Đổi mới, sáng tạo trong quản trị Công ty Mẹ Vinatex
Sáng 10/01, Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Dự Hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex. Cùng dự có Lãnh đạo Cơ quan điều hành, các Ban chức năng và đông đủ CBNV 2 văn phòng Tập đoàn.
Ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, Thủ trưởng Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Hà Nội thông tin kết quả SXKD Công ty Mẹ Tập đoàn năm 2023
Đánh giá kết quả hoạt động của Công ty Mẹ Tập đoàn năm 2023, ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, Thủ trưởng Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Hà Nội (VP1) cho biết, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập Vinatex, trong đó hoạt động SXKD của Công ty Mẹ Tập đoàn gặp rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, thống nhất cao, Vinatex đã hoàn thành kết quả SXKD với doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, bằng 104,4% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 377 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch. Trong đó, doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 1.997 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; lợi nhuận ước đạt 132,9 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch.
Mặc dù hoàn thành kế hoạch SXKD, nhưng hoạt động chung của Công ty Mẹ Tập đoàn vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác tham mưu, giúp việc của các Ban chức năng. Do đó, năm 2024 Cơ quan Văn phòng Tập đoàn cần tập trung vào đổi mới, sáng tạo, xây dựng hệ thống và giải pháp quản trị Công ty Mẹ Tập đoàn. Bên cạnh nhiệm vụ triển khai kế hoạch SXKD năm 2024, Cơ quan điều hành đề nghị các Ban chức năng triển khai công tác xây dựng hệ thống với các Ban xương sống như: Đầu tư và Phát triển, Quản lý Nguồn nhân lực, Tài chính Kế toán, Tổng hợp Pháp chế, Văn phòng… và thành lập mới Ban Quản trị rủi ro với mô hình 3 tuyến kiêm chức năng kiểm toán nội bộ. Cụ thể, (1) Ban Đầu tư và Phát triển: Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu năng lực sản xuất đơn vị thành viên; Xác định kế hoạch đầu tư; (2) Ban Quản lý Nguồn Nhân lực: Xác định chức năng nhiệm vụ của Công ty Mẹ, mối quan hệ giữa 2 văn phòng; Xây dựng chức năng nhiệm vụ các Ban chức năng và Ban kinh doanh; Phối hợp đề xuất giải pháp quản trị đối với một số chức năng: Pháp chế, chuyển đổi số, quản trị các khoản đầu tư…; Công tác đào tạo, giải pháp làm việc Agile; (3) Ban Tài chính kế toán: Giải pháp tài chính để hỗ trợ năng lực đơn vị thành viên; Giải pháp kế toán quản trị; (4) Ban Tổng hợp Pháp chế: Thực hiện quản trị khoản đầu tư: Kế hoạch – Thực hiện – Đánh giá thông qua Người đại diện; Giải pháp xây dựng hành lang pháp chế quy chế, quy định cho Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên; (5) Văn phòng: Nâng cấp giải pháp làm việc E-office; Tiếp tục thực hiện 5S hướng đến quản trị mục tiêu công việc; (6) Thành lập mới Ban Quản trị rủi ro: Đánh giá, khuyến nghị các rủi ro trong hoạt động của Công ty mẹ Tập đoàn.
Ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành, Thủ trưởng Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM (VP2) kiến nghị, để nâng cao hoạt động chuyên môn và sự phối hợp giữa VP1 và VP2 thì cần có cơ chế về xây dựng KPI cho từng chuyên viên và các Ban chức năng. Khi đó, việc xây dựng các cơ chế về lương, thu nhập khi hoàn thành KPI cũng cần được cân nhắc để từng cá nhân có thể phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo trong công việc chuyên môn, cũng như đảm bảo thời gian hoàn thành công việc theo quy định.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex gợi mở 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 cho Cơ quan Văn phòng Tập đoàn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị, mỗi năm, Cơ quan Văn phòng Tập đoàn nên xác định các công việc trọng tâm, có nội dung chuyên sâu, các công việc không quá rộng phải thực hiện trong nhiều năm. Người quản trị vốn tại Công ty Mẹ phải chấp nhận quy luật của thị trường, không nên đặt ra danh mục đầu tư không có rủi ro.
Gợi mở các công việc trong năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, 2 văn phòng Tập đoàn cần có sự thay đổi về chất, có cải thiện trong một vài năm tới. Cụ thể: (1) Cơ chế hoạt động và phân cấp phân quyền: Rà soát lại và thực hiện nghiêm cơ chế, quy định của người đại diện vốn của Tập đoàn tại DN. Trong đó, tập trung vào việc tập huấn người đại diện vốn, các quy trình tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin giữa người đại diện vốn và các Ban chức năng của Tập đoàn. Mục tiêu năm 2024, là các văn bản trả lời có thể “thỏa mãn” người đại diện vốn tại tất cả các đơn vị, đón mùa đại hội đồng cổ đông năm 2024 với tâm thế mới cho người đại diện vốn. Đồng thời, thực hiện khảo sát 360 độ với người đại diện vốn nhằm đánh giá về việc trả lời người đại diện vốn tại Công ty Mẹ Tập đoàn, tập trung về hành chính, các nội dung chỉ đạo, tài chính, pháp chế, kế hoạch, đầu tư… (2) Cơ quan điều hành Tập đoàn nghiên cứu xây dựng kế hoạch về việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên 100% vốn, các chi nhánh… theo hình thức tăng vốn chủ sở hữu để các DN có điều kiện, động lực phát triển; (3) Xây dựng động lực làm việc, sự gắn kết, yêu nghề, hiểu nghề của CBNV Cơ quan văn phòng Tập đoàn với thu nhập hấp dẫn, gồm lương cứng và lương theo hiệu suất công việc.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh sự phối hợp giữa 2 văn phòng cần hiệu quả hơn, phát huy hơn nữa vai trò của VP2
Kết luận Hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, thực hiện kế hoạch SXKD của Công ty Mẹ Tập đoàn về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên kết quả không đạt như kỳ vọng, vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục.
Về những điểm sáng trong năm 2023, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Công ty Mẹ đã hoàn thành kế hoạch thoái vốn, bán tài sản… tương đương 42% lợi nhuận công ty mẹ năm 2023. Mảng kinh doanh đồng phục tăng 2% với việc nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Đồng thời, các chi phí liên quan tới văn phòng năm 2023 tiết kiệm được khoảng 11% so với cùng kỳ. Đồng thời, các Ban chức năng đã chủ động hơn trong công việc, công tác tham mưu, tư vấn chuyên môn cho Cơ quan điều hành và các đơn vị thành viên. Đội ngũ chuyên viên trẻ tích cực tham gia các hoạt động của Tập đoàn, nhiều nhóm hoạt động mềm đã được đội ngũ chuyên viên trẻ thực hiện, triển khai và bước đầu có hiệu quả. Công tác 5S được thực hiện đã xây dựng môi trường làm việc văn minh, cán bộ nhân viên được phát huy hết năng lực chuyên môn. Cùng với đó, mặc dù hoạt động SXKD rất khó khăn, nhưng các khoản phúc lợi, bảo hiểm, nghỉ mát, đồng phục… vẫn được duy trì.
Song song với các công việc đã triển khai, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục, trong đó hệ thống các quy định, quy chế còn thiếu, triển khai còn thiếu thống nhất, tồn tại nhiều rủi ro. Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đề nghị, năm 2024 thị trường còn nhiều khó khăn, với kế hoạch lợi nhuận Công ty Mẹ năm 2024 đạt 140 tỷ đồng tăng 6% so với năm 2023, công tác thoái vốn cần duy trì, tiếp tục làm tốt khai thác đơn hàng nội địa, tiết giảm tối đa chi phí của cơ quan văn phòng, góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD của Công ty Mẹ; Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế nội bộ của các Ban chức năng; Bám sát và triển khai các nhiệm vụ đã đề ra trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2022 – 2025; Ban QLNNL cần chủ trì về việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức chức năng Công ty Mẹ. Sự phối hợp giữa 2 văn phòng cần hiệu quả hơn, phát huy hơn nữa vai trò của VP2 trong quản lý và hỗ trợ các DN phía Nam; Các Ban chuyên môn cần thảo luận đưa ra quy trình, quy chế quản trị đối với các DN trọng yếu của Tập đoàn, tương tác tốt với các đơn vị thành viên, kiểm soát thường xuyên thông tin thông suốt để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng khi cần thiết. Đặc biệt, sớm thành lập Ban Quản trị rủi ro trong năm 2024.
“Cơ quan Điều hành Tập đoàn cam kết sẽ tạo dựng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, xây dựng các quy định, quy chế đánh giá, đãi ngộ công bằng, cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo cơ hội để các cán bộ của VP Tập đoàn phát huy hết khả năng của mình, yên tâm và tâm huyết với công việc, vì một Vinatex phát triển bền vững”- ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Ban chức năng đã trình bày tham luận về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, trong đó tập trung vào công tác đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, pháp chế, xây dựng 5S…
Quang Nam