HTU tổ chức hội nghị đánh giá công tác đào tạo đại học khóa 1


Ngày 11/11/2020, Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác đào tạo đại học khóa 1. Tham dự hội nghị có ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex – kiêm Chủ tịch Hội đồng HTU; ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám Đốc Vinatex; TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU, các giảng viên Nhà trường và đại diện các doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Tiến Trường cho biết mục tiêu tổ chức buổi hội thảo của trường là để đánh giá công tác đào tạo đại học khóa đầu tiên. Tuy nhiên, chất lượng của những “sản phẩm” đầu tiên “ra lò” được đánh giá như thế nào trên thị trường thì trong vòng 6 tháng nữa sẽ có những phản hồi từ các doanh nghiệp. Hội thảo không chỉ để liệt kê những việc đã làm mà là đánh giá những mặt được và chưa được của công tác đào tạo. Các Giảng viên của trường đại học như là các huấn luyện viên để dẫn dắt những học viên của mình thành những người làm khoa học kỹ thuật độc lập. Hội thảo cần tập trung vào 3 nội dung chính: sự hợp lý của chương trình, giáo trình học liệu và năng lực đáp ứng của đội ngũ giảng viên.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex – kiêm Chủ tịch Hội đồng HTU phát biểu khai mạc

Tại Hội nghị, đại diện các Khoa đã có những bài tham luận, phân tích cụ thể những mặt mạnh và những điểm còn hạn chế để cùng nhau rút kinh nghiệm cho các khóa đào tạo tiếp theo.

Đại diện các khoa tham luận tại Hội nghị

Đại diện cho các doanh nghiệp có sinh viên HTU thực tập và làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP đã chúc mừng Nhà trường vì đã có những thành công bước đầu trong việc đào tạo hệ đại học. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Nhà trường cần cân nhắc giữa lý thuyết và thực hành để sinh viên có thời gian thực tập được nhiều hơn. Khi hướng nghiệp nên tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên để khi đi thực tập tại doanh nghiệp sẽ đào tạo chuyên sâu. Cần thường xuyên cập nhật phần mềm để có giáo trình đào tạo cho phù hợp thực tế với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh của sinh viên khi ra trường nhất là tiếng Anh chuyên ngành còn yếu nên Nhà trường cần có những điều chỉnh cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu

Kết luận tại hội nghị, TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết, khi thành trường đại học thì mối quan hệ giữa trường với các doanh nghiệp trong ngành đã được cải thiện. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo Nhà trường sẽ thiết lập chương trình đào tạo bằng phương pháp tư duy, trực quan. Xem xét thời điểm cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp sớm hơn và đào tạo sinh viên phải có trách nhiệm với những sản phẩm do mình làm ra. Phấn đấu đến năm 2022 mỗi ngành sẽ có từ 1-2 tiến sỹ và 100% giảng viên phải được bồi dưỡng chủ trì giáo trình, nghiên cứu khoa học, biên soạn học liệu giảng dạy cho doanh nghiệp. Mỗi ngành đào tạo phải có từ 2-4 giảng viên có thể làm việc, giao tiếp thành thạo với người nước ngoài và nghiên cứu mô hình giảng viên chuyên trách để hướng dẫn thực tập. Nghiên cứu bổ sung chuẩn đầu ra áp dụng theo chuẩn 4.0 và có các tiêu chí đánh giá giảng viên.

TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU kết luận Hội nghị


Các tin khác