Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn”


Ngày 26/6, tại thành phố Nam Định, Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lại Xuân Môn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Gia Túc- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Long Hải- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật; PSG.TS Phạm Minh Sơn- Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Công Dũng- Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức, các nhà khoa học….

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” nhằm chia sẻ các quan điểm về cách tiếp cận kinh tế xanh ở Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đề xuất các giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế xanh; qua đó thu nhận các thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và từ các doanh nghiệp; gợi mở ra hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế xanh đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là yêu cầu thực tiễn và ngày càng trở thành xu thế tất yếu của các nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cơ hội dành cho Việt Nam sẽ nhiều hơn thách thức nếu chúng ta vạch ra được bước đi, lộ trình phù hợp, cụ thể và tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác bên ngoài về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, công nghệ, quản trị.

Tại hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia cùng làm rõ những cơ sở khoa học khẳng định quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng. Bên cạnh đó, các đại biểu và chuyên gia cũng đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, bền vững ở Việt Nam thời gian tới; các giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh trong phạm vi cả nước nói chung và tại từng địa phương.

Tại Hội thảo, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã trình bày Tham luận với chủ đề “Áp dụng kinh tế xanh trong ngành dệt may Việt Nam: Cơ hội và thách thức”. Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh, thế giới đã trải qua các giai đoạn đình trệ và khủng hoảng về kinh tế và môi trường trong vài thập kỷ qua, chủ yếu do nền kinh tế nâu sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhanh hơn khả năng tái tạo, dẫn đến thiệt hại môi trường và giảm chất lượng cuộc sống. Nhiều quốc gia đã chuyển sang nền kinh tế xanh để đạt được phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam coi tăng trưởng xanh là chìa khóa cho phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Ngành dệt may Việt Nam, với vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba thế giới và sử dụng khoảng 3 triệu lao động, sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội trong quá trình xanh hóa ngành.

Trong bài tham luận, ông Lê Tiến Trường cũng nêu rõ những nội dung trọng tâm về động lực xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may, đồng thời nêu một số khuyến nghị về chính sách vĩ mô, chiến lược phát triển, công nghệ, đầu tư, tài chính, nhân lực, thị trường và xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh, bền vững…

PV


Các tin khác