Doanh nghiệp dệt may cấp tập thích ứng trước biến động của thị trường


Quý đầu của năm 2024, ngành May có nhiều tín hiệu tích cực với sự gia tăng số lượng đơn hàng nhưng đơn giá chưa cải thiện, ngành Sợi vẫn còn nhiều rủi ro khi giá bông vẫn neo ở mức cao và giá bán sợi có chiều hướng đi xuống. Đứng trước những thách thức này, các doanh nghiệp dệt may trong Vinatex đã xây dựng nhiều kịch bản nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, đảm bảo ổn định sản xuất và nâng cao hiệu quả.

Dưới đây là góc nhìn của một số đơn vị lớn thuộc Vinatex tại Hội thảo chuyên đề tháng 3 do Tập đoàn tổ chức vào cuối tháng 3/2024.

Ông Trần Hữu Phong – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng:

Về vấn đề bông hiện nay mà các doanh nghiệp sợi quan tâm, theo nhận định của chúng tôi thì với giá bông hiện tại khó có khả năng giá bông có thể xuống dưới 90 điểm phần trăm. Bởi vì, với các thị trường sản xuất bông lớn thì đang chuẩn bị kết thúc vụ mùa cũ và bước sang vụ mùa mới, cùng với đó là áp lực cho bông tháng 5 và tháng 7 còn tương đối lớn, vì vậy mà giá bông sẽ khó có cơ hội giảm sâu trong thời gian tới.

Với các doanh nghiệp ngành Sợi, nếu như thật sự có nhu cầu thì giá bông ở ngưỡng 90 – 91 cent/pound là có thể mua được để phục vụ cho sản xuất. Nếu như chờ đợi giá bông tiếp tục giảm, có thể mất đi những cơ hội khi giá bông hiện tại có thể nhập được cho sản xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần có những tính toán khi nhập bông giao vào tháng 8,9,10 nhằm chia sẻ rủi ro cho các đợt giao hàng bông vào tháng 12 nếu như giá bông cuối năm tiếp tục biến động.

Cùng với giá bán bông ít có khả năng giảm, giá bán sợi hiện nay đang đạt “đỉnh” so với năm 2023 và đang có chiều hướng quay đầu, với các đơn vị đã mua được bông giá 2,05 – 2,15 USD/kg thì đây là cơ hội để ngành sợi có lợi nhuận và cần phải chớp lấy cơ hội khi thị trường sợi có nhiều cải thiện so với cùng kỳ. Khi thị trường đi xuống, chắc chắn các DN ngành sợi sẽ mất đi cơ hội sau thời gian dài thị trường trầm lắng và giá sợi ở mức thấp kỷ lục như năm 2023. Liên quan đến các đơn hàng sợi trong quý 3, khả năng giá bông sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng trên 2 USD/kg cho tới ngày 21/6/2024 trong khi giá sợi tiếp tục trên đà giảm, đây chắc chắn sẽ là những rủi ro đối với ngành Sợi trong 6 tháng cuối năm.

Với Vinatex Phú Hưng, hiện nay chúng tôi xuất khẩu khoảng 50% vào thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này đang có xu hướng gia tăng các sản phẩm sợi recycle với nhiều loại xơ đa dạng. Do đó việc bố trí sản xuất với nhiều chủng loại xơ, thời gian giao hàng nhanh (thời gian khoảng 1 tháng cho 200 – 300 tấn sợi) cũng đặt ra rất nhiều yêu cầu trong sản xuất. Với thị trường Hàn Quốc, Philippines mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng đơn giá tương đối thấp, thậm chí thấp hơn cả thị trường Trung Quốc. Nhiều khách hàng cũng đặt ra những nhiều yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc bông, ví dụ 100% sử dụng bông Úc, 100% sử dụng bông Mỹ… và nếu như khách hàng kiểm tra phát hiện ra sai nguồn gốc có thể bị phạt rất nặng trong khi giá bông tại 2 thị trường này tương đối cao và có ít hiệu quả so với bông của các khu vực khác.

Ông Nguyễn Hùng Quý – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tổng Công ty Dệt May miền Nam – Vinatex (VSC):

Theo ghi nhận thực tế tại VSC, 6 tháng đầu năm nguồn hàng tương đối dồi dào so với năm 2023 tuy nhiên đơn giá gia công vẫn chưa quay trở lại so với thời điểm 2019 – năm trước dịch Covid-19. Việc đơn hàng tốt lên một phần là do sự dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia chứ không phải do tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ hay EU. Sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất này bắt nguồn từ một số quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sang thị trường Việt Nam. Với thị trường Mỹ – thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng – bầu cử Tổng thống Mỹ và đạo luật chống cưỡng bức… đang “nóng” dần lên khiến cho các nhãn hàng phải tính toán và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng, và đây là một trong những xu thế tạo ra đơn hàng cho dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Về 6 tháng cuối năm, VSC đang làm việc với rất nhiều khách hàng, tuy nhiên vẫn chưa thể chốt được các đơn hàng do khách hàng còn tương đối dè chừng trước diễn biến của thị trường. Nhưng nhờ việc hợp tác với nhiều Tập đoàn và khách hàng lớn, VSC có niềm tin về năm 2023 có thể hoàn thành các kế hoạch SXKD, cũng như đủ đơn hàng sản xuất cho năm 2024.

Ông Nguyễn Đăng Lợi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân:

Với Dệt kim Đông Xuân, đến hết quý 2, ngành vải dệt kim đã đặt có sự tăng trưởng khoảng 25% so với cung kỳ, khối lượng trung bình khoảng 130 tấn/tháng. Cùng với đó ngành may FOB cho khách hàng Nhật Bản về cơ bản đã có đủ đơn hàng tới hết quý 3/2024. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành, mặt bằng chung về đơn giá đều chưa có sự cải thiện nhiều so với 2023.

Năm nay một số khách hàng của Đông Xuân như Aeon, Itochu, Organ… đều đã tăng đơn đặt hàng. Nếu xét về chất lượng sản phẩm, đối tác Aeon đánh giá cao sản phẩm của Đông Xuân so với các sản phẩm FOB đến các đối thủ trong khu vực. Còn với Itochu, mặc dù có sự tăng trưởng chậm nhưng đây cũng là một khách hàng tiềm năng với các sản phẩm đặc thù cho thị trường Nhật Bản.

Mặc dù thị trường đã “ấm” hơn so với năm 2023, nhưng phía Đông Xuân cũng gặp một số khó khăn nội tại khi cạnh tranh lao động tại khu vực Hưng Yên ngày càng gay gắt. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì số lượng lao động nghỉ việc nhiều hơn so với số lượng lao động tuyển dụng mới. Cùng với đó, trang thiết bị mặc dù đã được đầu tư chiều sâu, nhưng vẫn còn nhiều thiết bị cũ, công suất nhỏ… Do đó, ban lãnh đạo công ty đang tính toán để điều chuyển, thanh lý và tiếp tục đầu tư máy móc mới cho sản xuất. Đồng thời, Đông Xuân sẽ quyết liệt để tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng,với sự hỗ trợ từ phía Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ và Công ty CP Dệt May Huế. Đông Xuân kiên định trong thời gian tới, với thế mạnh về việc chuỗi cung ứng từ vải, Đông Xuân sẽ tiếp tục phát huy và chỉ sản xuất các đơn hàng FOB ngành hàng dệt kim với sản phẩm vải dệt kim khổ mở, được nhiều đối tác lựa chọn và đánh giá cao

Bà Hoàng Thùy Oanh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ:

Qua quá trình làm việc với các đối tác và các nguồn hàng trên thị trường, Hòa Thọ nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng hàng có nhiều tín hiệu tích cực, đơn hàng tại Hòa Thọ cũng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1 năm 2024, các khách hàng đã có kế hoạch dài hơn so với 2023, nếu như năm 2023 thì hầu hết khách hàng chỉ đặt hàng trong vòng 3 – 4 tháng thì bước sang 2024 đã có kế hoạch dài hơn 5 – 6 tháng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến về kế hoạch đặt hàng, còn hầu hết các khách hàng cũng tương đối thận trọng, từ lúc đặt đơn hàng chính thức cho tới xuất hàng chỉ 90 – 110 ngày, do đó các đơn vị trong Tổng Công ty phải theo dõi bám sát tình hình đơn hàng để có công tác chuẩn bị sản xuất tốt thì mới đáp ứng được tiến độ giao hàng.

Về kế hoạch đơn hàng cho 6 tháng cuối năm, nhất là quý 4/2024, hầu hết các khách hàng của đơn vị chưa có kế hoạch xa hơn vì cần phải tiếp tục theo dõi các diễn biến của thị trường. Đối với Hòa Thọ, đơn vị cũng sẽ bám sát diễn biến của khách hàng và thị trường để có các kế hoạch  đơn hàng cho những tháng cuối năm. Bên các đặc điểm về thị trường, việc cạnh tranh về giá cũng là một trong những vấn đề Hòa Thọ quan tâm. Nhiều khách hàng đưa ra giá mục tiêu  thấp hơn để đẩy nhanh lượng hàng bán ra hoặc đưa ra các chương trình hàng khuyến mãi để kích cầu. Do đó, để có thể theo được giá của khách hàng đưa ra thị trường, tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng phải rất cố gắng để đáp ứng được với đơn giá thấp như vậy. Tại Hòa Thọ, một số đơn hàng được yêu cầu giảm giá từ 8%-14%, đây cũng là những áp lực đối với ngành May của Hòa Thọ trong công tác tổ chức sản xuất để có giá thành cạnh tranh. Để có hiệu quả thì ưu tiên hàng đầu tại Tổng Công ty là thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất.

Cùng với đó, vấn đề căng thẳng tại biển Đỏ cũng đã  làm cho thời gian giao hàng dài hơn so với trước đây từ 10-14 ngày, khách hàng đề nghị đơn vị giao hàng sớm hơn để hạn chế mức độ bị ảnh hưởng, vì vậy đơn vị phải triển khai chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất cũng như duy trì tính linh hoạt trong quá trình triển khai đơn hàng để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Từ quý 4/2023, nhiều khách hàng Trung Quốc tìm tới thị trường Việt Nam đặt hàng bởi họ lo ngại các vấn đề về rủi ro thương mại, chuyển sang các nhà sản xuất ở các nước trong khu vực. Về mặt tích cực thì các doanh nghiệp Việt Nam có đơn hàng, nhưng sẽ có những rủi ro về xuất xứ hàng hóa, do đó Hòa Thọ liên tục cập nhật các thông tin từ Tập đoàn để chuẩn bị các hồ sơ về sản xuất để cung cấp khi hải quan Mỹ có yêu cầu.

Bà Nguyễn Hồng Liên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế:

Về tình hình đơn hàng may ngành hàng dệt kim 6 tháng đầu năm, theo nhận định của Ban SXKD May nói chung và Dệt May Huế nói riêng thì số lượng đơn hàng đều tăng cả về chất lượng cũng như quy mô đơn hàng. Tuy nhiên, cũng giống như năm 2023, đơn giá vẫn chưa có sự cải thiện và thấp hơn tương đối nhiều so với thời điểm thị trường thuận lợi. Việc đơn hàng có nhiều, quy mô lớn hơn giúp các doanh nghiệp có thể ổn định trong tổ chức và điều hành sản xuất, nhưng hiệu quả lại chưa cao. Do đó, để quý 1 và 2 năm 2024 có được hiệu quả, các doanh nghiệp phải bố trí và phân bổ chi phí sản xuất tiết kiệm nhất thì mới có hiệu quả.

Với đơn hàng dệt kim 6 tháng cuối năm 2024, các khách hàng Dệt May Huế đang giao dịch thì hầu hết đều nhận định lượng hàng hóa sẽ không có sự ổn định và mang tính chất bền vững. Mặc dù các khách hàng đang thực hiện nhiều giao dịch cho quý 3, thậm chí có khách hàng đã triển khai một số chương trình cho quý 4 nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức dự báo chứ chưa ký kết và chốt số lượng đơn hàng để sản xuất. Điều khó khăn nhất hiện nay của thị trường mà Dệt May Huế nhận thấy đó là thời gian giao hàng ngắn nhưng số lượng và quy mô đơn hàng lại tăng lên. Nếu như năm 2023 quy mô đơn hàng có tính chất nhỏ, đa đạng thì sang năm 2024 các đơn hàng đã có quy mô hàng trăm nghìn, thậm chí là trên 1 triệu sản phẩm, nhưng thời gian giao hàng rất ngắn, đòi hỏi đơn vị phải tổ chức sản xuất với nhịp độ nhanh, năng suất cao mới đáp ứng được tiến độ đơn hàng. Với Dệt May Huế, ngoài việc vừa giao dịch, vừa sản xuất, chúng tôi vẫn tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường, nắm bắt các nhu cầu để giữ chân khách hàng truyền thống bên cạnh xúc tiến và tìm kiếm cơ hội với các khách hàng mới khi thị trường quay trở lại.

Để đưa ra nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm, hầu hết tất cả các khách hàng đều đồng tình rằng rất khó để có thể đưa ra những con số cụ thể như 6 tháng đầu năm. Do đó, ngoài việc bám sát diễn biến của thị trường, các DN cũng cần xây dựng khung kịch bản mới, giúp quản trị sản xuất ổn định nếu như thị trường đột ngột đảo chiều so với 6 tháng đầu năm 2024.

Ông Đậu Phi Quyết – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP:

Hiện tại về thị trường xuất khẩu vải dệt thoi có sự cạnh tranh tương đối gay gắt. Nhiều khách hàng họ đưa lên bàn cân để so sánh giá vải thành phẩm và vải mộc từ Việt Nam đối với các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Điều này, thúc đẩy Việt Thắng phải tìm các giải pháp để tìm kiếm cơ hội cung cấp vải cho thị trường nội địa. May mắn với Việt Thắng, chúng tôi đã có những khách hàng cơ hữu, lâu năm đồng hành cùng đơn vị trong việc nhập vải cho sản xuất. Nhưng với sức ép giá của nhiều nhà cung cấp đang rẻ hơn, chúng tôi cũng đang phải tìm giải pháp để giảm giá thành đối với mặt hàng vải thành phẩm để có chính sách giá tốt nhất cho khách hàng nội địa nhằm xây dựng và mở rộng thêm những khách hàng mới bên cạnh các khách hàng lâu năm. Điều này sẽ là một trong những nhiệm vụ mà Việt Thắng ưu tiên khi thị trường xuất khẩu vải không còn nhiều dư địa cho phát triển.

Bài: Nam Cao


Các tin khác