Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó khi lao động nhiễm Covid – 19 gia tăng
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nhưng ngành Dệt May Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt kim ngạch xuất khẩu 40,45 tỷ USD, vượt qua mức cao nhất trước đại dịch, duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thành tích chung của ngành Dệt May Việt Nam, Vinatex vẫn phát huy được vai trò đầu tầu, hạt nhân với kết quả tốt nhất trong 26 năm qua: lợi nhuận hợp nhất đạt mức lịch sử 1.446 tỷ, gấp 2,5 lần năm 2020 và gấp 1,9 lần năm 2019 là năm trước đại dịch.
Với những thành tích đã đạt được trong năm 2021, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã bước vào năm 2022 với tâm thế lạc quan và kỳ vọng vào một năm sản xuất thắng lợi, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hiện tại, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã có đơn hàng đến hết quí 3. Đặc biệt, với mặt hàng đặc thù như Veston các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2022.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung và thuộc Vinatex nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng người lao động bị nhiễm Covid – 19 gia tăng gây ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Bà Trần Tường Anh- Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, tính đến ngày 7/3/2022, tổng số người lao động bị F0, F1 của toàn Tổng Công ty là 1.719 ca, chiếm 15% tổng lao động. Đối với người lao động là F0 được Công ty cho nghỉ việc để điều trị theo thời gian quy định của Bộ Y tế, hưởng các chế độ ốm đau theo quy định của BHXH. Sau khi khỏi bệnh đi làm lại, người lao động được hỗ trợ 300.000 đồng và ăn ca theo chế độ bồi dưỡng riêng trong 2 tuần. Đối với các trường hợp là F1 thì vẫn đi làm bình thường và xét nghiệm theo định kỳ. Ngoài ra, Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc quy định 5K, chủ động thực hiện các biện pháp để tăng cường sức khỏe bản thân.
“Do số lượng người lao động phải nghỉ nhiều nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, người lao động sau khi khỏi bệnh đi làm lại thì sức khỏe còn yếu, chưa bắt kịp nhịp độ lao động thường ngày dẫn đến năng suất lao động giảm. Công ty đang phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh thời gian giao hàng, sắp xếp lại kế hoạch và ưu tiên lao động để sản xuất các đơn hàng có tiến độ gấp. Những người lao động trước đây làm việc gián tiếp đã được tăng cường vào để trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng phương án, bố trí khu làm riêng, ăn riêng cho các F0 đi làm khi được sự cho phép của chính quyền và ngành y tế”- bà Trần Tường Anh chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP Bạch Thăng Long cho biết, Tổng Công ty có nhà máy trải rộng tại nhiều địa phương nên tỉ lệ lao động bị F0 có sự khác nhau. Có nơi tỉ lệ F0 chỉ khoảng 10 – 15%, nhưng có nơi tới 40%.
“Theo quy định, NLĐ là F0 được nghỉ cách ly và điều trị tại nhà để đảm bảo sức khỏe. Với đơn vị có nhiều F0 thì vẫn phải duy trì sản xuất nhưng được Công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều chuyển lao động ở đơn vị có ít người F0 sang làm việc”- ông Bạch Thăng Long nhấn mạnh.
Theo bà Đàm Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 thì từ sau Tết Nguyên đán đến nay số NLĐ bị F0, F1 của Công ty tăng vọt, chiếm khoảng hơn 40%. Đối với NLĐ phải cách ly, bên cạnh việc duy trì việc đóng BHXH thì Công ty còn hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày và phát kit test nhanh cho NLĐ. Các trường hợp là F1 vẫn đi làm bình thường và được Công ty bố trí khu làm việc riêng biệt. Ngoài ra, để đối phó với tình trạng thiếu lao động do phải cách ly, Công ty đã linh hoạt trong việc chuyển đổi ca làm việc cho phù hợp để hỗ trợ các bộ phận, công đoạn có nhiều F0, F1 đảm bảo sản xuất.
Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Quốc tế Phong Phú Nguyễn Thị Liên cho biết, số NLĐ của Công ty bị F0 trên toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 10%. “Với kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh trong năm 2021 và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất nên Công ty vẫn đảm bảo được hoạt động SXKD và thời gian giao hàng” – bà Liên nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm mới tăng một cách nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có công văn đề nghị các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các nội dung cụ thể sau: * Lãnh đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là, thiếu kiên trì, nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến diễn biến của dịch. Thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch và thông điệp “5K” trong công sở; không ban hành quy định nội bộ về phòng, chống dịch ở mức cao hơn quy định của Nhà nước. * Tiếp tục tiếp cận nguồn vacxin để tiêm liều tăng cường, liều bổ sung cho toàn bộ người lao động có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. * Chỉ đạo hệ thống y tế của đơn vị mình bố trí nhân lực tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời đối với những người bị mắc Covid-19. * Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức của CBNV, người lao động trong việc tuân thủ quy định về phòng chống dịch. Liên tục cập nhật và phổ biến cho CBNV và người lao động các quy định về phòng chống dịch của Nhà nước. Phổ biến các hướng dẫn: Hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” (ban hành kèm theo Quyết định 261/QĐ-BYT ngày 31-01-2022 của Bộ Y tế); “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19″ (ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28-01-2022 của Bộ Y tế)… |