Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 8 năm 2024


Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 8 cung cấp cho bạn đọc những chiến lược và kế hoạch để chinh phục thị trường nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Vinatex và các đơn vị thành viên. Cùng với đó là các thông tin phản ánh sự nỗ lực của toàn hệ thống Tập đoàn trong tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm cán đích năm 2024 thành công.

Mở đầu Đặc san, bài viết “Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng để cán đích năm 2024 còn nhiều biến động” là những chia sẻ của ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex về những thách thức, chuyển động của thị trường dệt may những tháng đầu năm 2024 và các hướng đi, kế hoạch, giải pháp của Vinatex để có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Với cùng hệ thống máy móc thiết bị và nguồn lực, nhân sự, vì sao một số doanh nghiệp có hiệu quả vượt trội, trong khi doanh nghiệp kia lại khó khăn hoặc phát triển chậm hơn rất nhiều lần? Các nhà kinh tế đã chỉ ra có 3 yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp: Vốn + Lao động + TFP. Vậy TFP là gì và TFP có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của các doanh nghiệp Vinatex? Xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết “Năng suất lao động tổng hợp: Chìa khóa cạnh tranh của Vinatex” của ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex.

Thị trường nội địa Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân đã và đang có sức thu hút rất lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang trong và ngoài nước. Với chất lượng sản phẩm và những thiết kế độc đáo, sáng tạo, mới lạ, gắn với xu hướng xanh và tiêu dùng thuận lợi cho người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn phát huy để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đây chính là nội dung bài viết “Thời trang nội địa: Chinh phục người tiêu dùng Việt bằng chất lượng sản phẩm” mà Đặc san số tháng này gửi đến độc giả.

Đã hơn 4 tháng sau khi Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về sản xuất vải và trang phục chống cháy, Vinatex và Tập đoàn Coats đã đạt được những tiến bộ gì về chất lượng sản phẩm và thị trường xuất khẩu? Quý độc giả hãy cùng nhau tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết “Đón đầu thị trường “ngách” với sản phẩm vải chống cháy”.

7 tháng đầu năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên khó khăn mới đối với các doanh nghiệp lúc này chính là làm thế nào để ứng phó với yêu cầu nhanh, nhỏ, khó của các khách hàng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đã có nhiều giải pháp về thị trường, công nghệ, điều hành sản xuất,… để giữ vững nhịp độ tăng trưởng và đảm bảo việc làm cho người lao động. Đây chính là nội dung bài viết “Đơn hàng nhỏ, khó không “làm khó” được doanh nghiệp” mà Đặc san gửi đến các độc giả.

Bên cạnh đó, Đặc san số tháng 8 cung cấp cho bạn đọc những bài viết về: Nhân lên sức lan tỏa thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam; Người đại diện vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại doanh nghiệp: Điểm tựa cho phát triển bền vững; Vinatex chuyển mình khi đất nước bắt đầu mở cửa; Ứng dụng hệ thống ERP trong doanh nghiệp dệt may: Lợi ích, rào cản và điều kiện tiên quyết; Các thương hiệu thời trang hàng đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào ?; Olympic Paris 2024: Khi thời trang xa xỉ vượt lên trên trang phục thể thao; 5 xu hướng chính của chuỗi cung ứng trong tương lai …

Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/wp-content/uploads/2024/08/TapchiDM_202408.pdf

Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Truyền thông: 024.38251252; Email: bantt@vinatex.com.vn.


Các tin khác