Hành động sớm trước thiên tai, hỏa hoạn


Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và phòng chống thiên tai trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa; đầu tư trang thiết bị, phương tiện và phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ, lũ lụt có thể xảy ra, nhất là trong mùa nắng nóng, mưa bão hiện nay.

Sẵn sàng khi có sự cố xảy ra

Những năm gần đây, số vụ cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chiếm tỷ lệ cao và gây thiệt hại khá lớn về người và tài sản. Cùng với đó, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan như lụt, bão với diễn biến hết sức phức tạp, bất thường, khó dự báo hơn đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế này đặt ra vấn đề bức thiết về việc nâng cao ý thức PCCC, chủ động phòng chống thiên tai của tất cả các doanh nghiệp. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt, cháy nổ gây ra, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thành viên thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, củng cố các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai. Trong đó đặc biệt lưu ý những khu vực có nhiều nguy cơ mất an toàn về cháy nổ như kho chứa nguyên liệu, kho vật tư hóa chất, kho thành phẩm. Cần nghiêm túc đề phòng các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ, lũ lụt nhằm tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Thường xuyên kiểm tra các hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy về số lượng, chất lượng để đảm bảo hoạt động tốt và duy trì, đảm bảo nguồn nước dự trữ để chữa cháy. Củng cố, duy trì công tác thường trực, bảo vệ, tăng cường tuần tra canh gác nhất là về ban đêm, ngoài giờ làm việc nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, đám cháy ngay từ khi mới phát sinh và ứng phó kịp thời khi xảy ra bão, lũ. Lập phương án ứng cứu, tổ chức tập huấn diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp, khi có sự cố xảy ra tại đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền nhắc nhở cán bộ, công nhân viên trong đơn vị nâng cao ý thức chấp hành các qui định về an toàn PCCC. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về Tập đoàn khi có bất cứ sự cố nào liên quan đến công tác PCCC, phòng chống lụt bão.

Lãnh đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của mưa bão phải phân công trực ban liên tục 24/24h trong thời gian mưa bão để kịp thời ứng phó giải quyết sự cố, công việc. Phối hợp với Ủy ban Phòng chống lụt bão tại địa phương, thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến của bão, lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của đơn vị.

Phòng ngừa từ xa, từ sớm

Thực hiện sự chỉ đạo của Tập đoàn, Công ty CP Dệt May Huế đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cháy nổ, đội PCCC&CNCH tại Công ty và các nhà máy. Phương án chữa cháy tại chỗ được Công ty chuẩn bị kỹ càng được Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH đều được Công ty tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động. Mỗi quý, Công ty tổ chức đoàn kiểm tra an toàn PCCC&CNCH để đánh giá lại tình hình thực hiện của các đơn vị trực thuộc.

Ông Nguyễn Tiến Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế cho biết, hàng năm, Công ty đều phối hợp với Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho toàn thể CBNV-NLĐ và tổ chức 4 đợt diễn tập phương án PCCC&CNCH cho toàn bộ các đơn vị, trong đó có một đợt phối hợp diễn tập với lực lượng, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp.

“Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lụt bão, vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được Công ty CP Dệt May Huế đặc biệt quan tâm thực hiện. Vào đầu mùa mưa bão, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra như cắt, tỉa cành cây, vét cống, kiểm tra mái tôn… Các cửa ra vào đều được chèn để chắn nước không bị tràn vào bên trong nhà máy. Ngoài ra, công ty còn bố trí người trực 24/24, phối hợp với lực lượng phòng chống thiên tai của địa phương để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra”- Ông Nguyễn Tiến Hậu chia sẻ.

Với đặc thù sản xuất, kinh doanh mặt hàng dễ cháy, trong những năm qua, Công ty CP Tiên Hưng luôn quan tâm, đầu tư và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác PCCC, phòng chống lụt bão nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tài sản và con người. Để nâng cao ý thức, đề cao trách nhiệm của từng cá nhân, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC,  phòng chống lụt bão với nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền trên loa thông báo, in ấn, phát tài liệu, văn bản, Luật phòng cháy, chữa cháy để tổ chức cho từng tổ, phòng, ban nghiên cứu…

Cùng với đó, Công ty đã thành lập đội PCCC, CNCH cơ sở gồm 36 thành viên có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất lãnh đạo Công ty ban hành các nội quy, quy định an toàn về PCCC. Các thành viên trong đội thường xuyên được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trang bị thiết bị PCCC, phòng chống lụt bão và sử dụng thành thạo các phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Đặc biệt, theo định kỳ các thành viên trong đội đều được trực tiếp tham gia các buổi diễn tập, thực tập xử lý tình huống giả định, cứu người, cứu tài sản.

Ông Bùi Huy Chấn – Trưởng phòng Hành chính Công ty CP Tiên Hưng cho biết: “Với mục tiêu “phòng cháy hơn chữa cháy” và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hàng năm, Công ty đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh và Công an huyện Tiên Lữ tổ chức các buổi tuyên truyền, huấn luyện, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên. Bên cạnh đó, Công ty luôn quan tâm, đầu tư trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quy định như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy, các phương tiện chữa cháy cầm tay…”.

Nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của việc PCCC và CNCH trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Dệt May Nam Định) đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và các quy định về PCCC tại chỗ.

Ông Phạm Ngọc Kỳ – Trưởng phòng Kỹ thuật Đầu tư Dệt May Nam Định cho biết, Tổng Công ty luôn quan tâm chú trọng đến việc đầu tư hệ thống PCCC, tuân thủ các quy định về thẩm duyệt và nghiệm thu khi xây dựng nhà xưởng, đầu tư, hoàn thiện các hệ thống, thiết bị PCCC như báo cháy, báo khói tự động, thoát hiểm, máy bơm, bể chứa nước… Các trang thiết bị PCCC định kỳ đều được kiểm tra, bảo dưỡng và thay mới. Hàng năm Dệt May Nam Định đều phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn về công PCCC và CNCH cho toàn thể NLĐ.

“Không chỉ trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC và CNCH, Dệt May Nam Định còn luôn quan tâm đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cũng như thoát nạn cho người lao động. Tổng Công ty đã thành lập đội PCCC với nhiệm vụ kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người lao động về các biện pháp PCCC an toàn trong quá trình sản xuất và sau mỗi ngày làm việc. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập PCCC và CNCH tại Tổng Công ty. Ngoài ra, trước mùa mưa bão Dệt May Nam Định đều cho cắt tỉa cành cây xanh, nạo vét máng mái, cống rãnh để đảm bảo việc thoát nước. Hệ thống mái tôn, cửa chính và cửa sổ đều được gia cố chặt chẽ. Di chuyển những sản phẩm ở khu vực có nguy cơ bị lụt lên cao hoặc sang vị trí khác” – Ông Phạm Ngọc Kỳ chia sẻ.

Xác định công tác PCCC là một trong những khâu quan trọng trong quá trình sản xuất, Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định đã thành lập đội chữa cháy tại chỗ gồm 32 đội viên là cán bộ, công nhân vừa tham gia sản xuất, vừa làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn về PCCC để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố xảy ra. Cùng với đó, Nhà máy đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quán triệt các văn bản hướng dẫn về công tác PCCC cho cán bộ, NLĐ, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong lao động sản xuất. Hàng năm, Nhà máy đều phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn và diễn tập các phương án PCCC và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Ông Lê Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định cho biết: “100% cán bộ, NLĐ của nhà máy đều nắm được các nội quy, quy chế an toàn, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ và biết cách xử lý ban đầu các tình huống xảy ra. Nhà máy cũng luôn quan tâm đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, máy bơm chuyên dụng và hệ thống vòi cứu hoả, bể chứa nước… Tại khu vực sản xuất và kho chứa nguyên liệu đều được bố trí đầy đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ, các thiết bị báo cháy, hệ thống chỉ dẫn thoát hiểm. Nhà kho được bố trí tách rời với khu vực sản xuất để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố. Định kỳ hàng tháng, đơn vị tổ chức đợt kiểm tra, rà soát các phương án, quy trình và phương tiện chữa cháy tại chỗ để kịp thời phát hiện, xử lý các sơ hở, thiếu sót và thay thế, bổ sung các phương tiện cũ, hỏng. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh cống thoát nước hàng tuần để giảm thiểu những nguy cơ ngập úng khi mưa bão. Các cửa sổ và cửa chính đều được chèn, buộc chắc chắn không để nước tràn vào trong nhà xưởng”.

Có thể thấy việc đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các nhà máy của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là kết quả của cả một quá trình nâng cao ý thức, trách nhiệm và công tác duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động với phương châm lấy phòng ngừa là chính.

Bài: Xuân Quý


Các tin khác