Doanh nghiệp thuộc Vinatex hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão YAGI gây ra


Trong ngày hôm nay (7/9), bão số 3 (bão YAGI) đã đổ bộ Quảng Ninh – Thái Bình rồi quét qua toàn bộ miền Bắc nước ta với cường độ khoảng cấp 11-12, giật cấp 14.

Bão số 3 hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi của Philippines, mạnh lên thành bão vào đêm 1/9, đi vào Biển Đông sáng 3/9, trở thành siêu bão trong sáng 5/9. Đây là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 tính đến hiện tại và là Top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên biển Đông.

Ảnh mây vệ tinh siêu bão YAGI

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, YAGI đang là cơn bão duy nhất mạnh lên thành siêu bão và đổ bộ trực tiếp nước ta. Bão cũng lập kỷ lục tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam khi mạnh lên 8 cấp trong hai ngày. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia phát đi cảnh báo rủi ro thiên tại Cấp độ 4 và là lần đầu tiên trong lịch sử, cấp độ rủi ro thiên tai này được sử dụng ở vịnh Bắc Bộ nước ta, cho thấy mức độ nghiêm trọng và khả năng tàn phá của siêu bão lịch sử này. Đến thời điểm hiện tại, bão YAGI đã đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội.

Để chủ động ứng phó kịp thời với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, ngày 4/9, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phát công văn Hỏa tốc yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng chống cơn bão. Cụ thể: Lãnh đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão, phân công trực ban liên tục 24/24 giờ, lên kế hoạch, phương án, bố trí nhân lực và phương tiện tại chỗ trong thời gian mưa bão đế kịp thời ứng phó giải quyết sự cố, công việc. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ủy ban phòng chống lụt bão tại địa phương, thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến của bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của đơn vị. Chủ động đánh giá tác động, ảnh hưởng của bão số 3 đến hoạt động của đơn vị và phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, lãnh đạo đơn vị chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để ứng phó kịp thời với cơn bão số 3; tổ chức sản xuất hợp lý và phòng, chống mưa lũ do ảnh hưởng sau bão. Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo về tình hình, diễn biến của cơn bão số 3 đến các đơn vị. Tuyên truyền vận động CBNV, người lao động tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động phòng, chống bão; chủ động sắp xếp công việc, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất, nhất là người lao động làm việc ngoài trời; sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ theo yêu cầu và sự phân công của lãnh đạo đơn vị.

Nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, các doanh nghiệp dệt may, sợi thuộc VINATEX đã cấp tập có những hành động chuẩn bị phòng và chống bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội cho biết, tại các nhà máy đều có đội ứng trực phòng chống bão, giữ an toàn ở các khu vực nhà xưởng ở Nam Đàn, Nghi Lộc. Tại Nhà máy ở khu vực Đồng Văn đến chiều ngày 7/9 có một số cây bị đổ, kho bông 2 bung 3 tấm tôn, thủng vách tường, nhà mày đã nhanh chóng gia cố lại và triển khai gia cố cho cả kho bông 1. Tại đây, công nhân làm hết ca sáng được bố trí ở lại nhà văn phòng khu may 2 để nghỉ ngơi và làm ca đêm theo lịch đổi ca.

Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, May 10 đã chuẩn bị kịp thời các phương án phòng chống và ứng phó với siêu bão, cử bộ phận xung kích trực tại các nhà máy. Ngày 7/9, May 10 cho toàn bộ CNLĐ nghỉ việc, cơ bản các Nhà máy của May 10 đã giữ được an toàn về tài sản và người, duy chỉ có Xí nghiệp Veston Hưng Hà bị bay mái khu vực lò hơi và mái nhà xưởng 1 có nguy cơ bật nóc, theo dõi diễn biến của cơn bão, nếu thấy ngưng gió, bộ phận xung kích đang trực chiến tại nhà máy sẽ tiếp tục cho bao cát lên nóc cùng các biện pháp gia cố nóc xưởng.

Tại Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, lãnh đạo Tổng Công ty thông tin, đến 17 giờ 30 phút ngày 7/9, tình hình gió to, gió giật đã giảm  nhưng mưa rất to. Các đơn vị tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình mưa bão như: Ca sáng làm kéo dài, ca chiều chủ động vào sớm hơn để tránh thời điểm bão lớn. Khoảng 16 giờ 20 phút, Nhà máy Hoà Xá mất điện do sự cố lưới điện của Thành phố, Tổng Công ty đã kịp thời liên hệ đề nghị Điện lực Thành phố khắc phục sự cố. Đến thời điểm hiện tại, do gió giật mạnh, Dệt May Nam Định có một số ít cây lâu niên ngã đổ, chưa có thiệt hại về tài sản, người lao động được đảm bảo an toàn.

Ông Phạm Văn Tuyên- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8/3 cho biết, Công ty đã triển khai phòng chống bão từ ngày 5/9. Công ty đã thuê cẩu đưa các bao cát lên mái ở những điểm xung yếu; hệ thống chống sét được gia cố thêm; hệ thống thoát nước mưa được nạo vét; cắt tỉa cành cây để hạn chế tối đa cây đổ; cho xe đưa đón công nhân. Công ty yêu cầu Trưởng ban PCCC-CHCN, toàn bộ Ban Giám đốc nhà máy, các Trưởng công đoạn, Trưởng các phòng đều có mặt và trực tại nhà máy. Chiều ngày 7/9, một số cây to bị đổ, Nhà máy của 8/3 đã bị cắt điện. Sau đó, điện lưới đã có trở lại, nhưng chưa ổn định, ngoài trời mưa và gió cường độ mạnh nên Ban lãnh đạo Công ty đã thông báo đến toàn thể NLĐ đóng máy vào lúc 15 giờ chiều, đến 19 giờ bão đã dần suy yếu tại khu vực Hưng Yên nên Ban lãnh đạo Công ty quyết định ca sáng ngày mai (8/9) sẽ diễn ra bình thường. Việc phải đóng máy sản xuất 16 tiếng gây thiệt hại không nhỏ cho đơn vị.

Ông Viên Minh Đạo- Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định cập nhật, Nhà máy hiện tạm ổn, giữ an toàn về người và tài sản. Ngay khi có thông báo về siêu bão, Nhà máy đã nghiêm túc triển khai các phương án phòng chống bão nên đã hạn chế tối đa thiệt hại. Với hệ thống cửa chắc chắn, Nhà máy đã kịp thời nẹp kỹ các cửa bên ngoài và chèn các kiện bông bên trong nên gió bão không ảnh hưởng đến hàng hóa, máy móc. Nhà máy phải dừng sản xuất do bị mất điện.

Tại Hưng Yên, KCN Phố Nối cơ bản an toàn, có đổ cây, khu vực nước thoát không bị ngập. Tổng Công ty May Hưng Yên cho công nhân về từ trưa ngày 7/9 khi gió chưa giật mạnh, đảm bảo an toàn nhà xưởng và tài sản. Công ty CP Tiên Hưng ghi nhận trong chiều 7/9 có gần chục cây to bị đổ gục, Công ty cũng cho công nhân ra về từ trưa để bộ phận trực bão chèn chắn hết các cửa, nóc xưởng, chặn bao cát tại các khu vực nhà xưởng, nhà kho…

Dưới đây là hình ảnh phòng chống và ảnh hưởng của bão YAGI tại nhà xưởng của các đơn vị:

Che chắn cẩn thận sản phẩm, máy móc tại Nhà máy của May 10

Chèn, chắn tại các cửa nhà xưởng của Tiên Hưng

Chèn, chắn tại các cửa nhà xưởng tại Sợi Nam Định

Gia cố nóc nhà xưởng bằng các bao cát

Nhà máy Sợi Hòa Xá dừng hoạt động do mất điện

Cây đổ ở khu vực nhà máy của Tiên Hưng

Cây đổ ở khu vực nhà xưởng 8.3

 

Cổng thông tin điện tử Vinatex sẽ tiếp tục cập nhật công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng bởi siêu bão YAGI của các doanh nghiệp trong hệ thống…

N.G


Các tin khác