Gần 1.100 doanh nghiệp tham gia triển lãm SaigonTex – SaigonFabric 2025


Sáng 09/4, tại TP.HCM diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2025 (SaigonTex –SaigonFabric 2025). Triển lãm là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ hợp tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Tham dự Triển lãm có ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI); ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas); ông Lê Thanh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtek) cùng đại diện Ngoại giao đoàn, Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại, lãnh đạo các sở, ban ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Với diện tích hơn 34.000 m2, SaigonTex – SaigonFabric 2025 quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm, đến từ 25 quốc gia và khu vực lãnh thổ, là các nhà cung cấp uy tín trong lĩnh vực dệt may thế giới như: Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cambodia, Đài Loan, Đức, Hồng Kông, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Hà Lan, Pakistan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Việt Nam. Ngoài ra, BTC cũng đổi mới cách thức tiếp cận bằng cách thành lập các khu vực kết nối thương mại chuyên sâu theo từng vùng lãnh thổ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN trong việc tìm kiếm đối tác cho thị trường mục tiêu của mình.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM cho biết, dệt may là ngành công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, không những có đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại trong và ngoài nước mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong suốt những năm qua. Năm 2024, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023, nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

“Triển lãm quốc tế Ngành công nghiệp Dệt & May – Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2025 là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó các doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư trong thời gian tới. Trong suốt 35 năm qua, triển lãm SaigonTex – Hanoitex không chỉ là dịp để giới thiệu những thành tựu của ngành dệt may Việt Nam từ nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị đến thành phẩm, mà còn là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm, kết nối các đối tác, nhà cung cấp uy tín thúc đẩy mối quan hệ giao thương tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi từ các hiệp định thương mại, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần vào phát triển ngành Dệt May Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực và quốc tế”- ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đạt được nhiều thành quả cả về thương mại lẫn đầu tư, nhưng trong thời gian tới, ngành vẫn còn phải đối đầu với nhiều thách thức lớn như sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đoán định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các FTA, rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống… Để vượt qua những khó khăn này, ông Liêm cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết, Triển lãm SaigonTex đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Triển lãm SaigonTex giúp hình thành cầu nối uy tín và hiệu quả giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước với các nhà cung cấp nước ngoài; giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần phát triển ngành Dệt May Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

“Vai trò của Triển lãm trong giai đoạn tiếp theo chắc chắn sẽ càng quan trọng khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế dài hạn của cả thị trường dệt may thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt kịp xu thế và đáp ứng yêu cầu của khách hàng với nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sử dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ chuyển đổi kép, chuyển đổi số… là những biện pháp mà doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đang hướng tới” – Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quam từ ngày 09 – 12/4/2025. Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra các buổi hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin thị trường, thuế quan và công nghệ mới nhất trong ngành dệt may.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

PV


Các tin khác