Dệt May Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
Theo chủ trương chung của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng cho phát triển. Do đó, đây cũng là thời điểm các DN cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, hướng tới các mặt hàng giá trị gia tăng cao để tạo ra giá trị cho DN. Từ đó, xây dựng vị thế và triển vọng cho toàn ngành trong giai đoạn tới.
Xoay quanh những nhận định về nền kinh tế năm 2025 và triển vọng của ngành Dệt May Việt Nam, PV Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
KỲ VỌNG 2025
Theo nhận định của bà, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 liệu có khả thi?
Tôi cho rằng, lâu nay một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế là môi trường kinh doanh chậm được cải thiện, kể cả của hệ thống các cơ quan nhà nước. Các DN phải chờ đợi lâu để xin giấy phép, xin ý kiến của nhiều bộ ngành khác nhau và ngay cả ở địa phương cũng xảy ra tình trạng này. Điều này dẫn tới số lượng DN ngừng hoạt động trong năm 2023 và 2024 là rất cao, tương đương với khoảng 90% số DN mới thành lập. Với những DN mới đăng ký, phần lớn đều chưa thể hoạt động ngay, thậm chí chưa có thị trường, điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế bị sụt giảm trong mấy năm qua. Nguyên nhân chính của DN khi đóng cửa ngừng hoạt động phần lớn đều có nguyên nhân từ môi trường kinh doanh. Các quyết định về đầu tư mới thường bị chậm trễ, DN không thể chờ đợi khi quyết định đầu tư theo các yêu cầu của thị trường như xanh hóa… từ chính yêu cầu của người tiêu dùng và nhà nhập khẩu hàng. Thậm chí, các DN hiện nay cần phải tuân thủ và xây dựng các chuẩn mực về ESG (môi trường- trách nhiệm xã hội- quản trị minh bạch). Những yêu cầu này, đòi hỏi các khoản đầu tư mới của DN vào con người, đào tạo lao động, thiết bị và công nghệ mới. Thậm chí, cần tới các chuyên gia trong nước và nước ngoài để tham vấn. Do đó, khi các hoạt động đầu tư lỡ nhịp, các DN bị mất cơ hội thị trường thì điều tất yếu là các DN sẽ phải ngừng hoạt động.
Cùng với đó, sức mua ở thị trường toàn cầu giảm xuống rất rõ. Những năm qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều đánh giá thị trường có tốc độ giảm sút mạnh. Nếu như trước đây, tốc độ thương mại thường cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trên thị trường toàn cầu, điều này tạo ra cơ hội nhất là cho các quốc gia xuất khẩu. Nhưng sau dịch Covid-19, đến nay sức mua trên thị trường vẫn chưa phục hồi so với trước đại dịch, năm 2024 một vài thị trường lớn như Mỹ mới dần hồi phục, nhất là vào nửa cuối năm. Ngay cả thị trường châu Âu, Nhật Bản cũng có sự phục hồi chậm. Điều này, gây ra ảnh hưởng ngay lập tức đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, 2 năm vừa qua, trong các báo cáo hàng năm của các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu khác nhau đều đánh giá động lực tăng trưởng của nền kinh tế đạt 5-6% chủ yếu là động lực của FDI và đầu tư công. Còn động lực thứ 3 của nước ta là tiêu dùng nội địa thì mấy năm vừa rồi đều thấp, tới năm 2024 vẫn chưa đạt trở lại mức trước dịch Covid-19.
Với năm 2025, nhiều DN vẫn còn e ngại khi thị trường chưa hồi phục, nhưng tôi cho rằng, năm nay sẽ có triển động tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Một là, thị trường ở trên toàn cầu đang có xu hướng khôi phục tốt hơn, những tác động từ các cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, chiến tranh ở Trung Đông đang có triển vọng về hòa bình. Cùng với đó, tiêu dùng toàn cầu đang có xu hướng tốt lên, với các nền kinh tế lớn như châu Âu, Mỹ, khi tân Tổng thống Donald Trump nhận chức vào tháng 1/2025, với quan điểm “nước Mỹ trên hết” thì có thể tân Tổng thống sẽ dẫn dắt nền kinh tế Mỹ phục hồi và phát triển nhanh hơn.
Tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đều đưa ra những đường hướng mới và thể hiện rõ quyết tâm rất lớn về cải thiện nền kinh tế, trước hết là bằng thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, do đó với sự quyết tâm cao độ từ Trung ương tới địa phương về việc thúc đẩy cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện bộ máy thì chúng ta có thể hi vọng năm 2025 nền kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc. Ngay từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Việt Nam đã có một cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy để hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực. Nếu như, bộ máy nhà nước thực sự được tinh gọn, thì gần như ngay lập tức môi trường kinh doanh được cải thiện ngay, các DN được gỡ khó thì nền kinh tế năm 2025 được kỳ vọng sẽ bật lên. Tôi tin rằng, năm 2025 cũng là năm kết thúc của nhiệm kỳ 2020 – 2025, những năm đầu nhiệm kỳ bị ảnh hưởng của Covid-19 và những nhân tố không thuận lợi trên trị trường toàn cầu, do đó với sự quyết tâm và quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, việc sắp xếp lại bộ máy phải thực hiện trong quý 1/2025 thì chúng ta sẽ có đủ thời gian để hoàn thành thắng lợi nền kinh năm 2025, làm tiền đề cho nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Vậy theo bà, nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức nào đang tiềm ẩn và đâu là nút thắt cần tháo gỡ?
Theo tôi, nỗi lo lớn nhất của các DN hiện nay, kể cả vận hành trên trị trường nội địa hay trị trường toàn cầu đó là sự cạnh tranh của Trung Quốc. Các DN tại quốc gia này có sự vượt lên mạnh mẽ, bài bản, nhất là các kênh bán hàng vô cùng hiệu quả. Tôi có thể ví dụ như Temu đang rậm rịch vào thị trường Việt Nam cũng dấy lên nỗi lo rất lớn cho thị trường trong nước. Thậm chí, cả Mỹ, châu Âu, Thái Lan… các nền kinh tế này cũng đã đặt ra các “cảnh báo” về thương mạng điện tử của Trung Quốc. Tại Mỹ, quốc gia này đã bắt đầu đưa ra chính sách bãi bỏ quy định miễn thuế cho những mặt hàng, lô hàng có giá trị nhỏ (quy định De minimis). Tôi cho rằng, với Việt Nam có thể cũng cần phải xem xét lại và đã có ý kiến đề xuất về vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Theo thống kê hàng năm, Việt Nam đang nhập vài tỷ đô la hàng từ Trung Quốc hưởng theo quy chế của thương mại điện tử không bị áp thuế. Ngoài rẻ hơn về giá cả, chất lượng tốt, giao hàng nhanh, chi phí giao hàng thấp so với Việt Nam, thậm chí nhiều đơn hàng còn miễn phí vận chuyển với giá trị đơn hàng chỉ vài chục nghìn. Tôi đã đi khảo sát tại TP. HCM, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống có xu hướng đóng sạp hàng vì khó cạnh tranh. Điều này cũng dẫn tới các DN vừa và nhỏ mất đi một kênh phân phối, trong khi tiềm lực cho thương mại điện tử của nhóm DN này còn tương đối hạn chế. Ngoài Trung Quốc, các DN của Thái Lan ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Sau khi thâu tóm DN nội địa, các DN của Thái Lan bắt đầu mở rộng thị phần, thị trường, phân phối, họ làm lặng lẽ nhưng hiệu quả bởi hàng hóa của Thái Lan có độ tin cận cao hơn, có nhiều sản phẩm tương tự với Việt Nam, nhất là trong ngành thực phẩm. Cũng nói thêm là các thị trường bên ngoài ngày càng khó tính hơn. Liên minh châu Âu (EU) đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn mới về Xanh hóa, nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, bao bì đóng gói, thậm chí là yêu cầu về năng lượng tái tạo.
Nhưng với kỳ vọng về đổi mới, quyết tâm và sự đồng thuận cao của Trung ương, năm 2025 chúng ta sẽ có sự thay đổi rõ nét. Điều này sẽ giúp cho các DN hoạt động tốt hơn, bởi khu vực này sẽ quyết định cho tăng trưởng kinh tế, cho thu nhập của người lao động, cũng như tăng sức mua trên thị trường.
CẦN XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA DỆT MAY TRONG NỀN KINH TẾ
Ngành Dệt May Việt Nam năm 2024 cán mốc xuất khẩu gần 44 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với với 2023. Tuy nhiên, tổng cầu dệt may thế giới vẫn thấp hơn khoảng 8% so với 2022. Theo bà, chúng ta nên chuẩn bị gì cho những kịch bản xấu nhất của thị trường?
Tôi nghĩ, riêng đối với ngành dệt may thì thách thức lớn nhất cần phải tính đến, không phải chỉ của năm tới, mà cần định vị cho tương lai lâu dài. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục, từ vật liệu đầu vào cho đến mức độ tiêu dùng của giới trẻ, nhất là thế hệ GenZ, bởi đây là nhóm tuổi quyết định rất lớn về xu hướng tiêu dùng. Thế hệ này có xu hướng sống đơn giản hóa, thậm chí nhiều người theo phương châm tối giản, sẵn sàng trao đổi quần áo cũ với nhau khi các sản phẩm hết tính thời trang của mùa vụ. Mặt khác, thế giới đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, cần quan tâm tới thị trường của nhóm tuổi này. Có thể khả năng tiêu dùng của nhóm tuổi người già thấp, nhưng mức chi trả của nhóm tuổi này cao hơn. Đó có thể là một thị trường ngách lớn mà lâu nay nhiều DN dệt may còn đang bỏ ngỏ.
Còn về thị trường, đối với trị trường Mỹ cần phải tính toán để có thể hợp tác với các DN ở quốc gia này về phần cung cấp đầu vào, ví du như nhập bông, sợi… tận dụng được sự đồng tình của Hiệp hội Dệt May Hoa Kỳ (TSA) – bởi đây là tổ chức có tiếng nói tại quốc gia này, và nếu tân Tổng thống Donald Trump có thể đe dọa đánh thuế với các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, thì chúng ta có thể được coi là đối tác quan trọng của TSA.
Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung trước đây, các nghiên cứu đều công nhận Việt Nam được hưởng lợi khi có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như chiến tranh thương mại có quay trở lại dưới thời của Thổng thống Donald Trump, thì Việt Nam cần đề phòng chính là các DN Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, và điều tôi lo ngại chính là Mỹ có thể coi là Việt Nam là “đồng phạm” khi sản xuất đơn hàng cho Trung Quốc từ Việt Nam tránh thuế. Điều này có thể gây ra sự trừng phạt của “Nhà Trắng” với ngành Dệt May Việt Nam.
Với xuất khẩu dệt may, Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất xuất khẩu vào thị trường này, tuy nhiên các chính sách của Hoa Kỳ gần đây có nhiều bất lợi với các DN xuất khẩu, khi kiểm tra nguồn gốc lô hàng ngày càng khắt khe hơn. Vậy theo bà, các DN dệt may tại Việt Nam cần phải lên kịch bản thế nào nếu như các chính sách bảo hộ mới của Donald Trump có thể siết chặt hơn?
Theo tôi, cần phải minh bạch, ngay từ khâu quản trị, áp dụng ESG trong hệ thống quản trị, từ những nguyên liệu đầu cho tới sản phẩm đầu ra. Hiện, các cơ quan hữu quan, hải quan hay các nhà nhập khẩu họ cũng đã xây dựng các hệ thống để theo dõi được quy trình của sản phẩm. Do đó, khi các lô hàng bị kiểm tra, thì việc áp dụng ESG trong sản xuất, các DN có thể chứng minh được ngay về nguồn gốc lô hàng, tránh các rủi ro đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng về tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng để được hưởng ưu đãi từ thuế suất. Với Mỹ có thể cân nhắc nhập khẩu vải từ các nước có FTA với Mỹ ví dụ như Hàn Quốc, để minh bạch tối đa trong sản xuất. Đồng thời, tìm hiểu kỹ các đối tác, nguồn gốc rõ ràng nguyên phụ liệu, yêu cầu đầy đủ các chứng từ trước khi bắt đầu sản xuất.
CẦN CƠ CHẾ “NUÔI DƯỠNG DOANH NGHIỆP TRONG KHỦNG HOẢNG”
Thị trường chạm đáy, các DN dệt may nhất là DN sợi gặp khó khăn về nguồn vốn, dòng tiền, thậm chí sản xuất liên tục lỗ để duy trì việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng không nới room cho vay khiến nhiều DN gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn và dòng tiền. Theo bà, vai trò của Ngân hàng Nhà nước thế nào để hỗ trợ các DN gặp khó khăn?
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý đưa ra chính sách về tiền tệ, nhưng vấn đề cần phải có những chính sách khác liên quan từ Chính phủ. Cần phải có hoạch địch rõ ràng, nếu vẫn coi trọng dệt may là một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho kinh tế, xã hội. Tôi cho rằng, ngành dệt may cần thể hiện rõ với Nhà nước về tầm quan trọng, vị trí của ngành và tương lai của ngành. Nếu như chiến lược của Việt Nam vẫn quyết tâm giữ ngành dệt may là một ngành kinh tế chủ lực, thì Nhà nước phải có những chính sách quan trọng để giúp cho ngành duy trì, nhất là khi có những thời điểm nhất định cần tập trung để cho các DN trong ngành vượt lên, ví dụ như: các điều kiện về tín dụng, giảm thuế, giảm lãi tín dụng. Tất nhiên các ngân hàng thương mại đều vận hành trên cơ sở rủi ro, nguyên tắc của mỗi đơn vị, nhưng ở đây cần đến vai trò của Nhà nước với những chỉ đạo, chỉ dẫn, chứ không phải cứ giảm thuế, giảm lãi chung cho các ngành như nhau.
Có thể cần có cơ chế “nuôi dưỡng doanh nghiệp trong khủng hoảng”, ví dụ tại Mỹ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008 đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành ô tô của nước này, Mỹ đã hỗ trợ hàng tỷ đô la cho các DN lớn giúp DN vượt qua khủng hoảng. Ở đây cũng có thể áp dụng với dệt may trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với các DN ngành nguyên phụ liệu như ngành sợi.
Tôi vẫn nói rằng, Việt Nam rất cần công nghệ cao, nhưng đồng thời Việt Nam cũng cần những ngành khác để nuôi vài chục triệu người lao động. Hiện lao động ở Việt Nam khoảng 56 triệu lao động và tương lai mức độ tăng trưởng lao động có thể thấp đi, nhưng vẫn ở ngưỡng 60 triệu lao động. Dệt may vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, do đó đây vẫn có thể là ngành giải bài toán việc làm cho lao động trong nước.
Bà nhận định thế nào về vai trò của DN dệt may đối với kỷ nguyên mới của đất nước ở vị trí nào, và tương lai của ngành có còn giữ vị thế là ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước hay không?
Tôi tin kỷ nguyên mới Việt Nam sẽ có rất nhiều điều mới và ngành dệt may sẽ có sự “lột xác” của riêng mình, đó là nhà máy xanh, dây chuyển hiện đại, công nghệ mới đưa vào sản xuất, xây dựng đội ngũ thiết kế- thời trang… tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho ngành. Hơn hết, người Việt Nam vốn dĩ có nhiều tài năng trong lĩnh vực này, nhờ vào khả năng đổi mới, sáng tạo, cũng như nâng cấp kỹ năng tay nghề. Tôi tin rằng, theo chủ trương chung của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, ngành dệt may sẽ có khởi sắc và triển vọng cho phát triển. Tiếp nối truyền thống từ khi đất nước mở cửa, ngành dệt may từ chỗ là ngành phục vụ nhu cầu trong nước, đã vươn lên đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu dệt may, đặc biệt là vào các thị trường khó tính. Do đó, trong thời gian tới, ngành Dệt May Việt Nam cần viết tiếp truyền thống tự hào, với bề dày phát triển để tiếp tục là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn bà!
Quang Nam (thực hiện)