Doanh nghiệp nỗ lực, lao động sẻ chia
Trong bối cảnh các đơn hàng bị sụt giảm khi các thị trường xuất khẩu chính bị thu hẹp, các doanh nghiệp (DN) trong hệ thống của Vinatex đang nỗ lực duy trì sản xuất bằng việc tích cực tìm kiếm đơn hàng, đa dạng hóa mặt hàng, thực hành tiết kiệm và hơn hết là sự đồng lòng của tập thể ban lãnh đạo, CBNV và toàn thể NLĐ nhằm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn kéo dài.
Đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa mặt hàng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Với con số trên, đây là mức giảm sâu nhất trong quý I tính từ năm 2009 đến nay. Thị trường đột ngột co hẹp không chỉ bởi lạm phát, xung đột địa chính trị kéo dài từ nửa cuối năm 2022 tới năm 2023 mà tình hình tài chính, sự phá sản của các ngân hàng tại Mỹ, Châu Âu đã kéo theo những dự báo xấu về một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể diễn ra trong tương lai gần. Trong bối cảnh cầu dệt may suy giảm, các DN dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức nặng nề khi các đơn hàng bị giảm về quy mô, thậm chí là đơn giá. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Tổng Công ty đã phải linh hoạt chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, tập trung vào khâu thế mạnh nhằm duy trì việc làm cho NLĐ, ổn định sản xuất.
“Với tình hình SXKD như hiện nay, để duy trì được sản xuất cần phải thay đổi sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì và phát triển khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời, nâng cao hiệu quả SXKD, chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp cụ thể như: tự động hoá các khâu sản xuất chính, cân đối dây chuyền một cách hợp lý, tính toán mặt hàng sản xuất tối ưu, triệt để nhằm tiết kiệm nguyên liệu từ bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng. Ngoài ra, Tổng Công ty sẽ tăng cường đầu tư vào khâu sản xuất vải thành phẩm, ổn định chất lượng khâu in nhuộm và hoàn tất để nâng cao hiệu quả, gia tăng lợi nhuận và giải quyết việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, để phát triển doanh số và mở rộng thị trường, chúng tôi sẽ tăng cường nhân lực cho bộ phận kinh doanh thị trường; áp dụng các hình thức khuyến khích như thưởng doanh thu, tăng cường khâu tiếp thị bán hàng qua các kênh khác nhau (bao gồm các kênh truyền thống và các kênh bán hàng online như Amazon, Alibaba, trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube…”- Tổng Giám đốc Việt Thắng nhấn mạnh.
Một lãnh đạo DN lớn tại khu vực miền Trung chia sẻ, với tình hình đơn giá thấp như hiện nay, để duy trì các đơn hàng thì doanh nghiệp phải “bù lỗ” cho sản xuất bằng nguồn quỹ trích lập dự phòng trước đó. Quan tâm hàng đầu hiện nay của đơn vị là đảm bảo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động có thể ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập trước diễn biến xấu nhất của thị trường. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng bày tỏ, các DN cần xây dựng tốt văn hóa doanh nghiệp, văn hóa chia sẻ để NLĐ có thể thấu hiểu và cùng đồng hành khi SXKD gặp khó khăn.
Bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho biết, thực tế năm 2022, Tổng Công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng có dấu hiệu “đảo chiều” và thu hẹp. Nếu như trước đây thế mạnh của May Hưng Yên là sản xuất các mặt hàng dệt thoi, các sản phẩm thời trang nữ cao cấp, quy mô nhỏ, thì năm 2022 Tổng Công ty cũng đã phải đầu tư thêm máy móc, dây chuyền để sản xuất các mặt hàng dệt kim có giá rẻ hơn nhưng quy mô đơn hàng lớn để duy trì sản xuất. Với tình hình bất định của năm 2023, chắc chắn Tổng Công ty vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng, chấp nhận sản xuất các đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu kỹ thuật cao để duy trì sản xuất thông qua đầu tư chiều sâu vào máy móc và thiết bị. Đồng thời, xây dựng các phong trào sáng kiến, sáng tạo để nâng hiệu quả sản xuất.
Khác với các đơn vị khi chuyển đổi mặt hàng, đa dạng hóa sản xuất, Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10) lại lựa chọn phát triển và chú trọng tiêu thụ trong nước. Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, nhằm chinh phục khách hàng trong nước, đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm do May 10 thiết kế, May 10 đã liên tục ra mắt thương hiệu thời trang nữ cao cấp DeTheia và thương hiệu thời trang nam Generos – hướng tới phân khúc khách hàng trẻ, kỳ vọng sẽ mang lại một luồng gió mới cho những người yêu thời trang Việt. Bên cạnh xây dựng các thương hiệu thời trang nội địa, May 10 cũng tập trung vào phát triển mảng đồng phục, may đo vốn là lợi thế của Tổng Công ty trong những năm qua.
Duy trì sản xuất nhờ thực hành tiết kiệm
Lãnh đạo Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP bày tỏ, ngoài các biện pháp về đa dạng hóa mặt hàng, phát triển dòng hàng thế mạnh, Việt Thắng còn triển khai thực hành tiết kiệm trên toàn bộ hệ thống, trong đó tập trung vào tiết kiệm bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng.
“Với bông xơ, vật tư, phụ tùng, chúng tôi tập trung tăng cường tuyên truyền về việc tiết kiệm trong sản xuất, áp dụng triệt để 5S vào trong sản xuất để giảm tiêu hao; tính toán bảo trì bảo dưỡng khoa học, hợp lý theo quy trình để đạt được hiệu quả về hoạt động máy móc nhưng vẫn giảm tiêu hao phụ tùng. Đối với năng lượng, tính toán giờ cao điểm và thấp điểm trong sản xuất theo quy định của ngành Điện lực để đạt hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng điện. Ngoài ra, Tổng Công ty còn đầu tư thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng kiểu cũ bằng các hệ thống chiếu sáng Led mới tiết kiệm năng lượng; Lắp pin năng lượng mặt trời để có nguồn năng lượng xanh sạch đáp ứng một phần cho sản xuất; đầu tư chiều sâu vào các máy móc thiết bị mới sử dụng biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng…” – Tổng Giám đốc Việt Thắng cho biết.
Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, Tổng Công ty đã triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cho quản trị tài chính và quản lý nguồn nhân lực. Năm 2023, May 10 đưa ra khẩu hiệu “chọn việc khó” để mỗi thành viên đều thấm nhuần và sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp. Cùng với đó, là triển khai triệt để tiết kiệm trên mọi lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: tiết giảm mọi chi phí không mang lại hiệu quả; sửa chữa, cải tạo các thiết bị cũ thành các máy chuyên dùng; sử dụng văn phòng phẩm tiết kiệm; tiết kiệm điện, nước sinh hoạt… Đồng thời, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thường xuyên được xem xét và ban hành lại các định mức về lao động, nguyên phụ liệu…
“Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, TCT May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng”- Tổng Giám đốc May 10 nhấn mạnh.
Người lao động nỗ lực bám việc, bám nghề
*Chị Nguyễn Thị Hà – Công nhân suốt da, Nhà máy Sợi Đồng Văn, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex)
Gắn bó với Hanosimex nhiều năm, với tôi Hanosimex đã trở thành một ngôi nhà thứ 2 để mình gửi trọn niềm tin vào công việc mỗi ngày. Mỗi ngày tới mở máy, tôi càng thấy thêm gắn bó với công việc mình lựa chọn. Trong kinh doanh, chắc hẳn sẽ có những lúc thăng trầm, với NLĐ như chúng tôi ai cũng mong muốn được ổn định việc làm, đơn hàng để có thu nhập đảm bảo chất lượng cuộc sống, tuy nhiên với những thời điểm đơn vị gặp khó khăn, chúng tôi nhận thấy mình cũng cần có trách nhiệm chia sẻ, sẵn sàng ủng hộ các giải pháp ứng phó của Ban lãnh đạo, từ tiết kiệm, cắt giảm chi phí đến nâng cao năng suất lao động, đón nhận đơn hàng mới, khó…
Hiện tại, mặc dù tình hình đơn hàng, lượng hàng tồn kho còn nhiều, nhưng không vì thế mà đơn vị cắt giảm giờ làm, giãn ca của NLĐ. May mắn là thời điểm này không như một số doanh nghiệp tư nhân phải cắt giảm giờ làm, thậm chí cho CNLĐ nghỉ việc… chúng tôi vẫn có việc làm đều đặn, tuy thu nhập có giảm nhẹ so với năm 2021, đầu 2022 khi thị trường sợi hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, mặc dù còn khó khăn, nhưng Tổng Công ty, Công đoàn, Đoàn Thanh niên vẫn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tổ chức thêm các sân chơi văn hóa, thể dục thể thao cho đoàn viên, người lao động sau giờ làm. Các chính sách, chế độ vẫn được duy trì đều đặn. Có thể nói, đó là một nỗ lực rất lớn của Hanosimex đối với NLĐ khi tình hình đơn hàng, thị trường chưa có nhiều tín hiệu phục hồi như hiện nay.
Mong muốn của tôi cũng như những đồng nghiệp khác là khi thị trường ấm lên, Tổng Công ty sẽ có những chính sách phù hợp cho NLĐ, để chúng tôi tiếp tục gắn bó, thêm yêu công việc và hơn hết là xây dựng Hanosimex ngày càng vững mạnh, phát triển.
*Anh Trần Ngọc Kiên – Tổ Phó tổ đóng gói, Nhà máy Sợi 1, Công ty CP Vinatex Phú Hưng
Là một trong những công nhân đầu tiên của Công ty, gần 10 năm gắn bó, chứng kiến nhiều sự thay đổi của Công ty, chúng tôi không nghĩ rằng thời điểm này là khó khăn nhất của đơn vị. Tôi còn nhớ, những ngày đầu thành lập khi chưa có những đơn hàng xuất khẩu, khó khăn chồng khó khăn, nhưng anh em vẫn động viên nhau bám máy, cùng với quy mô nhà máy còn nhỏ, sản lượng sợi đầu ra còn thấp, thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng, thu nhập tương đối bấp bênh, chỉ bằng 1/3 so với hiện tại. Trải qua những thời điểm như vậy, nhưng những người công nhân ở Vinatex Phú Hưng vẫn đồng lòng, giúp đỡ nhau và quyết tâm bám trụ với nghề.
Khi Công ty mở rộng thêm nhà máy số 2, quy mô lớn hơn, đời sống của NLĐ dần ổn định và có mức thu nhập tốt. Mặc dù hiện nay lượng hàng tồn còn nhiều, giá bán còn thấp, nhưng lương và chế độ cho NLĐ vẫn được duy trì đều đặn, ngày lễ Tết vẫn có thưởng cho NLĐ, đó là động lực lớn với chúng tôi. Tuy thời điểm này có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cùng nhau cố gắng, đoàn kết. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra như trong đợt dịch Covid-19, nhà máy phải đóng cửa, chúng tôi vẫn sẽ gắn bó cùng Công ty, để khi thị trường phục hồi có thể nhanh chóng giữ được nhịp sản xuất.
Thay mặt anh em trong nhà máy, chúng tôi cảm ơn Ban lãnh đạo Công ty đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho NLĐ. Đó là những gì chúng tôi thấy trân quý, trân trọng và cũng là lý do để mỗi NLĐ tiếp tục phấn đấu, gắn bó và đồng hành cùng Công ty trong những chặng đường tiếp theo.
*Anh Hoàng Văn Lâm – Kỹ thuật chuyền, Xí nghiệp may Việt Long, Tổng Công ty CP May Việt Tiến
Là Bí thư Chi đoàn, hàng tháng tôi thường tổ chức một buổi gặp mặt chuyên đề để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xí nghiệp, đồng thời nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của NLĐ để kịp thời đề xuất lên ban lãnh đạo. Thực tế trong thời gian qua, đã có trường hợp các xí nghiệp bị non tải. Xí nghiệp May Việt Long cũng có một thời gian ngắn thiếu hàng, nguyên phụ liệu về trễ hơn so với dự kiến… tôi cùng các bạn ĐVTN đã cùng nhau hỗ trợ khâu cuối (đóng gói, phân loại tem, nhãn mác sản phẩm…) các công đoạn làm ngoài giờ để chuẩn bị cho sản xuất khi nguyên phụ liệu về đủ. Hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xí nghiệp vẫn được Tổng Công ty giao đủ đơn hàng để sản xuất. Tuy nhiên, các đơn hàng hiện nay có quy mô nhỏ, đa dạng nên việc bố trí sản xuất sẽ gặp khó khăn hơn.
Vừa qua, Tổng Công ty đã thay thế mới lò hơi từ nhiên liệu đốt than sang lò hơi điện, do đó hiện tại các đơn hàng có tính phức tạp cao, có tính chuyên biệt đang được bố trí cho xí nghiệp để sản xuất. Tuy rằng không còn các đơn hàng tính dài hơi theo quý, nhưng với tình hình như hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với những đơn vị khác. Các chế độ về lương, thưởng vẫn được Tổng Công ty duy trì, đảm bảo. Thu nhập trung bình hiện nay của xí nghiệp vẫn cao so với mặt bằng chung, vì vậy không xảy ra nhiều biến động về lao động. Cũng may mắn khi xí nghiệp hiện đang tiếp tục mở rộng về quy mô và đầu tư chiều sâu, nên thời gian qua đã tuyển dụng được một số lao động trẻ có tay nghề. Nếu trường hợp xấu mà đơn hàng không đủ sản xuất, mong muốn lớn nhất của tôi cũng như các ĐVTN là Tổng Công ty có thể bố trí làm các công việc khác, hoặc có chế độ phù hợp để NLĐ duy trì cuộc sống, yên tâm bám việc, bám nghề.
Quang Nam (ghi)