Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang số tháng 08/2022
Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 08/2022 với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cung cấp cho bạn đọc những nhiệm vụ, giải pháp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khi triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, Đặc san cũng phản ánh những qui định mới về truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành…
Với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm dệt may lớn của cả nước thì kế hoạch đầu tư phát triển của Vinatex đến năm 2030 tại địa bàn này sẽ như thế nào? Quý độc giả sẽ có câu trả lời qua bài viết “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm dệt may lớn của cả nước”.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đe dọa xóa đi thành quả phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy tốc độ phát thải khí nhà kính và sự can thiệp quá mức của con người lên môi trường tự nhiên đã làm cho hệ thống khí hậu trái đất xấu đi và ở mức nguy hiểm. Các doanh nghiệp cần phải làm gì để ứng phó với tình trạng trên? Xin mời độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết “Giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam: Doanh nghiệp sớm nhận thức và hành động” của ThS. Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương.
Trong khuôn khổ Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau” do Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức, Vinatex đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Nội dung của các thỏa thuận trên sẽ có trong bài viết “Phát triển sản phẩm, dịch vụ Việt Nam ngày càng lớn mạnh”.
Trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinatex đã luôn tạo được điểm nhấn trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò, ý nghĩa quan trọng như thế nào trong thành công đó của Vinatex? Xin mời quí độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết “Truyền thông “kênh” kết nối để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Việc truy xuất nguồn gốc ở nhiều quốc gia là quy định bắt buộc như Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ, Canada… đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, thị trường Mỹ vừa ban hành bộ luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) có hiệu lực từ ngày 21/6/2022, buộc doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra đầu vào của nguyên liệu, xác định rõ nhà cung cấp và hàm lượng tái chế. Cùng với đó, xu hướng thời trang nhanh sang thời trang bền vững đang thay đổi, thậm chí, trong giai đoạn tiếp theo, sẽ có quy định về hàm lượng tái chế, yêu cầu cao hơn của truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu dệt may… Trong số này, Dệt May và Thời trang Việt Nam cung cấp cho bạn đọc thông tin về các giải pháp truy xuất nguồn gốc qua các bài viết “Sử dụng thẻ bảo mật (secured tag)”; “Phát triển thẻ mã hóa dệt may”; “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm may bằng công nghệ chuỗi khối”; Nhà sản xuất sợi với chuỗi cung ứng được kích hoạt bởi Blockchain.
Bên cạnh đó, Đặc san số này cung cấp cho bạn đọc những bài viết về CTCP Tổng Công ty May Đáp Cầu: Trong thách thức tìm ra cơ hội; “Rút ruột nhả tơ” với nghề, với người; Lợi ích của công trình xanh; truyện ngắn Bản năng mẹ của nhà văn Kiều Bích Hậu…
Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/tap-chi-det-may-va-thoi-trang-viet-nam/
Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt may và Thời trang – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Tuyên giáo – Truyền thông: 024.38251252; Email: bantgtt@vinatex.com.vn.