Để năm 2025 có kết quả tốt cần những tiến bộ vượt bậc


2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai xảy ra nặng nề ở trong và ngoài nước. Với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và những chính sách phù hợp, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 – 7%. Kết quả này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước Covid-19. Tuy nhiên, để năm 2025 có kết quả tốt hơn, cần những đột phá và tiến bộ vượt bậc. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) xác định, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản về thị trường, tài chính cũng như nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của thị trường dệt may trong và ngoài nước.

Những tín hiệu tích cực

Thị trường dệt may thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm khi các Ngân hàng Trung ương lớn như FED, ECB phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất điều hành và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện. Ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với nǎm 2022.

Ngành Dệt May Việt Nam cũng đứng trước cơ hội quay trở lại vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới với kim ngạch khoảng 44 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên vấn đề về hạn chế hạ tầng logistics, thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả SXKD cải thiện rõ rệt từ quý 3/2024, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm 2024. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến SXKD chưa có hiệu quả. Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Tập đoàn đã bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả: Doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% cùng kỳ; Thu nhập bình quân đạt 10,1 triệu đồng, bằng 106,9% cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, Vinatex đã thành lập Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh thời trang trên cơ sở kiện toàn Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Vinatex. Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP) giúp các DN tăng năng lực quản lý và năng suất lao động. Tiếp tục triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong DN dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành Dệt May (tổ chức Hội nghị/hội thảo về phát triển bền vững, báo cáo ESG – môi trường, xã hội và quản trị; chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải cho ngành dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối Hưng Yên, hướng tới xây dựng KCN dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía Bắc)…

Năm 2024, Vinatex cũng đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, Vinatex cũng hướng đến hỗ trợ các DN triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực trên nền tảng số (ERP) phù hợp quy mô, giúp năng lực quản lý, năng suất lao động quản lý diễn ra nhanh và chính xác mà không cần sử dụng đến người lao động trực tiếp, hệ số giữa lao động gián tiếp và lao động trực tiếp không bị tăng lên. Tập đoàn sát sao, cụ thể, minh bạch trong giám sát kế hoạch SXKD của các đơn vị, kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho các DN khó khăn, SXKD chưa hiệu quả…

Ban SXKD May đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đơn vị còn khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như tái cơ cấu lại hoạt động; điều động nhân sự quản lý, sắp xếp lại lao động, thay đổi thu nhập để thu hút lao động; tuyển dụng, đào tạo nhân sự thị trường… Công tác dự báo thị trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác quản trị sản xuất và hệ thống hoạt động tích cực tại từng đơn vị, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp quản trị sản xuất có kết quả rõ nét đối với các đơn vị may còn yếu; công tác tổ chức, tái cơ cấu một số nhà máy, hoạt động khảo sát, đánh giá hệ thống sản xuất và máy móc thiết bị công nghệ được thực hiện tại các đơn vị bước đầu có hiệu quả…

Ban SXKD Sợi đã thay đổi đáng kể cách thức phối hợp để thực hiện nhiệm vụ SXKD Sợi của Tập đoàn, từ đó đã giúp: (i) Minh bạch về thông tin quản trị; (ii) Quản trị sản xuất đã nâng lên một tầm cao mới; (iii) Hỗ trợ nội bộ về tài chính giúp cho không có đơn vị nào rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán mặc dù lỗ khá sâu sau hơn 2 năm; (iv) Kết quả từ việc quản trị chung giúp giảm xấp xỉ 90% mức lỗ trong năm 2024 so với năm 2023, trong khi nhiều doanh nghiệp sợi bên ngoài Vinatex phải đóng cửa do khó khăn.

Vững bước đón 2025

Theo dự báo, năm 2025 vẫn là một năm khó đoán định và nhiều thách thức, cần được theo dõi, cập nhật liên tục. Theo báo cáo tháng 10/2024 về Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF, kinh tế toàn cầu dự kiến tǎng trưởng đều ở mức 3,2% trong 2 nǎm 2024 và 2025 (giảm 0,1% so với mức tăng trưởng năm 2023). Trong đó, có sự phục hồi từ các nền kinh tế phát triển (từ 1,7% năm 2023 lên 1,8% trong 2 năm tiếp theo) khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng và lạm phát dần về mức mục tiêu 2%. Rủi ro về nguy cơ suy thoái được dự báo không có xác suất xảy ra trong năm 2025. Tuy nhiên, tình hình địa – chính trị sẽ là nhân tố ảnh hưởng chính cho những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến chống lạm phát về cơ bản đã có kết quả khi lạm phát giảm từ đỉnh 9,4% trong quý 3/2022 về mức thấp nhất được dự báo 3,5% trong nǎm 2025 thấp hơn mức trung bình 3,6% trong giai đoạn 2000-2019. Tuy nhiên IMF chỉ ra một số rủi ro có ảnh hưởng chính đến triển vọng tăng trưởng năm 2025 bao gồm: nguy cơ gián đoạn/đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như trì hoãn quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ do xung đột tại các khu vực leo thang và thời tiết cực đoạn do biến đổi khí hậu; tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc (chủ yếu do tác động từ lĩnh vực bất động sản) có thể tạo ra sự lan tỏa tiêu cực trên toàn cầu do vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu; và các chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tǎng.

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong năm 2025. Việc Mỹ áp thêm thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh trong đó có Việt Nam đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ 4, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho rằng, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nên diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025. Năm 2025, địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn…

Bám sát diễn biến của nền kinh tế và thị trường dệt may với những phân tích, đánh giá trên cơ sở khoa học và thực tiễn, Vinatex nhận định thách thức của năm 2025 cũng sẽ không ít hơn các năm vừa qua. Kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, sự phục hồi trở lại của các đối thủ cạnh tranh sau một năm bất ổn sẽ đưa nguồn cung trở lại rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những điểm sáng trước đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, Vinatex đặt mục tiêu phấn đấu tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024.

Để vững bước đón đà tăng trưởng trong năm 2025, ngành sợi Vinatex tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban SXKD Sợi, đặc biệt là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Nghiên cứu thị trường chuyên sâu (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh) và thị trường nguyên liệu để dự báo; Tìm kiếm và tổ chức tiếp cận ở cấp Tập đoàn các chuỗi cung ứng lớn; đưa hệ thống sợi Vinatex tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Chuẩn hóa dữ liệu quản trị và phương thức hạch toán, ứng dụng các giải pháp quản trị như Power BI để các đơn vị tự lưu trữ dữ liệu và tự so sánh hiệu quả hoạt động với các đơn vị khác. Xây dựng kế hoạch đổi mới chiều sâu về thiết bị công nghệ, bảo đảm chất lượng sợi trong nội bộ và duy trì thị trường nội bộ bằng chất lượng và giá bán theo thị trường.

Nhằm tạo sức bật cho ngành may nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, các hoạt động của Ban SXKD May tập trung gắn kết với các doanh nghiệp trong Tập đoàn để hình thành năng lực cạnh tranh của ngành may toàn Tập đoàn; Gắn kết giữa ngành may và các đơn vị dệt nhuộm trên cơ sở ngành may là động lực kéo, là định hướng sản xuất và đầu tư cho cả sợi, dệt. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư  cho kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất, giảm sự phụ thuộc vào lao động. Nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư thử nghiệm các nhà máy may thông minh cấp Tập đoàn…

Bài: PV


Các tin khác