Để các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế phát huy tối đa tác dụng


Như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn rất khó khăn đối với nền kinh tế khi chúng ta phải vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo; đại dịch Covid-19, xung đột khu vực, cùng với thảm họa thiên tai, khí hậu thất thường… đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Quốc hội đã rất nhạy bén, phản ứng chính sách khá kịp thời, hướng nền kinh tế tới những phản ứng thích hợp. Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ được ban hành kịp thời cho cả giai đoạn ngắn hạn và trung hạn phục vụ mục tiêu sớm phục hồi và phát triển sản xuất, ổn định dân cư.

Nhìn chung, nước ta đã cơ bản vượt qua được những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn nhờ các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phát huy tác dụng và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt, chủ động.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư công vào kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, thủy lợi, năng lượng, công trình dự án thích ứng với biến đổi khí hậu nên môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện một bước. Thứ hạng của Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng so với năm trước ở một số bảng xếp hạng. Ví dụ như: trình độ phát triển thị trường tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84; chỉ số thành phần tự do kinh doanh tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm); chỉ số phát triển Chính phủ điện tử giữ hạng 86. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng nền kinh tế vẫn chưa có nhiều thay đổi về chất, từ cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm, năng suất, chất lượng, hiệu quả đến sức cạnh tranh, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khi chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 – 2023 khoảng 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức 12,5 – 13% của kế hoạch 5 năm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giữa nhiệm kỳ và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vay vốn. Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh – sạch, các-bon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu trong khi yêu cầu từ các thị trường truyền thống ngày càng được nâng lên.

Từ những chính sách có hiệu lực, hiệu quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận như: chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nhất là thuế giá trị gia tăng mà hiện nay vẫn tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 101/2023/QH15; chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chúng ta có thể thấy nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong lúc nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế và lại càng eo hẹp hơn do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu.

Chính sách tiền tệ vừa đảm bảo cùng lúc vừa giảm mạnh lãi suất cho vay vừa mở rộng tín dụng, vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Không thể phủ nhận, khó khăn của nền kinh tế là khó khăn chung, cả doanh nghiệp, cả ngân hàng đều khó khăn. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị thì vị thế của các ngân hàng cao hơn nên mặc dù các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kích cầu đầu tư, tiêu dùng dù nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu do nhiều nguyên nhân khách quan của thị trường, ngành ngân hàng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để cắt giảm chi phí, giảm hợp lý lãi suất cho vay so với tỷ lệ đầu vào huy động, công khai, minh bạch hơn, tránh bị “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”, doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” chi phối…

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khó khăn riêng của từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh do tình hình thị trường ảm đạm, đứt gãy chuỗi cung ứng, logistics, nên chăng, trong khả năng của ngân sách nhà nước và khi các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều đang ở mức thấp so với luật định, Chính phủ tính toán đề xuất với Quốc hội ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí… đang phát huy hiệu lực, hiệu quả tốt để hỗ trợ duy trì, khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đó có thể là chính sách thuế, phí như: thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt….

Ngoài việc doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện tính công khai, minh bạch về tài chính, tài sản, tính khả thi của các phương án kinh doanh, dự án đầu tư nhằm đáp ứng các chuẩn mực tín dụng để tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ, quản trị, tìm kiếm thị trường mới, thì các chính sách tín dụng linh hoạt cho doanh nghiệp hay dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động… nên được thiết kế mới, bổ sung hoặc kéo dài việc thực hiện.

Các chính sách tài chính, tín dụng nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy giảm thị trường xuất khẩu như: dệt may, da giày, đồ gỗ, cơ khí chế tạo,… gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nội bộ các ngành kinh tế, từng doanh nghiệp cụ thể, nhất là những mục tiêu quan trọng như: năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, thị trường lao động… vì chỉ khi các loại thị trường phát triển đồng bộ thì mới có thể nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội, nhất là đối với thị trường có yếu tố sản xuất; một số quy định về đầu tư, cơ chế tài chính trong chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và hoạt động, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp cũng cần được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và những thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thể hiện rất rõ ở một số doanh nghiệp lớn như Vinatex, PetroVietnam,…

Khó khăn có vẻ còn kéo dài khi thế giới khó có thể trở lại như trước khi xảy ra xung đột Nga- Ucraine với các tranh chấp địa chính trị, địa kinh tế gay gắt đã và đang xảy ra ở nhiều điểm nóng trên trái đất, nhất là khi địa kinh tế và địa chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau, cho nên thay vì ngóng trông sự thay đổi màu nhiệm của thị trường, các doanh nghiệp hãy tập trung vào giải quyết những vấn đề nội tại của doanh nghiệp để tăng cường năng lực cạnh tranh, năng lực chống chịu của chính mình.

Dù cách tiếp cận thế nào thì doanh nghiệp vẫn là xương sống, hồn cốt của nền kinh tế, nguồn thu của tài chính quốc gia. Cho nên, hỗ trợ đúng và trúng cho doanh nghiệp, chính là đầu tư để tăng cường tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh quốc gia trong bài toán chi phí – hiệu quả mà khi đánh giá tác động của bất kỳ chính sách nào ta cũng cần xem xét một cách thấu đáo. Đó cũng chính là sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.


Các tin khác