Để hàng Việt chạm người tiêu dùng Việt


Tạo bản sắc riêng, tìm lối đi riêng trong thiết kế, nguyên liệu cho sản phẩm thời trang cùng với sự tiếp cận thân thiện, hướng về ưu tiên dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng, đồng thời “phủ sóng” diện rộng để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu… là cách nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Mở rộng liên kết chuỗi

Bắt nhịp với xu thế toàn cầu hóa, các doanh nghiệp thuộc Vinatex không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong chiến lược đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, định hướng chuyển dịch sản xuất từ phương thức gia công (CMT) sang phương thức sản xuất trọn gói (ODM) với tỷ lệ nội địa hóa cao, khuyến khích sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nhau, nhằm tăng giá trị gia tăng, dịch chuyển lên phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng may mặc toàn cầu đồng thời hướng tới phát triển bền vững. Phát triển công tác cung ứng nguyên liệu dệt may theo hướng liên kết chuỗi nhằm mục đích tăng tỷ lệ nội địa hóa, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nhau, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Hợp tác song phương về ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau nhằm khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hoá nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

hực tế những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị trí trên thị trường thời trang nội địa, như: Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May Nhà Bè-CTCP, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty CP Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội, Công ty CP Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP May Nam Định…

Theo đó, trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2020 đến năm 2024, Vinatex ngoài thúc đẩy xuất khẩu đã phát triển, mở rộng mạng lưới kinh doanh thị trường nội địa, với doanh thu nội địa của Vinatex cho cả 5 năm đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng, chiếm bình quân 20% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng đẩy mạnh mảng may đồng phục với đối tác là các khách hàng lớn như: Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công ty dịch vụ mặt  đất sân bay Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (mảng bảo hộ lao động), khối doanh nghiệp và trường học… với doanh thu sản xuất hàng năm trung bình vào khoảng 200 tỷ đồng.

Đồng thời, trong điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thói quen tiêu dùng của khách hàng có nhiều thay đổi, nhiều doanh nghiệp dệt may tiếp tục giới thiệu đến khách hàng trong nước những sản phẩm thời trang chất lượng thông qua các nền tảng online.

Mang chất lượng, nhận niềm tin

Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh Vinatex từ khi đi vào hoạt động đến nay, với tiêu chí 100% là hàng dệt may Việt Nam, toàn bộ sản phẩm bày bán tại Trung tâm đều được sản xuất trong nước bởi những thương hiệu thời trang uy tín và chất lượng trên thị trường. Với chủng loại sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, phù hợp với nhiều độ tuổi, sở thích cũng như mục đích sử dụng nên Trung tâm hiện đang là điểm đến mua sắm thuận tiện và đáng tin cậy cho người tin dùng hàng Việt.

Sau thời gian hoạt động, tính đến nay Trung tâm thời trang Vinatex đã thu hút được hơn 100 nhà cung cấp cả ba miền Bắc – Trung – Nam với trên 60.000 mã hàng. Trung tâm đã tiêu thụ hơn 500.000 sản phẩm/ năm, đạt doanh số 100 tỷ đồng/năm và đáp ứng nhu cầu mua sắm cho hơn 300 lượt khách/ngày. Qua kết quả trên cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm và tin dùng hàng nội địa.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút thêm nhiều khách hàng. Trung tâm thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát ý kiến khách hàng, từ đó và phân tích thị hiếu mua sắm của khách hàng, tìm kiếm bổ sung những chủng loại hàng còn thiếu. Luôn đề cao chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, các sản phẩm bày bán tại Trung tâm được kiểm duyệt rất cẩn thận và kỹ lưỡng, theo đúng quy chuẩn: 100% hàng sản xuất tại Việt Nam; Thương hiệu phải được đăng ký của Cục sở hữu trí tuệ; Sản phẩm phải được đăng ký mã vạch của Cục đo lường; Sản phẩm phải có giấy chứng nhận Hợp Quy CR, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng

Để các sản phẩm Việt có thể đến tay người tiêu dùng được nhiều nhất, hàng tháng Trung tâm đều phối hợp các nhà cung cấp đang hợp tác kinh doanh tại Trung tâm xây dựng các chương trình khuyến mại giảm giá sâu thu hút khách hàng và kích cầu mua sắm. Trung tâm cũng chú trọng nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng qua công nghệ sốl tìm hiểu xu thế thị trường để cùng nhà cung cấp mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thời trang, tiêu dùng thân thiện, sử dụng nguyên liệu tái chế, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Bám sát chiến lược phát triển bền vững của Vinatex, và để sản phẩm thời trang Việt chạm đến người tiêu dùng Việt, Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh Vinatex đặt ra mục tiêu: “Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”.

Bài: PV


Các tin khác