Hàng dệt may được phủ nano bạc kháng virut của Học viện công nghệ Ấn Độ (IIT-ISM)
Nguồn: Viện Công nghệ Ấn Độ
Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT-ISM) ở Dhanbad đã phát triển một loại vật liệu dệt siêu kháng nước có chức năng kháng khuẩn, chống virut và chống nước bằng việc phủ một lớp nano bạc trên vật liệu dệt đó. Một nhóm 3 thành viên đã nghiên cứu hiệu quả kháng khuẩn của lớp phủ này trên vi khuẩn Escherichia coli và nấm Aspergillus niger còn các thử nghiệm trên virut corona thì đang được nghiên cứu.
Theo IIT-ISM sau khi mở rộng quy mô thì quần áo phủ lớp kháng khuẩn này có thể được cung cấp với giá cả phải chăng. Giáo sư kỹ thuật hóa học Aditya Kumar cho biết “nghiên cứu này được bắt đầu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng khẩu trang 3 lớp và bộ đồ bảo hộ để chống COVID-19”. Giáo sư Aditya Kumar thực hiện nghiên cứu này cùng với các cộng sự của ông là Kalpita Nath and Poonam Chauhan. Ông cho biết thêm “phương pháp này sử dụng chiếu xạ tia cực tím tại chỗ sau đó biến tính với perfluorodecyltriethoxysilane”.
Kháng nước là hiện tượng giọt nước hoàn toàn không dính vào bề mặt vật liệu và dễ dàng rơi ra ngoài. Ở quy mô phòng thí nghiệm, lớp phủ này có tính ổn định cao về mặt hóa học và nhiệt học nên có thể tái sử dụng sau nhiều lần giặt.
Vải được phủ nano bạc có đặc tính tự làm sạch và chống vết bẩn cao giúp cho vải hoàn toàn không bị bám bụi, chất lỏng và vết bẩn trên bề mặt.
Ở nồng độ thấp bạc hoàn toàn không độc hại vì vậy lớp phủ nano bạc rất thân thiện với con người.
Người dịch: Phạm Thị Tốt