Đón đầu thị trường “ngách” với sản phẩm vải chống cháy


Sau hơn 4 tháng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats về sản xuất vải và trang phục chống cháy, Vinatex đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuỗi cung ứng trong sản xuất, đồng thời phía Tập đoàn Coats đã tích cực xúc tiến thị trường để xuất khẩu những lô hàng đầu tiên trong năm 2024. Có thể nói, đây là bước đi mới trong sản xuất, thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt, mở rộng cơ hội từ thị trường ngách .

Tích cực chuẩn bị cho sản xuất

Tháng 3/2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Vương Quốc Anh) đã tổ chức ký kết MOU trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Để cấp tập chuẩn bị cho dự án, phía Vinatex đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và con người, đồng thời bên phía Tập đoàn Coats cũng cử các chuyên gia từ Ấn Độ sang Việt Nam hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất.

Ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Coats thì mặt hàng vải chống cháy là một trong những mặt hàng trọng tâm trong 5 năm tới, do đó bên phía đối tác đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiên cứu phát triển sản phẩm, cùng tận dụng những lợi thế kinh doanh mặt hàng này đã được Coats triển khai tại Mexico và Ấn Độ. Đối với Vinatex, xuyên suốt thời gian qua Vinatex tập trung định hướng sẽ phát triển dựa trên nền tảng, thế mạnh của chuỗi cung ứng từ sợi – dệt – nhuộm – may để đáp ứng được tất cả khách hàng trên toàn cầu. Do đó, sự liên kết và hợp tác lần này dựa trên thế mạnh của hai bên, cũng như quy mô và tiềm năng của thị trường. Cùng với đó, quá trình chuẩn bị cho sản xuất mặt hàng “đặc biệt” này bao gồm rất nhiều nguyên tắc, các quy định cần tuân thủ như thị trường, nhân sự, nhà xưởng và công nghệ. Đến nay phía Vinatex đã chuẩn bị đầy đủ bộ máy, đủ nhân sự để làm việc với đối tác, tiếp nhận các thông tin, nhận chuyển giao công nghệ, làm hàng mẫu… Về cơ bản, một số sản phẩm mẫu đều đạt yêu cầu theo các yêu cầu về kỹ thuật do phía đối tác yêu cầu.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải một số khó khăn ban đầu do đây là hóa chất đặc biệt, khác với các nhà cung cấp hóa chất thông thường, có một số nhãn sản phẩm hóa chất cần tới 1-2 tháng để đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam, thậm chí phải đi bằng máy bay. Các hóa chất này cần đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về dư lượng hóa chất, các hóa chất cấm sử dụng đối với mặt hàng sản phẩm vải chống cháy. Thậm chí, có những hóa chất có thể sử dụng được, nhưng có thành phần trong danh sách các loại hóa chất bị cấm sử dụng cho vải chống cháy thì đều không được sử dụng. Tất cả các nhà cung ứng về hóa chất, thuốc nhuộm đều phải được “đánh giá” đạt các yêu cầu từ phía Tập đoàn Coas thì phía Vinatex mới triển khai ký kết để đưa vào sản xuất.  Đối với xơ sợi, một phần hiện nay phía Tập đoàn Coats cung cấp, một phần do phía Coats giới thiệu tới các nhà cung ứng có uy tín được đánh giá theo hệ thống toàn cầu, đặc biệt là phải sử dụng bông cao cấp như bông Ai Cập, bông Pima… Trong nội dung MOU đã ký kết, nhà sản xuất phải đảm bảo và chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng, do đó đây là một tiêu chí “tiên quyết” mà phía Vinatex phải tuân thủ về lâu dài trong sản xuất, thông qua việc lựa chọn kỹ lưỡng từ nguyên liệu, hóa chất, thuốc nhuộm”- Ông Phạm Xuân Trình thông tin.

Tiến tới làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) thông tin, khi được Vinatex lựa chọn Natexco là đơn vị sản xuất dòng sản phẩm mới, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty đã triển khai sâu rộng tới toàn thể CBNV và NLĐ vì xác định đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cơ hội để Natexco chuyển biến về mọi mặt như: nền tảng sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lâu dài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Natexco phát huy chuỗi cung ứng, có sản phẩm hoàn chỉnh theo chuỗi mang thương hiệu của Tổng Công ty.

Theo khảo sát của đoàn chuyên gia thuộc Tập đoàn Coats, Natexco đáp ứng được cơ bản trên 90% các yêu cầu về máy móc thiết bị và điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiết bị còn thiếu cần phải đầu tư đồng bộ. Ban Lãnh đạo Công ty đã xin ý kiến Tập đoàn về chủ trương đầu tư và nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của Tập đoàn về chủ trương cũng như cách thức triển khai. Cùng với đó, công tác đánh giá về phòng cháy chữa cháy, các yêu cầu về biển báo, đường đi, thoát hiểm, chính sách cho người lao động… cũng phải hoàn thiện theo yêu cầu của Tập đoàn Coats.

“Trong quá trình chuẩn bị, Natexco đã tiến hành sản xuất thử (từ khâu dệt vải) từ sản phẩm sợi chống cháy do Coats cung cấp để đánh giá và hiệu chỉnh các thông số, làm chủ công nghệ. Với công đoạn dệt thì đáp ứng ngay các thông số kỹ thuật, công đoạn may chuyên gia Coats đánh giá cao về tay nghề của người lao động tại Natexco, tuy nhiên công đoạn hoàn tất cần phải điều chỉnh một số vấn đề. Ngay sau đó, chúng tôi đã tiến hành sản xuất lại, ngay cả khi sản phẩm vải mộc sau dệt đã đạt các yêu cầu thì vẫn tiến hành dệt lại để đáp ứng các thông số kỹ thuật và cấu trúc vải cao về mật độ dọc, mật độ ngang, độ co… Đối với công đoạn nhuộm hoàn tất thì cần có sự điều chỉnh về thông số màu. Cuối tháng 7 vừa qua, 2 mẫu vải mới đã đạt các yêu cầu kỹ thuật và nhuộm đúng màu vải ngay lần đầu. Có thể nói, trong thời gian tương đối ngắn, với sự quyết liệt chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn, sự quyết tâm cao độ của nhóm dự án và tập thể CBNV Natexco, chúng ta đã có thể làm chủ được công nghệ từ khâu dệt – nhuộm và may. Và ngay trong tháng 8 này, các chuyên gia của Coats sẽ sang Việt Nam 2 tuần để tiếp tục triển khai khâu kéo sợi, tiến tới sản xuất những lô hàng đầu tiên trong tháng 8” – Phó Tổng Giám đốc Natexco nhấn mạnh.

Tiềm năng rộng mở về thị trường

Giám đốc điều hành Vinatex thông tin, mới đây, ngay trong đầu tháng 8/2024, phía đối tác do Coats chỉ định đã tiến hành đánh giá về về cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất, chế độ làm việc cho người lao động và các chính sách khác đối với nhà sản xuất. Kết quả, Vinatex đạt 92 điểm, con số tương đối cao cho lần đầu tiên đánh giá khi đây là mặt hàng mới mà Vinatex sản xuất lần đầu. Với một số thiết bị trong khâu hoàn tất còn thiếu, phía Vinatex sẽ đầu tư ngay để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường Mỹ và châu Âu. Trong quá trình đánh giá, Vinatex cũng kịp thời nắm bắt được tâm tư của người lao động để có điều chỉnh kịp thời. Hầu hết, tất cả NLĐ đều hài lòng về môi trường làm việc được cải thiện, công tác phòng ngừa rủi ro trong lao động được tăng cường, môi trường làm việc, phúc lợi cho người lao động được nâng cao, hướng tới việc xây dựng môi trường xanh, nhà máy xanh cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Ngay trong tháng 8 và tháng 9 này, chúng tôi sẽ sản xuất các đơn hàng với giá trị khoảng 500.000 USD để một số khách hàng thử nghiệm sản phẩm. Đây là bước rất quan trọng, để đánh giá thị trường, sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm trước khi tung ra thị trường, đón nhận những đơn hàng tiếp theo. Có thể nói, đây là những sản phẩm đặc thù, mang đặc tính kỹ thuật cao theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Mỹ và châu Âu, không phải sản phẩm đại trà cạnh tranh về giá. Do đó, nếu như sản phẩm được các nhãn hàng lớn đón nhận thì chắc chắn tiềm năng về thị trường sẽ rộng mở. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho thị trường 2 loại sản phẩm chủ lực gồm vải chống cháy từ nguyên liệu chống cháy (xơ, sợi chống cháy) và vải chống cháy từ nguyên liệu thông thường (bông, xơ) được phủ hóa chất chống cháy. 2 sản phẩm này đều đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất về vải chống cháy. Tuy nhiên với sản phẩm từ nguyên liệu chống cháy giá thành sẽ cao hơn, còn đối với sản phẩm được phủ hóa chất chống cháy, đặc tính kỹ thuật sẽ bị mất đi (khoảng từ 30 – 60 lần giặt) tùy vào chất liệu sợi cotton hay TC. Với thị trường nội địa, Vinatex và Coats kỳ vọng có thể mang tới các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam cho các đối tác khách hàng hiện nay đang phải nhập khẩu vải chống cháy từ nước ngoài. Tiến tới cung ứng ngay trong nước, thay thế các nhãn hàng đang cung cấp cho sản xuất FOB tại Việt Nam cho một số ngành nghề đặc thù. Cùng với đó, xây dựng chương trình truyền thông về cấp độ chất lượng vải theo đúng với 2 sản phẩm chiến lược do Vinatex sản xuất, tùy theo nhu cầu của từng khách hàng” – Ông Phạm Xuân Trình thông tin thêm.

Mới đây, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị đánh giá hệ thống phục vụ sản xuất chính thức trong khuôn khổ Dự án vải chống cháy hợp tác giữa Vinatex và Tập đoàn Coats. Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định: “Hiện trạng nhà xưởng bao gồm cả tổ chức, bố trí bên trong và cảnh quan bên ngoài đã hoàn toàn lột xác so với thời điểm 6 tháng trước đây khi đoàn công tác của Tập đoàn về khảo sát. Chỉ trong vòng hơn 4 tháng kể từ khi chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Coats, một khối lượng lớn công việc đã được hoàn thành”.

Chủ tịch đánh giá cao kết quả hoạt động của Dự án vải chống cháy và tuyên dương tập thể Ban quản lý dự án, Natexco đã nỗ lực, trách nhiệm trong triển khai công tác tổ chức và vận hành hoạt động trong thời gian qua. Kết quả đánh giá thử rất khả quan, đề nghị Ban quản lý dự án tiếp tục khắc phục theo khuyến nghị của chuyên gia tư vấn, phấn đấu đạt trên 80 điểm trong kỳ đánh giá chính thức. Dự án hiện đang đi đúng định hướng, bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả. Đề nghị Ban quản lý dự án nỗ lực hoàn thành việc sản xuất đơn hàng trong những tháng cuối năm 2024 như đã cam kết với đối tác. Đồng thời giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Ban quản lý dự án rà soát nhu cầu về nhân sự, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cũng như các vấn đề vướng mắc khác để chủ động báo cáo Tập đoàn xem xét hỗ trợ.

Bài Nam Cao


Các tin khác