Giảm giờ làm xuống 5,5 ngày/tuần: DN lo bị “khóa chân”, thu nhập giảm


Giảm giờ làm từ 48h/tuần xuống 44h/tuần hay trần làm thêm giờ theo tháng với mức 40h/tháng… tại dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang bị doanh nghiệp phản đối, khiến nghị sửa vì cho rằng đó là những quy định gây cản trở, thậm chí “khóa chân” doanh nghiệp… còn người lao động bị giảm thu nhập.

Lo dự thảo luật “khóa chân” doanh nghiệp

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) quy định giảm giờ làm việc từ 48h/tuần xuống còn 44h/tuần và trần làm thêm giờ theo tháng với mức 40h/tháng.

Giảm giờ làm trong tuần xuống 5,5 ngày tại dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi là một quy định đang bị phản đối vì gây cản trở, thậm chí “khóa chân” doanh nghiệp… còn người lao động bị giảm thu nhập.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dự thảo luật còn một số quy định mà các doanh nghiệp cho rằng gây cản trở, thậm chí “khóa chân” doanh nghiệp. Điển hình, quy định điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48h/tuần xuống 44h/tuần… Tính ra một năm giảm đến 220h, điều này thực sự không hợp lý với doanh nghiệp.

Cùng với đó, cách tính lương giờ làm thêm là điều doanh nghiệp đặc biệt lo lắng. Theo đó, Dự luật đưa ra cách tính lương lũy tiến theo giờ trong khi cách tính hiện hành, lương làm thêm ngày thường là 150%, ngày nghỉ hàng tuần 200%, ngày nghỉ lễ 300%.

“Chúng ta đã đạt được yêu cầu của Nghị quyết 27 về lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế, đa số doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu tăng kéo theo nhiều chi phí “ăn theo” lương tối thiểu tăng lên, gồm cả phí công đoàn, bảo hiểm… đó chính là điều quan ngại. Tác động kép như vậy không mang lại lợi ích cho người lao động mà lại tốn kém phí ở khâu trung gian”, đại diện VCCI cho biết.

Doanh nghiệp không đồng tình giảm giờ làm xuống 44h/tuần

“Với đặc thù theo mùa vụ, phải sản xuất kịp thời để giữ tôm, cá tươi thì mới xuất khẩu được nên việc giảm giờ làm và khống chế khung giờ làm thêm theo tháng của dự thảo luật là rất khó với doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp thủy sản không thể tháng nào cũng sản xuất giống tháng nào bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, công chức làm việc 44h/tuần, còn người lao động làm việc 48h là bất công không hợp lý.

“Công chức không đi làm thứ 7, nhiều thủ tục hành chính bị bê trễ gây khó cho chúng tôi, nhất là xuất nhập khẩu. Việt Nam vào các FTA để tăng năng lực sản xuất nhưng lại bị “khóa chân” ở chỗ rất thiết yếu”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng đề nghị mở khung giờ làm thêm trong khoảng 400 – 500h/năm để có dung sai cho các doanh nghiệp thực hiện đơn hàng mùa vụ, có ngưỡng để không vi phạm pháp luật. Hiện doanh nghiệp dệt may, thủy sản đều bị đối tác đánh giá khi đối chiếu theo luật lao động và đánh mất đơn hàng ở những vấn đề như vậy.

Đại diện Hiệp hội Da giày cũng cho rằng, những quy định giờ làm đó nếu áp dụng sẽ tự triệt tiêu lợi thế về lao động. Giảm 4h/tuần tương đương với 9%, với kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ mỗi năm của ngành da giày hiện nay, giả sử không có giờ làm thêm, ngành da giày sẽ mất gần 2 tỷ USD.

Hơn nữa, vị đại diện Hiệp hội Da giày cũng cho biết, lao động của ngành da giày được tính công theo sản phẩm thay vì giờ làm nên việc giảm giờ làm sẽ khiến số sản phẩm được làm ra giảm đi, điều này thực tế ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động.

Ở góc độ ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho hay, các doanh nghiệp dệt may thực “choáng” trước đề nghị giảm giờ làm việc từ 48h/tuần xuống còn 44h/tuần; bởi lẽ hiện chỉ có Indonesia và Singapore là có giờ làm thêm thấp hơn vì họ là những nước đã mạnh, năng suất lao động cao hơn chúng ta.

Đối với chính sách làm thêm giờ, ông Cẩm đề xuất nên điều chỉnh tăng thêm 450h/năm bởi đặc thù của nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành dệt may, để đảm bảo các đơn hàng, tiến độ sản xuất cũng như tiền lương thưởng…

“Không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng giờ làm thêm, điều này xảy ra khi rơi vào hoàn cảnh bắt buộc. Bởi tăng giờ làm thêm sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào làm thêm thì sẽ thiệt hại lớn”, đại diện VITAS lập luận.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên cũng cho rằng, hiện nay, năng suất và thu nhập của người lao động Việt Nam chưa cao nên việc giảm giờ làm là chưa phù hợp. Nếu giảm giờ làm trong tuần sẽ khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí trả tiền làm thêm giờ cho lao động. Đây là gánh nặng, chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Theo Infonet


Các tin khác