sẻ với chồng giải pháp xử lý mỗi công đoạn. Vì vậy, kinh nghiệm và kỹ năng của anh chị dần được bồi đắp. Nhiều năm qua, anh chị đạt được danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tổng Công ty.

Cũng như nhiều gia đình, chị Cầm hạnh phúc nhất khi con trai mình ngoan ngoãn, học giỏi. Cháu Phạm Ngọc Bảo Duy đạt học sinh giỏi 7 năm liền, là học sinh tiêu biểu được Công đoàn Dệt May Việt Nam khen thưởng năm 2024. Hiện cháu đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Trần Thị Ánh Diễm – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến chia sẻ, vợ chồng chị Cầm là một trong những gia đình tiêu biểu xuất sắc, được nhiều người yêu mến, tin tưởng ở nhà máy và cùng là gia đình có thời gian cống hiến ở May Việt Tiến hơn 20 năm. Chị Cầm cũng liên tục đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, được công đoàn Tổng Công ty khen thưởng, ở địa phương nơi cư trú công nhận là “Gia đình văn hóa”.

Chị Diễm chia sẻ, ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm nay các bạn trẻ tuổi thường hay “nhảy việc”, thay đổi công việc liên tục không có gì là lạ. Nhưng ở Việt Tiến có rất nhiều bạn trẻ là anh chị em ruột, họ hàng và các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình nhiều thế hệ đang làm việc tại Việt Tiến. Họ làm nhiều công việc khác nhau và cùng gắn bó với thâm niên nhiều năm như gia đình chị Cầm. Người lao động ở Việt Tiến cảm nhận được sự đoàn kết và đây cũng là nhân chứng chứng kiến sự phát triển của Tổng Công ty trong nhiều năm xây dựng, phát triển.

Chị Diễm cho biết, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty luôn có định hướng chiến lược đúng đắn, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội đóng góp ý kiến, cơ hội thăng tiến rõ ràng trong công việc và chế độ đãi ngộ phù hợp, tương xứng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự tin tưởng, sự gắn bó và kêu gọi người thân cùng gắn bó với doanh nghiệp của Việt Tiến.

Để tăng tinh thần đoàn kết và gắn kết trong tập thể, tạo niềm tin cho người lao động phát huy sáng kiến đóng góp cho sự phát triển của đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty luôn phối hợp cùng với chuyên môn phát động phong trào thi đua lao động sản xuất theo tháng, quý, năm và đề xuất khen thưởng những sáng kiến hay, có giá trị làm lợi cao. Bên cạnh đó, Việt Tiến cũng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo điều kiện cho người lao động giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc và gắn kết tình cảm, chia sẻ với nhau như một gia đình, xem nhà máy như là gia đình thứ hai.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024, Công đoàn Dệt May Việt Nam khen thưởng và tặng Giấy chứng “Gia đình CNVCLĐ Dệt May tiêu biểu năm” năm 2024 cho 26 gia đình thuộc 21 công đoàn cơ sở trực thuộc. Vợ chồng anh chị Phạm Văn An, Vũ Thị Hiển ở Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định và anh chị Phạm Ngọc Tuấn Trung, Phạm Thị Ngọc Cầm ở Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến là 2 trong số 16 gia đình được khen thưởng năm nay.

Bài: Thanh Thúy


Các tin khác