Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 5 năm 2024


Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 5 cung cấp cho bạn đọc những thông tin về sự đồng thuận của các cổ đông đối với kết quả SXKD năm 2023 và định hướng phát triển trong thời gian tới của Vinatex và đơn vị thành viên tại đại hội đồng cổ đông năm 2024. Cùng với đó là những bài viết đề cập đến xu hướng xanh hóa, phát triển bền vững với ngành dệt may, thời trang.

Mở đầu Đặc san là bài viết “Cần chính sách cho vay vốn linh hoạt để duy trì sản xuất” cung cấp cho bạn đọc những chia sẻ của ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex về việc doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn vay. Trong bối cảnh đó, cần có sự khơi thông nguồn vốn nhằm giúp doanh nghiệp bước tiếp qua giai đoạn khó khăn để giữ ngành, giữ lao động, giữ thị phần thì mới có điều kiện và cơ hội lấy lại những gì đã mất trong năm 2023.

Mặc dù được dự báo là vẫn chưa thể qua giai đoạn khó khăn, nhưng năm 2024 đã cho thấy những tín hiệu khả quan từ thị trường, bắt nguồn từ những nhận định tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngành dệt may cũng có những dấu hiệu khả quan khi cầu dệt may năm 2024 được dự báo ở mức 717 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2023; lượng tồn kho của các hãng lớn đều giảm so với cùng kỳ. Như vậy, có thể dự đoán cơ hội thị trường đang đến, cũng như quy luật thông thường hình thành những đợt sóng tăng trưởng sau giai đoạn suy giảm kéo dài. Đây chính là nội dung bài viết “Hài hòa lợi ích cổ đông, người lao động và xã hội” của ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex gửi đến quý độc giả.

Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, để tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cần phải có những chính sách, giải pháp gì? Xin mời quý độc giả cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết “Để chính sách tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp” của TS. Nguyễn Minh Phong.

Hồi ức về sự thăng trầm, phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và doanh nghiệp thành viên qua câu chuyện của bà Dương Minh Ánh Lan – nguyên Ủy viên HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt – May Việt Nam (giai đoạn 1995-1998) và ông Võ Lang, nguyên Giám đốc Công ty Dệt Hòa Thọ (nay là Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ) chia sẻ cho bạn đọc về giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp cải tiến kỹ thuật, đổi mới tư duy trong quản lý, biến thách thức thành cơ hội phát triển doanh nghiệp qua bài viết “Vận dụng lý thuyết vào thực tiễn sản xuất dệt may” và “Những ngày luyến nhớ”.

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi khi KNXK đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những căng thẳng từ cuộc chiến ở Ukraina-Nga và xung đột tại dải Gaza, cùng với lạm phát cơ bản dai dẳng, thị trường lao động vẫn thắt chặt, có thể làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất tại các thị trường kinh tế lớn. Đây chính là nội dung bài viết “Thị trường dệt may tháng 4 và triển vọng kinh tế năm 2024” mà Đặc san số tháng này gửi đến quý độc giả.

Bên cạnh đó, Đặc san số tháng 5 cung cấp cho bạn đọc những bài viết về: Ứng dụng và tác động của công nghệ RFID trong ngành may mặc; Giải pháp tiếp cận và chính sách thúc đẩy phát triển thời trang bền vững; Phát triển bền vững với ngành Dệt May Việt Nam qua góc nhìn chuyên gia; Từng bước ổn định và quay lại nhịp phát triển; Cô thợ dệt tận tâm với nghề; Kể câu chuyện thổ cẩm Việt trên sàn diễn thời trang quốc tế; Xuất khẩu thời trang thương hiệu Việt…

Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/wp-content/uploads/2024/05/TapchiDM_202405.pdf

Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Truyền thông: 024.38251252; Email: bantt@vinatex.com.vn.


Các tin khác