HTU đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam


Ngày 18/8/2020, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Với bề dày 50 năm xây dựng và trưởng thành, trường HTU là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam đào tạo hệ đại học, cao đẳng nhằm phục vụ chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh với quy mô 5.000 sinh viên ở 7 ngành: Công nghệ Sợi, Dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ May; Marketing thời trang; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Quản lý công nghiệp. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường gồm 283 người với trên 80% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Đặc biệt, hàng năm Nhà trường còn lựa chọn từ 10-20% giảng viên được cử đi làm việc thực tế tại các doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất với thời gian từ 6 – 12 tháng để giúp nâng cao năng lực thực tế, gắn nội dung giảng dạy với thực tiễn sản xuất.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường HTU cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ở giai đoạn khởi đầu của sự phát triển. Đây là giai đoạn chiến lược, bản lề cho các nước đang phát triển để theo kịp với xu hướng thế giới, đặc biệt trong ngành Dệt May. Thực tế cho thấy, máy móc, công nghệ có thể mua được, nhưng con người, kiến thức, kỹ năng, nhận thức thì hoàn toàn không thể. Nếu con người không đáp ứng được thì dù máy móc, công nghệ có hiện đại đến mấy đi nữa thì vẫn không có tác dụng. Có thể nói, người lao động luôn luôn là trung tâm của mọi sự phát triển.

Dựa vào kết quả khảo sát nhu cầu thị trường lao động của ngành Dệt May, vị trí việc làm thực tế và dự báo sự phát triển của CMCN 4.0 tác động đến ngành dệt may, Nhà trường đã phát triển chương trình đào tạo nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Chương trình được thiết kế với đủ khối lượng kiến thức cơ bản, nền tảng, khối lượng kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, đặc biệt chú trọng rèn kỹ năng tư duy, kỹ năng kỹ thuật và giải quyết vấn đề cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Nhà trường đã tập trung xây dựng các giáo trình chuyên ngành về quản lý sản xuất dệt may, quản lý chất lượng, quản lý đơn hàng, công nghệ sửa chữa và các giáo trình công nghệ, kỹ thuật dệt may. Năm 2019, Nhà trường đã xuất bản 13 giáo trình chuyên ngành trên toàn quốc và tiếp tục tổ chức xây dựng các giáo trình khác nhằm cập nhập các kiến thức, công nghệ mới nhất để đưa vào giảng dạy.

Để tổ chức đào tạo gắn liền với thực tiễn, Nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với gần 50 doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp này đã tiến hành bố trí cho sinh viên thực tập theo đúng mục tiêu đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, phát triển chương trình, giáo trình, tài trợ học bổng và bố trí việc làm đúng với năng lực của sinh viên sau khi ra trường.


Các tin khác